You are here

Nguyễn Phú Trọng và Phạm Minh Chính phải chịu trách nhiệm trước sai phạm của Chu Ngọc Anh và Nguyễn Thanh Long?

Ảnh của nguyenvandai

Trong các hội nghị trung ương của khóa XII chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XIII của đảng CSVN, với tư cách Tổng bí thư, trưởng tiểu ban nhân sự, Nguyễn Phú Trọng đã nhiều khẳng định tính chất quan trọng của công tác nhân sự và quyết không để lọt cán bộ tham nhũng, suy thoái đạo đức, tư tưởng vào trung ương.


Phạm Minh Chính trên cương vị Trưởng ban Tổ chức Trung ương, phó trưởng Tiểu ban Nhân sự của Đại hội XIII cũng khẳng định điều tương tự.

Nhưng ngay sau khi vừa kết thúc Đại hội XIII được vài tháng thì Ủy viên trung ương, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Bình Dương Trần Văn Nam bị cách tất cả các chức vụ trong đảng, bị khởi tố và bị điều tra.

Ngày 6 tháng 5 năm 2022, Viện Kiểm sát tối cáo đã ra cáo trạng truy tố ông Trần Văn Nam - cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương - về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Ngày 6 tháng 6, theo truyền thông của nhà nước VN cho biết tại trụ sở Trung ương đảng, Ban Chấp hành Trung ương đảng CSVN khoá XIII đã họp bất thường để xem xét, thi hành kỷ luật ông Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND Hà Nội, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và ông Nguyễn Thanh Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế. 

Sau khi xem xét đề nghị của Bộ Chính trị, căn cứ nội dung, tính chất, mức độ hậu quả, nguyên nhân vi phạm; theo quy định của Đảng về kỷ luật đảng viên vi phạm, Ban Chấp hành Trung ương đảng quyết định thi hành Khai trừ ra khỏi đảng CSVN với các ông Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long.

Ban Chấp hành Trung ương đảng yêu cầu các cơ quan chức năng khẩn trương xem xét, xử lý kỷ luật về hành chính theo đúng quy định đối với cá nhân đã bị kỷ luật đảng.

Các sai phạm của cựu bí thư tỉnh Bình Dương Trần Văn Nam cũng như của Chu Ngọc Anh và Nguyễn Thanh Long không phải sau Đại hội XIII mới xảy ra.

Sai phạm của Trần Văn Nam đã bắt đầu từ năm 2012, trên cương vị Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, Trần Văn Nam đã ký quyết định giao khu đất 43ha và 145ha cho Tổng công ty  3-2 theo hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất.

Hậu quả là Trần Văn Nam đã gây thất thoát hơn 5.000 tỷ VND.

Nhưng tại Đại hội XII, Trần Văn Nam đã vào trung ương và ngồi vào ghế Bí thư tỉnh ủy. Và tái cử Ủy viên trung ương ở Đại hội XIII tháng 1 năm 2016.

Còn các sai phạm của Chu Ngọc Anh và Nguyễn Thanh Long trong vụ Kit Test của Công ty Việt Á đã bắt đầu từ đầu năm 2020.

Lúc đó, Nguyễn Thanh Long chỉ là Thứ trưởng Bộ Y tế, chưa phải ủy viên trung ương. Nhưng tại Đại hội XIII, Nguyễn Thanh Long đã vào trung ương và ngồi ghế Bộ trưởng Y tế.

Còn Chu Ngọc Anh, lúc đó đang là ủy viên trung ương, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. Sau khi Nguyễn Đức Chung mất chức, Chu Ngọc Anh sang làm Chủ tịch UBND Hà Nội. Chu Ngọc Anh tái trúng cử ủy viên trung ương khóa XIII và tiếp tục làm Chủ tịch Hà Nội.

Vậy tại sao Tổng bí thư, Trưởng tiểu Ban nhân sự Đại hội XIII Nguyễn Phú Trọng và Trưởng ban tổ chức TƯ, Phó trưởng tiểu ban nhân sự Phạm Minh Chính lại không biết những sai phạm của Trần Văn Nam, Nguyễn Thành Long, Chu Ngọc Anh? Và những người này vẫn lọt qua mọi quy trình xem xét nhân sự để lọt vào Ban chấp hành TƯ khóa XIII?

Vấn đề ở đây là lỗi hệ thống và bản chất của hệ thống chính trị độc tài CSVN.

Những quan chức cộng sản muốn vào được Ban chấp hành TƯ, họ phải có những mối quan hệ đặc biệt với Ban tổ chức TƯ, có sự sắp xếp đặc biệt từ Ban Tổ chức Tỉnh ủy ở địa phương với chức danh Bí thư tỉnh ủy. Hay với chức danh Bộ trưởng thì phải có sự sắp xếp từ Bộ nội vụ, Ban tổ chức TƯ.

Bởi vậy, hồ sơ, lý lịch của Trần Văn Nam, Nguyễn Thành Long, Chu Ngọc Anh cũng như các quan chức cộng sản khác tới tay của Phạm Minh Chính, Nguyễn Phú Trọng chỉ toàn là những ưu điểm, thành tích,… không bao giờ có khuyết điểm.

Cho dù Nguyễn Phú Trọng, Phạm Minh Chính có tìm mọi cách để xác minh thì đều có kết quả là tốt, ưu điểm và thành tích. Bởi vì những ứng cử viên vào Ban chấp hành TƯ như Tô Lâm thì dùng quyền lực, phe phái để uy hiếp, còn những người như Trần Văn Nam, Nguyễn Thành Long, Chu Ngọc Anh thì dùng tiền để lo lót.

Nguyễn Phú Trọng có thể không nhận lợi ích từ những người này, nhưng Phạm Minh Chính thì hoàn toàn có thể nhận lợi ích vật chất từ những người này trực tiếp hoặc gián tiếp.

Tại sao sau đó những Ủy viên trung ương lại bị lộ những sai phạm?

Cựu Bí thư tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam bị khui ra những sai phạm do đấu đá, tranh giành quyền lực, lợi ích tại địa phương. Doanh nghiệp sân sau là Tổng công ty 3-2 làm ăn đổ bể. Nên những sai phạm của Trần Văn Nam bị các đối thủ chính trị ở địa phương khai thác để tố cáo và hạ bệ.

Như trường hợp của Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh thì do doanh nghiệp sân sau là Công ty Việt Á của Phan Quốc Việt bị các đối thủ khác tố giác. Doanh nghiệp sân sau đổ bể dẫn đến các quan chức bảo kê ngã ngựa theo.

Như vậy, những người xung quanh, kề cận bên cạnh Tổng bí thư, Trưởng Tiểu ban Nhân sự Nguyễn Phú Trọng đều là những người không tốt, đã bị tha hóa. Còn Phạm Minh Chính cũng vậy, không chỉ những người xung quanh mà ngay cả bản thân Phạm Minh Chính cũng là kẻ hủ bại.

Những người này là tấm bình phong che mắt Nguyễn Phú Trọng cho tới khi các vụ việc bị vỡ lở, phanh phui và tấm bình phong rơi xuống.

Có nhiều chuyên gia về chính trị Việt Nam cho rằng, Nguyễn Phú Trọng và Phạm Minh Chính đều biết tất cả những sai lầm, xấu xa, hủ bại của các ứng cử viên vào Ban chấp hành TƯ. Nhưng vì tất cả đều xấu xa, hủ bại như nhau, không có ứng cử viên nào tốt. Bởi vậy, ứng cử viên nào có phe phái mạnh, có nhiều tiền thì sẽ được vào trung ương. Sau này, sai phạm của quan chức nào bị phanh phui thì xử lý quan chức đó.

Ví dụ: như trường hợp của Bộ trưởng công an Tô Lâm và Chánh án TATC Nguyễn Hòa Bình. Hai người này có quá nhiều sai phạm đã bị truyền thông trong và ngoài nước đưa tin. Với Tô Lâm trong vụ án MobiFone mua AVG, hay vụ ăn thịt bò dát vàng; còn Nguyễn Hòa Bình trong vụ án Hồ Duy Hải. Nhưng vì Tô Lâm, Nguyễn Hòa Bình là những quân cờ quan trọng để bảo vệ cho quyền lực của Nguyễn Phú Trọng cũng như của chế độ. Nên cho dù Tô Lâm và Nguyễn Hòa Bình có sai tới đâu thì cũng được bỏ qua.

Dù sao, Nguyễn Phú Trọng với cương vị Tổng bí thư, Trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIII. Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức TƯ, Phó trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIII. Hai người có quyền lực cao nhất và quyết định ai được vào Ban Chấp hành TƯ. Việc Nguyễn Phú Trọng và Phạm Minh Chính để lọt Trần Văn Nam, Nguyễn Thành Long và Chu Ngọc Anh vào Ban chấp hành TƯ khóa XIII là phải chịu trách nhiệm trực tiếp.

Dư luận người dân Việt Nam đòi hỏi Nguyễn Phú Trọng và Phạm Minh Chính phải công khai nhận trách nhiệm về những sai phạm này.