You are here

Những nguy hại khi sửa Luật Đất Đai

Ảnh của nguyenngocgia

Báo Người Lao Động ra ngày 10 tháng Ba năm 2023 có bài [1] "Xôn xao hội nghị lấy ý kiến của trẻ em vào dự thảo Luật Đất Đai sửa đổi". Bài báo cho biết, nhiều người cho rằng, ngay cả người lớn chưa chắc đã đủ khả năng để hiểu về Luật Đất Đai. Cho nên, lấy ý kiến của trẻ em là một câu chuyện trào phúng - vốn chỉ nên xuất hiện trên sân khấu hài kịch.

Càng đáng kinh ngạc về trình độ của những người có "sáng kiến" đưa trẻ em vào diện lấy ý kiến về Luật Đất Đai, khi trang thuvienphapluat [2] trả lời thắc mắc của độc giả băn khoăn về câu chuyện "lấy ý kiến trẻ em", vốn "có một không hai" trong suốt gần nửa thế kỷ, kể từ 1975. Trích nguyên văn:
 
Hỏi:  Trẻ em có phải là đối tượng lấy ý kiến về dự thảo luật đất đai?

Trả lời: Theo khoản 1 Điều 4 Nghị quyết 671/NQ-UBTVQH15 năm 2022, các đối tượng lấy ý kiến dự thảo luật đất đai bao gồm:

- Các tầng lớp Nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài;

- Các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội thành viên của Mặt trận, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội;

- Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các tổ chức kinh tế khác;

- Các viện nghiên cứu, trường đại học và chuyên gia, nhà khoa học.

Như vậy, trẻ em là đối tượng thuộc tầng lớp Nhân dân ở Việt Nam nên sẽ được lấy ý kiến về dự thảo luật đất đai (hết trích).

Định nghĩa khôi hài từ trang thuvienphapluat - trẻ em là đối tượng thuộc tầng lớp nhân dân - được "gia cố chắc chắn" thêm, từ ông Hà Đình Bốn - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội) bằng cách trả lời với phóng viên Vietnamnet rằng [3]: "Luật quy định lấy ý kiến toàn dân, tức là không loại trừ đối tượng nào".

Theo cách giải thích của "con nhà luật" như thượng dẫn, khi Hiến pháp 2013 được đưa ra để "lấy ý kiến nhân dân", người ta không thấy trẻ em nằm trong diện cần lấy ý kiến cho Hiến pháp [4], đang được sửa đổi vào lúc bấy giờ (!).

Quả thật, Luật và các định nghĩa xoay quanh Luật - khi "rơi vào tay" những "nhà luật học" được dạy dỗ hàng chục năm "dưới mái trường xã hội chủ nghĩa", bỗng trở thành một thứ hổ lốn - hỗn tạp. Bất kỳ một "luật gia" hay "luật sư" nào cũng có thể tạo ra một thứ gọi là "định nghĩa luật". Trong khi đó, khoản 2 điều 159 Luật Ban hành Văn bản Quy phạm Pháp luật đã quy định rõ ràng "Ủy ban thường vụ Quốc hội tự mình hoặc theo đề nghị của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quyết định việc giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh".

Nguy hại hơn và quan trọng nhứt trong Luật Đất Đai sửa đổi là việc ghi tên tất cả các thành viên hộ gia đình vào trong "sổ đỏ":

1. Không có "sổ hộ khẩu" tức không có "hộ gia đình". Nguy hại này đồng nghĩa buộc Chính phủ phải tốn rất nhiều công sức và ngân sách để "tái sinh" lại "sổ hộ khẩu", vốn vừa được hủy bỏ, để thay bằng cách quản lý văn minh - hiện đại hơn.

2. Mảnh đất (dù là đất nông nghiệp hay phi nông nghiệp), lại được căn cứ vào "hộ gia đình" mà chắc chắn có những thành viên trong gia đình không hề góp công - góp của vào hình thành nên mảnh đất đó, như: con ruột (cha mẹ nuôi nấng từ tấm bé đến khi trưởng thành), con dâu - con rể (chuyển khẩu về ở chung), các cháu nội - ngoại (hoàn toàn phụ thuộc vào ông bà - cha mẹ chúng) và các trường hợp khác (như bà con xin được nhập khẩu cho tiện việc sinh hoạt, làm việc, đi lại v.v...). Nếu ghi tất cả những người này vào trong "sổ đỏ", mặc nhiên, công nhận họ có quyền và lợi ích gọi là "hợp pháp"  theo quy định của nhà cầm quyền CSVN.

3. Từ lý do thứ nhì (kể trên), rất dễ dàng sinh ra tranh chấp và tranh giành mảnh đất, vốn họ không hề có công - có của gì trong đó.

4. Phát sinh những nguy hại khôn lường về các quyền khác, như: quyền thừa kế, quyền cho - tặng mà luật pháp nước CHXHCNVN đã quy định từ lâu. Điều này có nghĩa, một khi ghi tên tất cả thành viên trong "hộ gia đình", tức là buộc Quốc hội phải sửa đổi các luật có liên quan về quyền thừa kế - cho tặng, ví dụ như Bộ Luật Dân Sự.

5. Từ nguy hại thứ ba và thứ tư kể trên, một khi phát sinh sẽ phá hủy dễ dàng văn hóa vốn được nhà cầm quyền CSVN xác định "phải giữ gìn bản sắc băn hóa đậm đà bản sắc dân tộc" và phong trào học và làm theo tư tưởng - đạo đức - phong cách Hồ Chí Minh càng thất bại và phô bày một xã hội rữa nát, bởi lợi ích cá nhơn với "chuẩn mực" đồng tiền ngự trị rộng khắp và chính nó sẽ ngang nhiên bước vào phá nát gia cang từng "HỘ GIA ĐÌNH"

Dù Luật Đất Đai đang được sửa đổi (chưa biết toàn bộ thành viên "hộ gia đình" có được ghi tên trong "sổ đỏ" hay không) nhưng vụ án rúng động nhân tâm vào ngày 14 tháng Mười Hai năm 2022, vẫn con gây kinh hoàng trong "nhân dân" như báo Lao Động kể rằng [5]:

Tại tỉnh Hưng Yên, một ngày "đẹp trời" nọ, có ba cô con gái của một bà mẹ, đã cùng nhau xách xăng qua đốt nhà mẹ đẻ, chỉ vì bà mẹ này phân chia không công bằng các mảnh đất (do người cha đã khuất để lại) mà lại ưu ái quá nhiều cho người con trai.  Kết quả, bà mẹ và hai cô con ruột đã chết vì phỏng quá nặng. Cô con gái còn lại bị khởi tố vì tội giết người!

Vụ án mạng nói trên xảy ra, rồi chìm vào quên lãng như cây cau già mục gốc ngã quỵ với văn hóa nông nghiệp lạc hậu cùng tục ngữ "đất lề quê thói". Giả sử, Luật Đất Đai sửa đổi đã thông qua với việc ghi tên tất cả thành viên trong "hộ gia đình" vào các mảnh đất, thì ba cô con gái kia và bà mẹ già nọ cùng đứng tên trong vài ba cái "sổ đỏ", chuyện ly kỳ gì sẽ xảy ra (?!)

Ôi! Luật! Luật của xứ thiên đàng vẫn mãi âm u như cánh rừng già hoang dại từ ngàn năm trước!

_____________________