You are here

35 năm tù cho 4 bị cáo bắt giữ "sa tặc" – Một bản án phi lý (Phần 3)

Ảnh của NguyenTrangNhung

Hình: Các bị cáo trong một phiên tòa tháng 4/2022 (Nguồn: plo.vn)

Bắt/giữ người trái pháp luật là bắt/giữ người trong trường hợp không được pháp luật cho phép, do không thỏa mãn các điều kiện về người bắt/giữ, đối tượng bắt/giữ, thủ tục bắt/giữ.

Để xác định 4 bị cáo có bắt, giữ người trái pháp luật hay không, cần xác định xem họ có hành vi bắt, giữ người hay không, và nếu có thì hành vi bắt, giữ người của họ có trái pháp luật hay không.

Có hay không hành vi bắt, giữ người?

Bắt người là hành vi khống chế về thể chất (có thể bằng cách trói, buộc tay, chân, thân thể) người khác khiến người đó không thể tự do cử động.

Giữ người là hành vi không cho người khác di chuyển ra khỏi tầm kiểm soát của mình trong một khoảng thời gian nhất định.

Diễn biến sự việc có thể được chia thành 3 khoảng thời gian: từ khi các bị cáo lên thuyền của ông Thành đến khi tất cả vào bờ; từ khi tất cả vào bờ đến khi tất cả về đến nhà Cường; và từ khi tất cả về nhà Cường đến khi công an đến.

Cáo trạng của VKS và lời khai của các bị cáo cho thấy việc bắt người là có xảy ra, cụ thể là các bị cáo đã trói ông Thành trên thuyền.

Về hành vi giữ người, có sự khác biệt trong quan điểm của VKS và lời khai của các bị cáo cũng như bào chữa của các luật sư.

Không rõ VKS cho rằng hành vi giữ người bắt đầu từ khi nào, song ít nhất, không muộn hơn thời điểm tất cả về đến nhà Cường. Có nghĩa VKS cho rằng có hành vi giữ người tại nhà Cường. 

Mặc dù phủ nhận hành vi giữ người tại nhà Cường, các bị cáo nói đến hành vi "bắt giữ" và "giữ" của mình thay vì chỉ nói đến hành vi "bắt". Đây có thể là vấn đề về diễn đạt của các bị cáo khi họ không phân biệt rõ ràng giữa "bắt" và "giữ".

Theo người viết, các bị cáo không có, hoặc không chắc có hành vi giữ người trong bất kỳ khoảng thời gian nào trong 3 khoảng thời gian trên. 

  • Các bị cáo không có hành vi giữ người, cụ thể là ông Thành, trên thuyền, vì hành vi này đòi hỏi có chủ ý kiểm soát sự di chuyển của nhóm ông Thành, song với không gian nhỏ hẹp của thuyền, các bị cáo thậm chí không cần có chủ ý đó (bà Anh, do không bị trói, nên sẽ không hợp lý khi đặt vấn đề bắt, giữ bà Anh trên thuyền).
  • Không cần đặt vấn đề về hành vi giữ người trong khoảng thời gian từ khi tất cả vào bờ đến khi tất cả về đến nhà Cường, ngay cả khi các bị cáo ép nhóm ông Thành về nhà để giữ, vì khi đó, việc di chuyển này được xem là giải người từ địa điểm này đến địa điểm khác. 
  • Không chắc các bị cáo có hành vi giữ người tại nhà Cường khi chưa xác định được nhóm ông Thành có tự nguyện về nhà Cường hay không; lời khai của các bị cáo cho thấy sự nhất quán rằng họ không ép nhóm ông Thành về nhà Cường, trong khi nhóm ông Thành từng thay đổi lời khai từ chỗ tự nguyện sang chỗ bị ép.

Như vậy, có thể nói (1) có hành vi bắt người trên thuyền đối với ông Thành mà không có đối với bà Anh, (2) không nên xem là có hành vi giữ người trên thuyền đối với nhóm ông Thành, và (3) chưa thể khẳng định rằng có hành vi giữ người tại nhà Cường đối với nhóm ông Thành.

Hành vi bắt, giữ người có trái pháp luật?

Bắt và giữ là hai hành vi riêng, và nếu trái pháp luật, có thể được xem là hai tội phạm riêng hoặc là một tội phạm nếu hai hành vi có liên quan mật thiết với nhau tùy theo quan điểm của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Cường cho biết việc trói ông Thành xuất phát từ việc mình bị chém, và vì chém người là phạm tội quả tang, nên ai cũng có quyên bắt giữ người phạm tội để giao cho cơ quan chức năng.

Lập luận này dựa trên Điều 111 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 (BLTTHS), theo đó, bất kỳ người nào (kể cả dân thường) cũng có quyền bắt và giải ngay người đang thực hiện tội phạm hoặc người đã thực hiện tội phạm mà bị phát hiện hoặc đuổi bắt đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Ủy ban nhân dân. 

(Quy định trên không nói đến việc giữ người phạm tội quả tang. Có thể hiểu rằng, việc giữ người phạm tội quả tang sau khi bắt là trái pháp luật, nhưng, về lý luận, việc giữ người là có thể biện minh được nếu đó là biện pháp phù hợp với tình thế.)

Theo Viện Kiểm sát (VKS), do chưa xác định được ai là người đã chém Cường (tức chưa xác định được ai phạm tội quả tang), nên các bị cáo không thể viện cớ đó để bắt giữ nhóm ông Thành, hơn nữa, theo nguyên tắc, người bắt giữ phải giải ngay người phạm tội quả tang đến cơ quan chức năng.

Quan điểm của VKS về việc xác định người phạm tội quả tang không phải là không có lý. Việc bắt người có khả năng là người phạm tội quả tang thì khác với việc bắt người phạm tội quả tang. Có điều, việc bắt người ở đây có thể biện minh được phần nào bằng quy định của luật về tình thế cấp thiết. 

Tình thế cấp thiết, theo Điều 23 BLTTHS là "tình thế của người vì muốn tránh gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa." Cũng theo điều này, trong trường hợp thiệt hại gây ra rõ ràng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết, thì người gây thiệt hại đó phải chịu trách nhiệm hình sự, và ngược lại.

Các bị cáo có thể vì muốn tránh xung đột tiếp theo sau khi Cường bị chém nên đã trói ông Thành, dù không chắc ông này có phải là người chém Cường hay không. Dựa trên tường thuật của báo chí về vụ án, có thể thấy hoặc suy đoán rằng các bị cáo không nhất thiết phải làm vậy (trói ông Thành không phải là cách duy nhất) để tránh xung đột tiếp theo, do đó, trường hợp của các bị cáo có thể là vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết.

Hành vi bắt người, vì vậy, có thể là trái pháp luật và phải chịu trách nhiệm hình sự. Song, phạm tội trong trường hợp vượt quá tình thế cấp thiết cần được xem là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo.

Đối với hành vi giữ người, như người viết đã nêu, không nên xem có hành vi giữ người trên thuyền đối với nhóm ông Thành, và chưa thể khẳng định có hành vi giữ người tại nhà Cường đối với nhóm ông Thành, nên không có căn cứ xác đáng để kết án các bị cáo về tội giữ người trái pháp luật.

Cần nói thêm rằng hành vi bắt người cần được xem xét cùng với việc làm rõ ai trong nhóm ông Thành đã chém Cường. Việc tòa án tách hành vi cố ý gây thương tích đối với Cường thành một vụ án riêng, trong khi hành vi này liên quan đến sự việc diễn ra sau đó, theo các luật sư – và người viết đồng tình – là không hợp lý.