You are here

Những điều đáng buồn xung quanh vụ việc cháu bé rơi vào trụ bê tông

Ảnh của nguyenvubinh

     Vụ tai nạn xảy ra lúc khoảng 11:30’ ngày 31/12 khi cháu bé Thái Lý Hạo Nam 10 tuổi cùng một số bạn trong xóm đi vào công trình cầu Rọc Sen ở Xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp để nhặt sắt. Cháu bé Hạo Nam đã bị trượt xuống lỗ trụ bê tông của công trình xây dựng dang dở. Các bạn đi cùng hô hoán để người lớn đến cứu nhưng bất thành. Lực lượng cứu hộ sau đó đã vào cuộc.

     Khi tiếp cận hiện trường có nhiều phương án đặt ra, trong đó có việc thả dây chuyên dụng xuống cọc bê tông kéo bé lên. Thế nhưng đường kính cọc bê tông quá nhỏ, nạn nhân bị kẹt cứng và nhân viên cứu hộ không thể tiếp cận được để luồn dây qua người nên không thể thực hiện phương án này.

     Rất nhiều phương án, giải pháp được lực lượng chức năng sử dụng nhằm rút ngắn thời gian giải cứu cháu bé Hạo Nam lên mặt đất nhưng vẫn không thành. Từ phương án dùng máy xúc múc quanh trụ bê tông tạo miệng hố rộng để nhổ cọc, khoan nhồi, khoan guồng xoắn, bổ sung phương pháp khoan xoáy nước áp lực lớn,... đến tổ chuyên gia quốc tế vào cuộc cũng chưa có tín hiệu khả quan. Tối ngày 4.1, lực lượng chức năng chính thức xác nhận thông tin cháu bé đã tử vong dựa trên đánh giá giữa pháp y, y tế, chính quyền địa phương. 

     Xung quanh vụ việc cháu bé Hạo Nam chẳng may rơi xuống ống bê tông sâu 35 mét, có nhiều vấn đề đáng thương hoàn cảnh gia đình cháu bé, cũng như có rất nhiều điều đáng nói  về cách thức làm việc của các nhà thầu và đơn vị thi công.

     Nhà cháu bé Hạo Nam được báo chí và cộng đồng mạng phát hiện là một căn nhà cấp bốn xiêu vẹo, cũ và tồi tàn. Bố mẹ cháu kể lại, cháu xin bố mẹ 60 nghìn để đi học võ nhưng gia đình không có. Cháu bé đã cùng các bạn đi kiếm sắt vụn ở công trình xây dựng dang dở, đó là công trình cầu Rọc Sen. Điều đáng nói là hoàn cảnh gia đình cháu Hạo Nam hiện nay không phải là hiếm, có rất nhiều gia đình cũng đang trong hoàn cảnh của cháu Hạo Nam, nhưng hoàn toàn không có lối thoát nào. Đó là một thực tế đáng buồn hiện nay.

     Vấn đề an toàn công trình xây dựng, điều đầu tiên là công trình xây dựng không có hàng rào xung quanh, không có bảo vệ để người ngoài ra vào thoải mái. Tiếp đến, các trụ bê tông ở các nước khác đều có các thanh sắt giằng bên trong để ngăn cản người có thể rơi xuống, nhưng ở Việt Nam đã không có. Một vấn đề nữa là ở các nước khác, khi thi công dở dang, các cột trụ bao giờ cũng để nổi miệng trên mặt đất 50-100cm và đậy lắp miệng trụ bê tông lại. Ở Việt Nam nói chung và vụ cháu Hạo Nam nói riêng, các trụ bê tông bao giờ cũng đóng sâu dưới mặt đất một khoảng 20-30cm, và không có đậy nắp bảo vệ. Trước vụ tai nạn này không lâu, ngày 19 tháng 12 năm 2022, tại công trường Khu đô thị Thăng Long Home Hiệp Phước, thị trấn Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai cũng xảy ra một vụ tai nạn cộng đồng tương tự: một bé trai 5 tuổi cũng rơi xuống hố cọc bê tông ly tâm đã ép xong vào lòng đất sâu 15 m nhưng đường kính hố là 40 cm và đã được cứu sống. Toàn bộ những vấn đề nêu trên phản ánh một phương thức làm ăn lạc hậu, cẩu thả và vô trách nhiệm.

     Thực chất, không phải các đơn vị xây dựng ở Việt Nam không biết và không làm được những điều này, mà vấn đề là nếu làm như vậy, chi phí sẽ phát sinh và đơn vị thi công sẽ bị lỗ, không thể hoạt động. Điều làm cho doanh nghiệp lỗ là các chi phí ngoài công trình, sự chấm mút ăn hối lộ của quan chức ngành và địa phương. Các công trình xây dựng mà chủ đầu tư là nhà nước, khi đến với đơn vị thi công, nơi nào nhiều và giỏi nhất cũng chỉ còn lại 50% giá trị công trình. Như vậy các đơn vị thi công lấy đâu ra tiền để thực hiện các tiêu chuẩn an toàn lao động. Đây là lỗi hệ thống thuộc về cơ chế hiện nay.

     Về vấn đề cứu nạn, cứu cháu bé, có thể nói là hoàn toàn tự phát. Đã có rất nhiều vụ việc tương tự vụ cháu Hạo Nam, nhưng Việt Nam không có một nghiên cứu, một quy trình cứu hộ nào cho các trường hợp tương tự. Các trường hợp khác dễ dàng hơn, chỉ có những người tại hiện trường thực hiện cứu nạn là xong. Nhưng gặp trường hợp khó như của cháu Hạo Nam, ống trụ bê tông nhỏ, đường kính chỉ 25cm, độ sâu 35m rất lớn, địa hình cọc đã đóng dẫn tới đất bị nén lại rất khó đào, các phương án cứu nạn hoàn toàn không khả thi. Thậm chí việc nhổ trụ bê tông lên cũng không hề dễ dàng. Việc cứu nạn hoàn toàn bế tắc. Có thể nói, toàn bộ hệ thống chính trị đã vào cuộc, kéo theo toàn bộ nguồn lực và trí tuệ của Việt Nam, nhưng sau gần hai tuần vẫn chưa thể đưa thi thể cháu bé lên khỏi mặt đất. Điều này phản ánh khả năng, thực trạng năng lực cứu nạn, cứu hộ của Việt Nam, đó là một con số không tròn trĩnh.

     Như vậy, để giải quyết triệt để vấn nạn vi phạm quy định an toàn lao động dẫn tới những cái chết thương tâm (không chỉ trong lĩnh vực xây dựng) cần phải chấm dứt nạn chấm mút, tham nhũng hiện nay. Nạn tham nhũng lại xuất phát từ cơ chế, do vậy, chỉ có thể chấm dứt tình trạng vi phạm an toàn lao động khi thay đổi cơ chế, chế độ hiện nay./.  

Hà Nội, ngày 10/01/2023

N.V.B