You are here

Chứng khổ dâm Việt-Mỹ

Ảnh của tuankhanh

Câu chuyện của nữ thí sinh hoa hậu Miss World đi thi trên vùng đất thuộc lãnh thổ chưa hợp nhất của Mỹ (Unincorporated territories), nhưng cất lên bài hát chống Mỹ, là minh họa rõ nét nhất của mối quan hệ vật vã Việt Mỹ lúc này. Mối quan hệ được nhìn thấy rõ nét hai chiều khổ dâm của một nhà cầm quyền: thích nhích lại gần nước Mỹ, nhưng luôn hô hào chống Mỹ và tận dụng mọi cơ hội để phủ nhận nước Mỹ.

Việc quyết định sắp xếp bài hát có nội dung chống Mỹ cho một thí sinh dự thi quốc tế, chắc chắn là có suy xét nhiều thứ từ những người ở Hà Nội, “Những người” mà trong cuốn hồi ký Nothing Is Impossible của cựu đại sứ Ted Osius vẫn ám chỉ, là một phía của phe bảo thủ vẫn còn muốn ôm ấp những kỷ niệm chiến tranh, không thể rời bỏ. Bởi đơn giản, nếu lấy đi phần đó trong cuộc đời của họ, sự tồn tại của họ trong thể chế hôm nay là vô nghĩa.

Phía bảo thủ trong nội bộ cầm quyền Việt Nam – câu hỏi là bao nhiêu? Và họ quan trọng như thế nào, đến mức những hình thức chống Mỹ quái gở vẫn phải được giữ gìn qua các hoạt động ngày thường?

Một dư luận viên rời bỏ bị trí, kể rằng anh ta được gọi vào nhóm xây dựng các kênh trá hình kể chuyện lịch sử, hay những câu chuyện chiến tranh Việt Nam trên Youtube, Tiktok… Phim tư liệu và nội dung chống Mỹ, chê bai Việt Nam Cộng Hòa, ngợi ca quân đội Bắc Việt… được cung cấp, chỉ cần đọc, post hình ảnh lên các kênh tạo ra và kéo link cho các nhóm dư luận viên phong trào tràn vào like và ca ngợi. Ngôn ngữ trong đó thì thoải mái chửi bới, áp đảo tinh thần của những ai vô tình lạc vào nói lại, đính chính những điều bị bóp méo.

“Em thấy mình không theo nổi trò đó, vì mọi thứ đều bị xuyên tạc”, bạn dư luận viên đó nói về quyết định rời bỏ của mình. Những gì được kể từ bạn ấy, cho thấy từ việc sửa wikipedia, cho đến các kênh viết lại lịch sử và phong trào tham gia bình luận, đều có những chỉ đạo rất cụ thể.

Dĩ nhiên, hoạt động hai chiều đó của Hà Nội, vẫn nằm trong tầm ngắm và ghi chép của các nhà ngoại giao trên đất Việt Nam, như hiện trạng của một con bệnh lâu năm. Trên trang facebook chính thức của Tòa đại sứ Mỹ hay Liên Minh Châu Âu tại Việt Nam, vẫn thường có hàng trăm các bình luận hằn học, mà chủ yếu là bày tỏ sự tức giận, khinh miệt, mỗi khi các cơ quan ngoại giao này lên tiếng về vấn đề nhân quyền hay thời sự của Việt Nam. Dĩ nhiên, không có bình luận nào thật sự có ý nghĩa về mặt phản biện, mục đích chính chỉ là tạo không khí chống phương Tây.

Hiện trạng này trở nên ấu trĩ và mỉa mai, khi các hoạt động ngoại giao nối kết và trợ giúp từ Mỹ (và các nước) diễn ra. Nhất là khi giọng điệu của các quan chức cấp cao của Việt Nam cũng ra vẻ nồng ấm, cần thiết với các mối quan hệ này.

Vào lúc mà cô thí sinh hoa hậu Miss World trình diễn bài hát “thằng giặc Mỹ cọp beo”, cũng là lúc mà nước Mỹ đã bảy lần yểm trợ cung cấp vắc xin cho Việt Nam trong đại dịch, với hơn 15 triệu liều. Lời giới thiệu về bài “Cô gái vót chông” đã làm bẽ bàng và gần như tê liệt mọi giới dư luận viên: Không ai lên tiếng bênh vực được cho hành động của Hà Nội trong việc cài đặt bài hát chống Mỹ ngớ ngẩn như vậy.

Sự kiện này nhắc cho nhiều người nhớ về hành động của ông Phạm Quang Nghị, bí thư Thành Ủy, vào năm 2014, khi ông này trơ trẽn đưa tặng cho Thượng Nghị sĩ John Mc Cain bức ảnh về việc máy bay bị bắn rơi vào năm 1967. Dĩ nhiên, cái cách mà ông Nghị chọn cho in và ép nhựa, rồi mang tận Mỹ để tặng, là một sự tính toán rất rõ không chỉ riêng ông. Nền chính trị Việt Nam, với cách thức thảo luận tập thể và ý kiến thể hiện quan điểm chung, cho thấy rõ là phe bảo thủ đang thắng thế vào lúc đó. Họ đã hành động mà không ngại ngùng gì đến thể diện của một đảng cầm quyền.

Hầu hết các nhà bình luận thời sự đều nhận thấy cán cân đối ngoại của Việt Nam trong việc nhích về phía nước Mỹ và phương Tây đang ngày càng lộ rõ, và Hà Nội cũng không giấu giếm gì trong các kế hoạch tái thiết sau đại dịch: Chưa bao giờ các chuyến đi công du Trung Quốc lại ít như lúc này, so với việc từ Thủ tướng, Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội Việt Nam đều lăn xả về phía các nước tư bản và các quốc gia có “thế lực thù địch”.

Vậy đó, nhưng chạy đến và ngợi ca về sự phát triển ngoại giao của đôi bên, vẫn không ngăn được các trò chửi bới và chống Mỹ ở trong nước. Sách giáo khoa vẫn dạy về giặc Mỹ cọp beo, các lệnh diễn tập chống lật đổ của quân đội vẫn nói về kẻ thù tư bản.

Một lúc nào đó không may, khi các nhà lãnh đạo Việt Nam đang đi công cán ngoại quốc và được đặt câu hỏi về tình trạng hai mặt này, không hiểu họ sẽ trả lời thế nào. Chắc chắn mọi sự diễn đạt, dù như thế nào cũng sẽ không thể thoát khỏi hình ảnh khổ dâm trong mối quan hệ Việt-Mỹ: muốn nhích tới gần, nhưng miệng thì vẫn kêu gào phản đối.