You are here

Cuộc Đào Thoát Cúm Tàu

Cuộc trốn chạy của hàng chục ngàn công nhân tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An vượt qua hàng ngàn dùi cui, hàng trăm rào sắt, đã là câu trả lời rõ nhứt cho sự thất bại ê chề chính sách "chống dịch như chống giặc" với quyết tâm "không thắng không về" của nhà cầm quyền CSVN. Những khẩu hiệu bỗng trở nên khôi hài hơn bao giờ hết.
 
Cuộc trốn chạy rầm rộ trên những "con ngựa sắt" ốm o, nhàu nát, mang theo nó là hàng ngàn cảnh tượng đau xót, hãi hùng cùng tâm trạng phẫn uất chưa từng được nhìn thấy, chưa từng được cảm nhận sống động, trên từng người dân suốt 46 năm qua, kể từ ngày "giải phóng miền Nam, thống nhứt đất nước" (!). Lời van nài cùng cặp mắt bi ai trên những khuôn mặt thất thần với những bó nhang, cầu xin lực lượng cảnh sát cơ động như tế sống loại "chân lý không bao giờ thay đổi" (!).
 
Bao năm giải phóng như thế này phải không anh?! - Nhạc sĩ Lam Phương với một câu nhạc đủ gói gọn trọn vẹn mọi bi đát - bi thảm - bi thương của người Việt Nam, những tưởng nó đã lùi vào dĩ vãng xa xưa, bỗng chốc, tái hiện kinh hoàng không kém siêu thảm họa 1975 trong lịch sử.
 
Ngày xưa, người dân tháo chạy và đánh đổi mạng sống vì tìm kiếm tự do. Ngày nay, người dân trốn chạy và đánh đổi mạng sống để có chết cũng được chết tại quê nhà, đến mức không thể tin đó là sự thật, nếu không có những thước phim ghi lại đoàn người lội bộ bằng đôi chân mòn mỏi qua hàng trăm cây số, để ráng lết về tới quê nhà và trải mình nghỉ ngơi trên quốc lộ, đúng nghĩa đen của thành ngữ "màn trời chiếu đất". Không tin nổi dù đó là sự thật với những đứa bé đỏ hỏn còn ẵm ngửa trên đôi tay yếu đuối của bà mẹ trẻ, không cầm được nước mắt với những phụ nữ trụy thai, càng không biết làm gì ngoài lắng nghe những lời phẫn nộ, chửi bới như biển động mạnh trong ngày mưa bão - những cơn bão khủng khiếp thổi sạch tất cả những lời sáo rỗng, lòe loẹt, gian dối từ nhà cầm quyền CSVN, để trơ lại những thảm cảnh tan hoang, đổ nát mà còn lâu lắm, người Việt Nam mới có thể quên và nó cũng sẽ được/sẽ bị nhắc mãi như là những chương lịch sử Việt Nam đen tối, vốn đã từng trải qua thuở Cải Cách Ruộng Đất, Đánh Tư Sản, Đổi Tiền, Kinh Tế Mới, Học Tập Cải Tạo, Vượt Biên v.v... Vậy, hãy gọi cuộc trốn chạy hiện nay bằng cái tên gì cho giản dị và dễ nhớ nhứt? Cuộc Đào Thoát Cúm Tàu là một trong những cái tên được đề nghị, cho các sử gia Việt Nam hôm nay chú ý đến và để đưa vào sử sách sau này, làm bài học cho thế hệ tương lai.
 
Còn lâu lắm Việt Nam mới có thể bình thường. Người Việt Nam không quan tâm cái gọi là "bình thường mới" mà nhà cầm quyền CSVN đang học đòi như các nước, bởi tất cả mọi người đang tồn tại trong một xã hội độc đảng toàn trị, vốn thoát thai từ vô số những giáo điều phản khoa học, chống lại quy luật tự nhiên - quy luật xã hội mà chúng vẫn đang xâm chiếm và áp đặt ách cai trị tàn bạo với thảm cảnh điêu linh không thể chối bỏ trong những ngày này.
 
"Bình thường mới" là gì? "Hàng hóa thiết yếu" là gì? "Ra đường không lý do chính đáng" là gì? Người Việt Nam đang xung đột tâm lý dữ dội giữa sự giễu nhại từ những khái niệm rất ư tào lao, cùng những hậu quả ghê hồn không thể quyết toán nổi, bởi những câu chữ ngỡ vô hại như vậy. Nhà cầm quyền CSVN vẫn thích đùa dai như họ đã và đang hành động, không khác những cậu trai vị thành niên được nuông chiều rồi sanh ra bản tánh ngỗ ngược và vô nghì!
 
Một bệ phóng vô văn hóa cùng nền giáo dục phi triết lý, kết hợp nền kinh tế Lá Diêu Bông đã nuôi nấng nhà cầm quyền CSVN sống trong mộng ảo dài lâu với mặc cảm tư tôn hắc ám "Người ta cần mình, chứ mình không bao giờ cần người ta" đang xua đuổi các hãng Nike, Puma, Adidas lần lượt rời khỏi Việt Nam để chấm dứt thiệt hại, vốn dĩ họ đã gánh lấy trong nhiều tháng qua. Nên nhớ, "xứ giãy chết" không có "văn hóa làm nũng", "văn hóa quỵ lụy", bởi họ chỉ phù hợp với văn hóa kinh tế thị trường mà ông cha Việt Nam đã dạy bằng thành ngữ "Ăn cho buôn so", nơi không có chỗ cho xin xỏ, được vẽ vời cho sang bằng ngôn ngữ "ngoại giao vắc-xin".
 
Hàng chục ngàn công nhân nghèo tháo chạy có để lại câu hỏi trong tâm trí nhà cầm quyền CSVN "Biết bao giờ trở lại?", Dù có, dù không, cuộc trốn chạy đó chỉ là bề nổi của một cuộc khủng hoảng tồi tệ, chuẩn bị diễn ra trong vài tháng tới, bởi bất cứ sự vật/hiện tượng nào cũng cần một độ trễ, dù ngắn hay dài, tựa như sự lây nhiễm tràn lan của Cúm Tàu, cho đến nay vẫn bế tắc trên toàn cầu.
 
Thế giới không còn giữ ý định sẽ nhìn thấy "cột điện bên Mỹ chạy về Việt Nam" để trốn dịch như cựu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hả hê hồi năm ngoái. Người Việt Nam cũng không còn trông mong gì "những pháo đài chống dịch" đang sụp đổ cùng khắp trên toàn cõi mảnh đất tội nghiệp này. Thay vào đó, một "hoàng hôn tím rịm" đang lừng lửng phủ xuống cùng một "đêm tối thê lương" chực chờ đổ tràn trong xã hội, với cuộc sống vô định và bất định của gần trăm triệu người Việt Nam trong những tháng ngày sắp tới...
______________________
 
Đọc thêm: https://plo.vn/kinh-te/eurocham-chi-so-moi-truong-kinh-doanh-thap-nhat-1... - Chỉ số BCI thấp nhất trong 10 năm qua tại Việt Nam do Eurocham khảo sát.