You are here

Vài suy nghĩ về minh bạch từ thiện

Ảnh của NguyenTrangNhung

Hình: Ca sỹ Thủy Tiên, một nghệ sỹ mà dư luận gần đây đòi hỏi minh bạch từ thiện (Nguồn: Internet)

1. Từ câu chuyện của Chương Trình Tặng Sách

Khi quyết định thực hiện Chương Trình Tặng Sách,[1] tôi đã đi đến một thỏa thuận với mạnh thường quân đầu tiên và cũng là người tán thưởng tôi về ý tưởng lập ra chương trình này.

Thỏa thuận đó là tôi sẽ dùng một phần của số tiền tài trợ để làm thù lao cho chính mình. Tôi là người đặt ra đề nghị, và mạnh thường quân đó đã đáp lại rằng đó là điều hiển nhiên đến mức tôi không cần nói ra.

Trong 3 tháng đầu, tôi đã thực hiện 3 đợt tặng sách (mỗi tháng một đợt) với số tiền tài trợ của mạnh thường quân đó, đủ để chi trả cho 50 đơn sách mỗi đợt, và một khoản nhỏ dư ra làm thù lao cho bản thân.

Sang tháng thứ 4, mạnh thường quân đó thông báo tạm dừng tài trợ, mà về sau, âm thầm dừng vĩnh viễn (mặc dù sự quả quyết ban đầu về việc tài trợ cho chương trình lâu dài là rất cao). Tôi phải tìm nguồn tài trợ mới cho chương trình hoặc bằng không, cho chương trình đóng cửa.

May mắn thay, tôi nhận được tài trợ từ một mạnh thường quân khác, và người này đã và đang tài trợ hàng tháng cho chương trình cho đến nay. Ngoài mạnh thường quân đó, đôi khi có vài mạnh thường quân khác.

Tất cả các mạnh thường quân này không đặt vấn đề thống kê các khoản thu chi của chương trình khi tôi hỏi liệu họ có cần tôi làm điều đó. Tuy nhiên, tôi vẫn ghi chép các khoản thu chi để xem cân đối thế nào.

Các khoản tài trợ của các mạnh thường quân này tính trung bình mỗi tháng, hay mỗi đợt, chỉ đủ cho khoảng từ 12 – 14 đơn sách, cách xa so với mục tiêu 50 đơn mỗi đợt, nên tôi đã không đặt vấn đề với họ về thù lao cho bản thân.

Ngay cả các khoản mà tôi tính vào thù lao cho mình 3 đợt đầu cũng được chuyển thành tiền mua sách cho những người tham gia chương trình. Và tính đến thời điểm này, số dư sắp âm hoặc đã âm (do chưa thống kê thu chi vài đợt cuối, nên tôi chỉ có thể nói là sắp hoặc đã). Điều đó cũng có nghĩa tôi sắp mà cũng có thể là đã trở thành mạnh thường quân của chương trình của chính mình.

Có giai đoạn, tôi đã được một người bạn, và bạn của bạn (mà tôi cũng xem là bạn) giúp bằng cách tham gia vào một công đoạn nào đó của chương trình, như duyệt đăng ký và đặt sách cho những người tham gia. Và dù họ đã giúp chương trình một cách tự nguyện, không thù lao, song tôi xác định rằng tôi không thể để họ làm vậy về lâu về dài. Tôi có thể không cần thù lao, song nếu tôi để người khác làm cùng, tôi cần trả thù lao cho họ. (Sau một số thay đổi, các công việc đã được chuyển lại cho tôi, và vấn đề thù lao cho họ cũng không cần được đặt ra nữa.)

2. Đến quan điểm cá nhân về minh bạch từ thiện

Kể những điều trên, tôi chỉ nhằm nói lên quan điểm của mình rằng, theo tôi, việc sử dụng một phần tài trợ cho một chương trình cộng đồng nào đó để trả thù lao cho những người thực hiện chương trình là điều bình thường, thậm chí hiển nhiên, miễn những người tài trợ thấy không vấn đề gì, hoặc miễn – và tốt nhất là – có sự thỏa thuận từ trước giữa những người tài trợ và những người thực hiện chương trình đó.

Ngoài thù lao cho những người thực hiện chương trình, các chi phí liên quan cho chương trình, nếu có, cũng cần được tính. Ví dụ, với các chương trình từ thiện như của các nghệ sỹ mà dư luận đang quan tâm, một phần tài trợ nên được dùng cho các hoạt động liên quan mật thiết như đi lại, tư vấn hay thuê chuyên gia pháp lý, thư ký, kế toán, v.v để các nghệ sỹ có thể làm từ thiện một cách chuẩn chỉnh.

Khoản thù lao cho những người thực hiện chương trình có thể là tương xứng với thời gian, công sức bỏ ra, cũng có thể chỉ mang tính tượng trưng. Trừ khi những người này không cần thù lao và tự nguyện bỏ tiền túi cho mọi chi phí liên quan, thì kỳ vọng nơi dư luận rằng họ dùng toàn bộ số tiền tài trợ chỉ cho việc từ thiện, là một kỳ vọng vừa không thỏa đáng, vừa kìm hãm các hoạt động từ thiện.

Họ đã bỏ thời gian, công sức, và tâm huyết (tôi không nghi ngờ tâm huyết của nhiều người trong số họ), vậy mà dân chúng không muốn trả công cho điều đó, thậm chí muốn họ bỏ tiền túi cho các chi phí liên quan, là điều rất vô lý.

Dư luận xung quanh các câu chuyện từ thiện của các nghệ sỹ gần đây đã vướng mắc vào kỳ vọng như vậy. Để rồi khi có các khoản chi mà họ thấy bất thường, họ lập tức đòi hỏi và chất vấn các nghệ sỹ, khiến niềm tin và những lời tán dương ngày nào giờ đây trở thành nỗi hoài nghi và những lời cay đắng.

Nếu các câu chuyện có vấn đề, thì vấn đề chính, theo tôi, không hẳn là các nghệ sỹ có các khoản chi có vẻ bất thường, mà là giữa các nghệ sỹ và những người quyên góp đã chẳng có với nhau một thỏa thuận về việc các khoản tài trợ sẽ được chi như thế nào. Các nghệ sỹ đã kêu gọi từ thiện với sự hăng hái và nhiệt tình (ít ra là người ta đã thấy thế), và những người ủng hộ đã quyên góp bằng sự nhiệt tình và hăng hái.

Và khi những cơn cảm xúc lắng lại, lý trí trỗi dậy cùng với sự hoài nghi sau những lời đồn. Song nếu lý trí có thể được đặt đúng thời điểm, nó nên được dò hỏi trước khi các nghệ sỹ kêu gọi và trước khi những người quyên góp bỏ tiền ra.

Một cách sòng phẳng, các nghệ sỹ nên đưa ra một thỏa thuận ngay từ đầu rằng họ sẽ, hoặc có thể sẽ dùng đến một phần tiền quyên góp, ví dụ tối đa 10%, cho các chi phí liên quan (kể cả chi phí sao kê định kỳ các khoản thu chi cho dân chúng nhìn vào), và phần còn lại để đưa đến tay những người cần được giúp đỡ. Và dân chúng, những người quyên góp, cũng nên đồng ý với điều đó như một lẽ hợp lý hiển nhiên.

Một thỏa thuận như thế sẽ tránh hay hạn chế những kỳ vọng vô lý về sau, cũng như sẽ tránh hay hạn chế những tranh cãi vô định về minh bạch từ thiện, để cuối cùng, những đối tượng tiềm năng của hoạt động từ thiện (những người cần nhận giúp đỡ từ các hoạt động từ thiện trong tương lai) sẽ là những người thiệt thòi nhất.

Chú thích:

[1] Chương trình hướng tới đối tượng chính là người trưởng thành (từ 18 tuổi) với mục tiêu mở rộng tri thức, phát triển bản thân thông qua việc đọc sách, và xa hơn là cải tạo xã hội
https://www.facebook.com/chuongtrinhtangsach