You are here

Mùa mưa, lũ năm nay

Ảnh của nguyenvubinh

     Đến hẹn lại lên, tầm tháng 8 đến tháng 12 hàng năm, các cơn mưa và lũ ở suốt dọc dải miền Trung đổ nước ra biển. Mưa, lũ năm nay xảy ra tại các tỉnh nam Trung bộ, từ Quảng Nam đến Phú Yên và các tỉnh Tây Nguyên. Đã có 18 người chết và mất tích trong 5 ngày mưa lũ, từ ngày 27/11 đến ngày 1/12. Theo thống kê sơ bộ, đã có hàng ngàn ngôi nhà bị ngập, 775 hecta lúa và 617 hecta hoa màu tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên bị hư hỏng hoặc bị lũ cuốn trôi.

     Một trong những điều nhức nhối nhất, đó là việc hàng năm vấn đề mưa lũ cứ lặp đi lặp lại, với cùng một kịch bản, một điệp khúc mà nhà cầm quyền không có một động thái nào để giải quyết các vấn đề. Số người chết và mất tích năm nào cũng có, việc ngập úng ruộng đồng, hoa màu và nhà cửa người dân khiến cho sự thiệt hại không kể siết đối với người dân. Đặc biệt, việc các thủy điện xả lũ không thông báo trước khiến cho người dân không kịp trở tay là vấn nạn lớn trong những năm gần đây. Một nhà nước, một nhà cầm quyền không giải quyết được những vấn đề chống thiên tai, không làm giảm được thiệt hại cho người dân trong những chu kỳ thiên tai lặp đi lặp lại là một nhà nước không đáng tồn tại.

     Mùa mưa, lũ năm nay lại có điều khác với mùa mưa, lũ các năm, đặc biệt mùa mưa, lũ năm ngoái. Đó là việc hoàn toàn vắng bóng sự hỗ trợ, giúp đỡ của người dân ở khắp nơi trong cả nước dành cho nhân dân vùng bị lũ lụt. Chúng ta nhớ lại, đã có không biết bao nhiều đoàn cứu trợ, hỗ trợ người dân trong mùa lũ lụt các tỉnh miền Trung năm 2020. Nguyên nhân trực tiếp ai cũng biết, đó là việc tố giác ăn chặn tiền từ thiện của Nguyễn Phương Hằng đối với các nghệ sỹ như Hoài Linh, Trấn Thành, Thủy Tiên… mà sự lùm sùm đã kéo sang nhiều lĩnh vực khác cho tới tận ngày nay. Việc các nghệ sỹ ăn chặn tiền từ thiện (nếu có) là trách nhiệm của các cá nhân, nhưng còn nhà nước có vô can trong việc này hay không?

     Câu trả lời là hoàn toàn không. Việc người dân làm từ thiện, người dân hỗ trợ, giúp đỡ những người khó khăn, đặc biệt trong thiên tai là việc đã diễn ra từ rất lâu, đáng được hoan nghênh, khuyến khích. Trách nhiệm của nhà nước là tạo ra khung pháp lý và cơ chế kiểm tra, giám sát đối với những hoạt động này. Nhưng nhà nước cộng sản Việt Nam đã không thực hiện trách nhiệm này, thay vào đó lại yêu cầu người dân đóng góp vào quỹ của mặt trận tổ quốc, để rồi nói rằng, mặt trận tổ quốc sẽ trao những sự giúp đỡ đó cho những người khó khăn, bị thiên tai… Nhưng kinh nghiệm của người dân đã cho thấy rằng, việc các cơ quan của nhà nước hỗ trợ, giúp đỡ người dân chỉ là lời nói suông, và chỉ là những ví dụ được quay phim chụp ảnh để tuyên truyền. Chính vì vậy người dân vẫn trực tiếp đưa tận tay những người cần giúp đỡ, và những người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lụt. Nhà cầm quyền đã tìm mọi cách, gây mọi khó khăn cản trở cho việc làm từ thiện và sự giúp đỡ lẫn nhau của người dân. Vài năm trở lại đây, khi mạng xã hội vào cuộc trong việc từ thiện, giúp đỡ người dân thì những việc cản trở, gây khó khăn cho người làm và nhận từ thiện đã giảm bớt phần nào. Tuy nhiên, đó là việc nhà cầm quyền không hề mong muốn.

     Việc cô Nguyễn Phương Hằng tố cáo các nghệ sỹ ăn chặn tiền từ thiện không hiểu có bàn tay đạo diễn của nhà cầm quyền hay không, nhưng vụ việc đã làm lợi cho nhà nước rất nhiều. Trước hết, công an vào cuộc điều tra, nếu phát hiện có sự ăn chặn tiền từ thiện sẽ thu về một số lượng tiền, có lẽ không hề nhỏ. Thứ hai, các nghệ sỹ, các nhà từ thiện nhìn vào việc này sẽ hết muốn (hặc giảm tối đa) việc vận động từ thiện, vận động hỗ trợ giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, người bị thiên tai… người dân muốn ủng hộ, giúp đỡ người khó khăn, người gặp thiên tai phải thông qua quỹ của mặt trận tổ quốc. Thứ ba, quan trọng nhất, nhà cầm quyền đạt mục đích cao nhất, không cho người dân giúp đỡ lẫn nhau, không cho người dân yêu thương nhau, một điều kiện để duy trì chế độ độc tài toàn trị.

     Mùa mưa, lũ năm nay có một tin vui nhỏ, tuy rằng sự việc có thể sẽ không đi đến đâu. Đó là việc luật sư Võ An Đôn đã thông báo việc đứng ra khởi kiện và kêu gọi người dân kiện thủy điện sông Hinh và thủy điện sông Ba Hạ mà theo luật sư Đôn nói hai nhà máy thủy điện này đã gây ra trận lụt lịch sử làm 9 người chết và hơn 30.000 ngôi nhà, hoa màu tỉnh Phú Yên vừa qua./.

Hà Nội, ngày 12/12/2021

N.V.B