You are here

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Thái Hạo

Ảnh của tuongnangtien

Bằng khoảng giờ này năm ngoái, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên được mời đọc tham luận trong một buổi hội thảo (“Hoài Cố Nhân – Kỷ Niệm 100 Năm Ngày Sinh Nhà Văn Võ Hồng”) do đại học Phú Yên tổ chức. Diễn giả, tuy thế, đã không thể có mặt vì sự can thiệp “thô bạo” của chính quyền địa phương (vào giờ phút cuối) như tường thuật của chính ông – qua FB:

Nhưng sáng thứ Sáu (22/4/22) tôi nhận được điện gọi của người trong ban tổ chức báo là tuyên giáo tỉnh Phú Yên yêu cầu họ không được để tôi và hai người nữa (trong đó có nhà văn miền Nam cũ Nguyễn Lê Uyên tức Đoàn Việt Hùng) tham dự hội thảo, bài của cả ba không được đưa vào kỷ yếu. Lý do bên an ninh đưa ra, theo người của ban tổ chức cho biết, là do tôi tham gia“Văn Đoàn Độc Lập”.

Tôi không lạ và không bất ngờ trước sự việc này đối với mình. Nhưng đây là một hành động thô bạo của công an Phú Yên can thiệp vào một hội thảo khoa học quốc gia về một nhà văn nổi tiếng của tỉnh nhà… Tôi không buồn cho mình, chỉ buồn cho tỉnh Phú Yên…

Năm nay thì “nỗi buồn Phú Yên” đã dời qua Thanh Hóa,” và cũng vẫn “buồn” y như năm trước, chỉ có mỗi “nạn nhân” là khác thôi – theo như nguyên văn lời của người trong cuộc:

Theo thư mời từ ban tổ chức là Cty sách Quảng Văn, nxb Phụ nữ và một trường học trên địa bàn TP Thanh Hóa, bắt đầu từ sáng mai tôi cùng một số diễn giả khác sẽ có buổi trò chuyện với các em học sinh, phụ huynh và bạn đọc yêu mến sách vở.

Tuy nhiên tôi lại không thể có mặt.

Lý do: ban tổ chức gọi điện báo cho tôi biết rằng “có ý kiến của bên an ninh về ‘trường hợp’ khách mời Thái Hạo”, và đành phải thành thật xin lỗi… Tôi không muốn bình luận gì thêm về sự kiện này. Vì tự nó đã là một lời bình luận cô đọng nhưng đầy đủ và sâu sắc nhất

Tuy Thái Hạo “không muốn bình luận gì thêm về sự kiện này” nhưng đồng nghiệp/ thân hữu/ độc giả của ông thì không được mát tính (hay bình tâm) như thế, trước mọi sách nhiễu phi lý (kể cả việc bạo hành) đã từng xẩy ra cho nhà thơ của họ:

  • Thận Nhiên: “Giận dữ & cay đắng.”
  • Lao Ta :“Nếu những gì kể lại của nhà thơ Thái Hạo là sự thật 100%, thì đất nước mình, vốn rất ít đóng góp cho nhân loại những chuyện hay, nhưng lại kì tài trong việc tạo ra những chuyện chả ra gì.”
  • Nguyên Tống: “Thực sự chán, không hiểu họ đang định dẫn dắt xã hội về đâu?!”
  •  Ninh Duy: “Số phận của nước Lỗ đã an bài. Không còn cơ hội đi về phía văn minh.”
  • Nguyễn Trường Sơn: “Tôi luôn ước ao tư tưởng khai sáng được truyền bá và thực thi trên đất nước việt, chúng ta đã từng có Phan Châu Trinh và sẽ cần có những con người yêu nước như Thái hạo.”

Lời bình thượng dẫn khiến tôi nhớ đến đôi bài diễn thuyết hùng hồn của cụ Phan, gần trăm năm trước: “Đạo Đức Luân Lý Đông Tây” (19/11/1925) và “Quân Trị Chủ Nghĩa Dân Trị Chủ Nghĩa” (27/11/1925) tại Hội Thanh Niên Sài Gòn. Cả hai đều được ví von là “hai quả bom nổ tung giữa thành phố Sài Gòn.”

Trước đó không lâu, chính xác là đúng trăm năm trước, Nguyễn An Ninh cũng đã từng có những hoạt động tương tự:

Ông tổ chức mít tính, diễn thuyết, viết báo, hăng hái đấu tranh với chính quyền thực dân bóc lột. Cuộc đời ông có hai lần diễn thuyết lớn. Lần đầu là đêm ngày 25/1/1923 với đề tài “Nền văn hóa Việt Nam”. Lần thứ hai là vào đêm 15/10/1923 với đề tài “Lý tưởng thanh niên An Nam.”

 Tiếng vang qua hai bài diễn thuyết của Nguyễn An Ninh đã tác động mạnh đến dư luận thanh niên và trí thức Sài Gòn, đã làm đau đầu chính quyền thống trị. Thống đốc Nam Kỳ lúc đó là Cognacq phải gọi ông lên dinh để mong bịt miệng. Dụ dỗ không thành, Cognacq đã ra lệnh cấm Nguyễn An Ninh diễn thuyết hay tụ họp bất cứ nơi đâu.

Không thể tiếp tục đấu tranh bằng lời, ông chuyển sang đấu tranh bằng ngòi bút. Ông cho ra đời báo La Cloche Fêlée (Chuông rè) bằng Pháp văn với người quản lý Pháp lai tên Eugène Dejean de la Bâtie vào ngày 10/12/1923. Mặc dù lo sợ nhưng không cấm đoán được, viên Thống đốc Cognacq và nhà cầm quyền Pháp chủ trương đánh phá La Cloche Fêlée.

Bất cứ ai cầm tờ báo trên tay cũng bị mật thám theo dõi, bị đuổi học, đuổi việc. Chủ nhà in, thợ sắp chữ liên tục bị hăm dọa. Báo phải đổi nhà in, chủ báo Nguyễn An Ninh vừa là ký giả, vừa phụ xếp chữ với thợ, sửa bản vỗ, làm long tong. Sau khi in xong, đích thân Nguyễn An Ninh mặc đồ dài, tay ôm sấp báo đứng bán ở góc đường … (Lê Văn Thử. Hội Kín Nguyễn An Ninh: nxb Thế Giới, 2021).

Trăm năm sau – sau khi chủ nghĩa thực dân đã mồ yên mả đẹp, đất nước sạch bóng quân thù, xứ sở nước hòa bình, Bắc/Nam thống nhất, Nam/Bắc hòa lời ca … – thử hình dung xem: nếu nhà thơ Thái Hạo (sau khi bị bịt miệng) cũng thản nhiên “cho ra đời một tờ báo,” rồi “đích thân tay ôm sấp báo đứng bán ở góc đường …” thì sao há?

Bị hốt liền và đi tù là cái chắc, chứ chả phải xem/xét (sao/sáo hay há/ha) gì cả. Tội danh thì đã có sẵn rồi (“làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm chống nhà nước …”) điều luật cũng thế (không thiếu 88, 116, 117, 258 …) và chỉ đợi đến lúc đối tượng bị điệu ra tòa là chụp lên đầu thôi.

Phạm Chí Dũng, Lê Văn Dũng (Dũng Vova), Trương Văn Dũng, Nguyễn Thúy Hạnh, Phạm Thành, Nguyễn Lân Thắng, Bùi Văn Thuận, Nguyễn Tường Thụy, Phạm Đoan Trang … là những tù nhân lương tâm mới. Họ đều bị giam cầm về những cáo buộc mơ hồ (và hàm hồ) như thế.

L.S Trịnh Hữu Long nhận xét: “Có hằng hà sa số điều luật có vấn đề nghiêm trọng trong Bộ luật Hình sự nói riêng và luật Việt Nam nói chung, nhưng Điều 331 của Bộ luật Hình sự là một điều luật có vấn đề… đặc biệt nghiêm trọng. Nó đặc biệt nghiêm trọng vì nó hoàn toàn thừa thãi.”

Nhà báo Hiếu Chân thêm: “Tệ hại hơn nữa, điều 331 BLHS tạo ra tâm lý sợ hãi bao trùm xã hội, khiến cho người dân ngoảnh mặt che mắt trước những vấn đề chung,‘không nghe, không thấy, không biết’ vì các ý kiến, quan điểm của họ có thể không vừa lòng kẻ cầm quyền, có khi chuốc lấy tai họa!”

Thì hồi đó Nguyễn An Ninh cũng tù thấy mẹ luôn, chớ bộ không sao?

Đúng thế! Tuy thế, tuy là một người dân thuộc xứ sở bị trị – ít nhất – Nguyễn An Ninh cũng đã thực hiện được những quyền tự do căn bản: tự do ngôn luận, tự do di chuyển và cư trú … Ông qua lại Paris đều đều nhưng chưa bao giờ bị “công an cửa khẩu” tịch thu thông hành hay làm khó dễ gì ráo trọi. Chứ không bị cho “ăn bánh canh” hay bị hành hung khi bước chân ra khỏi nhà, như Thái Hạo bây giờ.

Tuy cũng bị mang tiếng ít nhiều là tàn ác nhưng cơ quan an ninh Deuxième Bureau (tụi Phòng Nhì của Pháp) vẫn còn tôn trọng luật lệ, chứ không dám hành động càn rỡ và vô thiên/vô pháp như đám công an cộng sản Việt Nam. Chả phải là vô cớ mà đã có lúc nhà thơ Nguyễn Chí Thiện phải buông lời cảm thán:

Ôi, thằng Tây mà trước kia người dân không tiếc máu xương đánh đuổi
Nay họ xót xa luyến tiếc vô chừng
Nhờ vuốt nanh của lũ thú rừng
Mà bàn tay tên cai trị thực dân hóa ra êm ả!

Có lẽ cũng không “êm ả” lắm đâu nhưng vẫn đỡ “sốc” hơn là cuộc sống trong một quốc gia Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc mà mọi người buộc “phải ngậm chặt miệng để giữ lấy sinh mạng” – theo như nguyên văn lời của nhà thơ Thái Hạo khi viết về loài cuốc, một giống chim đang dần tuyệt chủng tại Việt Nam!