You are here

Dành cho Thứ trưởng Bộ VHTT&DL và những kẻ nói về câu chuyện 'Cái tát của mẹ' theo nghĩa đen

Ảnh của NguyenTrangNhung

Chia sẻ với Vietnamnet vào 27/1 về câu chuyện 'Cái tát của mẹ'[1] gây tranh cãi của Xuân Bắc, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Tạ Quang Đông cho rằng câu chuyện không có câu chữ nào đề cập tới nội dung của chương trình Táo Quân 2023 để đến nỗi bị suy diễn rằng nó được Xuân Bắc mượn để mắng khán giả.[2]

Theo ông, câu chuyện có khi chỉ đơn giản đúng như ý Xuân Bắc chia sẻ về các món ăn ngày tết và ứng xử của con cái trong gia đình mà thôi; và vì Xuân Bắc là người nổi tiếng, đóng một vai trong chương trình, lại đưa ra câu chuyện vào đúng thời điểm diễn ra Táo Quân 2023 nên câu chuyện rất dễ bị suy diễn.

Ông còn cho rằng Xuân Bắc, trong bất cứ hoàn cảnh nào, cần cẩn trọng hơn trên mạng xã hội, để tránh những tranh cãi trái chiều từ dư luận, làm ảnh hưởng tới uy tín và hình ảnh của mình. Ông cũng đề nghị dư luận có cách nhìn nhân ái, khách quan về sự việc này.

Chia sẻ và đề nghị nêu trên của ông, với tư cách thứ trưởng Bộ VHTT&DL, người được giao trách nhiệm xem xét sự việc, thật nực cười! Người bình thường nghĩ câu chuyện theo nghĩa đen đã đáng để cười mỉa. Người như ông, nếu nghĩ về câu chuyện theo nghĩa đen, thì đáng để cười mỉa gấp nhiều lần hơn!

Câu chuyện tuy không đề cập tới nội dung của chương trình Táo Quân 2023, nhưng có nhắc đến chương trình này ở câu cuối, rằng bữa cơm gia đình người con trai xong vào đêm 30, đúng lúc chương trình Táo Quân 2023 kết thúc. 

Không cần câu chuyện đề cập tới nội dung của chương trình, thì sự liên hệ giữa nội dung câu chuyện – người con trai chê bánh chưng của mẹ – với thái độ và ý kiến của một bộ phận khán giả chê Táo Quân 2023 cũng đủ rõ ràng:

  • Những câu hỏi của người con trai về bánh chưng mẹ nấu (mẹ gói bánh khi nào, mẹ gói bánh bao nhiêu cân gạo, khi nào mẹ luộc, v.v) ám chỉ những câu hỏi mà khán giá có thể đặt ra cho chương trình, chẳng hạn, chương tình sẽ nói về các chủ đề thời sự nào, chương trình sẽ có các vai diễn nào, v.v.
  • Mong muốn, tâm tư, trăn trở của người con trai về bánh chưng mẹ nấu (lá phải đều, phải xanh, thịt phải tươi, phải hồng, bánh phải vuông, rền, đều, mịn…) ám chỉ kỳ vọng của khán gỉả đối với chương trình.
  • Cái sự chê của người con trai khi cắn miếng đầu tiên, năm nào cũng như năm nào, kể cả năm nay khi cắn miếng đầu tiên vào 20h đêm 30 Tết ám chỉ những khán giả chê chương trình này khi mới xem Táo Quân vào 20h đêm 30 Tết.
  • Quan điểm của người con trai rằng mình chê vì có quyền chê, và người mẹ có trách nhiệm nấu bánh theo ý mình ám chỉ những khán giả chê vì chương trình không theo ý họ.
  • Văn hóa chê của người con trai trên Facebook ám chỉ văn hóa chê của khán giả, trong đó có những khán giả không xem chương trình cũng chê.
  • Góp ý của người con trai đối với mẹ về bánh chưng rằng "năm nào cũng ăn món này phát ngán", "đã đến lúc phải thay mới", "cần phải tìm một mô típ khác, cần phải thay người gói khác" ám chỉ các ý kiến của một bộ phận khán giả rằng chương trình càng ngày càng nhàm, cần được thay đổi, làm mới (như nội dung mới, diễn viên mới), hoặc thậm chí nên được thay thế bằng chương trình mới.
  • Cái tát và "giáo lý" của mẹ cộng thêm "giáo lý" của cha đối với người con trai chê bánh chưng mẹ nấu ám chỉ cái tát và "giáo lý" của Xuân Bắc đối với những khán giả chê chương trình Táo Quân:
    • Mẹ nói mình gói bánh, luộc bánh vất vả thế nào → Xuân Bắc nói ê-kíp Táo Quân, trong đó có mình, xây dựng chương trình vất vả thế đó.
    • Mẹ bảo người con trai không ăn bánh chưng thì ăn bánh tẻ, bánh nếp, hay "không ăn thì cút" → Xuân Bắc nói khán giả chê Táo Quân chọn chương trình khác mà xem.
    • Mẹ nói người con trai đến rửa lá, vo gạo còn không biết mà cứ dạy mình gói → Xuân Bắc nói khán giả không biết làm kịch hay diễn hài mà cứ dạy ê-kíp Táo Quân, làm những việc đó.
    • Mẹ nói người con trai rằng trong lúc anh ta đi sắm Tết thì mình phải thức khuya dậy sớm gói bánh cho cả nhà → Xuân Bắc nói trong lúc khán giả sắm Tết thì ê-kíp Táo Quân, vất vả để làm chương trình cho họ.
    • Mẹ nói người con trai rằng chê bánh chưng thì phải chê cho đúng → Xuân Bắc nói khán giả chê Táo Quân thì phải chê cho đúng.
    • Bố nói người con trai phải biết cái khó của mẹ, vì có nhiều ràng buộc và sức ép nhưng mẹ vẫn cố gắng để làm gia đình có cái Tết vui vẻ → Xuân Bắc nói khán giả rằng chương trình Táo Quân có nhiều ràng buộc và sức ép nhưng ê-kíp Táo Quân vẫn cố gắng để làm khán giả vui vẻ bằng chương trình Táo Quân.
    • Bố nói người con trai đừng tự cho mình cái quyền phán xét như thế và tin chắc mẹ đã rất cố gắng → Xuân Bắc nói với khán giả điều tương tự (có điều mẹ thay bằng ê-kíp chương trình).

Riêng chi tiết cuối, Xuân Bắc dành cho các khán giả khen chương trình, những người có thể được ví như một đứa trẻ tuy ăn phải bánh chưng có sạn nhưng vẫn vui vẻ ăn tiếp – một kiểu khán giả mà những người chê Táo Quân sẽ trở thành nếu ngộ ra những "giáo lý" nêu trên.

Gần như toàn bộ nội dung câu chuyện được lấp đầy bởi những ám chỉ về Táo Quân, dù chương trình chỉ được nhắc đến trong câu chuyện qua một câu duy nhất.

Câu chuyện "đúng như ý Xuân Bắc" (mượn lời ông Tạ Quang Đông) thực chất là cái tát và "giáo lý" của Xuân Bắc đối với một bộ phận khán giả chê Táo Quân – bộ phận dường như "được" Xuân Bắc mô tả một cách lệch lạc và méo mó.

Khán giả chê Táo Quân có nhiều kiểu, và kiểu mà Xuân Bắc mô tả bằng những ám chỉ không chắc là điển hình để Xuân Bắc hành xử một cách lồng lộn bằng cái tát và "giáo lý" ấy. 

Kiểu khán giả mà Xuân Bắc mô tả có thể chỉ là một thiểu số, không điển hình, nhưng được Xuân Bắc tô vẽ phóng đại và thậm xưng, vì có cái nhìn và tâm lý bất ổn trước những lời chê đó.

Ngay cả khi đó là kiểu khán giả điển hình, thì cái tát và "giáo lý" của Xuân Bắc đã khiến Xuân Bắc bộc lộ sự thô bỉ, cay cú, hằn học,… hay nói chung là sự vô văn hóa của mình, khiến những lời chê dành cho chương trình Táo Quân có thêm sức nặng.

Quay trở lại với Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Tạ Quang Đông, và mở rộng ra là với tất cả những kẻ nói về câu chuyện của Xuân Bắc theo nghĩa đen, nhất là những kẻ làm văn hóa, nếu cần dành vài lời để nói về họ, thì đó là:

Chỉ những kẻ ngây ngốc, ngu xuẩn, đần độn mới không thấy rằng Xuân Bắc đã mượn câu chuyện để chửi một bộ phận khán giả, những người chê chương trình này. 

Chỉ những kẻ hèn hạ, lươn lẹo, trí trá mới vờ như không thấy điều đó, và cố tình làm cho nó như thể là một câu chuyện đơn giản theo nghĩa đen, để làm giảm hay xóa mờ sự xấu xí và tồi tệ của nó.

Và vì có nhiều kẻ như thế – ngây ngốc, ngu xuẩn, đần độn, hèn hạ, lươn lẹo, trí trá – đặc biệt trong cả những kẻ làm văn hóa, sự vô văn hóa sẽ còn phổ biến, mà để tẩy rửa, đất nước này có thể sẽ cần cả trăm năm, hoặc lâu hơn nữa. 

Chú thích:

[1] Status 'Cái tát của mẹ' 
https://www.facebook.com/nghesi.nguyenxuanbac/posts/pfbid0FvugfoAL7HTFae...

[2] Xuân Bắc xin lỗi, Bộ Văn hoá mong dư luận có cách nhìn nhân ái
https://vietnamnet.vn/xuan-bac-xin-loi-bo-van-hoa-mong-du-luan-co-cach-n...