You are here

Môi trường xã hội hủy hoại con người

Ảnh của nguyenvubinh

     Đầu những năm 1990, khi đó tôi mới tốt nghiệp đại học, tôi có một thắc mắc và đã hỏi một bác đồng hương hiểu biết, rằng tại sao một số người cùng làng, trình độ hạn chế, hiểu biết rất bình thường mà khi sang lao động ở Đức (khi đó Đông và Tây Đức mới hòa nhập trở lại), lại có thể tích lũy được một số lớn tiền, tài sản như vậy. Bác đã trả lời rằng, như vậy, môi trường xã hội nó đã nâng đỡ con người. Những người mà cháu thấy học ít, không có nhiều hiểu biết, ở trong môi trường đó mà vẫn có thể tích lũy được một lượng tiền mà ở trong nước nằm mơ họ cũng không có được chứng tỏ môi trường xã hội ở đó tốt, ngay cả những người như vậy, lao động bình thường cũng đã có thể tích lũy được số tiền lớn so với ở Việt Nam.

     Tôi có quen một người mới đi tỵ nạn ở Mỹ. Trước khi đi tỵ nạn, anh này rất bình thường, cuộc sống cơ cực. Nhưng chỉ sau 7-8 năm, anh này đã làm chủ một tiệm nail, mua được nhà riêng. Còn những người khác, cũng ổn định cuộc sống và phần lớn mua được nhà cửa sau 5-7 năm. Cũng những người đó, khi ở Việt Nam, cuộc sống vô cùng khó khăn, khổ sở và tôi dám khẳng định, họ sẽ vô cùng chật vật để tồn tại nếu còn ở lại Việt Nam. Môi trường xã hội của Đức, của Mỹ đã nâng đỡ những người Việt Nam mà tôi biết. Gần hơn là những lao động xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan cũng đều đem lại những thu nhập lớn cho gia đình họ. Thậm chí Trung Quốc, nhiều người nói rằng, họ sang đó lao động mỗi tháng ngoài ăn tiêu cũng còn để ra được từ 10-20 triệu đồng.

     Vậy còn môi trường xã hội ở Việt Nam thì sao, chúng ta cùng xem nhé.

     Hương Trần Kiều Dung, 44 tuổi, Phó chủ tịch thường trực HĐQT tập đoàn FLC, bị bắt với cáo buộc thao túng và che giấu thông tin chứng khoán. Dung đã giúp sức cựu chủ tịch tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết thực hiện hành vi phạm tội. Hương Trần Kiều Dung là Tiến sĩ Luật Quy hoạch Xây dựng tại Đại học Tổng hợp Montesquieu Bordeaux IV, Pháp. Những người quen biết Dung đều ngỡ ngàng trước sự việc Dung bị bắt giam, vì Dung là tài năng trẻ được đào tạo cơ bản và rất xuất sắc về kiến thức trong lĩnh vực luật của mình.

     Đỗ Hoàng Việt sinh năm 1993, là con trai thứ của ông Đỗ Anh Dũng (chủ tịch tập đoàn Tân Hoàng Minh) cũng có thành tích học tập đáng nể. Đỗ Hoàng Việt tốt nghiệp chuyên ngành Phát triển doanh nghiệp tại Đại học Berkerly (Mỹ) với điểm trung bình (GPA) đạt tuyệt đối 4.0. Với thành tích đó, Việt là một trong hai sinh viên Việt Nam đang theo học tại đây được trao giải thưởng President. Đồng thời, Đỗ Hoàng Việt cũng là cử nhân ngành Đầu tư bất động sản của Đại học New York (Mỹ). Việt cũng bị bắt giam do sai phạm ở tập đoàn Tân Hoàng Minh.

     Thật buồn khi các nhân tài trẻ của đất nước rất quý hiếm tài năng này lại phải bị tra tay vào còng. Nhưng có lẽ đáng tiếc và đau xót hơn cả, đó là trường hợp của giáo sư, tiến sỹ-bác sỹ Nguyễn Quang Tuấn (còn được gọi là Tuấn Tim), giám đốc bệnh viện Bạch Mai, cựu giám đốc bệnh viện Tim Hà Nội. Bác sỹ Nguyễn Quang Tuấn là giáo sư đầu ngành tim mạch, những thành tích và vinh quang về chuyên môn ông gặt hái được không thể kể hết. Nhưng cuối cùng ông đã bị bắt và truy tố với tội danh “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Điều đau xót là, ông bị truy tố chỉ chưa đầy 2 năm, sau khi một giám đốc kỳ cựu, một “Anh Hùng” sống Nguyễn Quốc Anh mới bị bắt vì nâng khống giá thiết bị y tế với tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

     Những nhân tài nói trên vướng vòng lao lý (chỉ là một số rất ít so với thực tế ) có phải do bản thân họ thiếu hiểu biết, tham lam, không giữ được mình hay không? Nhiều người đã cho là như vậy. Nhưng còn mấy chục tướng lĩnh công an, mấy chục tướng lĩnh quân đội, còn lãnh đạo tất cả các tỉnh thành ở Việt Nam, ở các quận huyện đã vướng vòng lao lý, họ không phải là nhân tài sao? Không phải là nhân tài sao lên được các chức vụ đó??? Với một số lượng khủng khiếp quan chức ở tất cả các ngành nghề và địa phương vào tù vì tham nhũng như vậy, thì những sai phạm và tội lỗi của họ là phổ biến và hoàn toàn không phải chỉ là tham lam không giữ được mình. Cơ chế và môi trường xã hội đã buộc họ phải làm như thế, tất cả không sót một ai. Chúng ta cứ nhìn vào tài sản những quan chức hiện nay chưa bị bắt, cũng có thể thấy rằng, bản chất là họ chưa bị lộ, chưa bị sờ gáy!

     Như vậy, môi trường xã hội có thể nâng đỡ con người, môi trường xã hội cũng có thể hủy hoại con người. Những người rất bình thường, không có nhiều hiểu biết nhưng được sống trong những nước dân chủ, văn minh đều tạo lập được cuộc sống đàng hoàng, đáng mơ ước. Nhưng những con người tài giỏi, được đào tạo bài bản, được đánh giá rất cao, cũng đã có sự nghiệp, giúp người nhưng đã bị hủy hoại bởi môi trường xã hội độc hại, độc tài toàn trị không hề có tự do, dân chủ. Một xã hội mà một cô giáo đã phải thốt lên: “xã hội toàn người gù, thẳng lưng sẽ là khuyết tật”.

     Cách đây mấy chục năm, nhà văn Vũ Thư Hiên đã tổng kết, mỗi người dân Việt Nam là một người tù dự khuyết. Thực tế hiện nay cũng chưa có gì thay đổi nếu nhìn vào dòng người nối đuôi nhau vào nhà tù không dứt ở tất cả các ngành nghề, lĩnh vực và địa phương./.

Hà Nội, ngày 14/4/2022

N.V.B