You are here

Tại sao cứ phải là thù hận?

Một dân tộc tiến bộ, là một dân tộc ít thù hận nhất, một đất nước thiên đường, chắc chắn đó phải là đất nước không có thù hận.

Một dân tộc hạnh phúc, chắc chắn không có hạnh phúc nào đặt trên nền tảng thù hận.

Và hiển nhiên, một nền giáo dục, chính trị, văn hóa thông minh phải là nền giáo dục, chính trị văn hóa thông minh, hạnh phúc.

Nói như vậy, đất nước Việt Nam này là đất nước như thế nào, người dân có hạnh phúc không? Và hạnh phúc có phải là cơm no, áo ấm như cách các nhà tuyên truyền vẫn hay ru ngủ bấy lâu nay?

Để nhìn Việt Nam có hạnh phúc hay không, hãy đặt chúng ta vào bối cảnh hòa bình và phát triển, rồi đặt câu hỏi trong sự hòa bình và phát triển ấy, lòng thù hận có được xóa sạch, bởi nếu lòng thù hận còn nặng nề thì sẽ không có hòa bình, và cũng chẳng có phát triển. May ra chén cơm manh áo đủ đầy, dư dả một chút, nhưng đó chưa phải là phát triển.

Bởi nhìn trên góc độ quốc gia, dân tộc trên bình diện quốc tế, sự phát triển của quốc gia, dân tộc đó phải là phát triển của hai mặt văn hóa và kinh tế, hay nói đúng hơn là cả phát triển và tiến bộ. Nếu một dân tộc chỉ phát triển về kinh tế mà chưa tiến bộ về văn hóa thì dân tộc ấy chỉ là đàn bò trên thảo nguyên xanh, có thể nhởn nhơ gặm cỏ và cho sữa, có thể mập mạp béo ú, nhưng chưa thể tiến hóa, và văn minh còn quá xa vời.

Dù sao đi nữa, Việt Nam cũng trải qua gần nửa thế kỉ hòa bình, chắc chắn là vậy, tức là nửa thế kỉ không có bom đạn, không có người chết vì đánh nhau và không có tản cư, ám sát, đặt mìn giữa đường, hơn nửa thế kỉ không chiến tranh. Thế nhưng chúng ta có hòa bình hay không?

Tôi không nghĩ rằng chúng ta có hòa bình, bởi lằn ranh giữa người Bắc – người Nam, kẻ chiến thắng – người chiến bại, kẻ hãnh tiến – người mặc cảm, kẻ đoạt chiến tích – người ngậm ngùi mất mát, kẻ ở lại – người ra đi… quá lớn. Và nỗi hận thù sâu cay gai độc ấy ngấm ngầm từ trong ra ngoài, từ người trong nước ra người ngoài nước, từ trong tâm hồn ra ngoài hành động, chúng ta, chưa bao giờ thôi chia phe và giày xéo nhau. Thế thì lấy đâu ra hòa bình để mà thịnh vượng, văn hóa, văn minh?!

Trong nước thì nhà nước, công an mặc sức vùi dập tiếng nói phản biện, mọi thứ đều dùng bạo lực, bạo lực từ học đường cho đến bệnh viện, công an, quân đội… Đi đâu cũng thấy nguy cơ bạo lực. Ra ngoài nước thì mang lòng thù hận, mang sự vô minh để đối đãi với bạn bè, anh em.

Bây giờ, chúng ta không thể gọi Mỹ là kẻ thù hay gọi Mỹ là kẻ nguy hiểm, kẻ xa lạ được nữa rồi, bởi sau bao nỗ lực hàn gắn và giao hảo, chúng ta chính thức nhận viện trợ từ Mỹ rất nhiều thứ, đã nhận viện trợ, thì đã là anh em, chỉ có anh em mới viện trợ nhau, chỉ có chiến hữu mới lo lắng, chia sẻ với nhau, chứ kẻ thù không ai làm vậy. Và đã nhận viện trợ mà vẫn còn xem người ta là kẻ thù, thì chúng ta đang tự lật mặt mình là quân tiểu nhân, bỉ ổi. Bởi chỉ có quân tiểu nhân, bỉ ổi mới vừa ngửa tay xin và nhận của người khác, vừa xem người cho là kẻ thù, bậc trượng phu hay cả người bình thường trong cuộc đời này, không ai hành xử như vậy cả!

Việc một cô hoa hậu đi thi, mang theo bài hát đầy thù hận và gắt máu để biểu diễn phần tài năng ngay trên đất Mỹ, việc ấy khác nào tuyên bố “tao thù mày, chưa hết thù đâu!”. Bởi không có Bộ Văn hóa và truyền thông cho phép, xét duyệt, cô đâu dễ được đại diện để thi. Và đương nhiên, mọi phần thi của cô phải được chạy trước tại Việt Nam, phải qua sự xét duyệt của cơ quan văn hóa và cơ quan tuyên giáo, thậm chí các cơ quan trực thuộc trung ương. Và đáng sợ ở chỗ, chúng ta, người Việt cảm thấy xấu hổ, cảm thấy ê chề, thì người Mỹ lại im lặng.

Người Mỹ đã viện trợ thuốc men, tài chính, vaccine, hỗ trợ kĩ thuật, tạo cầu nối tri thức để chúng ta tiến bộ. Người Mỹ đã tập luyện để hát một bài bằng tiếng Việt, gửi đến thầy cô giáo Việt Nam nhân ngày Nhà Giáo Việt Nam, người Mỹ đã trân trọng, trân quý bức ảnh ngài Ngoại trưởng của họ trong chiến tranh, bị bắn rơi máy bay trên hồ Trúc Bạch (lúc ngài Ngoại trưởng còn là một phi công chiến đấu) và treo nó ở vị trí trang trọng ở văn phòng Ngoại trưởng. Người Mỹ đã tập những bài hát dân gian Việt Nam khi giao lưu văn hóa tại Việt Nam, và người Mỹ im lặng, chưa bao giờ lên tiếng khi chúng ta có những hành động trái khoáy.

Tại sao lại như vậy? Lẽ nào chúng ta thấp bé đến độ không xứng đáng để nhận sự khen, chê hay phàn nàn của người khác? Lẽ nào người khác đến với chúng ta giống như một sự bố thí, cho bàn tay phải không để bàn tay trái được biết, cho là cho, mặc kệ chúng ta mạt sát hay chửi bới?! Lẽ nào người Mỹ xếp chúng ta vào diện “miễn bàn”?!

Tôi không nghĩ là vậy, bởi với người trưởng thành, người đủ văn hóa, văn minh, người ta sẽ không quan tâm đến việc anh chơi xấu họ mà họ chỉ cần biết họ không xấu với anh để cả hai bên cùng có lợi. Và đến khi nào đó, cái sự xấu của anh đã quá mức chịu đựng, thì người ta lặng lẽ bỏ đi. Đó là kiểu chơi của “giang hồ thế giới”. Nếu chúng ta cứ mang thứ luật chơi giang hồ vườn, vừa xin xỏ, vừa lừa đảo vừa ném đá sau lưng thì chẳng bao lâu, chúng ta sẽ chẳng đứng vào vị trí nào được, không có đất để dành cho kẻ chơi bẩn!

Có khi nào hệ thống chính trị tự hỏi rằng tại sao cho đến giờ phút này, Mỹ vẫn im lặng trước luận điệu thù hận của chúng ta? Thậm chí Mỹ còn đến thắp nhang, đặt vòng hoa và nghiêng mình tưởng niệm, như một lời tạ lỗi trước anh linh những chiến sĩ Cộng sản đã ngã xuống trong chiến tranh?! Đừng nghĩ rằng đó là sự ăn năn của kẻ ác! Hoàn toàn không phải vậy, bởi trong chiến tranh, chẳng có ai hiền lành và chính nghĩa, còn trong công cuộc mở rộng thuộc địa của các nước lớn, họ nhắm vào những nước nghèo và lạc hậu, đó là cuộc chơi của thế giới văn minh lúc đó, của kẻ mạnh lúc đó. Nếu trách, chứng ta sẽ trách tại sao mình quá lạc hậu, tại sao mình nghèo đói để kẻ khác lăm le. Trước đây Mỹ lăm le, giờ Trung Quốc lăm le. Đánh nhau với Mỹ thì khắc bia căm thù, đánh nhau với Trung Quốc thì khắc bia ghi công. Trong khi đó, Trung Quốc giết người Việt tàn bạo gấp trăm lần Mỹ, và man rợ gấp triệu lần, đó là sự thật.

Có bao giờ người Mỹ đề nghị chúng ta hãy gở bớt bia căm thù? Không, chưa bao giờ như thế, người ta tôn trọng cả sự căm thù của chúng ta, điều đó mới đáng nói. Ngược lại, giả sử bây giờ Việt Nam đặt bia căm thù ở Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai và các tỉnh Đông Bắc – Tây Bắc thì sao?! Chắc chắn chính quyền Trung Quốc sẽ chẳng bao giờ để yên! Hóa ra chúng ta bỉ ổi đến vậy sao? Thấy tốt thì sấn tới, thấy rắn thì buông xuôi, ve vãn?! Đương nhiên, không có ai giúp ta ngoài chính ta. Nhưng chính ta lại giúp ta bằng chính trí lực và văn hóa của ta. Với trí lực què quặt, văn hóa bệnh hoạn thì chẳng thể nào tự ta cứu nổi ta.

Mà làm gì có văn hóa lành mạnh, trí lực khỏe khoắn khi chúng ta nuôi quá nhiều lòng căm thù, khi sự căm thù còn bốc cháy thì đừng mơ những khu vườn xanh của hòa bình và thịnh vượng. Và sự căm thù cũng giống như nọc của loài rắn độc, nuôi quá lâu sẽ tự giết bản thân, sẽ tàn phá cơ thể để rồi chết dần chết mòn trong đau đớn. Bài học ngày hôm nay, con người trở nên máu lạnh, trơ tráo, lừa mị, ngụy quân tử, giả dối, tàn nhẫn, bạo lực… đều có căn nguyên từ những bài học dạy về lòng căm thù của chế độ, của nền giáo dục Cộng sản và cả ảnh hưởng tính ngụy quân tử của người Cộng sản Trung Quốc. Và khi không còn ai để cắn, Việt Nam, nội tại đất nước này đang tự cắn nhau, những cái chết trong đồn công an, trong cơ quan nhà nước, trong quân đội giữa nội bộ với nhau, đồng chí với nhau đã cho thấy rằng nọc độc đã phát tác quá nặng, cơ thể cần phải lọc độc. Nếu không làm được vậy, đến một lúc nào đó, cái giá của việc này là điêu tàn!

Thực sự, nếu muốn tiến bộ và văn minh, ngay từ bây giờ, nền giáo dục này phải loại bỏ lòng thù hận, nền chính trị này phải loại bỏ thù hận và tráo trở. Và nếu muốn chế độ Cộng sản tồn tại, có đất sống trước thế giới văn minh, trước khuynh hướng phát triển của nhân loại, họ buộc lòng phải dẹp bỏ lòng thù hận và tính độc tài, độc đoán. Bởi càng như vậy, nọc độc càng nhanh phát tác!