You are here

Tại sao văn hóa Việt Nam ngày càng bệ rạc?! (phần 1)

Có rất nhiều cách định nghĩa khác nhau về văn hóa, cả nghĩa rộng lẫn nghĩa hẹp. Tuy nhiên, hầu hết các định nghĩa đều thống nhất rằng: Văn hóa là sản phẩm của con người trong suốt quá trình sống, lao động, ứng phó với thiên nhiên, với con người lẫn nhau. Kể cả từ tranh chấp trong đời sống loài người và chiến tranh, văn hóa cũng được sinh ra từ đó.

Sơ lược về thuộc tính văn hóa

Văn hóa không chỉ là cái đẹp mà văn hóa là những gì phù hợp với đời sống loài người. Do vậy, văn hóa có hai thuộc tính căn bản như sau:

1. Tính vận động.

2. Tính tác động lẫn nhau và tác động đa chiều của các loại hình văn hóa, cũng như nguồn gốc văn hóa giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ, kể cả văn hóa bản địa nơi mà con người được sinh ra và lớn lên.

Trên đây là hai tính chất quan trọng nhứt, theo Triết Học. Nói cách khác, văn hóa luôn biến động và biến đổi theo sinh hoạt, kể từ khi loài người xuất hiện trên Trái Đất. Kể từ thuở hồng hoang, lúc con người còn ở thời kỳ "ăn lông ở lỗ", văn hóa theo đó đã dần xuất hiện, dù lúc đó loài người chưa biết gọi tên.

Biết tạo ra lửa và dùng trong nhiều loại hình sinh hoạt đời sống, kể cả bảo vệ bản thân trước thú dữ, đó là biểu hiện đầu tiên của văn hóa, từ cách đây khoảng 500.000 năm trước Công nguyên, xuất phát từ thực tế trong cuộc sống khi con người quan sát và nhận biết qua hiện tượng sấm sét. Các loài động vật khác không có khả năng này.

Tiếng nói và chữ viết - đặc tính phong phú nhất của văn hóa - cũng do loài người phát minh ra. Rồi từ đó, con người gọt giũa, sáng tạo, trao dồi và trao đổi (tức là sinh ngữ) qua các sinh hoạt trong đời sống. Văn hóa sinh ra giáo dục.

Tín ngưỡng nói chung và tôn giáo nói riêng là một phần của văn hóa. Phạm trù này cũng xuất phát từ đời sống hàng ngày. Con người thuở xưa cần một niềm tin đi liền với sự chở che, bảo bọc từ siêu nhiên; cần sự an ủi, ân cần chia sẻ, giúp đỡ khi đối diện trước những đau khổ trong đời sống, trong những lúc tuyệt vọng nhất mà ngay chính con người cũng không thể là điểm tựa cho nhau.

Theo dòng tiến hóa, loài người đã tạo ra văn hóa để phục vụ cho chính mình. Loài người còn tồn tại là các loại hình văn hóa còn hiện diện hay mai một theo sự tiến hóa nhân loại.

Văn hóa là sản phẩm riêng có của loài người.

Văn hóa Việt Nam theo chiều hướng thời cuộc

Việt Nam, ít nhứt 2.000 năm qua, nhiều loại hình văn hóa đã được nhiều thế hệ kế thừa và phát triển hoặc mai một (tức là thuộc tính vận động) cũng như tiếp nhận văn hóa bên ngoài qua sự giao thương nội địa - ngoại quốc, cũng như sự xâm lược hay bị xâm lược (tức là thuộc tính tác động lẫn nhau và tác động đa chiều). Có thể đưa vài ví dụ dễ thấy, để minh họa cho lý luận này:

- Chiếc áo dài Việt Nam, qua nhiều thế hệ đã tạo ra nét riêng biệt cho Việt Nam. Dĩ nhiên, do những tác động đa chiều và tác động lẫn nhau giữa các sự vật - hiện tượng, làm cho chiếc áo dài, có lúc bị cách tân tới mức xã hội Việt Nam không chấp nhận và nó bị đào thải theo đúng quy luật Triết Học đã chỉ ra. Tà áo dài Việt Nam đã vươn ra thế giới, để được UNESCO công nhận là Văn Hóa Phi Vật Thể.

- Âm nhạc Việt Nam, vốn được biết là ngũ cung, được tiếp nhận thêm âm nhạc phương Tây (thất cung), do giao thương kinh tế và giao thoa giữa văn hóa phương Đông và phương Tây. Sau này, âm nhạc thất cung theo chân người Pháp, đã được biết đến rõ ràng hơn tại Việt Nam, từ những cuộc xâm lăng, khởi đầu tại Đà Nẵng, vào tháng Tám năm 1858, cách đây hơn 160 năm.

Trong hành trình vận động liên tục và tác động mãnh liệt của các sự vật - hiện tượng, văn hóa Việt Nam cũng theo đó biến động và biến đổi theo.

Văn hóa mang tính đa nguyên. Điều này đối lập hoàn toàn tính đơn nguyên trong xã hội độc đảng toàn trị tại Việt Nam, vốn chiếm hữu hơn 76 năm qua tại miền Bắc và hơn 46 năm qua, trên toàn cõi Việt Nam. Nói cách khác, tính đơn nguyên làm nghèo văn hóa, nếu như không muốn nói, tính đơn nguyên làm cho văn hóa trở nên đơn điệu, lạt lẽo, nhàm chán và dễ đi đến diệt vong đối với nhiều loại hình văn hóa. Văn hóa là biểu hiện cao nhứt về TÍNH NGƯỜI với đặc trưng nổi trội: Tự Do Tư Tưởng.  

Văn hóa mang trong mình tính mai một hay sự kế thừa, ví dụ như văn hóa tảo hôn đã mai một hay văn hóa ăn trầu, nhuộm răng đen v.v... cũng vậy.  Về tính kế thừa, ngoài tà áo dài, dễ nhận thấy, văn hóa ẩm thực Việt Nam ngày càng phong phú các món ăn truyền thống và nhiều loại hình văn hóa khác... cũng như tiếp nhận nhiều món ăn, thức uống trên thế giới rất đa dạng.

Văn hóa còn mang tính đại diện của quốc gia, dân tộc và cộng đồng một nhóm người. Văn hóa còn có nhiệm vụ truyền bá những cái riêng, nét độc đáo của dân tộc - quốc gia này đến với dân tộc - quốc gia khác. Không chỉ vậy, văn hóa còn mang cả tính trách nhiệm, không chỉ đối với thế hệ mai sau mà còn đối với thế giới.

Văn hóa chi phối trên tất cả các lĩnh vực từ kinh tế, chính trị, giáo dục, ngoại giao... Vì vậy văn hóa mang tầm quan trọng rất lớn lao. Văn hóa tạo nên nhân phẩm và nhân cách cho dân tộc. Chính văn hóa sẽ làm cho thế giới hiểu rõ bản chất của từng dân tộc, từng quốc gia...

Ngày 22 tháng Mười Một năm 2021, báo VNExpress cho biết [*]: Ông Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội, nêu quan điểm "Xã hội đang thiếu giá trị văn hóa chuẩn mực để soi chiếu". Phát ngôn của ông Sơn có thật vậy không?...

(Còn nữa)

___________

[*] https://vnexpress.net/xa-hoi-dang-thieu-gia-tri-van-hoa-chuan-muc-de-soi...