You are here

NGÀN NĂM BIA MIỆNG

Ảnh của nguyenhuuvinh

Một chuyến đi “khẳng định vị thế”?

Như vậy, chuyến đi của Phạm Minh Chính đến Hoa Kỳ đã kết thúc cách đây cả chục ngày. Đó chỉ là một chuyến công tác bình thường, như bao nhiêu chuyến công tác khác. Lần này là để tham dự cuộc họp của các nước ASEAN trong dịp kỷ niệm lần thứ 35 mối quan hệ với Hoa Kỳ.

Và như vậy, Việt Nam chỉ là một trong các đoàn cùng tham dự với các nươc ASEAN chứ chẳng phải là chuyến đi thăm chính thức của quan chức Việt Nam đến Hoa Kỳ riêng rẽ theo lời mời của chính phủ Hoa Kỳ.

Mà nếu có là chuyến thăm theo lời mời đi nữa, thì cũng là chuyện bình thường và rất bình thường chẳng có gì là ghê gớm. Bởi nó vẫn thường diễn ra hàng năm, kể từ sau khi hai cựu thù Việt Nam CS và Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ.

Thậm chí, trước đó, đã có những chuyến đi đặc biệt hơn, bí hiểm hơn và… buồn cười hơn vì chẳng gống ai, như chuyến đi của Nguyễn Phú Trọng đến Hoa Kỳ, vào tận Tòa Bạch Ốc vào năm 2015 đã làm chủ nhà lúng túng không biết nên hành xử thế nào cho phù hợp. Bởi đó là lần đầu tiên, Tòa Bạch Ốc đón tiếp một Tổng bí thư ĐCS và chưa có tiền lệ ở đây. Cũng tương tự như chuyện lúng túng của ông chủ vườn thú lần đầu tiên đón một con thú lạ.

Hoặc chuyến đi của Phạm Quang Nghị trong đầy bất ngờ, bí mật sang thăm Hoa Kỳ trước đó, vào năm 2014 trong vai trò Bí thư Thành Ủy Hà Nội, Ủy viên Bộ chính trị ĐCSVN.

Sở dĩ những chuyến đi thăm Hoa Kỳ đó là lạ, là oái oăm, là gây ngạc nhiên và đồn đại trong dân chúng bởi nhiều lẽ.

Trước hết, với tư cách những “trùm gộc” cộng sản, hẳn Nguyễn Phú Trọng, Phạm Quang Nghị… đều là những kẻ “thấm nhuần” sâu sắc tư tưởng, chủ nghĩa Mác – Lenin. Thế nên, “Đế Quốc Mỹ trong cơn giãy chết” là nơi chẳng cần đến, là nơi không đáng đến và là nơi không thèm đến mới phải. Còn nếu có đến, thì chỉ là để dành cho nơi đó, một sự khinh bỉ, một sự nhạo báng và qua đó để tự hào, hãnh diện với cái “Thiên đường Xã hội Chủ nghĩa” – nơi đám trùm sò cộng sản này đã và đang “Lãnh đạo tuyệt đối”.

Lẽ thường, với tư cách là TBT đảng hoặc là Bí thư Thành ủy Hà Nội, chẳng có tư cách ngoại giao ngoại thớt gì hết. Trọng và Nghị có thể sang thăm ĐCS Mỹ (Nghe đâu vẫn còn một nhúm đảng viên), gặp các đồng chí để bàn bạc về phong trào Quốc tế Cộng sản đã và đang lâm nạn, để thực hiện điều Hồ Chí Minh đã di chúc lại là: “Tôi mong rằng Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản…”.

Thế nhưng, ngược lại, từ Nguyễn Phú Trọng cho đến Phạm Quang Nghị, khi đến Hoa Kỳ, lại không thèm quan tâm đến các đồng chí mình đang làm gì, đang ở đâu, sống chết ra sao, kiếm ăn thế nào, bị bọn tư bản nó bóc lột “Giá trị thặng dư” ra sao trong cái xã hội tư bản đang giãy từ lâu mà không chịu chết.

Trái lại, hết Trọng đến Nghị và các quan chức cộng sản khi đến Hoa Kỳ, đều xin gặp quan chức lãnh đạo của bọn Tư bản, hơn thế, còn dùng những lời có cánh, nào là “trao đổi thân mật, thẳng thắn, chân tình…” cứ như anh em lâu ngày gặp lại vậy.

Thế mà những chuyện ngược đời, oái oăm vậy vẫn cứ diễn ra, và người cộng sản vẫn cứ “trơ gan cùng tuế nguyệt” để tự sướng, để cảm thấy tự hào, để không thấy xấu hổ… mà tự sửa mình.

Thế nên, cái chuyện Phạm Minh Chính, trên danh nghĩa Thủ tướng CSVN được sang Mỹ với tư cách đi dự Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN và Hoa Kỳ là chuyện bình thường.

Thế nhưng, cuộc đời vốn lắm sự không bình thường trong cái bình thường của Việt Nam.

Báo chí Việt Nam coi chuyện Phạm Minh Chính được đi sang Mỹ là chuyện lạ, chuyện khó tin, chuyện hiếm có cứ như xuất hiện người ngoài hành tinh vậy. Báo chí Việt Nam giật tít nào là: “Chuyến công du Mỹ của Thủ tướng khẳng định vị thế Việt Nam”.   

Chẳng hiểu nổi cái chuyến đi này thì Việt Nam khẳng định được vị thế gì và nếu Việt Nam khẳng định được vị thế thì các nước khác khẳng định điều gì?

Điều duy nhất có thể đạt được là Phạm Minh Chính có thể huênh hoang với đồng nghiệp, với các ủy viên Bộ Chính trị khác là: “Đấy, bên Mỹ nó thế lọ, nó thế chai mà chúng mày không biết, tao đã sang rồi tao biết”. Chỉ có thế.

Nhiều khi, cái sự tự sướng, tự huyễn hoặc mình cũng là một căn bệnh đã ăn vào máu và có thể phát bệnh bất cứ lúc nào, nó không chỉ trong một con người mà lây lan ra toàn xã hội.

Để đời

Cái sự khẳng định vị thế Việt Nam đâu chưa biết, chỉ có sau khi Phạm Minh Chính đến Mỹ và từ Mỹ về Việt Nam, thì trên mạng xã hội và trong xã hội xuất hiện thêm một cụm từ cửa miệng: “Sòng phẳng, mẹ nó, sợ gì”.

Đó là một cụm từ mới được sáng tác bởi Phạm Minh Chính, được mang Youtube của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ truyền hình trực tiếp khắp thế giới. Đó là hình ảnh và lời nói của đoàn Việt Nam gồm Nguyễn Minh Chính và bộ sậu đã tự trấn an mình khi chuẩn bị gặp Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Anthony Blinken.

Cái câu Phạm Minh Chính nói ra, văng tục, chửi thề xuất hiện lúc đó, người ta đọc được nội dung của nó là sự lúng túng, sự sợ hãi của đoàn Việt Nam trước khi đối diện một quan chức chính quyền Hoa Kỳ.

Thông thường, những dịp có chuyến đi của lãnh đạo các nước ra nước ngoài, là những dịp người ta để lại nhiều dấu ấn đẹp và quý giá, đáng nhớ trong lòng mọi người, trong lịch sử dân tộc, đất nước.

Đó cũng là dịp để họ thể hiện tất cả những gì họ muốn nói như lòng tự hào về đất nước, tình cảm của quê hương… như sự mến khách, sự lịch thiệp, sự nồng ấm, chân thành và tình cảm không chỉ với kiều bào mình, mà với các đối tác mà mình gặp gỡ, nhằm qua đó, giới thiệu về Tổ Quốc, quê hương mình trước thế giới.

Để rồi sau mỗi chuyến đi, người ta còn lưu lại những dấu ấn tốt đẹp về mỗi lần lãnh đạo mình xuất hiện, mỗi lần họ thực hiện những chuyến công du ra nước ngoài với nhiều ý nghĩa và thành quả.

Với tư cách là những người đứng đầu, lãnh đạo đất nước, mọi hành xử, cử chỉ, lời nói của họ, đều được chú ý và cẩn thận, kín kẽ và theo chuẩn mực nhất định. Chẳng thế mà cha ông ta đã từng đúc kết rằng:

“Đường đường phương diện Quốc gia
Quan trên trông xuống, người ta trông vào”

(Truyện Kiều)

 

Có lẽ, cho đến nay, nhiều người dân Việt Nam vẫn chưa thể quên được hình ảnh của các Tổng thống Hoa Kỳ, là lãnh đạo đất nước cựu thù, là “thế lực thù địch” một thời bị hệ thống tuyên truyền cộng sản ghét cay ghét đắng và đã dành biết bao lời lẽ để mô tả, để nói đến, để đánh giá… đến mức: “Ngu xuẩn nhất nhì. Là Tổng thống Mỹ” (Trần Đăng Khoa).

Thế nhưng, qua các đời Tổng thống, có những vị đã đến Việt Nam rất nhiều lần như cựu tổng thống Bill Clinton, bốn lần thăm Việt Nam đều để lại những dấu ấn tốt đẹp, đều được sự mến mộ, kính phục của không chỉ người dân Việt Nam dù đến Việt Nam ông tham gia đủ mọi loại sinh hoạt khắp nhiều nơi.

Và dù các cuộc thăm viếng đã qua đi từ lâu. Nhưng người dân Việt Nam còn ấn tượng đặc biệt với ông Clinton bởi những hành động vô cùng thân thiện trong cương vị Tổng thống của một cường quốc lớn nhất thế giới, bắt tay với người dân, cười tươi vẫy chào các em học sinh đã được ghi lại.

Rồi hình ảnh một Obama đến Việt Nam, hồi tháng 5/2016. thưởng thức một suất bún chả tại một quán ăn bình dân lâu đời trên phố Lê Văn Hưu. Người đứng đầu Tòa Bạch ốc đã để lại hình ảnh bình dân,  thân thiện và dễ mến, lịch thiệp và ấn tượng đối với người dân Việt Nam.

Có thể kể rất nhiều những hình ảnh và chi tiết về những cuộc viếng thăm của lãnh đạo không chỉ Hoa Kỳ mà còn nhiều quốc gia khác trên thế giới, dù là các chính khách lão luyện hoặc “tay ngang”… nhưng đều để lại nhiều hình ảnh, ấn tượng tốt đẹp, không mấy khi để lại những lời dị nghị, điều tiếng dèm pha, so đo.

Thậm chí, Tổng thống Joe Biden khi đến Việt Nam với tư cách là Phó Tổng thống Hoa Kỳ cũng như các đời Tổng thống trước đó, đã lẩy Kiều hết sức thâm thúy và ngoạn mục, làm cho Nguyễn Phú Trọng, vốn xưng là cựu sinh viên Văn khoa Đại học Tổng hợp của Việt Nam cũng phải “Đứng hình” mà ngậm tăm.

Nhưng, những hình ảnh lãnh đạo Việt Nam ra nước ngoài lại không như vậy.

Người có liêm sỉ phải xấu hổ

Có lẽ, ít có một đất nước nào mà khi lãnh đạo đi ra nước ngoài, những người dân của mình cứ ngồi lo ngay ngáy rằng liệu họ ra đi, tiếp xúc và gặp gỡ vậy rồi có “ăn nên đọi, nói nên lời” trước thiên hạ hay không? Liệu có để lại điều tiếng gì làm xấu hổ thêm cho bộ mặt đất nước hay không.

Nghĩ về những điều này, người ta có cảm giác như tâm trạng của những người làm cha, làm mẹ khi con cái mình còn non dại, nay đi ra tiếp xúc với xã hội, cứ phải lo lắng liệu có làm những điều gì dại dột, thất thố trước mặt người khác để mất thể diện gia đình, xấu hổ với bà con, chòm xóm và xã hội.

Hẳn nhiên, điều mà người dân lo lắng không phải là không có lý.

Bởi chắc chẳng có đất nước nào, mà khi lãnh đạo đất nước đến nơi có nhiều kiều bào của mình, lại phải lo ngay ngáy vì sợ bị chính người dân mình biểu tình, phản đối như lãnh đạo Việt Nam khi đi ra thế giới. Để rồi sau đó phải có những màn trốn chay bằng cửa hậu, bằng sự lo ngại khi gặp lại những đồng bào, con dân đất nước mình tại nơi xa xôi.

Bởi chẳng có lãnh đạo đất nước nào khi đi ra nước ngoài lại thể hiện nhiều màn diễn, nhiều câu nói mà người dân Việt ở nhà thì “Ngượng đến chín cả người” còn những người đối diện thì không thể cất lời để biện minh, bào chữa.

Người ta còn nhớ rất lâu những hình ảnh, lời nói không thể nào xóa mờ, không thể nào gạt bỏ, dù thời gian có qua đi, và nhiều cuộc viếng thăm, nhiều sự kiện đã che lấp việc thăm viếng của lãnh đạo Việt Nam ra thế giới.

Người ta không thể quên hình ảnh lãnh đạo Việt Nam đến thăm Mỹ vào năm 2005, Phan Văn Khải với vai trò Thủ tướng, với miếng giấy nhàu nát trong tay, ngồi đánh vần từng chữ trước Tổng thống Hoa Kỳ Bush.

Cũng trong chuyến thăm đó, câu nói của Phan Văn Khải trước vợ chồng Bill Gates rằng: “Nghe tin ông bà hay làm từ thiện, mời ông bà đến Việt Nam để thấy rằng Việt Nam là đất nước xứng đáng để ông bà làm từ thiện”. Quả là những lời ăn xin trắng trợn đáng xấu hổ của người lãnh đạo quốc gia.

Người ta cũng cảm thấy “Choáng” khi nghe Nguyễn Minh Triết, trong vai trò Chủ tịch nước mời các nhà đầu tư đến Việt Nam chỉ vì “Việt Nam có nhiều gái đẹp”. Và người ta cứ tưởng đó là một tú ông trong một động mại dâm.

Những năm gần đây, người dân Việt Nam cứ lo thon thót mỗi lần Thủ tướng VN Nguyễn Xuân Phúc xuất hiện trên các diễn đàn Quốc tế. Bởi không phải chỉ vì cái đầu nghênh nghênh chẳng giống ai của ông ta. Mà bởi những hành động quái dị của ông ta và một khuôn mặt hầm hầm giữa những khuôn mặt tươi cười xung quanh của các nguyên thủ quốc gia, hay cái tai nghe đeo ngược chẳng giống ai trên thế giới… hoặc những sự giao tiếp mà chỉ có thể sử dụng ở những vùng đồng bào dân tộc ít người, không tiếp xúc với xã hội hiện đại chứ không thể là hành xử của một lãnh đạo quốc gia.

Rồi gần hơn, không chỉ người dân trong nước mà cả thế giới sửng sốt với hình ảnh cái miệng của Tô Lâm, Bộ trưởng Công an đã há ra với “cú đớp thế kỷ” miếng thịt bò dát vàng tại Anh khi mà cả đất nước đang quặn mình trong cơn đói kém, khốn đốn của đại dịch Covid-19.

Mới đây, những ngày này, chuyến đi của Phạm Minh Chính đến Mỹ, trong vai trò Thủ tướng Việt Nam đã kịp thời truyền về đất nước những hình ảnh đáng lo ngại.

Có thể kể ra rất nhiều những hình ảnh đặc trưng của không chỉ một mà nhiều thế hệ lãnh đạo Việt Nam khi đi ra thế giới. Một điều mà không thể sửa chữa được, sẽ là căn bệnh mãn tính của các lãnh đạo Việt Nam.

Bởi vì, họ là những người không phải là những chính khách thực thụ, không được đào tạo bài bản về chính trị, cách hành xử của chính khách cần có. Họ chỉ là những tay mơ và nhiều khi, cơ hội để nắm những chức vụ quan trọng trong hệ thống chính trị của đất nước này không nằm ở tài năng, mà là cơ cấu, là sự sắp xếp của đảng qua những cuộc chạy thi bằng mọi hình thức do ngân lượng dẫn đầu. Qua đó, đa số, được hình thành qua những cuộc “chạy việt dã” trong cuộc đua của thị trường quyền lực ở Việt Nam.

Và nhân nào thì quả ấy, điều đó không có gì lạ.

Và trong hệ thống kho tàng ngôn ngữ Việt Nam xuất hiện thêm cụm từ: “Sòng phẳng, mẹ nó, sợ gì” – Một điển hình của cách thể hiện “Vị thế Việt Nam”.

Và hậu quả của nó, là chuyện “Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”.

29/05/2022

J.B Nguyễn Hữu Vinh