You are here

'Cát tát của mẹ' – Câu chuyện cá nhân hay câu chuyện tưởng tượng?

Ảnh của NguyenTrangNhung

Hình: Xuân Bắc (Nguồn: Internet)

Sau nhiều ngày im lặng trước làn sóng mạnh mẽ của dư luận liên quan đến status 'Cái tát của mẹ'[1] trên Facebook, Xuân Bắc đã lên tiếng giải thích rằng status đó chỉ là chuyện cá nhân, và không hề có ý làm tổn thương, xúc phạm khán giả, đồng thời, xin lỗi vì đã gây hiểu lầm cho một số khán giả.[2]

Status kể về "tôi" – người con trai (và là người kể chuyện) ngoài 50, trải qua 50 cái Tết, mà năm nào cũng kỳ vọng vào bánh chưng mẹ gói, rằng nó bánh phải vuông, rền, đều, mịn, nhưng năm nào ăn miếng đầu tiên thì cũng chê.

Người con trai chê không hẳn vì bánh không ngon hay quá dở mà không giống như mình tưởng tượng, mong muốn, mà chê vì có quyền chê và mẹ phải có trách nhiệm nấu bánh theo ý mình.

Sự chê không chỉ ở mâm cơm mà còn ở trên mạng xã hội Facebook, nơi mà người con trai tìm thấy nhiều ý kiến giống mình nên đã cho mẹ xem, và kèm theo đó là góp ý "xây dựng" rằng cần phải tìm một mô típ khác, cần phải thay người gói khác.

Vì góp ý đó, người con trai đã bị mẹ tát và chửi là "ăn cháo đá bát", "có lớn mà không có khôn", "mày không ăn thì mày cút", "chê phải cho đúng", và "có giỏi năm sau mày gói bánh đi" v.v. 

Không những thế, người con trai còn bị bố dạy bảo rằng "phải biết cái khó của mẹ", "phải biết chấp nhận và chia sẻ", "đừng tự cho mình cái quyền phán xét", "mày không ăn bánh chưng mẹ mày gói thì mày ăn… đào lộn hột", v.v.

Vừa lúc nhìn sang thằng cháu, thấy nó đang ăn bánh nhưng trúng phải hạt sạn mà vẫn vui vẻ ăn tiếp sau khi nhè hạt sạn ra, người con trai bắt đầu ngộ ra vài thứ, từ đó xin lỗi mẹ và mong mẹ bỏ qua.

Gia đình người con trai xong bữa cơm vào đêm 30, đúng lúc kết thúc chương trình Táo Quân 2023. 

Dòng tái bút của status nói rằng câu chuyện này do "ông anh" Xuân Bắc kể và nhân vật "tôi" ở đây không phải là Xuân Bắc, mà là cái tôi văn học.

Dù chương trình Táo Quân 2023 chỉ được nhắc đến trong một câu duy nhất (câu cuối) của status, điều này đủ để người đọc trung bình có thể phán đoán về khả năng có ám chỉ nào đó về chương trình ở đây.

Status được viết vào mùng 2 Tết, hai ngày sau khi chương trình Táo Quân được phát trên VTV3, thời điểm mà chương trình đã nhận được các bình luận, trong đó có các bình luận chê.

Là một diễn viên trong chương trình Táo Quân, Xuân Bắc hẳn ít nhiều quan tâm đến các ý kiến xoay quanh chương trình. Theo thói thường, người ta thích các lời khen hơn các lời chê, và Xuân Bắc không phải là ngoại lệ.

Chưa nói tới việc câu chuyện nêu trên là câu chuyện cá nhân hay không, khi đăng câu chuyện này, Xuân Bắc đã mượn người mẹ để giảng giải rằng người chê đừng tự cho mình cái quyền phán xét, và chê phải cho đúng.

Và khi mượn người mẹ để giảng giải những điều ấy, sự liên hệ giữa câu chuyện và chương trình Táo Quân – đang bị chê – trở nên rõ ràng. Sự liên hệ này chỉ là sự tình cờ, hay là sự ám chỉ? 

Nếu câu chuyện của Xuân Bắc chỉ là câu chuyện cá nhân, và do đó sự liên hệ trên đây chỉ là sự tình cờ, Xuân Bắc hoặc (1) phải là rất đần độn khi không đoán trước được rằng status này, cho dù có dòng tái bút, sẽ gây hiểu lầm nơi khán giả, hoặc (2) phải là rất ngu xuẩn khi tuy đoán trước được điều đó, nhưng vẫn đăng status để rồi nếu điều đó xảy ra thì sẽ giải thích với khán giả theo cách hạn chế hiểu lầm đến mức có thể.

Nhưng Xuân Bắc không phải là rất đần độn theo cách 1, khi bản thân đã diễn bao nhiêu vở kịch Táo Quân mà nội dung vốn đầy dụ ngôn, mượn chuyện này để nói chuyện khác. 

Xuân Bắc cũng không phải là rất ngu xuẩn theo cách 2, vì sau khi status nhận về nhiều ý kiến chỉ trích, rằng Xuân Bắc đã mượn câu chuyện để chửi khán giả (hay ít nhất là những người chê chương trình Táo Quân), phản ứng của Xuân Bắc trong 4 ngày từ mùng 2 đến mùng 5 Tết không phải là giải thích càng sớm càng tốt để hạn chế hiểu lầm, mà là im lặng trước các ý kiến đó, trong khi vẫn phản hồi tích cực trước các comment lời khen.

Sự im lặng này không xuất phát từ thái độ bình tĩnh, bình thản (vì sự hiểu lầm của một bộ phận khán giả là không đáng bận tâm), mà xuất phát từ thái độ thách thức, hoặc lúng túng, hoặc e ngại, hoặc né tránh, hoặc trì hoãn đối diện với họ khi họ vốn đã hiểu đúng.

Chỉ sau khi dư luận lên tiếng rộng rãi về câu chuyện của Xuân Bắc, và Bộ VHTT&DL bắt đầu có động thái, Xuân Bắc mới lên tiếng vào mùng 6 Tết rằng đó chỉ là câu chuyện cá nhân và xin lỗi vì đã khiến khán giả hiểu lầm.

Lời xin lỗi và giải thích đó chỉ được các báo đăng, mà không được chính Xuân Bắc đăng trên fanpage cùng trang cá nhân của mình, trong khi status vẫn còn nguyên trên fanpage. Điều này cho thấy rõ hơn rằng Xuân Bắc đơn giản là đang diễn, và lời xin lỗi và giải thích đó là trí trá.

Câu chuyện cá nhân của Xuân Bắc đơn giản là một câu chuyện tưởng tượng. Một câu chuyện tưởng tượng thô thiển hàm ý giảng giải "đạo lý" đầy ngụy biện cho một bộ phận khán giả. Nhân vật ông anh, người kể chuyện cho Xuân Bắc cũng là tưởng tượng nốt, hoặc nếu có thật, thì là đồng tác giả với Xuân Bắc mà thôi.

Chú thích:

[1] Status 'Cái tát của mẹ'
https://www.facebook.com/nghesi.nguyenxuanbac/posts/pfbid0FvugfoAL7HTFae...

[2] Xuân Bắc xin lỗi, Bộ Văn hoá mong dư luận có cách nhìn nhân ái
https://vietnamnet.vn/xuan-bac-xin-loi-bo-van-hoa-mong-du-luan-co-cach-n...