You are here

Chúng ta không thể vô can

Ảnh của canhco

Những ngày cuối năm Việt Nam lại nóng lên vụ cháu bé bị mẹ kế hành hạ đến chết xoay quanh những vấn đề luật pháp, nhân quyền, lương tâm và bổn phận…những chủ đề mà người dân luôn thờ ơ hoặc không chú ý lắm đã phủ lên bộ mặt xã hội một màn sương mù u ám và tăm tối khác bên cạnh dịch bệnh chưa ngớt hoành hành.

Cháu bé gái  N.T.V.A 8 tuổi được biết đang sống với cha ruột và mẹ kế (sắp cưới) Nguyễn Võ Quỳnh Trang tại chung cư Topaz 2- SaiGon Pearl số 92 đường Nguyễn Hữu Cảnh phường 22 Quận Bình Thạnh bị hành hạ đến chết khi trên thân thể em còn nguyên những vết thương cũ lẫn mới. Theo kết quả điều tra ban đầu từ phía công an cháu bé bị đánh đến phù phổi, gãy nhiều xương sườn, trên đầu có nhiều vết thương, tụ máu, phù não.

Ngay sau khi vụ việc xảy ra kẻ thủ ác đã bị công an Bình Thạnh giam giữ còn người chồng thì được thả về nhà. Theo báo Thanh Niên, lãnh đạo UBND Q.Bình Thạnh xác nhận đã bắt khẩn cấp Nguyễn Võ Quỳnh Trang để phục vụ công tác điều tra. Tại đây, Trang thừa nhận đã bạo hành cháu N.T.V.A dẫn đến tử vong.

Một bài phóng sự do VTC thực hiện nhanh sau vụ án cho biết hàng xóm kể lại họ đã nghe tiếng khóc lóc van xin trong một thời gian dài nhưng không có bất cứ ai báo cáo vụ việc tới cơ quan thẩm quyền. Ngay sau khi bé chết, bên dưới sân của tòa nhà cháu tạm trú hàng xóm đã đặt di ảnh của cháu và nhiều người tới thấp nến chia sẻ lòng tiếc thương một bé gái mà họ cho rằng rất ngây thơ, xinh xắn đáng yêu.

Hai ngày sau khi bé mất tờ Thanh Niên loan tải một video trên trang online với tựa: “Mẹ kế hành hạ bé gái 8 tuổi sẽ phải lãnh tối đa 3 năm tù!”

https://thanhnien.vn/me-ke-hanh-ha-be-gai-8-tuoi-co-the-phai-lanh-toi-da-3-nam-tu-post1416027.html

Ngay lập tức, mạng xã hội post lên một vụ án tương tự nhưng xảy ra ở Hà Nội vào năm trước qua bản tin: chiều 19/11/2020, TAND TP. Hà Nội đã quyết định tuyên mức án Tử hình đối với bị cáo Nguyễn Minh Tuấn (SN 1989, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) và án Chung thân với bị cáo Nguyễn Thị Lan Anh (SN 1991, vợ của Tuấn) là hai bị cáo bạo hành con gái đến chết.

Hai câu chuyện giống nhau tại sao báo Thanh Niên lại làm công việc vô lương tâm là định hướng dư luận cho một bản án với cách đặt vấn đề trước cho báo chí như vậy? Phải chăng Thanh Niên đã có “phần thưởng” nào đó cho vụ án này? Và phần thưởng ấy do ai đặt hàng cho báo Thanh Niên khi mà vụ án chưa hoàn tất việc điều tra?

Mạng xã hội lại phanh phui: Cha ruột của kẻ thủ ác hiện là một thẩm phán, còn ông nội của nạn nhân nguyên là phó giám đốc Bệnh viện Trưng Vương. Hai cán bộ cộm cán này phải chăng đang đứng phía sau định hướng dư luận qua Thanh Niên để chạy án cho con gái và con trai của họ?

Dư luận kết án mẹ kế Nguyễn Võ Quỳnh Trang đã đành vì kẻ này còn trẻ, có học nhưng thường xuyên lên Facebook khoe ảnh hở hang và có những stt kể lể mình thương yêu con gái của chồng. Lên án cô ta là đúng vì hình ảnh câu chuyện Tấm Cám đã hằn sâu vào tâm trí người Việt, hơn nữa tra tấn con chồng là tội ác bị người đời căm ghét hạng nhất, có lên án Quỳnh Trang cũng là điều nên làm nhằm cảnh báo những con người tương tự.

Nhưng người cha cũng không tránh khỏi bị dư luận lên án, bởi chính anh ta im lặng trước tội ác của vợ và vì vậy anh ta không thể thoát tội đồng lõa giết người. Dư luận lên án anh ta hai mặt: Đạo đức và trách nhiệm. Đạo đức: anh ta không có tình phụ tử, một thứ tình mà thượng để ban phát đồng đều cho mọi người ngoại trừ anh ta. Trách nhiệm: anh ta không bảo vệ con, hay chí ít của một đồng loại trước hành vi dã man của người vợ kế đối với một đứa trẻ.

Còn hàng xóm thì sao?

Việt Nam không có luật chế tài đối với người dân khi biết một vụ bạo hành gia đình mà không báo lại với cơ quan chức năng như nhiều nước khác trên thế giới, do đó người dân tự thấy không bị ràng buộc vào một điều luật có tính cưỡng chế, vì vậy mọi án mạng, tai nạn, hay bạo hành xảy ra thường xuyên hơn nhưng không có ai cảm thấy mình có lỗi khi không khai báo những việc ác độc mà họ chứng kiến.

Luật pháp như cái lưới bắt cá, cá lớn thì lưới lớn, chắc chắn, cá nhỏ thì sợi lưới nhỏ, mỏng nhưng đan dày hơn. Việt Nam không có lưới bắt những loại cá nhỏ mà xã hội cho là vô can.

Nếu luật pháp đan lưới dày hơn thì những con cá “vô can” không những sẽ sợ hãi và hai chữ vô can không có trong tự điển pháp luật, bắt buộc người ta phải báo cáo lại những gì họ nghe hay nhìn thấy từ đó giúp nạn nhân nhiều vụ tránh được cái chết tương tự như của cháu Vân An và hàng trăm người khác.