Sau cuộc họp để xem xét đề nghị từ Ủy ban Kiểm tra (UBKT) - thi hành kỷ luật năm cán bộ, Ban Bí thư của Ban Chấp hành Trung ương (BCH TƯ) đảng CSVN đã quyết định khai trừ ra khỏi đảng ba người (ông Chử Xuân Dũng – Phó Chủ tịch Hà Nội, ông Ma Thế Quyên - Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy kiêm Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Bắc Kạn, ông Nguyễn Văn Phong - Tỉnh ủy viên kiêm Phó Chủ tịch tỉnh Bình Thuận), tước bỏ toàn bộ chức vụ trong đảng của ông Men Pholly - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh An Giang, Tỉnh ủy viên An Giang, cựu Bí thư huyện ủy Tri Tôn và cảnh cáo ông Mai Tiến Dũng – cựu Ủy viên BCH TƯ đảng, cựu Bộ trưởng từng đảm nhiệm vai trò Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (1), nhiều người được xem là thạo tin... cung đình cùng khẳng định trên mạng xã hội: Số phận của ông Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã được định đoạt, ông Phúc sẽ phải rời khỏi Bộ Chính trị, BCH TƯ đảng và vị trí Chủ tịch Nhà nước.
Thông tin ông Nguyễn Xuân Phúc dính líu đến các đại án như “Việt Á”, “giải cứu” vốn đã râm ran trên mạng xã hội khoảng nửa năm nay nhưng chỉ ngừng ớ mức... “dự đoán”. Tin đồn chuyển từ mức độ “dự đoán” sang “khẳng định” sau khi Bộ Công an loan báo đã bắt bà Nguyễn Thị Thanh Thủy – 56 tuổi là cựu Chuyên viên NXB Giáo dục Việt Nam và bà Nguyễn Bạch Thùy Linh – 45 tuổi là Giám đốc SNB Holdings vì... “lợi dụng ảnh hưởng, can thiệp, tác động lãnh đạo một số bộ, ngành tạo điều kiện, giúp đỡ Công ty Việt Á trong quá trình sản xuất, kinh doanh kit test Covid-19 để trục lợi” (2). Khác với chuyện bắt vài chục viên chức là lãnh đạo các cơ quan trung ương, địa phương thuộc nhiều ngành khác nhau và giám đốc, nhân viên một số doanh nghiệp có dính líu đến Việt Á, lần này, Bộ Công an không giải thích vì sao một “chuyên viên” trong lĩnh vực GDĐT và “giám đốc” một doanh nghiệp chuyên phân phối sản phẩm dành cho trẻ em và đồ gia dụng lại có thể phạm tội “lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”.
Mạng xã hội đã thay Bộ Công an Việt Nam làm điều đó. Một số người khẳng định, bà “chuyên viên” trong lĩnh vực GDĐT là cháu ruột của cha ông Nguyễn Xuân Phúc, còn bà “Giám đốc SNB Holdings” thì là con dâu của một viên chức cao cấp trong lĩnh vực ngoại giao mà gốc gác ở Quảng Nam, vốn vừa là đồng hương, vừa là chỗ thâm giao với gia đình ông Nguyễn Xuân Phúc. SNB Holdings là doanh nghiệp mà bà Nguyễn Thị Xuân Trang – ái nữ của ông Nguyễn Xuân Phúc nắm giữ 48% cổ phần. Việc bắt giữ một “chuyên viên” trong lĩnh vực GDĐT và “Giám đốc SNB Holdings” nhằm giải đáp thắc mắc: Ai hoặc những ai nắm giữ 80% cổ phần của Việt Á (3) vốn đã được đồng chí, đồng bào nêu ra từ đầu năm ngoái (4)... Tuy nhiên những thông tin vừa đề cập cũng chỉ là... “tin đồn”! Nếu thử phối kiểm để xác định thực hư thì sẽ mất vài phút để có thêm vài thông tin trên các nguồn chính thức: Một trong hai thành viên chính của SNB Holdings là SNB Distrubution...
Theo tạp chí điện tử Nhà Đầu Tư (cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài) thì có một “nữ doanh nhân” đang nắm giữ 48% cổ phần của SNB Distrubution. Tuy không nêu danh tính “nữ doanh nhân” ấy nhưng Nhà Đầu Tư tự nguyện cung cấp thêm thông tin giúp nhận dạng “nữ doanh nhân” dường như thuộc diện... “không tiện nêu tên”: “Nữ doanh nhân” ấy còn là một trong những cổ đông sáng lập Tập đoàn Edufit – chủ thương hiệu trường mầm non Sakura Montessori và trường liên cấp Dewey Schools - trước đây là hệ thống trường quốc tế Gateway (5). Chịu khó bỏ thêm vài phút nữa để tìm thêm thông tin về Edufit chắc chắn sẽ thấy tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực giáo dục này có bốn cổ đông, ba trong bốn cổ đông cùng mang họ Trần và cùng tham gia quản trị - điều hành Edufit, cổ đông duy nhất mang họ khác và chỉ góp vốn có tên đầy đủ là... Nguyễn Thị Xuân Trang (6) – trùng với danh tính ái nữ của Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam!
***
Cần lưu ý, bất kể thế nào thì... “tin đồn” vẫn chỉ là... “tin đồn” cho đến khi nó... đúng! Đến giờ, ông Nguyễn Xuân Phúc vẫn là Ủy viên Bộ Chính trị, thành viên BCH TƯ đảng kiêm Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Ở quốc gia đang xây dựng “nhà nước pháp quyền XHCN” luôn luôn đề cao “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” thì “tin đồn” đã trở thành phần không thể... thiếu nhằm bù đắp cho... thông tin chính thức. Tháng 6 năm ngoái, trước khi các thành viên BCH TƯ đảng khóa 13 đổ về Hà Nôi tham dự kỳ họp bất thường lần thứ nhất, mạng xã hội Việt ngữ đã râm ran chuyện ông Phạm Bình Minh sẽ bị loại khỏi Bộ Chính trị, đồng thời còn bị loại ra khỏi BCH TƯ đảng khóa 13 cùng với ông Vũ Đức Đam, rồi cả ông Minh và ông Đam sẽ bị cách chức Phó Thủ tướng... Tuy nhiên ở Hội nghị bất thường lần thứ nhất của BCH TƯ đảng khóa 13, chỉ có ông Nguyễn Thanh Long (Bộ trưởng Y tế) và ông Chu Ngọc Anh (Chủ tịch Hà Nội) bị đảng khai trừ... Khi ấy, “tin đồn” vừa kể rõ ràng là... “thất thiệt” và “xuyên tạc”!
Ngoạn mục là sáu tháng sau (hạ tuần tháng 12/2022) tin... “thất thiệt” đột nhiên trở thành... “đúng thiệt”! Trong hội nghị... bất thường lần thứ hai, BCH TƯ đảng khóa 13 nhất trí để ông Minh “thôi” tham gia Bộ Chính trị và ông Minh, ông Đam cùng “thôi” tham gia BCH TƯ đảng khóa này. Tuần kế tiếp, tới lượt Quốc hội Cộng hòa XHCN Việt Nam họp... bất thường, nhất trí để ông Minh và ông Đam “thôi” làm Phó Thủ tướng, nhất trí chọn hai người khác điền vào chỗ trống. Có một điểm đáng chú ý là cả Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCH TƯ đảng khóa 13 lẫn Quốc hội Cộng hòa XHCN Việt Nam đều lờ đi, dứt khoát không thèm giải thích với đồng chí, đồng bào rằng... vì sao lại... nhất trí biến tin... “thất thiệt” thành... “đúng thiệt” với tỉ lệ đồng thuận cao như thế. Hành xử như thế có khác gì khuyến khích đồng chí, đồng bào đi tìm câu trả lời từ những nguồn vốn vẫn bị lên án là... “xuyên tạc”? Đó cũng là lý do không thể xác định hay phủ nhận “tin đồn” liên quan đến... “sinh mạng chính trị” của ông Nguyễn Xuân Phúc.
BCH TƯ đảng khóa 13 và Quốc hội Cộng hòa XHCN Việt Nam khóa 15 sắp họp... bất thường thêm một lần nữa? Không biết vì chưa có... thông báo! Chỉ biết là trước giờ, những “tin đồn” liên quan đến nhân sự thường... “đúng thiệt”. Tại sao tin... “thất thiệt” thường... “đúng thiệt”? Theo logic, tin... “thất thiệt” chỉ có thể trở thành... “đúng thiệt” nếu tin... “thất thiệt” phát xuất từ các nguồn rành rẽ hoạt động... cung đình. Thế thì tại sao giới hữu trách tại Việt Nam không chủ động giải trình rành rọt với đồng chí, đồng bào? Rất khó trả lời thỏa đáng, chỉ tạm phỏng đoán rằng, dường như đảng muốn giữ... thế giá nên mới dùng... “tin đồn” làm công cụ thỏa mãn nhu cầu... “dân biết, dân bàn”. Bởi sắp đặt nhân sự giờ là chuyện sống còn trong... đảng, gieo... “tin đồn” có thể gây ra áp lực để nhân danh nhân dân thực hiện... “dân làm”, đảng phải tạo điều kiện cho... “dân kiểm tra” xem tin... “thất thiệt” có... “đúng thiệt” (?!). Phải... “đúng thiệt” mới có thể dùng tiếp. Ít nhất dân chủ XHCN cũng phải có chỗ... khác dân chủ tư sản chứ! Đúng không?
Tham khảo
(1) https://thanhnien.vn/canh-cao-ong-mai-tien-dung-lien-quan-vu-chuyen-bay-giai-cuu-post1541946.html
(3) https://baotiengdan.com/2023/01/14/the-luc-nao-dang-tan-cong-chu-tich-nuoc-nguyen-xuan-phuc-phan-2/
(4) https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/vu-cty-viet-a-nut-that-tim-ra-trum-cuoi-nam-o-80-co-phan-1675214.html
(5) https://nhadautu.vn/he-lo-ba-chu-snb-holdings-vua-bi-bat-trong-dai-an-viet-a-d73305.html
Bài bình luận gần đây