You are here

Khôi phục hệ thống “loa phường”, chính sách vì dân hay chính sách phản dân?

Ảnh của nguyenvandai

Ở các nước tự do, dân chủ thì các đảng chính trị và chính quyền làm chính như thế nào?

Trong các nước tự do, dân chủ đa đảng và văn minh thì nhiệm vụ của các đảng phái chính trị là phải nghiên cứu rất kỹ các chiến lược phát triển đất nước một cách toàn diện để đáp ứng đòi hỏi, mong muốn của người dân và đất nước.


Các đảng phái luôn đi gần với người dân, tìm hiểu mong muốn và các xu hướng khác nhau của người dân để các đảng phái lựa chọn đưa ra các chính sách tốt nhất trong kỳ vận động bầu cử.

Có những chính sách, các đảng phái phải tổ chức thăm dò ý kiến của người dân.

Đảng nào có chính sách phù hợp nhất và được đa số người dân lựa chọn thì sẽ trở thành đảng cầm quyền trong nhiệm kỳ 4 hoặc 5 năm.

Các đảng thất cử là những đảng đưa ra chính sách không được đa số người dân lựa chọn.

Người dân phản biện lại chính sách của các đảng bằng quyền lực của mình qua lá phiếu cử tri.

Như vậy, trong các nước tự do, dân chủ đa đảng và văn minh, chính sách của đảng nào được đa số người dân lựa chọn thì đó là chính sách vì dân.

Tất nhiên, trong quá trình thực hiện những chính sách đã được đa số người dân lựa chọn mà bộc lộ những bất cập hay phát sinh những điều không muốn, người dân có quyền phản đối và yêu cầu đảng cầm quyền sửa đổi lại chính sách cho phù hợp.

Khi có những chính sách, dự án phát sinh, chính quyền phải thăm dò, lấy ý kiến của người dân trước khi đưa ra quyết định thực hiện.

Thụy Sỹ là đất nước có nhiều cuộc trưng cầu dân ý nhất thế giới. Hầu hết các dự án quan trọng mà có ảnh hưởng đến người dân đều được trưng cầu dân ý. Ví dụ như dự án xây cầu vượt qua hồ ở thành phố Geneva, cây cầu này sẽ giúp giảm ách tắc giao thông và rút ngắn thời gian ra vào thành phố. Chính quyền thành phố đã thuê các kiến trúc sư thiết kế cây cầu đẹp, thẩm mỹ nhằm thuyết phục người dân đồng ý. Nhưng qua nhiều lần trưng cầu dân ý, đa số người dân thành phố Geneva vẫn phản đối chỉ vì họ không thích có một cây cầu ngang qua hồ, mặc dù đã được thiết kế rất đẹp.

Trong chế độ độc tài, độc đảng cộng sản tại Việt Nam thì chính quyền không do người dân lựa chọn và bầu lên. Các quan chức chính quyền từ trung ương tới địa phương đều do hệ thống các cơ quan của đảng cộng sản lựa chọn. Bởi vậy, mọi chính sách của chính quyền từ trung ương tới địa phương cũng chỉ cần bảo đảm nguyên tắc giữ vững ổn định chính trị nhằm bảo vệ đảng và chế độ. Trong đó có những lợi ích của các quan chức chính quyền. Mong muốn, nguyện vọng của người dân và lợi ích của đất nước xếp sau lợi ích của đảng và chính quyền độc tài CSVN.

Chính quyền độc tài CSVN còn vẽ ra những dự án, công trình không thực sự cần thiết cho đời sống Nhân dân để họ tham nhũng, lãng phí.

Ví dụ: dự án Bảo tàng Hà Nội được xây với kinh phí hơn 5 ngàn tỳ nhưng không có khách tới thăm; các công trình tượng đài và quảng trường Hồ Chí Minh trên khắp cả nước. Hay con đường Hồ Chí Minh với kinh phí hàng tỷ đô la mà rất ít xe chạy qua,…. Gần đây nhất là 12 dự án của Bộ Công thương đã lãng phí cả chục tỷ đô la nhưng không thể hoạt động, không đem lại hiệu quả cho người dân và đất nước.

Chúng ta gọi đó là những chính sách phản dân.

Mấy ngày gần đây, dư luận người dân cũng đang lên tiếng mạnh mẽ để phản đối việc tân Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh đưa ra chính sách từ nay tới năm 2025 sẽ khôi phục lại hệ thống loa truyền thanh tới từng xã phường, ngõ xóm của thủ đô Hà Nội.

Loa truyền thanh hay người dân thường gọi là “loa phường” là một công cụ truyền thông của chính quyền độc tài CSVN đã thực hiện ngay sau khi họ cai trị miền Bắc Việt Nam từ tháng 10 năm 1954.

Trong thời kỳ chiến tranh và người dân còn nghèo chưa có các phương tiện nghe, nhìn, báo giấy chưa phổ cập thì hệ thống loa phường tỏ ra khá hiệu quả trong việc đưa tin tức tới người dân. Tuy nhiên, nó cũng đã gây ra không ít phiền toái cho người dân. Nhưng thời kỳ đó người dân đã chấp nhận.

Sau này khi mọi gia đình ở thành phố đều có các phương tiện truyền thông nghe, nhìn, báo giấy được phát hành rộng rãi thì loa phường bắt đầu trở thành một nỗi phiền toái, khó chịu cho người dân mỗi khi nó hoạt động. Những chiếc loa có chất lượng không tốt tạo ra âm thanh rè, chói tai người nghe.

Khi có internet và truyền thông mạng xã hội thì ngay cả truyền thông bằng phát thanh cũng không còn được người dân thành phố sử dụng. Bởi vậy dưới thời cựu Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đã khai tử hệ thống loa phường.

Nay tân chủ tịch Trần Sỹ Thanh và chính quyền thành phố Hà Nội ban hành chính sách khôi phục lại hệ thống loa phường mà không cần quan tâm tới phản ứng bất bình của người dân thì đó đúng là chính sách phản dân.