You are here

Hình phạt tử hình cho Nguyễn Võ Quỳnh Trang có thực sự cần thiết?

Ảnh của NguyenTrangNhung

Hình: Nguyễn Võ Quỳnh Trang tại phiên tòa ngày 25/11/2022 (Nguồn: Người Lao Động)

Chiều tối ngày 25/11, phiên tòa xét xử Nguyễn Võ Quỳnh Trang và người tình Nguyễn Kim Trung Thái trong vụ bạo hành bé N.T.V.A., con ruột của Thái, dẫn đến tử vong đã khép lại với bản án tử hình dành cho Trang và 8 năm tù dành cho Thái.[1]

Trang bị kết án về tội giết người và tội hành hạ người khác theo các điều 123 và 140 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 (BLHS), trong khi Thái bị kết án về tội hành hạ người khác và tội che giấu tội phạm theo các điều 140 và 389 BLHS.

Trong khi hình phạt 8 năm tù dành cho Thái bị nhiều người xem là chưa thỏa đáng (và lẽ ra phải nặng hơn), thì hình phạt tử hình – hình phạt nặng nhất đối với tội phạm – dành cho Trang có lẽ đã làm thỏa mãn phần đông dư luận.

Để sang một bên hình phạt dành cho Thái, bài viết này đặt vấn đề về hình phạt dành cho Trang: Liệu việc áp dụng hình phạt tử hình trong trường hợp này có thực sự cần thiết?

Hành vi cấu thành tội giết người của Trang có 3 tình tiết tăng nặng định khung là (1) giết người dưới 16 tuổi, (2) có tính chất côn đồ, và (3) vì động cơ đê hèn theo các điểm b, n, và q, khoản 1, Điều 123 BLHS.

Hành vi cấu thành tội hành hạ người khác của Trang có 1 tình tiết tăng nặng định khung là phạm tội đối với người dưới 16 tuổi theo điểm a, khoản 2, Điều 140 BLHS.

Hành vi thứ nhất có 1 tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là phạm tội đối với người ở trong tình trạng không thể tự vệ được, theo điểm k, khoản 1, Điều 52 BLHS.

Hành vi thứ hai có 1 tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là phạm tội nhiều lần[2], hay phạm tội 2 lần trở lên theo điểm g, khoản 2, Điều 52 BLHS.

Khung hình phạt cho hành vi thứ nhất là từ 12 đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình, và cho hành vi thứ hai là từ 1 đến 3 năm tù. Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, khi được áp dụng, không làm thay đổi mức cao nhất của các khung hình phạt.

Tổng hợp hình phạt của 2 hành vi phạm tội có thể là tù có thời hạn (13 đến 23 năm tù), tù chung thân hoặc tử hình, căn cứ vào các điểm a, c, và d, khoản 1, Điều 55 BLHS về quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội.

Trong khi khung hình phạt cho tội giết người nói riêng và khung hình phạt tổng hợp nói chung là một dải rộng, từ tù có thời hạn, đến chung thân, rồi mới đến tử hình, Viện Kiểm sát (VKS) đã đề nghị, và Hội đồng xét xử (HĐXX) đã quyết định áp dụng hình phạt riêng cho tội giết người, kéo theo hình phạt tổng hợp cho cả hai tội, là hình phạt nặng nhất.

Cơ sở cho đề nghị của VKS, và cũng là cho quyết định của HĐXX, là các tình tiết nêu trên và nhận định của VKS rằng các hành vi của Trang "đặc biệt nguy hiểm cho xã hội", và Trang "không có khả năng cải tạo", và "cần phải loại bỏ ra ngoài xã hội".[3]

Đúng là các hành vi của Trang đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, song liệu các hành vi đó có đặc biệt nguy hiểm đến mức tương xứng với hình phạt tử hình, và Trang không có khả năng cải tạo đến mức cần bị loại bỏ ra khỏi xã hội bằng hình phạt tử hình hay không?

Hình phạt riêng cho tội giết người – với 3 tình tiết tăng nặng định khung và 1 tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự cho tội giết người – nếu là tù có thời hạn thì có thể không thỏa đáng, song khi là tử hình, dẫn đến hình phạt tổng hợp cũng là tử hình, thì có thỏa đáng hay không?

Câu trả lời cho cả 2 câu hỏi trên, cũng như cho câu hỏi đặt vấn đề ở tiêu đề và ở đầu bài viết này, theo người viết, là "Không" vì các lẽ:

1. Giết người là hành vi cố ý lấy đi tính mạng của người khác một cách trái pháp luật. Lỗi cố ý ở đây có thể là trực tiếp ("thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra", theo khoản 1, Điều 10 BLHS) hoặc gián tiếp ("thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra", theo khoản 2, Điều 10 BLHS). Qua các tình tiết mà báo chí đăng tải, có thể nhận định rằng Trang không mong muốn, mà chỉ để mặc cho hậu quả chết người xảy ra. Nếu Trang mong muốn bé N.T.V.A. chết, Trang rất có thể đã cân nhắc và tính toán hơn hành vi của mình, chẳng hạn, dùng các phương tiện gây án nhanh gọn hơn và/hoặc ít để lại dấu vết hơn. Theo đó, lỗi cố ý của Trang trong hành vi giết người là lỗi cố ý gián tiếp, mà hành vi giết người với lỗi cố ý gián tiếp, so với cùng hành vi với lỗi cố ý trực tiếp, có mức độ nguy hiểm thấp hơn.

2. Trang đã thành khẩn khai báo trong quá trình điều tra. Đây là điều mà chính VKS nhận định trong phiên tòa.[4] Tình tiết này cần được xem là tình tiết giảm nhẹ, căn cứ vào điểm s, khoản 1, Điều 51 BLHS. Trên thực tế, VKS và HĐXX có lẽ đã cân nhắc[5] nhưng cuối cùng đã không tính đến tình tiết giảm nhẹ này trong đề nghị và quyết định hình phạt.[6]

3. Trang có thể đã phần nào ăn năn hối cải – ăn năn hối cải cũng là tình tiết giảm nhẹ theo căn cứ nêu trên – và do đó còn có khả năng cải tạo. Một vài dấu hiệu của điều đó là Trang đã đọc kinh sảm hối[7], đã ăn chay trong 11 tháng bị tạm giam,[8] và đã vài lần khóc trong phiên tòa.[9] Mặc dù sự ăn năn hối cải của Trang là khả năng hơn là chắc chắn, nhưng để khẳng định như VKS rằng "bị cáo không ăn năn hối cải" thì còn kém chắc chắn hơn.

4. Tử hình là hình phạt nghiêm khắc nhất trong các hình phạt; trong chế tài của các tội phạm, hình phạt này luôn được đặt bên cạnh các lựa chọn khác là tù có thời hạn và tù chung thân, và ngay cả khi có đủ điều kiện để áp dụng hình phạt tử hình, thì với quan điểm hạn chế áp dụng hình phạt này của Nhà nước Việt Nam hiện nay, hình phạt này phải là (hay, theo người viết, chí ít nên là) lựa chọn cuối cùng khi tòa án xét thấy không thể áp dụng hình phạt khác.[10]

5. Tù chung thân là hình phạt nghiêm khắc chỉ sau hình phạt tử hình, và giống với hình phạt tử hình, hình phạt này được áp dụng cho tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Khi ân xá không được áp dụng, hình phạt này bảo đảm cách ly vĩnh viễn người phạm tội ra khỏi cộng đồng, qua đó, mục đích phòng ngừa riêng (đối với người phạm tội) lẫn phòng ngừa chung (đối với xã hội) tối đa của hình phạt vẫn đạt được.

Vì các lẽ nêu trên, hình phạt riêng cho tội giết người của Trang không nên là tử hình, mà nên dừng lại ở tù chung thân, và hình phạt tổng hợp cho cả hai tội – giết người và hành hạ người khác – do đó, cũng nên dừng lại ở tù chung thân.

Đề nghị của VKS và quyết định của HĐXX có thể có những lý do khác hơn ngoài các cơ sở pháp lý và lý luận về khoa học hình sự, cũng như các tình tiết thực tế của vụ án, và một trong các lý do đó dường như là vì mong muốn của dư luận.

Cho dù thế nào đi nữa, dư luận đã mất đi cơ hội nhìn nhận sự việc gần với bản chất hơn và hệ thống tư pháp Việt Nam nói riêng và hệ thống pháp luật nước nhà nói chung sẽ cần nhiều thời gian hơn để tiến bộ.

Chú thích:

[1][3][4][8] Nguyễn Võ Quỳnh Trang lĩnh án tử hình
https://vnexpress.net/nguyen-vo-quynh-trang-bi-de-nghi-muc-an-tu-hinh-4540437.html

[2][9] Vụ bạo hành bé gái 8 tuổi: Nguyễn Võ Quỳnh Trang lãnh án tử, cha cháu bé bị 8 năm tù
https://plo.vn/vu-bao-hanh-be-gai-8-tuoi-nguyen-vo-quynh-trang-lanh-an-tu-cha-chau-be-bi-8-nam-tu-post709486.html

[5] Tòa tuyên tử hình Nguyễn Võ Quỳnh Trang vụ bạo hành bé gái 8 tuổi
https://plo.vn/toa-tuyen-tu-hinh-nguyen-vo-quynh-trang-vu-bao-hanh-be-gai-8-tuoi-post709464.html

[6] Như [1], dựa trên tường thuật của nguồn này rằng "Về việc bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt để khắc phục hậu quả và bù đắp tình cảm cho người con còn lại, VKS cho rằng, hậu quả xảy ra khiến bé An chết thì "không còn gì để khắc phục"."

[7] Nguyễn Võ Quỳnh Trang gửi tiền ở chùa cúng cho bé V.A để làm gì?
https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/nguyen-vo-quynh-trang-gui-tien-o-chua-cung-cho-be-va-de-lam-gi-1120656.ldo

[10] Tập bài giảng trách nhiệm hình sự và hình phạt, Khoa Luật Hình sự – Trường ĐH Luật TP. HCM