You are here

Vì Dân và “Vì quan”

Ảnh của canhco

Bà Nguyễn Thị Mai Anh, cựu Đệ Nhất Phu Nhân của VNCH vừa mất tại Hoa Kỳ, thọ 90 tuổi là tin hot nhất trên mạng xã hội trong hai ngày qua.

Không riêng gì hải ngoại, người dân trong nước buồn bã share nhau bản tin nói về người đàn bà này, một mệnh phụ phu nhân đúng nghĩa, một khuôn mặt phụ nữ nổi bật trong chính trường Việt Nam dưới chế độ Đệ nhị Cộng hòa. Sự ra đi của bà làm người ta liên tưởng lại một kết quả đáng tự hào của một phụ nữ dưới chế độ Miền Nam: Bệnh viện Vì Dân.

Từ năm 1971 ai đi ngang Ngã tư Bảy Hiền đều không khỏi lây lan niềm tự hào của người dân Miền Nam khi trông thấy Bệnh viện Vì Dân. Tuy không bề thế và nổi tiếng bằng Bệnh viện Chợ Rẫy nhưng bệnh viện Vì Dân lại có nét đẹp khác mà đồng bào miền Nam chú ý. Thứ nhất, cái tên của nó: Vì Dân. Thứ hai nó là bệnh viện tư được xây dựng từ sự đóng góp của mạnh thường quân, dân chúng, những doanh nghiệp thành công cũng như mọi giới khác. Thứ ba, nó hoàn toàn không lấy viện phí.

Cái tên Vì Dân đơn sơ nhưng không phải dùng để thúc đẩy sự nghiệp chính trị của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu mặc dù bà Mai Anh là Đệ Nhất Phu Nhân. Bà được biết nhiều qua báo chí ngoại quốc và sau này chứ không được phấn son từ những tờ báo của chính quyền trong thời gian chống bà làm Tổng thống. Người dân miền Nam ít quan tâm tới những người nổi tiếng, một phần vì chiến tranh, một phần khác lớn hơn: Không ai được đánh bóng để nổi tiếng, nhất là những người phụ nữ.

Lễ đặt viên đá đầu tiên của Bệnh viện Vì Dân được cử hành vào ngày 17 Tháng 8 năm 1970. Một năm sau, Ngày 4 Tháng 9 năm 1971, Bệnh viện Vì Dân được khánh thành với 400 giường bệnh, gồm các khu Ngoại chẩn, Thí nghiệm và Quang tuyến.

Bệnh viện Vì Dân là bệnh viện tư, nhưng được điều hành như bệnh viện công, nghĩa là không thu viện phí, không thu tiền khám chữa bệnh, không thu tiền các loại thuốc thông dụng có sẵn ở bệnh viện. Những thuốc đặc trị thì bác sĩ ghi toa, gia đình bệnh nhân phải đi mua ở các nhà thuốc Tây. Như thế, nếu không cần thuốc đặc trị, dân chúng đến đây trị bệnh được miễn 100% viện phí kể cả tiền thuốc thông thường.

Bệnh viện Vì Dân là nơi người ta đến làm từ thiện bằng tiền và bằng tấm lòng. Người có tiền thì tặng tiền. Người có tài thì đến bệnh viện làm việc không công như bác sĩ, y tá. Tuy làm việc không công, nhưng muốn vào đây làm việc, các bác sĩ, y tá vẫn phải vượt qua sự khảo sát về trình độ chuyên môn và đạo đức. Người có lòng thì đến giúp dọn dẹp, nấu cơm nước rồi phát miễn phí cho bệnh nhân.

Bệnh viện Vì Dân như một ngôi nhà chung, mà người dân lao động ở Sài Gòn và các tỉnh gần đó luôn đặt niềm tin vào khả năng chữa bệnh của bác sĩ, tình thương của y tá. Họ gọi đây là “Bệnh viện Bà Thiệu” để tỏ lòng biết ơn vị Đệ Nhất Phu Nhân lúc bấy giờ.

Mô hình của bệnh viện Vì Dân đáng ra được nhân rộng trên khắp nước nhưng tiếc thay đến ngày 30 tháng 4 năm 75 thì mọi nỗ lực trước đó đều sụp đổ. Khi Miền Bắc tiếp quản thành phố không ai hy vọng rằng Vì Dân sẽ tiếp tục phục vụ như cái tên của nó, thay vào đó người ta hy vọng nó sẽ được điều hành như những bện viện công khác. Tuy nhiên, sự thật làm cho người dân tỉnh táo hơn nhất là buổi đầu tiên làm quen với thế giới Cộng sản.

Theo Báo Sài Gòn Giải Phóng: Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, để bảo đảm cho việc khám chữa bệnh đối với cán bộ trung cao cấp, ngày 21-7-1975, Ban Thường vụ Trung ương Cục miền Nam đã ra Nghị quyết số 07/QĐ75 “Về việc tổ chức BV để điều trị cho cán bộ cao cấp, trung cấp của quân, dân, chính, đảng. Lấy BV Vì Dân làm BV của Trung ương Cục, bác sĩ Nguyễn Thiện Thành – Chủ tịch Hội đồng Bảo vệ sức khỏe của Trung ương Cục được cử làm Viện trưởng”.

Bệnh viện Vì Dân đổi tên thành Quân y viện Thống Nhất, trực thuộc sự quản lý của Bộ Quốc phòng Việt Nam. Từ ngày 11 tháng 5 năm 1978, bệnh viện này được Bộ Y tế Việt Nam quản lý và mang tên gọi như hiện nay.

Nhưng người dân không gọi nó là Thống Nhất mà người ta mỉa mai “Bệnh viện Vì Quan” bởi nó là bệnh viện đặc chủng chuyên chữa trị cho cán bộ trung cao cấp, không người dân thường nào được nó đề mắt tới.

Bác sĩ Nguyễn Thiện Thành, người viện trưởng đầu tiên của bệnh viện này được nhớ ơn và đặt tên đường thể theo lời yêu cầu của con trai ông, Nguyễn Thiện Nhân, nguyên bí thư thành ủy TP HCM.

Ngày 9/12/2020, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 23 HĐND TPHCM khóa IX, Theo Nghị quyết về bổ sung Quỹ tên đường và đặt tên đường trên địa bàn TPHCM, tên đường Nguyễn Thiện Thành được đặt cho đường ven sông Sài Gòn.

Trên mạng xã hội mấy hôm nay, người ta thắc mắc sao bà Thiệu thành lập bệnh viện Vì Dân mà ông Nguyễn Thiện Thành lại được đặt tên đường, trong khi ông Thành không có một đóng góp nào cho cái bệnh viện rất nổi tiếng này?

Tiếng Việt vốn đa nghĩa và rất thông minh, từ Vì Dân sang Vì Quan không phải là mới lạ và đáng ghi nhớ hay sao?

Mới, vì dân chúng Miền Nam chưa từng nghe một cặp phạm trù nào linh động như thế. Lạ, vì nó đa nghĩa và có khả năng chữa sáng mắt cho người dân. Từ đó tới nay nó vẫn mang tên Vì Quan, cho dù từ quan lớn tới quan bé không còn thích nó nữa, họ chạy sang Thái, sang Sing, sang Nhật hết rồi.