You are here

Lại chuyện cái loa phường

Những ai thuộc thế hệ 8x, 7x trở về trước, có lẽ khó quên cái loa phường nếu ở thành phố và cũng khó quên nốt cái loa thôn, loa hợp tác xã, loa gốc mít, loa bụi tre ở khắp nẻo thôn quê. Mà nói tới cái loa, chắc không thể không nhớ tên một người đàn ông tên Quỳnh, nay đã thành người thiên cổ. Ông là cựu giám đốc đài phát thanh Quảng Nam Đà Nẵng trước đây, là tác giả của hệ thống loa này. Đương nhiên, trước ông đã có chiến dịch loa, thậm chí thời thiết lập vĩ tuyến 17, người ta cũng sử dụng cột cờ với loa để đánh nhau, canh me nhau từng centimet chiều cao của cột cờ và cứ trang bị giàn loa có cường độ mạnh nhất để mà dộng vào nhau. Nhưng đó là thời chiến, còn thời bình, chuyện cái loa còn li kì gấp bội.

Trở lại chuyện ông Quỳnh, người từng được viết riêng một cuốn sách về tiểu sử của ông cũng như được phong anh hùng lao động trước khi về hưu. Nói về tính cách, đây có lẽ là người đàn ông khá nghệ sĩ, sống hết mình cho công việc và say sưa cống hiến. Nghiệt nỗi cái lý tưởng cống hiến của ông lại biến thành gậy đập chính lưng ông, khi ông về vườn, cần yên tĩnh, nghỉ dưỡng, thì cũng là lúc nhà nước ưu ái dộng thẳng một cái loa từ gốc mít vườn ông vào nhà ông, ngoài cái loa dộng thẳng, còn ba cái loa khác chĩa theo ba hướng khác, nghĩa là bốn hướng Đông Tây Nam Bắc, nhà ông, xóm ông, làng ông phải nghe trọn.

Mà có không nói ra thì ai cũng hiểu, chỉ một vài người (lãnh đạo) là không hiểu, thời đại phát triển, nhất là công nghệ thông tin ngày càng rộng, từ chương trình truyền hình xem miễn phí đến chương trình có đăng ký, trả tiền, chất lượng hình ảnh cũng như độ rộng về tính giải trí hay một số tính năng khác cũng vượt xa thời xưa. Thế mà, cứ tưởng tượng, bạn đang ngồi xem tivi, đùng một cái loa ngoài gốc mít nổi lên át mọi thứ âm thanh chung quanh nó, bởi cái loa sắt chưa bao giờ rời bỏ tính chiến đấu và chức năng tuyên truyền của nó, nên công suất của nó, độ rặt rè, độ khó chịu và ám ảnh của nó thì thôi miễn bàn! Mọi thứ trở nên tù túng, gò bó trong cái giới hạn của ai đó đặt lên mọi sinh hoạt của bạn và gia đình bạn cũng như cộng đồng chung quanh bạn. Trong cuộc đời này không có thứ gì đáng sợ bằng việc phải thụ động hít khói thuốc lá của ai đó hoặc thụ động đón nhận lời tuyên truyền hay giáo huấn, hay lên lớp của một ai đó mà không có lựa chọn nào khác.

Tôi còn nhớ những ngày còn nhỏ, cứ đúng bốn giờ chiều là đài tiếng nói Việt Nam đọc câu chào “Đây là Đài Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”. Trước lời chào là tiếng xè xè hạt mưa trong lúc đợi bắt sóng, sau lời chào là một bản nhạc của thiếu nhi “Ai yêu bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng/ Ai yêu thiếu niên nhi đồng bằng bác Hồ Chí Minh… Bắc chúng mình, bác chúng mình người cao cao…”. hoặc “đêm qua em mơ gặp bác Hồ, râu bác dài tóc bác bạc phơ, em âu yếm hôn đôi má bác, vui bên bác là em múa hát, hát bài Hồ Chí Minh muôn năm…”. Đại khái là vậy, muốn hay không muốn cũng phải nghe, nghe hay không nghe nó vẫn lọt vào não và phải nhớ, bằng chứng là tôi nhớ đến bây giờ… Nói đó là kỉ niệm cũng được mà nói đó là nỗi ám ảnh cũng không sai.

Thế rồi chúng tôi thoát được những chiếc loa gốc mít khi ra thành phố, khi thành sinh viên, lúc đó chẳng mấy nghe ba cái loa này mặc dù vẫn còn, bởi thành phố nhộn nhịp, ồn ào, bởi có quá nhiều thứ để quan tâm, nó dần dần trở thành một thứ kỉ niệm có lúc rất khó chịu, có lúc thấy vui vui vì mình từng sống qua một thời như vậy, có lúc thấy lạ lẫm với chính mình, nghĩ tại sao con người có thể trải qua thời kì quái lạ vậy được và cuối cùng cũng đành lòng chấp nhận như một hội chứng hay triệu chứng số phận đất nước, đôi khi nghĩ lại thấy vừa buồn cười vừa nhớ , nhớ thời buồn bã, đau khổ thật nhiều… Và đương nhiên, chẳng ai muốn quay lại cái thời đau đầu và ngột ngạt ấy nữa.

Thế rồi những ngày thanh bình ấy cũng không kéo dài được bao lâu, mọi việc đều quay trở lại thời loa phường, loa xã, loa gốc mít một cách vô hình, nó giống như sự hiện hữu của các bóng ma, có đó mà không có đó. Không biết tự lúc nào, bao giờ, hầu hết các trụ điện, các ngã ba, các nóc nhà hợp tác xã cũ, nóc trụ sở thôn bỗng dưng ra rả suốt ngày, con người trở nên ngộp thở bởi âm thanh. Các âm thanh chạy đua, chiến đấu, đánh trận với nhau để tranh phần chiếm đoạt màng nhĩ. Loa chùa cũng tăng to volume, loa tivi nhà bạn cũng tăng toa volume, karaoke cũng tăng to volume, và đương nhiên các đám cưới mở hết công suất, bởi đã có loa gốc mít, loa phường làm chuẩn. Và khó có thể tưởng tượng về một ước mơ tưởng chừng rất giản dị và đơn thuần, rằng một ngày nào đó, mọi âm thanh tắt đi, trả lại không gian yên bình chừng vài giờ, để con người cảm nhận được sự im lặng hùng vĩ đến vô cùng của trời đất, tạo hóa… Thật khó để có được khoảnh khắc ấy trên đất nước này, cho dù đang sống ở núi rừng.

Dường như loa phường luôn hiện hữu, nó như những bóng ma, có đó mà không có đó, thật khó nói. Mỗi khi người ta bàn hay phàn nàn về loa phường, ấy là lúc có một ông kễnh nào đó định bụng sẽ bỏ nó đi (như trường hợp Nguyễn Đức Chung bỏ loa phường Hà Nội) hoặc có ông kễnh khác muốn phục hồi nó (như trường hợp tân chủ tịch Hà Nội Trần Sĩ Thanh). Nhưng rõ ràng, phục hồi nó, điều này chưa hề tồn tại trong sự trông đợi của con người bởi nó chỉ tổ gây ồn và ô nhiễm âm thanh, ngược lại, bỏ hay không bỏ lại rất quan trọng đối với các ông kễnh, với chế độ. Và, mỗi khi nhắc tới chuyện phục hồi cái loa phường, thêm một lần người ta nghĩ đến một thứ gì đó vừa lạc hậu vừa đi ngược thời đại.

Bởi hơn bao giờ hết, ngay lúc này, khủng hoảng rác, ô nhiễm môi trường, ô nhiễm âm thanh đang là bài học nhức nhối, một nhà lãnh đạo tốt, có lý trí không bao giờ làm những chuyện tào lao khiến cho mọi sự trở nên xấu hơn. Một nhà lãnh đạo giỏi cho Hà Nội lúc này phải là nhà lãnh đạo làm cho Hà Nội trở nên trong lành, bớt lộn xộn, giảm kẹt xe và tạo ra bầu không khí thanh bình, thanh lịch cho Hà Nội, ngược lại, chỉ có những kẻ ngu mới lựa chọn làm cho Hà Nội ô nhiễm.

Nhắc chuyện xưa, mà cũng không xưa lắm, Nguyễn Đức Chung không phải không có tài, nếu không muốn nói rất giảo hoạt, khôn lanh và đầy mưu mô, thế nhưng việc nhúng tay vào làm cho sông Tô Lịch thêm ô nhiễm và trục lợi từ con sông này, nghĩa là làm cho Hà Nội thêm bẩn… Hậu quả là không ai khác, chính Nguyễn Đức Chung lãnh nhận rác số phận, thiết không cần bàn thêm. Bây giờ thêm một người cũng góp tay vào làm cho Hà Nội ô nhiễm âm thanh, đừng nói rằng tôi chỉ vứt miếng lá không thể bảo tôi làm dơ con sông! Biết bao nhiêu cái loa phường, đó là nguồn ô nhiễm âm thanh vô cùng lớn, nó tạo ra cuộc chạy đua giữa âm thanh ti vi gia đình với âm thanh loa phường, đó là một sự ô nhiễm khó lường! Vậy mà tân chủ tịch cũng làm được thì thật là khó nói!

Một đất nước bị nhiễu loạn thanh âm và người ta tìm cách nhét vào tai người khác những gì họ không muốn nghe, đó là đất nước ô nhiễm, bệ rạc và khó có cơ phục hồi nếu như sự ô nhiễm đó vẫn cứ phát triển đều, vẫn tồn tại với thời gian.