You are here

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế không làm được gì đâu!

Báo VNExpress loan tin [1] - vào ngày 15 tháng Bảy năm 2022 - bà Đào Hồng Lan nhận quyết định của Bộ Chính trị, về việc thôi giữ chức bí thư tỉnh Bắc Ninh và quyết định của Thủ tướng Phạm Minh Chính, giao cho bà nắm quyền Bộ trưởng Bộ Y Tế.
 
Việc bà Lan nhậm chức lập tức gây xôn xao trong dư luận, không chỉ vì đúng như lời đồn đãi mà còn do bà là nhân vật - trước khi nhận nhiệm vụ mới - không gây chú ý lắm về tiếng tăm và đặc biệt bà không xuất thân với học vấn chuyên về ngành Y.
 
Một góc dư luận tỏ ra nghi  ngờ về khả năng của bà Lan trong chức trách mới. Phần dư luận khác, ngợi ca bà với một số bài "văn vần" đọc lên nghe đậm mùi nịnh bợ, như một số nhân vật cao cấp của nhà cầm quyền CSVN thường nhậm chức.
 
Báo VTC phát hành [2] ngày 17 tháng Bảy năm 2022, có bài "4 thách thức với quyền Bộ trưởng Bộ Y Tế" như sau:
 
1. Nhân viên y tế nghỉ việc do thu nhập thấp.
2. Thiếu thuốc, vật tư y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh.
3. Tư tưởng chủ quan trong phòng, chống dịch Covid - 19.
4. Tốc độ tiêm vắc xin Covid mũi 3 và 4 chậm.
 
Ngoài ra, bài báo cho biết thêm, bà Đào Hồng Lan tự bạch: Bản thân không phải xuất phát từ ngành y, công việc đều rất mới. Nhưng trách nhiệm trước Đảng, nhân dân và thay mặt 500 nghìn cán bộ, nhân viên ngành y tế, tôi sẽ nỗ lực phấn đấu hết mình, duy trì sự đoàn kết, phát huy trí tuệ tập thể, sự tâm huyết của các thế hệ y, bác sĩ, nhân viên ngành y tế; huy động sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia của ngành để tham mưu, tổ chức thực hiện những giải pháp.
 
Bộ trưởng Bộ Y tế có 11 quyền hạn được quy định rõ [3]. Để trở thành Bộ trưởng Bộ Y tế, phải có đủ 6 điều kiện:
  • Là Đại biểu Quốc hội;
  • Là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam;
  • Có quốc tịch Việt Nam;
  • Tốt nghiệp Thạc sỹ Y khoa hoặc Bác sĩ chuyên khoa 1 trở lên;
  • Đã phục vụ trong ngành từ 10 năm trở lên;
  • Có thể bắt buộc từng nắm giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ hoặc phải là Ủy viên Trung ương Đảng.
Theo đó, bà Đào Hồng Lan không đủ điều kiện đề ra. Tuy nhiên, báo Dân Trí ra ngày 18 tháng Bảy năm 2022, có bài [4] "Làm Bộ trưởng có cần chuyên môn?" của ông Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Ông được biết đến là chuyên gia về các vấn đề khoa học chính trị; tham gia Nhóm tư vấn của Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016 - phân tích "hiện tượng" làm bộ trưởng Bộ Y tế không nhất thiết phải có chuyên môn ngành Y.
 
Thắc mắc, nghi ngờ, ái ngại từ quần chúng xung quanh bà Đào Hồng Lan nhậm chức cao nhứt của một Bộ, được cho rằng, không thể thiếu chuyên môn là có thật. Người đời cũng dễ quen và thường thấy một Bộ trưởng Bộ Xây Dựng phải có chuyên ngành Kiến trúc hay Xây dựng, một Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phải là sĩ quan chuyên nghiệp, một Thống đốc Ngân hàng phải xuất thân từ các ngành Ngân hàng v.v...
 
Không chỉ riêng ngành Y tại Việt Nam, cho tới nay mới bày ra thực trạng khủng hoảng toàn diện về mọi mặt. Đơn cử, ngành giáo dục - không bao giờ hết đề tài để bàn luận, để cải cách, để đổi mới, để thất vọng, để hy vọng, để ngóng chờ và để tiếp tục... ca cẩm, từ ngay những thường dân.
 
Có thể nói, dịch bịnh gọi là Covid lan rộng toàn cầu đã "giúp" cho thực trạng ngành Y phơi bày gần như trọn vẹn những lạc hậu - thiếu thốn vốn đã được nỗ lực vượt thoát bấy lâu nhưng bất thành - Một nỗi bế tắc mang tính hệ thống - không riêng ngành Y - của chế độ độc đảng toàn trị tại Việt Nam, suốt 47 năm qua.
 
Cựu Bộ trưởng Bộ Y Tế Nguyễn Thanh Long - bị khởi tố và tạm giam vào ngày 7 tháng Sáu năm 2022 - vốn được biết là Giáo sư - Tiến sĩ Y Khoa. Ông Long bị khởi tố không phải vì vi phạm chuyên môn nghề nghiệp hay y đức hoặc ra những y lệnh gây hậu quả, với tư cách bác sĩ mà bởi vì "lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái các quy định của pháp luật trong việc cấp số đăng ký lưu hành, hiệp thương giá và kiểm tra giá hiệp thương kit xét nghiệm COVID-19, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước" - Báo Lao Động ra ngày 30 tháng Sáu năm 2022 cho hay [5].
 
Ít nhứt 47 năm qua, từ khi chế độ độc đảng toàn trị phủ trùm trên mảnh đất hơn 330.000 cây số vuông, người Việt Nam đã quen dần với cách phân công nhân sự trong một mô hình vuông vức - khô cứng - không cần chương trình hành động để thuyết phục, để cạnh tranh, dù cho ở vị trí cao nhứt như Thủ tướng Chính phủ.
 
Cũng chẳng có trường đại học nào trên thế giới, đào tạo "chuyên ngành Thủ tướng" hay "chuyên ngành Tổng thống", "chuyên ngành Bộ trưởng". Các trường đại học trên thế giới hay tại xứ thiên đàng, chỉ có chuyên ngành "Chính trị học", chứ không có chuyên ngành "Chính trị gia". Nói điều này, để lý giải thêm về lập luận cho rằng, đứng đầu một Bộ phải có chuyên môn về chuyên ngành đó. Quả thật, không nhất thiết phải như vậy. Tại Mỹ, làm Tổng thống vẫn có thể xuất thân là một tài tử điện ảnh (cố Tổng thống Ronald Reagan), làm Bộ trưởng Quốc Phòng từ một doanh nhân (ông McNamara), ông Xavier Becerra (đương kim Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh) vốn không phải học ngành Y. Tại Ukraine, Tổng thống Volodymyr Oleksandrovych Zelensky - vốn là một diễn viên hài chuyên nghiệp với những bước chân nhảy đầm điêu luyện v.v... 
 
Người ta dễ lầm lẫn giữa khái niệm "chuyên môn" và "chính khách". Một Bộ trưởng hay Thủ tướng v.v... nên và phải được nhìn nhận trong tư cách một "chính khách", dù họ xuất thân từ đâu và trước đó làm gì đi chăng nữa. Vấn đề nằm ở chỗ, trong quá trình đương chức họ đã làm được gì mà rất có thể, một thời gian đủ dài mới tỏ rõ tài năng hay bất tài, kèm theo gây hại dài lâu cho quốc gia hay không.
 
Tuy nhiên, dù là chính khách tài ba hay bất tài, người Việt Nam không bao giờ có thể được nhìn thấy công khai để công tâm nhìn nhận một cách rõ ràng, bởi mô hình bộ máy toàn trị, cùng cách đưa ra những tiêu chuẩn chọn người luôn trong bóng tối của nội bộ cấp cao từ Bộ Chính trị - Nơi không hề thấy bất kỳ một vị nào tốt nghiệp ngành Y hay ngành Sư Phạm nhưng họ vẫn cho "ra lò" những bộ trưởng của hai ngành (Y - Sư Phạm) vốn mang bộ mặt văn minh tới cỡ nào so với thế giới.
 
Sau mỗi kỳ đại hội đảng toàn quốc, mọi nhân sự luôn tốt đẹp, vẫn suôn sẻ và nhà cầm quyền CSVN vẫn chọn ra đủ - đúng những "hiền tài" rất hoàn hảo, cho đến khi xảy ra sự thể, lập tức, tất cả bị quy cho: Do "thoái hóa", "suy thoái", "không rèn luyện", "không giữ mình" v.v... rồi những nhân vật đó, từ Bí thư thành ủy cho đến các bộ trưởng đều rớt mặt nạ đạo mạo - tài ba - hết lòng vì dân vì nước v.v... để đến nơi của họ phải đến, đó chính là "cái thùng rác" mang tên nhân dân, bằng quyết định khai trừ ra khỏi đảng.
 
Trở lại với 4 thách thức dành cho bà Đào Hồng Lan, giới quan sát thấy rõ, nó không hề mang tính chuyên môn gì cả - Bởi 4 thách thức đó hoàn toàn thuộc về "kỹ trị" cần có của một chính trị gia và rồi, người đời sẽ lại tiếp tục nghe khái niệm quen thuộc: "Cả hệ thống chính trị vào cuộc" mới có thể giải quyết, một mình bà Lan dù ba đầu sáu tay cũng không thể nào giải quyết cho nổi (!). Vì vậy, bà Lan sẽ không làm được gì, khi đối diện bốn thách thức nói trên, khi mà ngay cả đương kim Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định "Vắc xin tốt nhất là vắc xin tiêm sớm nhất". Ông Thủ tướng đâu có chút xíu gì chuyên môn mà vẫn quả quyết như "đinh đóng cột" đấy phỏng (?).
 
Bà Đào Hồng Lan thành công trong vai trò mới, đó là do "sự lãnh đạo sáng suốt của đảng ta". Nhược bằng, thất bại - đó là do khả năng của bà Lan quá yếu kém hoặc một lý do nào đại loại như vậy.
 
Nguyên tắc bất di bất dịch và đã được chỉ rõ trong cương lĩnh cùng điều lệ đảng: Lãnh đạo tập thể - cá nhân phụ trách. Đã tập thể lãnh đạo, dứt khoát không bao giờ sai. Cá nhân phụ trách thành công là nhờ "lãnh đạo tập thể", cá nhân thất bại là do lỗi của cá nhân đó - hằng số trong chế độ độc đảng toàn trị - nơi vốn không có tự do tư tưởng - nền móng cho tự do suy nghĩ và tự do sáng tạo - khởi đầu cho một xã hội tự do.
________________