You are here

Lò ông Trọng trước vụ việc ‘‘Lũng đoạn nhà nước’’

Ảnh của nguyenvubinh

Việc khởi tố vụ án công ty Việt Á cùng một số lãnh đạo cấp vụ ngành y tế, bộ khoa học công nghệ và các quan chức CDC (Cơ quan kiểm soát dịch bệnh) một số tỉnh, thành vừa qua đã rúng động dư luận xã hội, nơi vốn đã rất quen thuộc với các vụ đại án tham nhũng. Bằng suy luận thực tế và kinh nghiệm, đã rất nhiều người hiểu được quy mô, tính chất phức tạp và của vụ việc khởi nguồn từ việc cung cấp Kit Test cho toàn bộ quốc gia của một công ty nhỏ, chưa tới hai chục thành viên. Nhưng chỉ đến khi có bài viết của tiến sỹ Nguyễn Đức Thành, giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chiến lược Việt Nam với tiêu đề ‘‘Cần nhìn nhận vụ Kít xét nghiệm virus SARS-CoV-2 là lũng đoạn nhà nước’’ thì mọi người mới thực sự hiểu được hết mức độ nghiêm trọng và khủng khiếp của vụ việc trục lợi thông qua dịch bệnh này.

Tất cả các án, đại án tham nhũng ở Việt Nam từ trước cho đến vụ Việt Á, dù quy mô và mức độ lớn tới đâu, cũng đều nằm trong phạm trù tham nhũng, có thể kết hợp thêm yếu tố trục lợi chính sách hoặc thao túng chính sách để trục lợi. Nhưng vụ việc Kit Test của Việt Á đã chuyển sang, nâng cấp lên một trình độ, đẳng cấp mới của tham nhũng tại Việt Nam, đó là lũng đoạn nhà nước để trục lợi, tham nhũng. Theo tiến sỹ Nguyễn Đức Thành, đặc điểm quan trọng của các loại hình tham nhũng nói chung là chúng vẫn thừa nhận một hệ thống luật pháp đã có sẵn. Kẻ tham nhũng chỉ thực hiện trục lợi thông qua quá trình thực thi hệ thống pháp luật đó mà không có khả năng biến đổi nó theo ý mình. Nhưng “Lũng đoạn nhà nước” là một bước tiến về chất của những kẻ muốn trục lợi từ tài sản của nhà nước và công chúng. Điểm khác biệt chủ chốt là họ chủ động tác động vào quá trình hình thành nên các quy định pháp luật. Trên cơ sở đó, hệ thống quy định ấy được thực thi một cách chính danh và hợp pháp, đem lại quyền lợi cho những kẻ lũng đoạn ở quy mô lớn.

Câu hỏi được rất nhiều người quan tâm hiện nay là, việc xử lý vụ lũng đoạn nhà nước để trục lợi này sẽ được thực hiện ra sao? Công cuộc ‘‘đốt lò’’, chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng và đảng cộng sản Việt Nam có thể xử lý được tới nơi tới chốn vụ việc nghiêm trọng dính tới nhóm lợi ích có khả năng lũng đoạn nhà nước để trục lợi này hay không?

Các dấu hiệu từ hệ thống lọt ra qua báo chí cho thấy, vụ Kit Test Việt Á đã được đưa vào diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng xem xét, và theo quan điểm rất mạnh mẽ: ‘‘…yêu cầu Đảng ủy Công an Trung ương, Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung lực lượng, khẩn trương, quyết liệt, mở rộng điều tra làm rõ bản chất của vụ án, xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định của pháp luật; không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu bất kỳ sự can thiệp trái pháp luật của bất kì tổ chức, cá nhân nào.’’ - (Báo Vietnamnet, ngày 30/12/2020). Mới đây, trong phiên họp Quốc hội bất thường (04-11/01/2022), Quốc hội cũng yêu cầu mở rộng điều tra, làm rõ bản chất vụ án công ty Việt Á. Như vậy, cùng với sự bức xúc và phẫn nộ của nhân dân về vụ án và vụ việc, đảng cộng sản và nhà cầm quyền Việt Nam có đầy đủ quyết tâm và sự ủng hộ để xử lý tới nơi tới chốn vụ việc nghiêm trọng này.

Tuy nhiên, với sự phức tạp của tình hình và môi trường tham nhũng tràn lan như hiện nay, Lò của ông Trọng, hay Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng cũng chưa chắc đã có thể giải quyết trọn vẹn các vấn đề theo logic đúng của nó. Trước hết, đó là việc gọi tên cho đúng bản chất vụ án, vụ việc đã xảy ra, tức là lũng đoạn nhà nước để trục lợi. Có thể tội danh của luật chưa có tên lũng đoạn nhà nước, nhưng chuyên án điều tra, hướng điều tra và việc thông tin phải gọi đúng tên, bản chất sự việc, lũng đoạn nhà nước để trục lợi. Theo người viết bài này, rất khó để nhà cầm quyền làm việc này. Bởi vì nếu gọi đúng tên, đúng bản chất vụ việc như vậy đồng nghĩa với việc thừa nhận sự tha hóa ở cấp cao nhất và với số lượng lớn quan chức, cán bộ lãnh đạo.

Tiếp đó, liệu có thể truy tìm đến tận cùng những người có quyền lực và chức vụ cao nhất trong nhóm lợi ích đã thực hiện việc lũng đoạn nhà nước để trục lợi hay không? Về mặt kỹ thuật đơn thuần, các cơ quan điều tra hoàn toàn có thể thực hiện được nếu như quyết tâm của Ban chỉ đạo chống tham nhũng vượt qua được những thương lượng, thỏa hiệp của các nhóm lợi ích chóp bu trong vụ việc. Yếu tố này người viết đánh giá 50-50, tức là chưa hoàn toàn chắc chắn. Trong trường hợp có sự dàn xếp, thương lượng và thỏa hiệp của các nhóm lợi ích trong vụ việc này, kết cục vụ việc rơi vào trường hợp đánh tham nhũng đến vai, ngang lưng rất thường xuyên xảy ra.

Cuối cùng, trong trường hợp truy tìm được người có trách nhiệm cao nhất của vụ việc, dân gian gọi là ‘‘trùm cuối’’, liệu có thể đưa ra xét xử công khai đúng người, đúng tội hay không? Rất khó bởi vụ việc cho thấy, rất nhiều khả năng, người chịu trách nhiệm cao nhất rất có thể là trụ cột của đảng và nhà nước. Vậy nên, nhiều khả năng, để giữ gìn hình ảnh của đảng, nhà nước và chế độ, việc xử lý ‘‘trùm cuối’’ sẽ là xử lý nội bộ, thay ngựa giữa dòng là thực tế hơn cả./.

Hà Nội, ngày 12/01/2022

N.V.B