You are here

Chào 2023, Việt Nam cần một nền tư pháp tử tế

Đã rất lâu, không chỉ là chuyện một ông hội đồng tỉnh dùng gậy đánh golf vụt người lượm bóng đến gãy gậy mà bị xử giống như không xử hay là chuyện một người ăn cắp con gà, buồng chuối thì bị xử vài năm tù, kẻ trộm cả ngàn tỉ đồng của nhân dân chỉ bị phạt vài năm án treo… Dường như nền tư pháp Việt Nam bị khủng hoảng từ trứng nước, mà nguyên nhân của nó không có gì khác là do Dốt.

Dốt, bởi thứ tư duy “truyền thống”, lối chọn người theo lý lịch đã nhấn chìm nền tư pháp nói riêng và đất nước nói chung vào hố sâu trì trệ, bí bách, không lối thoát. Dốt bởi những kẻ không có năng lực nhưng giỏi chạy chọt, giỏi đội trên đạp dưới, giỏi nịnh bợ đã thắng thế trong công cuộc xây dựng đất nước (nếu thực sự có công cuộc này!).

Hãy nhìn lại vụ án Hồ Duy Hải và cách trả lời của một chánh án tối cao như Nguyễn Hòa Bình, dường như không có cơ sở khoa học, cũng không có cơ sở pháp lý, không có bất kì cơ sở lương tri nào ở đây. Vụ việc động trời, có liên quan đến tính mạng con người và liên quan đến số phận nhiều người, thế nhưng chính một vị Chánh án tối cao của quốc gia lại ỡm ờ bênh vực cho việc dựng hiện trường, thay thế vật chứng và kết án tử hình một con người quá dễ dàng trong khi chưa hề có bất kì bằng chứng nào đủ thuyết phục (chứ chưa nói đến cơ sở pháp lý) để khẳng định Hồ Duy Hải là kẻ giết người.

Trong bối cảnh này, trạng huống này, gương mặt của tư pháp, của ngài chánh án vô hình trung trở nên rất giống với những kẻ hoạn lợn ngu ngốc, thủ đoạn, tàn nhẫn, mất tính người. Mà rõ ràng chưa chắc ông Nguyễn Hòa Bình đã đảm bảo đầy đủ tính người một khi ông đang là chủ xị của một nền tòa án hết sức ầu ơ, một nền tư pháp mà ông là nhân tố không nhỏ luôn cho thấy ở đó không có công lý, chỉ có sự bất minh, giảo hoạt và man trá. Vì sao nên nỗi?

Xin thưa, nền tư pháp Việt Nam hiện tại rất dễ mà cũng rất khó để tử tế. Dễ bởi nhân tài không thiếu, luật sư giỏi không thiếu, luật sư có đầy đủ lương tâm công lý không thiếu và hiện tại tiếng nói của họ lọt thỏm, nhỏ nhoi giữa những ồn ào thế sự. Thế nên đâm ra khó, khó một khi người ta đặt câu hỏi về những luật sự thực thụ, tại sao họ lại bị hất ra lề tư pháp, ắt hẳn câu trả lời không vui, bởi họ hiểu biết về luật pháp, họ giỏi phân tích và giỏi luật, nói chung là vậy, hiểu biết về luật của họ không chỉ dừng ở hệ thống luật xã hội chủ nghĩa, thậm chí họ thấm nhuần cái hay của hệ thống luật bên ngoài, luật tư bản… Đương nhiên, nguyên nhân chính để họ không được trọng dụng, đó là họ không phải là đảng viên.

Thế nhưng, nếu là những đảng viên trí thức thực thụ thì cũng bõ bèn cho cái gọi là trí thức, đằng này, nhìn lại nền tư pháp Việt Nam, một nền tư pháp đặc biệt mà trong đó, kẻ dùng bằng dỏm vẫn còn chen chúc, bằng tại chức, bằng chuyên tu thì đầy rẫy, hiểu biết về pháp luật thì chẳng có gì. Tôi từng quen một ông trước làm công an, nổi tiếng nịnh bợ cấp trên, sau này cấp trên bị mất chức, hỏng chân, bị rớt khỏi ngành công an vì không có năng lực, thế nhưng chưa đầy năm sau, nhân lúc tách tỉnh, chia huyện, tay này lại chễm chệ ngồi ghế chánh án tòa án huyện mới. Tôi thực sự bàng hoàng bởi với một kẻ dốt nát có thâm niên, nhân cách kém cỏi, bị đồng nghiệp xem là kẻ ăn bẩn như anh ta, nếu lên làm chánh án của một tòa án huyện thì tư pháp của huyện đó còn ra trò trống gì nữa.

Nhưng đâu chỉ riêng ngành Tòa án! Các Viện Kiểm sát cũng chả ra làm sao, đương nhiên tỉ lệ bằng cấp ở các viện này thì 100% đại học và cao học. Thế nhưng nếu chịu khó rà soát các tấm bằng của các ông/bà lãnh đạo thì thấy ngay rằng họ dùng bằng tại chức, chuyên tu. Mà những cái bằng này có uy tín đến độ người ta nói vui rằng “dốt như chuyên tu, ngu như tại chức”, thì cũng đủ hiểu năng lực của nó. Thế nhưng cái qui luật chết người rằng sống lâu lên lão làng và với việc sinh hoạt đảng lâu năm thì gừng càng già càng cay. Mọi cơ hội thăng tiến, chỗ lãnh đạo lại thuộc về những con người “chuyên tu và tại chức” này một cách nghiễm nhiên. Thử hình dung một đám bằng thật đang vâng dạ, phục tùng những kẻ bằng dỏm (phải nói rõ với nhau rằng loại bằng chuyên tu, tại chức, loại ghế dựa hơi đảng đều là những thứ của rởm, đồ dỏm, không xài được).

Thêm nữa, loại Hội đồng làm mưa làm gió, dùng tiền để thao túng ngành ngày càng nhiều, bởi một khi chính trị, hành chính và công lý không đủ vững, không đủ chặt chẽ thì từ bên ngoài sẽ có những tác nhân kinh tế thò tay vào chọc khuấy và thao túng, một khi cả sinh quyển chính trị nhuốm mùi tiền rồi thì chẳng còn gì để nói nữa, mọi thứ tệ hại nhất sẽ bắt đầu, và tại Việt Nam, nó bắt đầu từ rất lâu, bây giờ là lúc nó tàn phá.

Công lý chỉ xuất hiện và tồn tại khi trí tuệ con người đủ mạnh, đủ sáng suốt để giữ lấy nó như một qui ước tử tế, đó là điều hiển nhiên, bởi nếu con người không đủ mạnh về trí tuệ thì các phép toán ma quỉ sẽ nhanh chóng chiếm chỗ trong xã hội, thao túng, làm chao đảo xã hội theo cách của nó. Hiện tại, từ giới quan chức địa phương đến quan chức tỉnh, trung ương đều có vấn đề, nhìn đâu cũng thấy vấn đề, sở dĩ mọi tội ác và thủ đoạn đều có thể mang ra dùng lúc này bởi đất nước gần như không có công lý, công lý yếu ớt, công lý thất thế, công lý trở thành đồ trang sức của kẻ có tiền, công lý trở thành tiếng cười giễu cợt của kẻ nắm quyền. Đất nước sẽ còn tăm tối cho dù những nhà lãnh đạo còn chút lương tri có cố gắng đến mấy mà không xây dựng được một nền công lý tử tế trên cơ sở một nền tư pháp tử tế.

Năm 2022 sắp trôi qua, 2023 lại đến với một khối tàng tức về kinh tế, lòng người (hãy nhìn vào thành phố Sài Gòn với hàng ngàn lính cơ động có mặt hiện nay, cũng như quân đội miền Bắc có mặt trong đợt phong tỏa chống dịch Covid-19 năm 2021!) và còn nhiều chuyện khác vẫn “mang mang thế sự”, đất nước đi từ khó khăn này sang khó khăn khác, lòng người ngày càng bất an, xã hội ngày thêm bất ổn, thế nhưng giới cán bộ, giới lãnh đạo làm được gì ngoài việc ăn chơi phè phỡn, ngoài việc ung dung hưởng thụ?

Nếu không kịp thời có một nền tư pháp ổn định, chẳng bao lâu nữa, Việt Nam sẽ phải đón nhận những đợt sóng bất ổn và bạo loạn và rất khó để cứu vãn. Bởi điều quan trọng nhất vẫn là cái lõi tư tưởng. Một khi con người bị mất niềm tin thì mọi biện pháp chế tài, kể cả chế tài về tính mạng cũng chẳng ăn thua gì, đó là chưa muốn nói rằng cả những lực lượng tham gia chế tài cũng là con người, cũng sẽ phản tỉnh và suy nghĩ lại như bao con người khác trước tiếng rên đau của đồng loại.

Và cái tiếng rên đau vì thiếu nền tư pháp tử tế đang ngày càng thảm thiết, đang xé tận tâm can con người, đó là một đòi hỏi lịch sử!