You are here

Củi vào lò, lại lan man về chuyện rừng…

Trong suốt nhiều tuần qua, thậm chí nhiều tháng qua, tin “củi vào lò”, từ củi kit test Việt Á cho đến củi đăng kiểm và hàng loạt “củi” khác bị đưa vào lò, nhưng, niềm tin nhân dân không những được củng cố vào cái thời đại họ đang sống mà nghe ra, có vẻ như sự hoang mang càng tăng thêm. Ngẫm lại sự đời, nhân tình thế thái, thử nhìn cuộc chơi chính trị của các vị trong trung ương đảng Cộng sản Việt Nam, tự dưng thấy vỡ lẽ, ồ, hóa ra củi thực sự củi vẫn chưa bao giờ dám đụng tới!

Rõ ràng, ở đây, củi là ám chỉ những “cái cây” đã không những còn tác dụng giữ đất, giữ rừng, làm xanh khí quyển mà nó đã là loại cây mang sâu bệnh, loại cây vô dụng, loại cây ăn hại làm hỏng đất đai, mùa màng… Xét về nhân tố lãnh đạo, những cây củi vào lò đều mang mầm bệnh như vậy. Đương nhiên, củi kit test không phải là củi nhỏ, nhưng, đến khi “trùm cuối” được đồn đoán đã bị moi ra trước ánh sáng thì người ta lại ngớ người hiểu ra rằng còn một trùm cuối khác đang ngồi chễm chệ uống rượu ở đâu đó. Và đây đâu chỉ là chuyện đùa, bởi thực sự, nếu như củi cần vào lò và cái lò cần đốt một cách nghiêm túc thì hình như, cả một rừng cây, may mắn lắm còn vài mống!

Bởi vì hối lộ, tham nhũng như một thứ văn hóa nền tảng của chế độ, ngay cả những quan chức ở các quốc gia tiến bộ, văn minh, khi họ sang Việt Nam làm việc, hợp tác thì chừng vài tháng sau, thậm chí vài tuần sau, họ phải thích nghi với thứ văn hóa hối lộ, họ hiểu và bắt buộc phải hiểu rằng phong bì, hối lộ, những cái bắt tay dưới gầm bàn, thậm chí hối lộ trên giường là phải có, là một thứ thủ tục bắt buộc ở xứ sở này. Trướng hợp in tiền polymer cách đây mười năm với những “đụng chạm” đầy tai tiếng giữa một nam cán bộ cấp cao Việt Nam và một người nữ đại diện ngành ngân hàng nước Úc là một ví dụ đáng nhớ.

Nhưng, câu chuyện đâu chỉ dừng ở thứ văn hóa bắt tay dưới gầm bàn hoặc thứ căn tính tham nhũng của người Việt, mà nó đụng chạm đến một vấn đề khác, nó thuộc về nhóm lợi ích. Khi một nhóm lợi ích bị bắt, bị phanh phui, bị đưa ra ánh sáng để củng cố thứ gì đó như là niềm tin nhân dân thì đằng sau nó, một thứ tội ác khác của một nhóm lợi ích khác được giấu đi, được ém nhẹm. Chuyện kit test, đương nhiên đây là chuyện lớn, nhưng nếu xét về tính lâu dài, nó chỉ mới diễn ra trong thời dịch giã, nó không phải là thứ âm ỉ cháy, có lúc bùng cháy như chuyện rừng và đất bấy lâu nay.

Thử xem lại, rừng Việt Nam chiếm 70% diện tích quốc gia, và trong nửa đầu thế kỉ trước, tỉ lệ đất trống đồi trọc chiếm chưa đầy 5% trong 70% đó, nhưng chỉ sau năm mươi năm có lẻ, từ một đất nước với rừng nguyên sinh dày đặc, Việt Nam trở thành một quốc gia mà ở đó, các dãy núi trơ trọi gốc cây, đất đá, các cánh rừng dần đi vào cổ tích, và cây trong rừng tuồn ra thị trường, đi vào làm đẹp các nhà quan, những căn nhà toàn gỗ quí mà nhìn vào, dù có mù người ta cũng lờ mờ nhìn thấy đó là nhà quan, không lớn thì nhỏ, không chủ tịch huyện thì cũng chủ tịch xã, không chủ tịch tỉnh thì cũng giám đốc sở, không giám đốc sở thì cũng hạt trưởng, hạt phó hoặc kiêm lâm viên… bởi nhà dân lấy đâu ra gỗ quí mà phung phí, xa xỉ đến vậy! Điều này cũng đồng nghĩa với chuyện càng về sau, việc khai thác, trộm gỗ rừng càng trở nên trắng trợn, lộng hành, chẳng còn biết sợ ai để mà giấu diếm. Thậm chí, nơi nào càng có nhiều lực lượng kiểm lâm thì nơi ấy rừng càng nhanh trở thành đất trống đồi trọc.

Khi bị mất rừng, hỏi ra, người ta nói nơi có nhiều gỗ mới bố trí nhiều kiểm lâm để giữ, chứ ít gỗ, ít cây thì bố trí làm gì cho nhiều. Và người ta cũng cố giấu đi rằng những cánh rừng ít gỗ, trơ trọi vốn dĩ trước đây cũng đầy gỗ quí và cũng nhiều kiểm lâm lắm, họ thực hiện xong nhiệm vụ, rừng trọc lóc, họ lại đi. Và khi rừng trọc đầu, chuyện tùng xẻo rừng đâu chỉ nằm ở đó, người ta lại lên kế hoạch trồng rừng, lại tiếp tục tùng xẻo ngân sách nhà nước, và quan trọng hơn cả là người ta lại tiếp tục phân lô đất rừng, biến nó thành đất biệt phủ, biệt thự, dinh… Đã có bao nhiêu cánh rừng trở thành đất ở? Câu hỏi này, chỉ có quan chức là có thể trả lời chính xác, người dân không bao giờ biết được, thậm chí, những tộc người đã có cả mấy mươi thế hệ bám rừng, định canh định cư bỗng dưng không còn đất để canh tác, phải tìm xuống phố để làm thuê, làm phu với mức lương cũng chẳng lớn hơn một ngày làm rừng là mấy, nhưng họ phải đi, bởi không còn lựa chọn nào khác, đất rẫy bị thu hồi, đất rừng trở thành ký ức. Có biết bao nhiêu tộc người trở thành du khách ngay trên mảnh đất khai thác ngàn đời của họ? Đây là câu hỏi mà chỉ có trung ương đảng mới trả lời được.

Thế nhưng có bao giờ đảng trả lời câu hỏi này? Cũng như hàng triệu câu hỏi về sự bất công, về những gia đình trở thành tứ cố vô thân vì lòng tham của quan chức địa phương! Đảng không thể nào trả lời, không phải vì không trả lời được mà bắt buộc phải im lặng, bởi khi trả lời, cũng có nghĩa là thêm một lần củi vào lò, mà lần này, củi vào lò sẽ rất nhiều, nhiều khủng khiếp, nhiều vô thiên lủng! Một câu trả lời mà lẽ ra cần được giải quyết từ rất lâu, để tránh tình trạng dân oan chồng chất, tránh những tiếng thở dài thườn thượt trong lòng dân, tránh cả những tuyệt vọng đến độ chai lì và biến thành thù hận trong nhân dân mà hậu họa của nó rất khó lường khi các quan tham về hưu. Bởi một khi nhân dân hết biết sợ, nhân dân nổi dậy với trả thù cá nhân những quan chức gây tội ác, thì nguy cơ thảm sát nhân dân theo kiểu Mậu Thân 1968 có thể diễn ra bất kì giờ nào trên đất nước này. Bởi chính nhân dân cướp chính quyền trao về tay đảng, thì cũng chính nhân dân sẽ cướp chính quyền trao về tay một ai đó khéo hứa hẹn với nhân dân hơn đảng, đây là qui luật ngàn đời nay, chẳng mới mẻ gì.

Và, một khi câu hỏi này được trả lời nghiêm túc, thì liệu còn bao nhiêu đảng viên có thể đủ tư cách để trụ lại trong hệ thống? Bởi chung qui, đất, rừng là hai thứ tài nguyên có giá trị cao nhất hiện nay, và để chiếm dụng, thủ đắc nó, những kẻ có trách nhiệm đã đạp qua mạng sống nhân dân, đạp qua cân bằng sinh thái, đạp qua môi trường, đạp quá mối an nguy nhân dân để chặt phá, khai thác và vắt cạn rừng bằng thủy điện, bằng hàng loạt các kiểu hô biến để rồi cuối cùng, lá phổi thiên nhiên bị thủng nặng nề, người dân là kẻ thiệt thòi đầu tiên và hứng chịu tai ương đến giờ phút cuối cùng, những kẻ thủ ác thì chễm chệ hưởng thụ trên xương máu và tiếng gào thét của nhân dân.

Rõ ràng, đại án kit test Việt Á là một đại án gây tổn thương dân tộc một cách lâu dài, bền bĩ. Nhưng, cũng rõ ràng đại án này thuộc một nhóm lợi ích khác mà nhóm lợi ích thắng thế đang mượn cơ hội để tiêu diệt. Còn cái đại án về rừng, về đất đai thì dường như nhóm lợi ích nào cũng vấy máu, nó trở thành mâm thịt chó chung cho những kẻ sẵn sàng đấm nhau đến đổ máu, chịu ngồi lại ôn tồn và cố gắng điềm đạm để cùng ăn với nhau, và, thậm chí người ta biết rằng thịt chó trên mâm có được từ con chó của ông chủ nhưng người ta vẫn lặng thinh để ăn, bởi ăn như vậy càng máu hơn, ngon hơn. Và người ta im chọn lặng để ăn!