Chiến tranh giữa Nga và Ukraine đang gây chú ý và phân rã mãnh liệt đối với người Việt Nam. Có lẽ bởi vì, giữa ba quốc gia Việt Nam - Nga - Ukraine đều dính líu rất nhiều và sâu đậm về ý thức hệ Cộng Sản.
Dường như nghị quyết của đại hội đồng Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu, lên án Nga xâm lược Ukraine mà trong đó, nhà cầm quyền CSVN đã chọn phiếu trắng, càng làm cho rất nhiều người Việt Nam phẫn nộ hơn là đồng thuận.
Những ngày sau đó, sứ quán Ukraine tại Hà Nội tổ chức phiên hội chợ [1] mang tính chính trị, để làm công tác tuyên truyền tính chính nghĩa của nhà nước Ukraine cho người Việt Nam, như là thông điệp kêu gọi, hãy đứng về phía họ trong cuộc giao tranh đang đến hồi khốc liệt. Buổi hội chợ này không hề được giới báo chí trong nước đưa tin. Đó là chỉ dấu cho thấy nhà cầm quyền CSVN chọn thái độ im lặng, như là một cách rất bế tắc giữa cuộc chiến.
Tuy nhiên, chiếc phiếu không chống cũng không ủng hộ đó, lại rất phù hợp với chiến lược quốc phòng của nhà cầm quyền CSVN với chính sách Ba Không (sau này bâng lên thành Bốn Không) - Một chính sách mà nhà cầm quyền CSVN đã chọn cho toàn thể người Việt Nam, làm sao tránh mọi xung đột hiềm khích mang cả tính đối nội, cũng như toát lên tinh thần "LÀM BẠN VỚI THẾ GIỚI". Giờ đây, cũng chính sách hữu hảo và mang đậm tinh thần "tứ hải giai huynh đệ" lại làm nứt nẻ lộ dần lòng dân nội tại. Bởi quan sát, đủ thấy rất đông người Việt Nam chọn lên án Tổng thống Putin. Phần còn lại rất ít, chọn thái độ quan sát và đưa tin chừng mực theo diễn biến cuộc chiến nhưng cũng bị đám rất đông quy cho "tội ủng hộ nhà phát xít".
Chính sách Ba Không (sau này nâng lên thành Bốn Không) là một chính sách bị nhiều nhà báo và chính trị gia trong và ngoài nước gọi là "ba phải".
Chính sách Ba Không trong Luật Quốc Phòng được nhìn thấy rõ lâm vào phép "ngụy biện dựa vào dân chúng".
Sai lầm của phép ngụy biện này là cách mà người CSVN kêu gọi về tình cảm, đặc biệt kêu gọi dân chúng bằng khái niệm "lòng yêu nước" và "yêu hòa bình, ghét chiến tranh".
Phép ngụy biện này được người CSVN sử dụng nhằm hướng người dân Việt Nam đến một kết quả (ngỡ rằng tốt đẹp) bằng tình cảm hơn là lý trí.
Thử hỏi cả thế gian này, có mấy ai dám nói không với "yêu hòa bình" và có dân tộc nào không có "lòng yêu nước" (?)
Nguy hại của phép ngụy biện này ở chỗ: "Lòng yêu nước" sẽ lấn át hết lý trí và dễ dàng hướng con người đến cuồng nộ mù quáng, khi bất kỳ ai đó động chạm vào tình cảm được coi là thiêng liêng và bất diệt. Nó dễ dàng đem lại sự chấp nhận thiếu suy nghĩ của con người, đối với những ý kiến được trình bày theo những cách khác nhau.
Sự kêu gọi dân chúng về lòng ái quốc dễ dẫn đến những hành động theo bản năng của số rất đông. Đặc biệt, bản năng bạo loạn sẵn sàng bộc phát trong nhiều trường hợp đã được thực tế thế giới chứng minh, như người Trung Hoa đập phá tan nát [2] những cửa tiệm, tài sản của người Nhật Bản vào năm 2012. Cuộc bạo loạn này được đánh dấu như là mức kỷ lục về sự cuồng nộ của "lòng yêu nước" mà người Trung Hoa cho rằng người Nhật Bản "dám động đến", kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1972.
Thực tế tại Việt Nam cũng đã chứng minh sự nguy hại của phép "ngụy biện dựa vào dân chúng", bằng khái niệm "chiến tranh nhân dân" kéo dài từ thời Pháp đến thời Mỹ và cho cả đến thời kỳ chống Trung Quốc (nhưng người CSVN chỉ dám gọi là "chiến tranh biên giới" - Đây lại là phép "ngụy biện đánh tráo khái niệm"). Cũng từ phép "ngụy biện đánh tráo khái niệm" mà sinh ra những danh xưng rất lố lăng và bất xứng như: "kháng chiến chống Pháp", "kháng chiến chống Mỹ" nhưng không có "kháng chiến chống Tàu" hoặc giả, có "liệt sĩ chống Pháp, chống Mỹ" nhưng không có "liệt sĩ chống Tàu".
Do đó, đứng trước một cuộc chiến tranh, có lẽ nên bình tâm nhìn cho rõ và hãy đọc cho kỹ, với thông tin đa chiều. Khi nhìn chiến cuộc, đơn thuần chỉ bằng "LÒNG ÁI QUỐC", dù đầy quyến rũ và hấp dẫn với "da ngực bọc thây", "tử chiến sa tràng", "chết vinh hơn sống nhục" v.v... nó vẫn là phong cách kiếm hiệp kỳ tình của Kim Dung, vốn chỉ chiếm chỗ trên màn ảnh rộng.
Sau một bộ phim bom tấn, dù hay nhứt, dù độc đáo nhứt, dù nghiệt ngã nhứt, dù tàn khốc nhứt, dù lấy nước mắt nhiều nhứt, dù đoạt nụ cười thỏa mãn nhứt, thì nó vẫn không bao giờ để lại những mất mát với chia ly và trầm uất cùng hàng ngàn nhân mạng có thật!
Vì lẽ đó, chiến tranh chưa bao giờ là đề tài bàn luận để tranh thắng - thua như một trận bóng đá, dù đó là trận bóng đá quy tụ tất cả những ngôi sao trên thế giới!
Một cuộc chiến chính nghĩa không thể trưng ra những ảnh giả trá, vay mượn, xào nấu, cắt xén, cùng những thông tin thổi phồng như chiếc bong bóng, như nhiều người nhìn thấy nhan nhản trong nhiều cuộc chiến tranh. Ở đây, cần nhắc lại một mô thức đã có từ lâu - "chiến tranh tâm lý". Với thời đại internet, loại hình chiến tranh này càng được đẩy lên tối đa, trong các cuộc chiến tranh.
Những ngày này, bên cạnh cuộc chiến tranh Nga - Ukraine, nhà cầm quyền CSTQ đang tập trận, với một địa điểm cách Huế chỉ khoảng 100km như RFA [3] loan tin vào hôm 7 tháng Ba năm 2022, khiến người dân càng bất an hơn bao giờ hết. Nhiều người cũng nhắc lại cuộc chiến xảy ra vào sáng sớm ngày 17 tháng Hai năm 1979, khiến cho mối quan hệ của hai đồng chí Việt Nam - Trung Quốc căng thẳng và kéo dài cho đến khi mật nghị Thành Đô được ký kết vào năm 1990.
Cho đến nay, bí mật quanh mật nghị đó, người Việt Nam cũng chưa hề được cho biết rõ ràng, dù đã hơn 30 năm.
Những cặp mắt đỏ quạch trông về cuộc chiến Nga - Ukraine hay là sự mất ngủ của "hậu Covid"?! Không biết được. Chỉ rất rõ, nền kinh tế Việt Nam đang lao đao dữ dội, với giá xăng gần 27.000 đồng/lít.
Năng lượng là mặt hàng chiến lược của mọi quốc gia. Giữa cuộc chiến Nga - Ukraine, cùng với sự hỗ trợ của NATO và Hoa Kỳ, mặt hàng này đang trở thành "võ khí lợi hại" cho đôi bên tỉ thí.
Chiến tranh một khi xảy ra, nó là TRÁCH NHIỆM và QUYỀN ĐỊNH ĐOẠT của NHÀ NƯỚC. Bởi chiến tranh không phải và chưa bao giờ là trò chơi cho dân.
Bài bình luận gần đây