You are here

Khi hiệu trưởng là ma cô

Chuyện này, tôi nhớ những năm tôi còn học cấp ba, tức vào những năm giữa thập niên 1990 của thế kỉ trước, thầy tôi, người xem tôi là học trò thân tín, thường than thở với tôi về cái nạn ma cô trong trường học, đặc biệt là ma cô trong giới lãnh đạo trường. Ban đầu tôi cứ nghĩ thầy chỉ giận một số kẻ bất hảo trong trường nên nói vậy, nhưng càng về sau, tôi mới hiểu là thầy đã nói giảm đi rất nhiều, bởi có những kẻ làm lãnh đạo ngành giáo dục, đội lớp áo trí thức, mô phạm nhưng kì thực tư duy và tâm thức của họ còn thấp kém hơn ma cô một bậc. Trường hợp bà Hiệu trưởng trường tiểu học An Hội gây đình đám mấy ngày nay là một điển hình gần nhất.

Chuyện bắt đầu từ vụ một phụ huynh học sinh tên Tuyến, đứng vị trí Phó ban đại diện cha mẹ học sinh của một lớp trong trường tiểu học An Hội, Gò Vấp, Sài Gòn đã không ngần ngại chỉ tay vào mặt, xỉ vả, nhục mạ ba phụ huynh khác là những lao động nghèo, họ không thể tham gia đóng các khoản phí của quĩ cha mẹ học sinh (mà kì thực là họ không có trách nhiệm đóng bất kỳ khoản nào, hơn nữa, sự không thỏa hiệp, không nhắm mắt đóng cho xong chuyện của họ đang là vấn đề mẫu mực về thượng tôn pháp luật, bởi theo Thông tư 55 - Bộ Giáo Dục thì Hội cha mẹ học sinh không được phép thu tiền một cách tùy tiện, thậm chí không được tổ chức thu tiền cha mẹ học sinh…), sự xỉ vả của bà Tuyến đã đạt đến ngưỡng không những xem người khác dưới mắt mà như một thứ tôi đòi, bắt người kia phải đứng dậy, giới thiệu tên họ, bản thân… Thực sự là cách hành xử còn ghê gớm hơn cả sự tra vấn của công an với tội phạm!

Câu chuyện dậy sóng bất bình trên mạng xã hội, đương nhiên nỗi bất bình, khó chịu ném vào bà Tuyến và cả giáo viên chủ nhiệm và hiệu trưởng của trường An Hội, bởi buổi họp đó có mặt bà hiệu trưởng và giây phút bà Tuyến nhục mạ người khác cũng có mặt bà hiệu trưởng. Đương nhiên sự bất mãn có thể lắng xuống nếu như bản thân hiệu trưởng biết lỗi và có những hành xử, điều chỉnh phải lẽ, rất tiếc, sự việc không diễn ra theo hướng này!

Điều mà dư luận đặt câu hỏi là theo thông lệ, cuộc họp phụ huynh của các lớp học chỉ có giáo viên chủ nhiệm, các phụ huynh học sinh và ban đại diện phụ huynh học sinh, hiệu trưởng tuyệt nhiên không xuất hiện trong buổi họp này, bởi hai lý do, thường một ngày dành riêng cho việc họp phụ huynh của trường thì có đến mấy chục lớp tổ chức họp, ban giám hiệu làm sao có mặt đầy đủ ở các lớp, hơn nữa họ có mặt để làm gì? Thậm chí sự có mặt của ban giám hiệu có thể gây trở ngại cho buổi họp, bởi mọi thứ của ban giám hiệu phổ biến thông qua văn bản, thông báo, qua giáo viên chủ nhiệm. Theo những gì video ghi lại, bà Tuyến nói rằng đã từng xin nhà trường xây dựng một lớp học đầy đủ tiện nghi nhất, và theo trả lời báo chí của bà hiệu trưởng thì ngoài việc này, bà Tuyến còn ủng hộ cho trường 15 triệu đồng để xây dựng quĩ trường… Để rồi trong buổi họp, Tuyến mạnh miệng tuyên bố rằng năm trước đã nhắc với ba phụ huynh kia hãy chuyển con sang lớp khác, đừng theo lớp này… cách nhắc của Tuyến mang màu sắc vừa đấu tố, vừa đe nẹt, vừa hù dọa và khinh bỉ… Nhìn chung, cách hành xử của Tuyến trong video cho thấy Tuyến xem họ chẳng có gì là bình đẳng hay đồng đẳng, mà là của bề trên, của kẻ thượng đẳng đang nhìn xuống tầng lớp hạ lưu và mặc sức xỉ vả…

Khi mạng xã hội dậy sóng, câu hỏi đặt ra cho từng bộ phận trách nhiệm, người liên đới đầy đủ rồi thì báo chí nhà nước vào cuộc, bà hiệu trưởng trường An Hội trả lời báo chí, phủi toàn bộ trách nhiệm của bà ta! Đầu tiên là bà không giải thích lý do bà có mặt tại buổi họp phụ huynh của lớp học hôm đó. Thứ đến, bà cũng không giải trình được việc bà đã im lặng để mặc cho các phụ huynh chịu tiếng chì tiếng bấc của bà Tuyến… Nhưng, chưa dừng ở đó, bà chối phăng tội!

Khi báo chí hỏi về trách nhiệm của hiệu trưởng trong vụ việc, bà hiệu trưởng trả lời: “Không, dĩ nhiên người đầu tiên là phụ huynh Tuyến, người phát biểu nóng nảy, thiếu kiềm chế để xảy ra sự việc đó. Người thứ hai để xảy ra sự việc là người đăng clip. Tại vì thực ra clip không lên thì không xảy ra sự việc tùm lum như vậy. Giải quyết nội bộ thì không có chuyện tùm lum như vậy.

Tôi đã hỏi những phụ huynh trong lớp có cảm thấy bị hạ nhục không, có cảm thấy bức xúc với chị Tuyến không thì họ đều nói không hết. Bốn người khó khăn trong lớp đó đều nói như vậy luôn”.

Như vậy, nội dung trả lời của bà hiệu trưởng này xoay quanh ba vấn đề chính: Trách nhiệm, tội lỗi không liên quan đến hiệu trưởng; Người tung video clip lên mạng cũng là người có lỗi và; Những người trong lớp đồng lòng với bà Tuyến, họ không cảm thấy bị nhục mạ, thậm chí “bốn người nghèo” cũng thấy không bị nhục mạ!

Là một lãnh đạo nhà trường, rõ ràng không thể vô duyên vô cớ có mặt trong buổi họp phụ huynh, và một khi xuất hiện, đương nhiên quyền điều hành cao nhất buổi họp phải thuộc về hiệu trưởng chứ không phải giáo viên chủ nhiệm nữa, vậy mà người ta đấu tố, xúc phạm danh dự người họp ngay trước mặt bà, bà không lên tiếng, thậm chí cái cớ xúc phạm đang vi phạm đạo đức xã hội trầm trọng mà bà vẫn ngậm miệng! Bà còn cho rằng việc này xử lý nội bộ là xong, vậy bà đã xử lý đến đâu, không nghe bà nhắc? Và bà cũng không bàn tới vấn đề thu tiền như vậy là đúng hay sai, tại sao có mặt hiệu trưởng mà người ta ngang nhiên thu quĩ lớp? Dựa vào mấy câu hỏi, thậm chí chưa biết hỏi hay là hù dọa, đe nẹt, hỏi hay là mớm trả lời mà bà dám khẳng định là người ta không cảm thấy bị nhục mạ?!

Và nội dung trả lời báo chí của một bà hiệu trưởng chỉ cho thấy duy nhất được một vấn đề, nhưng cái vấn đề duy nhất ấy lại lột tả được mọi ngóc ngách, khía cạnh của sự việc và hiện tượng. Đó là tính giảo hoạt, gian manh, sự lươn lẹo, bất chấp cũng như sự nói láo không biết ngượng mồm đã trở thành nếp sinh hoạt của đại đa số giới lãnh đạo ngành giáo dục nói riêng và giới cán bộ, đảng viên nói chung. Dường như khi bắt gặp việc gì không có lợi, thì việc đầu tiên phải là chối bỏ trách nhiệm, sau đó buộc tội một ai đó để đánh lạc hướng và cuối cùng là dìm chết, biến người khác thành kẻ thế mạng để bản thân tiếp tục làm mưa làm gió, gây tội lỗi và đạp qua nỗi đau đồng loại để phè phỡn! Cho đến lúc này, nói về tính hưởng thụ của đám lãnh đạo ngành, của cán bộ nhà nước, chỉ có thể là phè phỡn, không hơn không kém!

Và càng phè phỡn bao nhiêu, gương mặt ma cô của họ càng lộ rõ bấy nhiêu! Chỉ lo cho tương lai, con em chúng ta phải học tập trong môi trường quá đỗi u ám như thế này!