You are here

Đừng tin vào những phương pháp kiếm hiệp chữa đột quỵ

Báo Tuổi Trẻ ra ngày 01 tháng Ba năm 2023 có bài "Nghe "thầy thuốc online", cắt sâu 5 đầu ngón tay khiến máu chảy đầm đìa" với nội dung [1]: Bịnh viện Nhân Dân 115 vừa tiếp nhận một bệnh nhân nam (60 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) trong tình trạng năm đầu ngón tay bên bị liệt, đã bị người thân dùng lưỡi lam cắt sâu. Người đàn ông này đột ngột bị liệt và được vợ cùng người em nhanh chóng "cấp cứu”, bằng cách lấy lưỡi lam cắt sâu vào các đầu ngón tay bên bị liệt, sau khi họ học "cách chữa" từ những lang băm trên mạng.
 
Từ lâu lắm rồi - Khi đột quỵ, tai biến mạch máu não - trong dân gian truyền nhau phương pháp: Lấy dao cắt hoặc lấy kim châm 10 đầu ngón tay - 10 đầu ngón chân, day ấn nhân trung, đồng thời lấy kim đâm sâu vào dái tai,  sẽ có khả năng cao, cứu được người bị nạn ngay tức thì. Thoạt nghe quá có vẻ hữu lý nhưng hãy suy nghĩ kỹ:
 
- Cơ thể con người là một bộ máy tinh vi - hoàn hảo đến từng chi tiết mà tạo hóa đã làm ra - một cách kỹ lưỡng - đến không ngờ về sự tuyệt diệu, vốn không có bất kỳ một bàn tay nhân tạo nào có thể vượt qua bàn tay của ông Trời [2]
 
- Máu trong cơ thể di chuyển trong một mạng lưới bao gồm động mạch, mao mạch và tĩnh mạch. Ở người lớn, nếu duỗi thẳng chúng ra và nối lại với nhau, các loại mạch máu có độ dài khoảng 96.000km. Nghĩa là tổng chiều dài các mạch máu của một người trưởng thành gấp 2,5 lần so với chu vi trái đất [3].
 
- Máu di chuyển khắp châu thân, tới tận từng tiểu tiết chi li mà bất cứ ai cũng đã từng một lần chảy máu, dù vết xước nhỏ nhứt cũng thấy máu chảy ra hoặc xuất huyết nội (thấy được (tức là vết máu bầm) hoặc không thấy được (tức là bên trong bộ phận nào đó của cơ thể, như: não, thận, phổi v.v...).
 
- Máu nuôi toàn bộ cơ thể nhờ có hệ tuần toàn. Trái tim - trong một ngày - trung bình đập khoảng 100.000 lần để vận chuyển hơn 7.500 lít máu đi nuôi cơ thể. Cũng nên tránh lầm lẫn với lượng máu chứa trong cơ thể, bởi đó là lượng máu tĩnh (khoảng 70 - 80ml máu/kg,  từ trẻ em đến người trưởng thành) [4]
 
- Máu đông là một ơn phước Trời ban cho động vật nói chung và con người nói riêng. Dễ thấy, khi bị vết thương hở (nhẹ hoặc nặng, người ta luôn được may vết thương), sau một quãng thời gian máu tự đông lại, rồi vết thương khô, đóng mài, bong tróc ra để lại lớp da non v.v... theo thời gian dài hay ngắn, vết thương sẽ liền lạt và kèm theo có để lại sẹo hay không.
 
- Khi cục máu đông hình thành trong não (không thấy được), đó là một quá trình dài hay ngắn, chứ không phải như vết thương ngoài da mà thấy được. Con người chỉ cảm thấy "sao sao" do cảm nhận. Dấu hiệu "SAO SAO" đó chính là cục máu đông đang hình thành dần trong não. Do đó, khi cục máu đông hình thành, người bị thường bỏ qua, vì chỉ thấy "sao sao" chút xíu, như: xây xẩm, choáng váng, nhức đầu, chóng mặt v.v... một chút rồi hết.
 
- Máu nuôi toàn bộ cơ thể chứ không chỉ nuôi não. Do đó, khi cục máu đông hình thành và tới lúc phát tác, nó ngăn cản ngay lập tức dòng máu đang nuôi não. Vì vậy, trích (cắt) máu từ 10 đầu ngón tay - 10 đầu ngón chân ngay lúc đó, chỉ có nghĩa là MÁU ĐANG Ở TẠI NGÓN TAY - NGÓN CHÂN, chứ không hề có nghĩa máu từ não được chảy ra TẠI 10 đầu ngón tay - ngón chân. Điều này cũng giống như hình ảnh một ống nước dài ngoằn ngòeo bị nghẹt, người ta phải tìm ngay chỗ nghẹt để thông nó, chứ không phải khơi thông ngay ở chỗ cuối ống nước (tức là dễ hình dung như từ 10 đầu ngón tay - ngón chân).
 
Do đó, trích (cắt) máu từ 10 đầu ngón tay - ngón chân chỉ là sự huyễn hoặc và trấn an theo kiểu "còn nước còn tát", vốn phản khoa học. Cách này người ta thường chỉ thấy trong các bộ phim kiếm hiệp, để coi cho vui.