You are here

Việt Nam bị xuống hạng 3 về buôn người, phải đối mặt với các biện pháp chế tài của Hoa Kỳ

Ảnh của songchi

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, President & CEO of BPSOS

Washington DC, Hoa Kỳ

Song Chi.

Trong Báo cáo về Buôn người năm 2022 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vừa công bố ngày 19.7 (the 2022 Trafficking in Persons Report), Việt Nam bị xếp hạng 3, tức là hạng tệ hại nhất về buôn người. Cùng lọt vào hạng 3 này với VN là những quốc gia như Cambodia, China, Cuba, Iran, Nga, Afghanistan, Belarus, Burma, Eritrea v.v… Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của Ủy ban Cứu Người Vượt Biển, tên chính thức tiếng Anh là Boat People SOS (viết tắt là BPSOS) tại Mỹ, một tổ chức chuyên theo dõi, hỗ trợ người tị nạn, giải cứu các nạn nhân buôn người, bài trừ nạn buôn lậu người, và can thiệp cho các nạn nhân bị đàn áp tôn giáo ở VN nhiều năm qua chung quanh vấn đề này.

1. Chúng ta biết, trong nhiều năm liền VN nằm trong hạng 2 danh sách theo dõi (Tier 2 watch list) về tình trạng buôn người, theo ông tại sao bây giờ VN lại bị xếp hạng 3?

TS Nguyễn Đình Thắng: Năm nay Việt Nam bị Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ liệt vào Hạng 3 vì đã 3 năm liền nằm ở Hạng 2 -- Danh Sách Theo Dõi mà vẫn không chứng minh được thực tâm cải thiện.

Theo luật, hàng năm Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ phải báo cáo cho Quốc Hội về tình trạng buôn người ở các quốc gia trên thế giới và xếp hạng các quốc gia này (kể cả Hoa Kỳ). Hạng 1 là những quốc gia nỗ lực đáng kể để phòng,chống buôn người. Hạng 2 là những quốc gia chứng minh được nỗ lực nhưng chưa đủ; các quốc gia ở cuối bảng của Hạng 2 thì bị cho vào Danh Sách Theo Dõi. Sau 2 năm liền trong danh sách theo dõi mà không cải thiện thì tự động rớt xuống Hạng 3. Tuy nhiên, luật cho phép Tổng Thống Hoa Kỳ đặc miễn 1 lần với hiệu lực 1 năm. Đó là trường hợp của Việt Nam: năm ngoái lẽ ra Việt Nam phải bị xếp Hạng 3 nhưng Tổng Thống Biden đã đặc miễn cho 1 năm với lý do Việt Nam hứa hẹn sẽ cải tổ luật để phòng, chống buôn người. Thực ra đó chỉ là hứa hẹn hão và Hành Pháp Biden có lẽ biết vậy nhưng muốn tránh không đưa Việt Nam vào Hạng 3 do đang muốn lôi kéo Việt Nam vào liên minh chống Trung Cộng.

Khai thác luật Hoa Kỳ, trong 12 tháng qua chúng tôi tập trung chứng minh rằng tình trạng buôn người ở Việt Nam không hề được cải thiện và nhà nước Việt Nam không thực tâm phòng, chống buôn người. Như thế, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ không thể nâng cấp cho Việt Nam để thoát Danh Sách Theo Dõi và cung không thể giữ Việt Nam trong danh sách này thêm 1 năm nữa. Lựa chọn duy nhất là phải xếp Việt Nam vào Hạng 3. Không cách nào khác hơn.

2. Có thể nói nước Cộng hòa XHCN VN là một trong số ít quốc gia trên thế giới có chính sách buôn người hợp pháp, công khai dưới danh nghĩa Xuất khẩu lao động Việt Nam ra nước ngoài, thường gọi tắt là Xuất khẩu lao động Việt Nam. Hoạt động này bắt đầu từ năm 1980 dưới hình thức hợp tác lao động với các nước XHCN, và tiếp tục phát triển mạnh mẽ, mở rộng thị trường ra nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Xuất khẩu lao động góp phần giải quyết việc làm và cải thiện đời sống cho nhiều người dân, tăng nguồn ngoại tệ cho VN. Tuy nhiên, mặt trái của chính sách này thì cũng rất nhiều và đã được báo chí, dư luận bên ngoài nói đến từ lâu như người lao động bị lừa đảo, bị bóc lột sức lao động, bị ngược đãi, thậm chí bị lạm dụng tình dục v.v…Rất nhiều bi kịch đã xảy ra, kể cả có những người đã không thể sống sót để trở về. Theo ông, những vụ việc nào gần đây đã góp phần khiến dư luận quốc tế quan tâm đến tình trạng buôn người của VN?

TS Nguyễn Đình Thắng: Việt Nam có thành tích dày cộm về buôn lao động. Trước đây, Việt Nam đã xuất khẩu công nhân sang Liên Xô và Đông Âu để lao động để trả các khoản nợ thời chiến tranh – theo định nghĩa của luật pháp hiện hành thì đó là buôn nô lệ. Sau đó, nhà nước đề ra chương trình xuất khẩu lao động thuộc chính sách xoá đói giảm nghèo. Các công ty xuất khẩu lao động mọc lên như nấm, mà phần lớn là công ty quốc doanh hoặc công ty tư nhân sân sau của các quan chức. Hiện có trên 400 công ty xuất khẩu lao động.

Trong hơn 2 thập nhiên chúng tôi đã liên tục vận dụng luật phòng, chống buôn người của Hoa Kỳ để đưa Việt Nam vào Hạng 3 nhưng gặp nhiều trở ngại, trong đó có yếu tố Hoa Kỳ muốn nương tay với Việt Nam.

Năm 1999, chúng tôi can thiệp để giải cứu khoảng 250 người lao động Việt Nam bị buôn sang đảo American Samoa, lãnh thổ Hoa Kỳ. Ngay khi luật phòng, chống buôn người của Hoa Kỳ có hiệu lực, đầu năm 2001, nhiều cơ quan chính phủ liên bang đã phối hợp để giải cứu các nạn nhân này. Năm 2003 chủ sử dụng lao động người Hàn Quốc bị án tù 40 năm. Cũng trong năm này, 2 cộng ty xuất khẩu lao động quốc doanh của Việt Nam bị toà án của American Samoa xử phải bồi thường cho các nạn nhân – dĩ nhiên họ lờ đi. Năm 2004, Việt Nam bị đưa vào Danh Sách Theo Dõi của Hạng 2. Nhưng rồi qua năm sau, Bộ Ngoại Giao đã vội vàng tháo gỡ Việt Nam khỏi danh sách này dù không có bất kỳ sự cải thiện nào.

Năm 2008, BPSOS khởi xướng Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới ở Á Châu (Coalition to Abolish Modern-day Slavery in Asia, CAMSA). Chỉ trong vòng 2 năm, chúng tôi đã giải cứu khoảng 4 nghìn nạn nhân ở Malaysia, Jordan và Nga. Năm 2010 và 2011, Việt Nam lại bị xếp vào Hạng 2 - Danh Sách Theo Dõi trong 2 năm liền. Năm 2011, Việt Nam ký Nghị Định Thư LHQ về chống buôn người (Nghị Định Thư Palermo) và bổ sung thêm một số điều khoản chống buôn người vào Luật Hình Sự. Nhà nước xử phạt tượng trưng một ít doanh nghiệp xuất khẩu lao động. Năm 2012, Việt Nam được tháo gỡ khỏi Danh Sách Theo Dõi và như vậy không bị rơi xuống Hạng 3.

Sau khi Việt Nam bị đặt trong Danh Sách Theo Dõi trong các năm 2019 và 2020, chúng tôi cung cấp hồ sơ trực tiếp cho Quốc Hội Hoa Kỳ và vận động dân biểu Christopher Smith, tác giả của luật phòng, chống buôn người của Hoa Kỳ, yêu cầu Bộ Ngoại Giao giải trình về các hồ sơ này. Không thể chứng minh rằng Việt Nam đã cải thiện công tác phòng, chống buôn người với Quốc Hội, Bộ Ngoại Giao không thể đưa Việt Nam ra khỏi Danh Sách Theo Dõi, nhưng như đã nói, Tổng Thống Biden đã đặc miễn cho Việt Nam không bị đưa xuống Hạng 3.

Trong năm 2021, chúng tôi thu gom bộ hồ sơ thật dầy về các trường hợp buôn nữ lao động Việt sang Ả Rập Xê Út nhưng không công bố hoặc chia sẻ ngay với Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ mà lẳng lặng làm việc với một số tổ chức quốc tế để giải cứu nạn nhân vận động LHQ can thiệp. Ngày 30 tháng 6, năm 2021, chúng tôi lên tiếng về hồ sơ này tại phiên họp của Hội Đồng Nhân Quyền LHQ. Đồng thời, đưa hồ sơ này ra cuộc điều trần của Quốc Hội Hoa Kỳ. Đến cuối năm 2021, chúng tôi mới vận động sự can thiệp của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và công bố trên truyền thông báo chí. Khi ấy LHQ đã chính thức tố giác Việt Nam về tình trạng buôn người, có sự nhúng tay của quan chức nhà nước, và các thông tin về hệ thống buôn người trong chương trình xuất khẩu lao động của Việt Nam đã nằm trong hồ sơ của Quốc Hội Hoa Kỳ.

Sau khi công bố, chúng tôi trưng dẫn một cách dồn dập các chứng cứ không thể chối cãi về sự toa rập của giới chức toà đại sứ Việt Nam tại Ả Rập Xê Út và thuộc hệ thống công an ở Việt Nam với các đường dây buôn người để đe doạ nạn nhân không được lên tiếng. Như thế, Việt Nam không có lý do nào để được nâng cấp khỏi Danh Sách Theo Dõi. Con đường duy nhất là hạ cấp Việt Nam xuống Hạng 3.

3. Một khi bị xếp hạng 3, VN sẽ phải chịu những hậu quả gì? Những hậu quả đó theo ông chúng có thực sự có tác động đến nhà nước VN để họ buộc phải thay đổi không, thưa ông?

TS Nguyễn Đình Thắng: Luật Hoa Kỳ chỉ định rằng quốc gia nào bị xếp vào Hạng 3 thì sẽ phải đối mặt với các biện pháp chế tài về kinh tế, bao gồm bị cắt viện trợ ngoại trừ viện trợ nhân đạo và viện trợ liên quan đến phát triển mậu dịch với Hoa Kỳ. Ngoài ra, Việt Nam còn có thể bị Hoa Kỳ ngăn chặn việc vay tiền của các định chế tài chính quốc tế như Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế. Tổng Thống Hoa Kỳ có quyền đặc miễn để trì hoãn việc chế tài nếu bảo đảm được rằng sự trì hoãn ấy sẽ khuyến khích Việt Nam cải thiện tình trạng buôn người. Ngoài ra, các thủ phạm có thể bị chế tài cá nhân bao gồm đóng băng tài sản, cấm nhập cảnh, và cấm giao dịch thương mại với các doanh nghiệp Hoa Kỳ.

Theo tôi dự phóng, có lẽ trong năm đầu ở Hạng 3 Việt Nam sẽ được đặc miễn không bị chế tài. Xem như một năm thử thách. Trong 12 tháng tới, chúng tôi sẽ dùng một số hồ sơ cụ thể để thử thách xem nhà nước Việt Nam có sẵn sàng điều tra, truy tố và trừng phạt các thủ phạm, bao gồm cả một số quan chức và rất nhiều công ty xuất khẩu lao động, và đòi hỏi các khoản bồi thường thoả đáng cho nạn nhân hay không. Chúng tôi cũng sẽ theo dõi xem nhà nước Việt Nam có thực hiện các khuyến nghị của LHQ, của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và của chúng tôi nhằm tăng cường phòng, chống buôn người hay không.

Nếu họ không vượt qua được các phép thử này thì qua năm sau sẽ tiếp tục ở Hạng 3 và Hành Pháp Hoa Kỳ khó lý giải tại sao không áp đặt các biện pháp chế tài lên chính quyền và cá nhân một số quan chức Việt Nam. Ngoài ra, giới tiêu thụ có thể áp lực mạnh mẽ lên các công ty lớn đang làm ăn buôn bán với Việt Nam như Nike, Intel, Apple… Các công ty này, vì tư lợi, chắc chắn không muốn bị mang tiếng lây để rồi bị tẩy chay bởi người tiêu thụ. Chính họ sẽ áp lực nhà nước Việt Nam phải thay đổi.

4. Đối với người lao động VN vì miếng cơm manh áo mà phải đi lao động ở nước ngoài thông qua con đường lao động xuất khẩu này, họ phải làm thế nào để tự bảo vệ mình và nếu cần đến sự trợ giúp thì họ phải gõ cửa ở đâu, thưa ông?

TS Nguyễn Đình Thắng: Từ lâu, chúng tôi đã phổ biến các thông tin để người dân ở Việt Nam tự bảo vệ, đề phòng để không trở thành nạn nhân và những ai lỡ là nạn nhân thì có thể tìm đường thoát thân.

Chẳng hạn:

1. Phải tuyệt đối tránh các công ty xuất khẩu lao động đã có thành tích buôn người lao động – chúng tôi đã từng lên danh sách một số công ty như vậy.

2. Khi ký hợp đồng xuất khẩu lao động thì phải giữ một bản sao cho mình và một bản sao gửi cho thân nhân giữ. Đó chính là căn bản pháp lý để đòi công lý sau này, nếu cần.

3. Trước khi lên đường xuất khẩu lao động thì phải thủ sẵn các thông tin về chủ sử dụng lao động (tên, địa chỉ, số điện thoại…) và thông tin liên lạc của các cơ quan hoặc tổ chức phòng, chống buôn người ở quốc gia tiếp nhận (BPSOS có thể cung cấp các thông tin này). Người đi xuất khẩu lao động cần cầm theo với mình những thông tin kể trên và để lại cho thân nhân ở trong nước một bản; nếu nạn nhân không liên lạc được ra ngoài thì thân nhân ở Việt Nam có thể cầu cứu.

4. Những nạn nhân đã được giải cứu hoặc đã hồi hương có thể liên lạc với một số tổ chức quốc tế để tìm sự hỗ trợ về tài chánh và về pháp lý như đòi công ty xuất khẩu lao động bồi thường. Chẳng hạn, đến nay BPSOS đã giúp cho 12 nạn nhân trở về từ Ả Rập Xê Út nhận số tiền trợ cấp tổng cộng là 608 triệu VND, tương đương 26,400 USD. Chúng tôi cũng đã giúp cho nhiều cựu nạn nhân làm đơn yêu cầu chính quyền điều tra, khởi tố và trừng phạt các công ty xuất khẩu lao động và đòi bồi thường cho những thiệt hại vật chất và tinh thần. Liên lạc với BPSOS trong lĩnh vực phòng, chống buôn người qua email camsa@bpsos.org hoặc qua trang Facebook: https://www.facebook.com/CAMSA.International

Cảm ơn ông.

Đính kèmDung lượng
Image icon TS NGUYEN DINH THANG.jpg35.07 KB