You are here

Tại sao văn hóa Việt Nam ngày càng bệ rạc?! (phần 5)

Thảm nạn ngập lụt ở tại Việt Nam ngày càng trầm trọng. Đài RFA ngày 28 tháng Mười năm 2022 có bài "Ngập lụt đô thị: Trách nhiệm cá nhân hay hệ thống chính trị?" phỏng vấn một số người đang sống tại Việt Nam [1]. Các ý kiến của giới chuyên môn đều đồng thuận, thảm nạn ngập lụt bị gây ra bởi quy hoạch đô thị, với tầm nhìn hạn hẹp của nhà cầm quyền CSVN gây ra một cách có hệ thống, suốt ít nhứt gần nửa thế kỷ qua. Quy hoạch đô thị không chỉ là kỹ thuật mà nó còn là nghệ thuật -  nơi thể hiện VĂN HÓA của con người.
 
Kể từ 1975 đến nay, dân số Việt Nam đã tăng lên đến mức không ngờ tới. Theo wikipedia [2] cho biết: "Tháng 4 năm 1976, nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam có 49.160.000 người, sau khi trừ đi hết số người vượt biên và số tù binh đang bị giam giữ cải tạo. Dân số miền nam trước khi bầu cử thống nhất chỉ hơn 19 triệu, còn miền bắc lên đến 30 triệu". Cho đến nay, dân số toàn cõi Việt Nam, tính đến năm 2021: hơn 98 triệu người - mức tăng 200%, so với năm 1976.
 
Cũng kể từ 1975, toàn cõi Việt Nam bị ĐCSVN cai trị bằng chủ thuyết Marx - Lenin. Chủ thuyết này đã sinh ra mô hình Nhà nước Công - Nông. Mô hình nhà nước Công - Nông dễ nhận thấy qua 2 đặc trưng:
 
1. Khinh rẻ trí thức nói chung và trí thức trong lãnh vực quy hoạch đô thị nói riêng.
2. Đặc quyết tâm chính trị lên trên mọi quy luật tự nhiên - kinh tế - xã hội để quản trị quốc gia đến gần trăm triệu con người. Nói cách khác, nhà cầm quyền CSVN chống lại quy luật tự nhiên và quy luật xã hội.
 
Từ 2 đặc trưng nêu trên, Nhà nước Công - Nông tạo ra ba hệ lụy:
 
1. Quản trị xã hội bằng bản chất nông dân lạc hậu: Tầm nhìn quản trị quốc gia của nhà cầm quyền CSVN không khác gì những vụ mùa, dù là mùa bội thu hay thất thu, dù là "hai vụ" hay cải tiến thành "ba vụ" "bốn vụ" cũng vậy, bởi tánh nết buông thùa, được chăng hay chớ  v.v...
 
2. Tư duy nhiệm kỳ: quản trị quốc gia nói chung và quy hoạch đô thị nói riêng là một thể thống nhứt - có hệ thống - suốt chiều dài tồn tại của quốc gia nhưng đã bị thứ "tư duy nhiện kỳ" phá nát. Đua đòi theo phương Tây đủ kiểu về quy hoạch đô thị nhưng không thể nào thích hợp với văn hóa nông nghiệp lạc hậu vẫn ngập tràn trong xã hội, dù núp dưới những bộ veston hay "đầm đìa" đủ loại.
 
3. Thảm nạn tham nhũng: Quy hoạch các khu đô thị mọc lên lộn xộn, lố lăng về quy hoạch tổng thể đến quy hoạch chi tiết và dễ dàng bị thay đổi, khi có bàn tay lợi ích nhóm thọc vào.
 
VĂN HÓA DỐI TRÁ  NÊN ĐƯỢC THỪA NHẬN
 
Thể chế chính trị độc đảng toàn trị đã phôi thai và sanh nở ra loại hình văn hóa, vốn rất khó gọi tên - đang tồn tại ở xứ thiên đàng mà ông Lương Văn Kế cho biết cách đây 9 năm: "...đạo đức giả của người Việt Nam hiện nay đang là chuẩn mực văn hóa. Người nào không biết giả dối không biết bịa đặt thì người đó không thể phát triển” [3]
 
Năm 2016, ông Hoàng Trung Hải - lúc bấy giờ là Bí thư Thành Ủy Hà Nội bộc bạch "Nếu phát triển môi trường đầu tư, du lịch, nông nghiệp mà không bảo đảm được môi trường xã hội, tội phạm đầy ra, người dân không dám ra đường thì cũng vứt đi. Thà là sống nghèo nhưng công bằng và yên bình còn hơn là cuộc sống giàu mà bon chen, không an toàn” [4]. Tự thân ông Hoàng Trung Hải đã phơi bày thói dối trá khi đặt ra mệnh đề "sống nghèo - công bằng - yên bình" với "giàu có - bon chen - không an toàn". Bởi con người được sinh ra, không một ai muốn sống trong nghèo khổ - Đó không phải là "chân lý" của ĐCSVN nhằm dụ dỗ người dân "cướp chính quyền" năm xưa để đổi đời đó sao (?) Hãy nghe bà Lê Thị Ngọc Đa - một thương binh và đi theo "tiếng gọi của đảng", để rồi bị kết án 3 năm rưỡi tù giam theo điều 258 Bộ Luật Hình sự Việt Nam [5]: " Hồi trước tôi đi theo lý tưởng cộng sản là sau này không còn có kẻ giàu người nghèo, không có ai bóc lột ai. Vì lý tưởng đó mà tôi thích tôi đi theo".
 
Người dân Việt Nam cũng tỏ tường về phong trào "Học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" bắt đầu từ 2006. Đến nay hơn 16 năm trời, loại hình "văn hóa hiện thực XHCN" ngày càng phát triển sự dối trá lan tràn, trên mọi lãnh vực và có vẻ thấm đẫm vào từng con người, dù đó là những ông (bà) lãnh đạo cấp cao và cấp cao nhứt.
 
Quả thật, từ những "tấm gương" gian manh và quỷ quyệt của người CSVN, nó gần như trở thành "mảng kiếng tráng thủy ố mờ và nứt nẻ" cho dân soi vào để "học và làm theo". Người dân Việt Nam của "hiện thực XHCN" ngày càng tham tàn vô độ - dối trá vô đối thủ, với bằng chứng từ hộ chiếu không dám ghi nơi sanh, cho đến tội phạm xảy ra đầy ắp từ trong cho tới ngoài nước. "Nhục nội địa" đã biến thành "nhục quốc thể" từ lâu!
 
Chưa bao giờ Ban Tuyên giáo Trung ương cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch soi ngẫm một cách thấu đáo về văn hóa Việt Nam, đã được trình bày và cô đọng trong 8 tính chất như liệt kê dưới đây:
 
1. Tính vận động
2. Tính tác động lẫn nhau và tác động đa chiều
3. Tính đa nguyên
4. Tính kế thừa hoặc mai một
5. Tính chính trị
6. Tính chi phối
7. Tính đại diện
8. Tính trách nhiệm.
 
Lâu nay, người đời đã chấp nhận trong giấc ngủ vùi về văn hóa Việt Nam - vốn là những cái đẹp, cái hay của ông cha truyền lại, mà bỏ quên thuộc tính thứ nhứt và thứ nhì nêu trên - quan trọng nhứt, tức là Văn hóa luôn biến đổi và thay đổi, chứ không bất di bất dịch như nhiều người lầm tưởng. Đã quá muộn để cần thừa nhận: Văn hóa là những gì PHÙ HỢP với xã hội Việt Nam hiện tại. Quá rõ ràng khi xác quyết như vậy. Xã hội Việt Nam ngày nay dung dưỡng và phát triển văn hóa dối trá, bởi nó PHÙ HỢP và CÓ ÍCH với tuyệt đại đa số người Việt Nam, như ông Lương Văn Kế đã xác nhận.
 
Văn hóa dối trá là điều có thật. Nó thật đến mức không nên chối cãi và không thể chối từ, như bà Diệp Thị Hồng Liên - Cựu trưởng phòng khảo thí - phát ngôn trước tòa tỉnh Hòa Bình, vào năm 2018: "Ai cũng gù, thẳng lưng là khuyết tật" [6]
 
Trong khi đó, tuyệt đại đa số người Việt Nam đều lên án dối trá. Điều đó tạo ra nghịch lý và tự thân chối bỏ mệnh đề: Văn hóa dối trá giúp người dân tồn tại - Tồn tại chứ không phải Sống đúng nghĩa của một con người Tự Do.
 
Mặt khác, người ta tồn tại với dối trá và buộc phải nhận lấy những hậu quả từ dối trá sanh ra, đồng thời lại sẵn sàng tận hưởng những lợi ích từ dối trá mang lại. Đó là lại phạm trù "Đấu tranh và thống nhất giữa các mặt đối lập". Điều này có nghĩa, người đời vừa cần có dối trá vừa căm ghét dối trá. Người ta sẵn sàng thỏa hiệp với dối trá trong trường hợp có lợi cho mình và đấu tranh với dối trá khi gặp bất lợi cho cá nhân, chứ không phải cho xã hội an hòa. Chính điều đó tạo ra xung đột dữ dội trong xã hội và trên mọi lãnh vực, nó xuất hiện ngay cả trong gia đình - dòng tộc - láng giềng - bằng hữu - đồng nghiệp v.v...
 
Tại sao xã hội Việt Nam hiện tại với "hiện thực XHCN" lại đầy nhóc dối trá? Câu hỏi xót xa và đầy gai góc nên dành cho Đảng Cộng Sản Việt Nam!