You are here

Quyền lực Phật giáo Nhà nước

Trong tháng 7-2022, nếu quan sát những gì ồn ào trên mạng xã hội sẽ thấy ở VN hiện nay nổi bật có 2 hệ thống quyền lực: Nhà nước và Giáo hội Phật giáo được Đảng Cộng sản VN khai sinh năm 1981. Người dân Việt Nam đang đối diện không chỉ với thế quyền, mà còn cả sự thao túng của thần quyền - không khác gì câu chuyện Ba Chàng Lính Ngự Lâm Quân được Alexandre Dumas viết vào thế kỷ 19 ở Pháp.

Ý nghĩa của một quốc gia được giới thiệu là dân chủ, có vẻ nhạt nhòa dần khi qua thực tế, hầu hết các quan chức phạm tội ra toà mấy năm nay, đều kêu khóc xin được khoan hồng, vì thề đã trung thành phục vụ cho quyền lực Nhà nước - chứ không là trách nhiệm phục vụ nhân dân. Gần đây còn có trường hợp như ông Nguyễn Đức Chung tham nhũng của công, nộp các bằng khen và công trạng với Đảng và Nhà nước để đổi việc giảm án tù.

Phía Phật giáo Nhà nước cũng tương tự, và quyền lực không kém. Cũng cần nhắc lại là vụ tham nhũng và hối lộ chấn động một thời của ông Phạm Nhật Vũ (em của ông Phạm Nhật Vượng) trong đại án AVG và Mobifone, lũng đoạn ngân sách được tính đến 6590 tỷ đồng, nhưng rồi được giảm án còn 3 năm, cũng do các cơ quan Phật giáo Nhà nước lao nhao góp phần can thiệp, nói rằng ông này đã đóng góp nhiều tiền cho Chùa Nhà nước.

Gần đây có vụ ông Thích Đồng Huệ bị lộ chuyện nhận 400.000 USD chạy án cho giới làm ăn. Ông này vốn là Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương GHPGVN, đại biểu HĐND tỉnh Hà Giang nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Thỉnh thoảng, dấu hiệu quyền lực ngầm của các ông lớn trong Giáo hội Nhà nước hiện ra, khi họ qua đời và trong cáo phó có cho biết rằng những người này đã vài mươi tuổi Đảng. Thậm chí có người được đến 50 tuổi Đảng - vậy thì nói trắng ra, họ là thầy tu “đặc công” từ thời Việt Nam Cộng Hòa?

Khoảng một chục năm nay, phía Nhà nước đang tổ chức các cuộc gọi là chống tham nhũng qua tên gọi "đốt lò". Với quyền lực và chủ trương tương đồng, Giáo hội Nhà nước có lẽ cũng đang phát động những cuộc đốt lẫn nhau nhân mùa cô hồn các đảng năm nay.

Đốt lò hay đốt nhau, Chung quy cũng vì một vấn nạn được thấy rõ từ phía nhãn quan người dân: đó là tiền của đang bị cất giấu, hay thu vào vô độ từ phía Quan Nhà nước và Chùa Nhà nước.  Các quan chức thì trơ tráo thâm lạm tiền của trăm triệu dân còng lưng đóng thuế góp vào công quỹ. Quan chức giỏi luồn lách thu gom cho của cải riêng, đưa người nhà ra nước ngoài. Còn những người đến chùa Giáo hội Nhà nước quỳ lạy thắp nhang thì bị trấn lột dịu dàng, bởi tin rằng mình đã đổi tiền thành danh hiệu là đệ tử ngoan của "Phật".

Cũng dễ hiểu, khi các thầy lừng danh như Thích Nhật Từ hay Thích Trúc Thái Minh khi dùng mọi uyển ngữ, mị ngữ… chỉ khuyên phật tử hãy mau chóng góp tiền vào tay áo các thầy, nhân danh “Phật”.

Mối quan hệ bền chặt giữa Nhà nước và đứa con tinh thần Giáo hội Nhà nước 1981 không chỉ là phán đoán, mà còn được chứng minh rất rõ bằng cả lý luận và pháp luật. Sách “Mối quan hệ giữa nhà nước và Giáo hội Phật giáo Việt Nam” được NXB Chính trị Quốc Gia ấn hành, dùng để học và tuyên truyền là một ví dụ. Trong lời giới thiệu có đoạn “sự ra đời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam năm 1981 với tư cách là một cơ quan chịu trách nhiệm duy nhất trong các hoạt động đối nội và đối ngoại của Phật giáo Việt Nam, thể hiện mối quan hệ hài hòa, gắn bó giữa Giáo hội Phật giáo Việt Nam và chính trị nhà nước”. 

Nói một cách nào đó, tổ chức Phật giáo được Nhà nước khai sinh 1981, cũng là cách tạo quyền lực cho tổ chức tín ngưỡng này, đồng thời phủ nhận giá trị pháp lý mọi tổ chức Phật giáo khác đã có ở Việt Nam từ hàng thế kỷ, đặc biệt Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất đã tồn tại ở miền Nam Việt Nam,, từ trước năm 1975, cho đến 1980.