You are here

Tham nhũng ở Việt Nam tất cả đều giống, đều như hệ thống Đăng kiểm xe cơ giới Việt Nam

Ảnh của nguyenvubinh

     Trong thời gian bốn tháng trở lại đây, các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới trên cả nước đã và đang bị điều tra, khởi tố các vụ án, bắt tạm giam các bị can và các lãnh đạo của Cục Đăng kiểm cũng đã bị khởi tố, bắt giam. Có lẽ vụ việc đầu tiên bắt đầu từ ngày 25/10/2022, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Châu Thành (tỉnh Đồng Tháp) khởi tố, bắt tạm giam giám đốc và 5 người khác tại Trung tâm đăng kiểm 66-02D (thuộc Công ty TNHH MTV Đức Khôi) để điều tra về hành vi nhận hối lộ từ lái xe để bỏ qua vi phạm kỹ thuật khi thực hiện hoạt động kiểm định xe cơ giới. Từ đó cho đến nay, đã có hàng chục cơ quan đăng kiểm bị điều tra, khởi tố cán bộ, kiểm định viên. Số lượng thống kê sơ bộ đã lên tới con số 300-400 người bị khởi tố, bắt giam. Báo chí đã cho biết thêm, lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam còn được nhận hối lộ định kỳ theo tháng, và sự việc đã có từ rất lâu rồi.

     Đối với những người ít quan tâm sinh hoạt của người dân, ít tiếp xúc với mặt trái của xã hội, thì có vẻ ngạc nhiên với những thông tin trên. Còn với tuyệt đại đa số người dân, những thông tin trên hoàn toàn bình thường, và hầu như ai cũng đã biết từ lâu. Nếu có ngạc nhiên, thì phải là việc, tại sao nhà cầm quyền có kế hoạch “gõ cửa” đăng kiểm mà không chuẩn bị các phương án để hệ thống đăng kiểm còn lại vẫn có thể hoạt động được để phục vụ người dân. Nhưng nghĩ kỹ, làm gì “còn lại” trung tâm đăng kiểm nào, chỉ là phân chia thời gian để xử lý các trung tâm sao cho vẫn còn có trung tâm hoạt động, và tái hoạt động phục vụ nhân dân mà thôi.

     Vụ việc tham nhũng ở hệ thống các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới, có thể coi là vụ việc tham nhũng điển hình. Tất cả các cơ quan, đoàn thể từ trung ương tới địa phương, các ngành các cấp đều hoạt động (tham nhũng) giống hệt như hệ thống đăng kiểm Việt Nam. Sự giống nhau trong hoạt động tham nhũng, hay có thể gọi là quy luật tham nhũng thường diễn ra như sau. Các cơ sở, đơn vị, cá nhân tham nhũng trực tiếp được một phần trong số tiền tham nhũng, sau đó một phần chuyển lên cấp trên. Ở hệ thống đăng kiểm, cấp trên sẽ là sở giao thông vận tải (phòng chuyên môn và lãnh đạo sở), nơi cấp phép cho các trung tâm đăng kiểm. Sau đó các ban ngành ở sở giao thông lại nộp một phần lên Cục đăng kiểm, và Cục đăng kiểm lại tiếp tục nộp lên cao nữa… có nhiều hình thức nộp, trong đó có hình thức thu đều đặn hàng tháng như lãnh đạo cục Đăng kiểm. Thực ra hệ thống cảnh sát giao thông tham nhũng vận hành chuẩn hơn, nhưng bộ công an đang là con cưng nên không thể khui ra toàn bộ như hệ thống đăng kiểm được, mà chỉ khui lẻ tẻ khi bị người dân phát hiện.

     Như vậy, đặc điểm quan trọng nhất trong tham nhũng ở Việt Nam, đó là tính hệ thống. Không có một cá nhân, một đơn vị nào có thể độc lập, ăn lẻ, ăn mảnh được. Vụ tham nhũng ở Bộ tư lệnh Cảnh sát Biển cũng như vậy. Hệ thống ở đây được hiểu theo hai nghĩa, nghĩa thứ nhất, giống như đã trình bày ở trên. Số tiền tham nhũng được phân chia theo từng tầng bậc và cứ thế nộp lên. Nghĩa thứ hai, cùng các vị trí, chức vụ, chức năng như nhau, trong cùng một cơ chế, cùng con người Việt Nam không bao giờ có chuyện chỗ này tham nhũng, chỗ kia không tham nhũng. Vụ việc ở hệ thống đăng kiểm Việt Nam có khác chăng, có khác chút so với các hệ thống khác là ở chỗ ăn tiền quá trắng trợn, quá lộ liễu. Việc kẹp 200 nghìn bỏ vào khu vực hộp số xe ô tô để nhận giấy đăng kiểm (gọi tắt là thu tiền dán giấy) đã tồn tại công khai hàng chục năm nay.

     Một câu hỏi được đặt ra, với đặc điểm hệ thống trong tham nhũng như vậy, khi đã xử lý (điều tra, khởi tố, kết án…) với quy mô lớn, ví dụ hệ thống đăng kiểm này, thì sau đây, có còn tham nhũng (ví dụ trong hệ thống đăng kiểm) nữa hay không? Câu trả lời là chắc chắn có, vì lương của những người trong hệ thống này vẫn không đủ sống, vì họ nhìn vào các hệ thống khác vẫn đang tham nhũng, vì họ cảm nhận được cơ chế này còn thì vẫn còn tham nhũng. Thực tế chứng minh hùng hồn nhất, đó là ông Trương Quang Việt, giám đốc trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hà Nội (CDC) đã bị khởi tố bắt giam vì nhận 1,1 tỷ đồng từ công ty Việt Á ngay sau khi ông giám đốc CDC Hà Nội trước đó Nguyễn Nhật Cảm, bị khởi tố bắt giam vì thổi giá hệ thống máy xét nghiệm Covid!

     Như vậy, với đặc trưng hệ thống trong tham nhũng, cùng với bản chất tham nhũng ở Việt Nam là phương thức tự tồn tại của tất cả những người có điều kiện tham nhũng, công cuộc chống tham nhũng, ‘đốt lò” của ông Nguyễn Phú Trọng sẽ còn kéo dài ít nhất tới khi ông rời khỏi thế giới này, vì nguồn “củi” là vô tận./.

Hà Nội, ngày 16/02/2023

N.V.B