You are here

Lấy ý kiến trẻ em trong dự thảo luật đất đai, dân chủ hay đầu độc?

Từ ngày 10 tháng 3 năm 2023, mặc dù đậm tính hình thức (chả biết để làm gì?!), Quốc Hội Việt Nam đã thông qua việc lấy ý kiến trẻ em trong dự thảo luật đất đai sửa đổi. Trước đó, ông Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã có đề xuất “ghi tất cả các thành viên gia đình vào sổ hồng” (cũng xin nói thêm, hiện tại, Việt Nam tồn tại hai cuốn sổ hồng, một sổ hồng cấp quyền sử dụng đất lâu dài, tức đất ở, và các loại đất trồng cây gồm lâm, nông nghiệp có thời hạn 60 năm và một sổ hồng của Bộ Xây dựng cấp cho công trình xây dựng trên mảnh đất mà Bộ Tài nguyên và môi trường đã cấp), sau đề nghị gây sóng đó chưa lâu thì có thêm việc lấy ý kiến trẻ em vì “đây là việc làm đúng luật”.

Thử đặt câu hỏi: Việc ghi tên tất cả các thành viên trong gia đình vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có hợp lý? Và việc lấy ý kiến trẻ em trong dự thảo luật đất đai sửa đổi có hợp lý?

Ở vấn đề thứ nhất, việc ghi tên các thành viên trong gia đình vào sổ hồng (tức giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) mới nhìn vào giống như một giải pháp cứu bồ cho Bộ Công an sau khi Bộ này chuyển qua quản lý công dân bằng mã định danh nhưng lại có quá nhiều bất cập, thông tin đầu vào chưa chuẩn, gặp nhiều trục trặc về mã số định danh cho dù việc này diễn ra đã gần một năm nhưng các điều chỉnh về hộ khẩu gần như tắc tị. Quyết định bỏ hộ khẩu, nghĩa là việc kết nối các thành viên trong gia đình thông qua quản lý điện tử, mọi thông tin cá nhân sẽ dung chứa các vấn đề huyết hệ, gia đình, quyền thừa kế, con nuôi… Thế nhưng, các thông tin tưởng như rất thông minh và chỉ cần sau một cú nhấp chuột đã hiện ra đầy đủ này lại rất mong manh, dễ vỡ trước các hacker, chỉ cần một cú nhấp chuột của hacker thì mọi thứ trở nên thay đổi, thậm chí trắng xóa, mà với các hacker thì ai biết được, lường được giờ nào họ sẽ ra tay! Đó là chưa kể đến các hacker quốc tế, khu vực.

Bên cạnh đó, việc thu thập thông tin đầu vào của Bộ Công an cũng gặp trục trặc thấy rõ, các mã số định danh và thông tin cá nhân do cán bộ thôn, cán bộ xã thu thập, mà chuyên môn của các nhân viên cấp thôn, cấp xã thì rất đỗi ầu ơ, họ làm vì ngày công, vì bữa nhậu trưa và vì được chỉ định thì làm chứ họ không có kiến thức pháp luật để hướng dẫn người dân điền thông tin đầy đủ, thế nên hầu hết các thông tin trong mã định danh cá nhân hiện tại rất có vấn đề nếu thử tra xét, test lại. Chính vì vậy, việc ghi tên các thành viên gia đình vào sổ hồng cũng là cách biến sổ hồng thành cái sổ mang chức năng kép, vừa là sổ hồng, vừa là sổ hộ khẩu, nó nhằm che đi cái lỗ hổng quản lý từ mã số định danh mà gần năm nay các lỗi đang hiện rõ dần.

Nhưng, nếu biến sổ hồng thành sổ hộ khẩu thì câu chuyện sẽ đi đến đâu? Thứ nhất, khi đăng ký sổ hồng, chưa chắc các thành viên trong gia đình đã đầy đủ. Ví dụ như một cặp vợ chồng cưới nhau, có một đứa con, dành dụm được tiền để mua đất, xây nhà. Vậy là trong quá trình khai, có đứa con trong sổ hồng. Sau đó, cặp vợ chồng này tiếp tục sinh thêm một hoặc hai đứa con nữa, lúc này, phải mang sổ hồng đi điều chỉnh, mỗi lần đẻ mỗi lần điều chỉnh sổ hồng (đó là trường hợp trang 4 của sổ còn chỗ để điều chỉnh hoặc nhà nước đồng ý cho điều chỉnh). Như vậy, việc ghi tên con vào sổ hồng vô hình trung biến cuốn sổ hồng thành cục đá đè nặng lên các giao dịch, ví dụ như các đứa trẻ ghi tên trong sổ hồng còn nhỏ, chưa đủ tuổi thành niên, chưa đủ năng lực hành vi dân sự và chưa được phép ký đấm giao dịch theo luật hiện hành, nhưng cha mẹ của chúng muốn bán căn nhà này để mua một căn nhà khác thuận lợi hơn, lúc này phải đợi đến khi chúng đủ 18 tuổi chúng mới cùng ra công chứng để ký mà giao dịch. Như vậy, khác nào cầm tù đồng vốn và lấy mất cơ hội của người dân?

Và cho đến lúc này, có vắt nát óc, tôi cũng không thể hiểu ra được tại sao lại nghĩ ra được cái ý tưởng ghi toàn bộ các thành viên trong gia đình vào sổ hồng? Cho dù đó là cách thay thế sổ hộ khẩu, thì tại sao không trở lại cái thời quản lý bằng hộ khẩu, tức là tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu nếu bị đuối về mã định danh, từ từ chỉnh sửa tiếp cho nó phù hợp, không bị lỗi? Vì làm như vậy thì còn khả năng khắc phục lỗi, chứ đẩy từ lỗi mã số định danh sang lỗi sổ hồng nữa thì mọi thứ càng thêm rắc rối, chẳng những không mang lại lợi ích, thuận tiện khoa học mà đẩy guồng máy kinh tế vào chỗ bế tắc. Bởi nói gì thì nói, thị trường nhà đất tại Việt Nam là một mũi nhọn kinh tế khó thay thế, cho đến thời điểm này, cuốn sổ hồng được xem như một loại thẻ siêu chứng khoán, nó vừa hàm chứa những đợt sóng ảo của tiền tệ vừa mang thế vật thực tế bằng tài sản cụ thể, đó là mảnh đất. Và nếu thị trường nhà đất đứng hoặc đóng băng thì kinh tế sụp đổ, khó lường!

Nhưng chuyện đâu chỉ dừng ở lời đề xuất ngớ ngẩn của ông Bộ trưởng Trần Hồng Hà, nó tiếp tục trong một pha khác được cho rằng hợp pháp và được định nghĩa một cách “hợp pháp” nhưng kì thực nó đang sai luật trầm trọng, đó là việc lấy ý kiến trẻ em trong dự thảo luật đất đai sửa đổi. Vấn đề lấy ý kiến này được các quan chức và cả các luật sư cho rằng nó đúng luật với cách giải thích nôm na rằng trong dự thảo, theo qui định thì phải lấy ý kiến của Toàn Dân, và trẻ em cũng là Toàn Dân nên lấy ý kiến trẻ em là đúng pháp luật. Có một số trường hợp còn dẫn cả luật Bảo Vệ Trẻ Em vào, đại ý là trẻ em được quyền nói lên nguyện vọng của chúng… Xin trích dẫn lời của ông Hà Đình Bốn - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội) trên Vietnamnet.vn: “Ông Hà Đình Bốn nhấn mạnh, việc tổ chức lấy ý kiến tham gia của trẻ em vào dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) là hoàn toàn đúng quy định pháp luật. Cụ thể như sau:

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Luật đã được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua vào ngày 22/6/2015) tại Điều 76. Trình tự xem xét, thông qua dự án luật tại ba kỳ họp Quốc hội. Quốc hội xem xét, thông qua dự án luật tại ba kỳ họp theo trình tự sau đây:

Khoản 2: Trong thời gian giữa kỳ họp thứ nhất và kỳ họp thứ hai của Quốc hội, việc nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật được thực hiện theo trình tự: Điểm b) Tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về dự án luật theo quyết định của Ủy ban thường vụ Quốc hội (nếu có);

Khoản 3. Tại kỳ họp thứ hai: Điểm a) Đại diện cơ quan, tổ chức, đại diện Quốc hội trình dự án luật trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, kết quả lấy ý kiến Nhân dân về dự án luật (nếu có)".

Căn cứ Luật Trẻ em 2016, Điều 34 quyền được bày tỏ ý kiến và hội họp có nêu rõ: "Trẻ em có quyền được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về các vấn đề liên quan đến trẻ em; được tự do hội họp theo quy định của pháp luật phù hợp với độ tuổi, mức độ trưởng thành và sự phát triển của trẻ em; được cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân lắng nghe, tiếp thu, phản hồi ý kiến, nguyện vọng chính đáng".

Điều 74, Luật Trẻ em 2016 nêu rõ: Phạm vi, hình thức trẻ em tham gia vào các vấn đề về trẻ em”.

Xin tham khảo thêm bài gốc ở link: https://vietnamnet.vn/hoi-nghi-lay-y-kien-tre-em-ve-du-thao-luat-dat-dai-sua-doi-gay-tranh-2119239.html

Nói như vậy xem như các ông đã làm đúng, chuẩn, các luật sư cũng giải thích cụ thể, cặn kẽ rằng hợp pháp rồi còn gì! Nhưng, xin thưa là trong các quyền phát biểu của trẻ em, chúng cần được lắng nghe những yêu cầu, nguyện vọng, mong muốn của độ tuổi chúng đang là, tức là phát biểu trong khuôn khổ quyền trẻ em, không bị đối xử bạo lực, không bị ngược đãi, không bị lấy mất quyền đến trường, không được hành hạ trẻ em… Và khi các quyền trẻ em bị ai đó lấy mất, kể cả cha mẹ chúng, thì chúng có quyền được phát biểu và được lắng nghe, được bảo vệ nhằm giúp trẻ có đầy đủ các quyền trẻ em theo hiến định. Điều này khác hẳn với việc vơ đũa cả nắm rằng lấy ý kiến Toàn Dân thì bao gồm cả trẻ em, vì trẻ em cũng là Toàn Dân.

Xin thưa, việc lấy ý kiến trẻ em mà chưa có sự đồng ý của cha mẹ chúng (những người giám hộ hợp pháp) đã là một sự vi phạm pháp luật. Hơn nữa, trẻ em, tức độ tuổi vị thành niên đến trẻ sơ sinh, chúng chỉ có một phần năng lực hành vi dân sự bởi nhận thức về xã hội chưa đầy đủ, cho đến khi 18 tuổi, đầy đủ sức khỏe, trí tuệ, trí lực và kiến thức (đã học hết 12, chuẩn xóa mù chữ theo định nghĩa của giáo dục Việt Nam) thì chúng mới có đủ năng lực hành vi dân sự để tham gia đóng góp ý kiến.

Hiện tại, việc lấy ý kiến của trẻ em mà chưa có sự đồng ý của người giám hộ, cha mẹ là hoàn toàn sai về mặt pháp luật. Mà giả sử đã xin ý kiến cha mẹ, giám hộ đồng ý chăng nữa thì việc này cũng vượt quá khả năng nhận thức của chúng. Bởi ở độ tuổi này, trẻ em chỉ biết ăn, học, chơi, nghe cha mẹ hướng dẫn, dặn dò, dạy bảo, nghe thầy cô dạy bảo, giáo huấn, chúng có quan tâm gì đến quyền thừa kế, quyền sở hữu, quyền này quyền khác mà gieo rắc vào não trạng chúng những chuyện nặng nề đó!

Trẻ em Việt Nam bị đánh mất hồn nhiên và thân thiện kể từ khi những cánh đồng hẹp dần, những cánh rừng biến mất, các nhà máy mọc lên và đi đâu cũng gặp cò đất mà chẳng nhìn thấy con cò trắng trong ca dao thuở nào.

Trẻ em Việt Nam trở nên chai sạn tâm hồn bởi trong tác phẩm văn chương, văn học ngày càng vắng bóng thiên nhiên, mẹ thiên nhiên bị tùng xẻo không thương tiếc và các rung động thi ca, các xúc cảm văn học mang màu sắc của thế giới kim tiền, của bầu khí quyển công nghiệp và của những điều thuộc về mối quan hệ giữa con người với con người đầy rẫy bất công, thô bạo và lòng trắc ẩn bị biến mất.

Trẻ em Việt Nam chưa đủ đau, chưa đủ thiệt thòi, chưa đủ thô bạo hay sao mà những quan chức, các ông lớn lại gieo rắc vào đầu óc non nớt của chúng những suy nghĩ thuộc về quyền lợi, thiệt hơn và cả yếu tố tranh đoạt ngầm chứa bên trong?

Rõ ràng, việc lôi kéo trẻ em tham gia lấy ý kiến trong dự thảo luật đất đai sửa đổi là một việc làm không những sai quy định pháp luật mà còn vô bổ, thậm chí đầu độc trẻ em, lấy mất khoản hồn nhiên còn sót lại trong tâm hồn vốn mỏng manh, yếu đuối, dễ vỡ của chúng. Nên dừng càng sớm càng tốt!