You are here

Từ tiếng Việt thảm hại đến nhân cách bại hoại

Trả lời đài RFA về việc sách giáo khoa lớp Một còn quá nhiều sai sót [1], ông Hoàng Dũng - Phó giáo sư - Tiến sĩ ngôn ngữ học, với hơn 30 năm giảng dạy cho biết (trích): "... Nếu tôi viết thì tôi sẽ không viết như vậy. Nhưng đó là câu chuyện khác. Còn công kích cuốn sách giáo khoa tới mức như vậy là quá đáng. Theo tôi, đó là quá đáng bởi cái quan trọng nhất là lỗi của họ không đến mức như thế. Thứ hai, sách giáo khoa chỉ là một phần rất nhỏ của biết bao nhiêu chuyện trong giáo dục. Tôi nói ví dụ, người ta đưa ra một vài từ ngữ và hỏi tại sao lại chỉ dùng tiếng Bắc? Họ nói thế tôi cho rằng không đúng, bởi sách giáo khoa là một tập thể từ sách cho học sinh cho đến sách cho giáo viên. Với mục đích phát triển vốn từ thì người ta có quyền nói những từ ngữ của người miền Bắc…" (hết trích).
 
Ông Hoàng Dũng sẽ lâm vào tình trạng "khó ăn khó nói", một khi người dân đặt câu hỏi: Nền giáo dục Việt Nam đang dạy cho trẻ em TIẾNG VIỆT hay TIẾNG BẮC?
 
Các vị giáo sư - tiến sĩ trong ngành giáo dục, dường như cho tới nay, không hiểu một điều căn bản nhứt và quan trọng nhứt: Tiếng Việt không phải lúc nào cũng trùng khớp với tiếng mẹ đẻ. Giọng nói mỗi địa phương có thể khác nhau nhưng khi đã viết thành con chữ TIẾNG VIỆT, bắt buộc tất cả mọi người phải hiểu giống nhau. Từ đó mới tạo ra sách giáo khoa và từ điển. Càng không thể lấy việc in ấn sai trong từ điển, để bào chữa "từ điển cũng sai mà" nhằm chống chế và chối bỏ trách nhiệm của những người đã và đang giảng dạy, cũng như nghiên cứu ngôn ngữ Việt Nam.
 
Thiệt ra, giọng Bắc hay giọng Nam, cũng như giọng nói riêng của người dân từ 63 tỉnh lỵ - thành phố suốt dọc dài hình chữ S đều có cái hay và cái riêng của mỗi nơi. Tác phẩm văn chương trước 1975 đã chứng minh điều này.
 
Không riêng nhà Ngôn Ngữ Việt Học Nguyễn Hiến Lê - một người Bắc di cư vào Nam năm 1952 (trước khi Việt Nam bị chia đôi theo vĩ tuyến 17) mà rất nhiều nhà văn, nhạc sĩ, nhà thơ, giáo sư nổi tiếng với nhân cách cao sang, trong đó có nhiều người Bắc. Câu cú, chữ nghĩa của họ rất sang trọng, thâm thúy và thanh tao.
 
Ví dụ, miền Bắc dùng "chân thành" hay "Tân Sơn Nhất" v.v... thì miền Nam dùng "chơn thành" và "Tân Sơn Nhứt" nhưng bất cứ ai cũng đều hiểu giống nhau.
 
Vì tiếng Việt không phải luôn luôn trùng khớp với tiếng mẹ đẻ, nên có những vùng miền (cả Nam và Bắc) dùng ngôn ngữ mà vùng miền khác không hiểu hoặc rất khó nghe khi đối thoại. Tuy nhiên, khi viết và đặc biệt khi dùng trong sách giáo khoa dạy cho trẻ em, cần phải chắt lọc một cách tinh tế. Chỉ vì nền giáo dục mang tính định hướng XHCN, với sự cố chấp và ương bướng (không phải mang ý nghĩa "bảo thủ") nên làm cho tiếng Việt ngày càng đui - què - sứt - mẻ. Nguy hại hơn, chính vì làm cho tiếng Việt quá xấu xí và thô kệch (chữ này cũng của miền Bắc) dẫn tới người dân ngày càng dè bỉu (chữ này cũng của miền Bắc), cười cợt và gây ra chia rẽ vùng miền.
 
Chung quy, tiếng Việt ngày càng thảm hại, dẫn đến hậu quả vô cùng tai hại mà nhà cầm quyền CSVN cố sức hơn 47 năm qua vẫn thất bại - chủ trương quan trọng bậc nhứt - "đoàn kết dân tộc" - xuất phát từ việc sử dụng câu chữ của nhiều thế hệ sinh trưởng từ trong cái nôi "xã hội chủ nghĩa", rồi bước lên bục giảng các cấp học cho đến đại học, sau đại học; rất đông trong số đó, họ tự huyễn hoặc về khả năng rất hạn hẹp khi dùng tiếng Việt.
 
Không riêng ông Hoàng Dũng giải thích về cách sử dụng chữ nghĩa tiếng Việt nghe rất kỳ lạ,  ông Hồ Đức Phớc - Bộ trưởng Bộ Tài chính không phân biệt được [2] sự khác nhau giữa tiếng và giọng, khi trả lời phóng viên báo Tiền Phong về việc tự thân ông ta cho biết ngân sách trống rỗng: "...Có thể cách nói của tôi bị hiểu sai ý, cũng có thể do tôi nói tiếng Nghệ An, nên nghe không rõ (cười)...". Cách chống chế của ông Phớc đã chứng minh thêm rõ về "sản phẩm" chánh hiệu của hầu hết những viên chức nhà nước từ cao nhứt đến thấp nhứt, vốn "từng ngồi dưới mái trường xã hội chủ nghĩa", với đặc trưng: Không bao giờ dám nhận trách nhiệm, theo phương châm "Tôi không bao giờ sai, chỉ có người nghe hiểu sai ý tôi" mà thiên hạ thấy ngập tràn trong ứng xử xã hội hiện nay. Ngay tên riêng của vị Bộ trưởng Bộ Tài chính - Phớc - hoàn toàn làm người dân bất ngờ, khi lần đầu tiên, thấy cách ghép chữ như vậy trong tiếng Việt.
 
Từ trong chính trường, từ trong học đường, người ta nhìn ra mọi nẻo đường (cả nghĩa đen và nghĩa bóng) ngày nay, việc dạy và học tiếng Việt méo mó đến thảm hại, cùng cung cách đổ mọi trách nhiệm và sai trái lên bất cứ ai mà ta có thể - Chính điều  này sanh ra những mâu thuẫn nội tại - ngoại tại, hoàn toàn có thể bộc phát bất cứ lúc nào, với thời điểm vô cùng bất ngờ, đem lại những "khó hiểu" cho người quan sát bằng phát ngôn: "chuyện không có gì, thế mà...", "chuyện nhỏ xíu vậy mà cũng gây ra..." v.v... Điều đó giải thích thêm, lý do ngày nay người ta dễ dàng ẩu đả, thậm chí chém giết lẫn nhau vì những hiềm khích vô cùng nhỏ nhặt.
 
Thêm vào đó, người dân ngày càng phát hiện nhiều bài báo, từ các trang báo trong nước, với những cách viết "không giống ai", dù họ là những nhà báo chuyên nghiệp. Thậm chí, cách đặt câu với dấu chấm, dấu phẩy, cũng tạo ra nhiều tràng cười từ độc giả, vì sự kém cỏi văn phạm cũng như khả năng dụng từ rất nghèo nàn. Không hề hồ đồ mà đủ căn cứ để nghi ngờ, ngay cả những nhà báo chuyên nghiệp, có vẻ rất lúng túng và mơ hồ với "dấu chấm phẩy", "dấu gạch ngang", với "phó từ", "liên từ", "trạng từ", "trạng ngữ" khi ngồi trước màn hình để tạo ra một bài báo bớt ngớ ngẩn, như "tàu chiến Úc đâm chết mẹ con cá voi..." (!). Song song đó, nhiều nhà báo dường như cũng không phân biệt nổi sự khác nhau giữa "câu đơn" và "câu phức", để sao cho đừng diễn đạt những câu rất vớ vẩn "người đàn bà đốt nhà vì không được đến với bạn trai đã có chồng" rồi vội vàng sửa tựa, nhằm lấp liếm cái lỗi vô cùng lớn trong tư cách "nhà báo".
 
Giáo dục Việt Nam bệ rạc chưa từng thấy trong suốt hơn 45 năm qua. Sự nghiệp "trồng người" chưa hề có dấu hiệu tốt hơn. Nhân cách Việt Nam ngày càng sa sút về phẩm hạnh. Nhà cầm quyền CSVN vẫn chưa hề nhận ra tai họa và tai hại rất lớn từ một nền giáo dục lạc loài, dù họ đang cố công hội nhập thế giới.
 
Không thể nghĩ xa xôi và cao đẹp cho một Việt Nam phú cường, với một nền giao dục thất nhân tâm - phi nhân bản - vô nhân tính, bởi chịu sự cai trị mất tự do của chế độ độc đảng toàn trị hiện nay.
_______________________