You are here

Thử xem qua phương cách chống dịch mới!

Nguy hiểm nhất trong việc chống dịch tại Việt Nam là tình trạng vỡ đập. Nếu ví von hoa mỹ một chút, chúng ta đang ở sát chân đập dịch Trung Quốc. Chính vì thế, ngay từ đầu, Việt Nam rất cẩn thận với bệnh dịch. Các đợt phòng chống dịch ban đầu chứng minh cho điều này và đạt hiệu quả mỹ mãn.

Nhưng nguy hiểm lại tiềm ẩn trong sự mỹ mãn này. Bởi chúng ta bắt đầu chủ quan, từ nhà nước tới nhân dân đều có chung tâm lý tự tin thái quá. Thậm chí có nhiều người đặt câu hỏi “liệu có phải người Việt có khả năng miễn dịch?”.

Sự mỹ mãn trong chống dịch các đợt đầu dẫn đến tâm lý tự mãn, chủ quan và duy ý chí trong chống dịch. Và chúng ta rớt vào tình trạng vỡ đập.

Có thể nói đợt bùng phát dịch lần thứ tư có qui mô quá lớn nhưng cách phòng chống vẫn giữ nguyên kịch bản ban đầu. Nhưng kịch bản này chỉ hiệu quả và tối ưu với qui mô nhỏ. Khi vùng lây lan đã rộng lớn thì không thể mang qui mô nhỏ để đối phó với nó được nữa.

Ở qui mô lây lan nhỏ, các F0 có thể được tìm ra dễ dàng và tiếp tục truy vết F1, F2… đến Fn nhanh chóng bởi nghiệp vụ an ninh. Nhưng một khi dịch tràn lan, việc dùng nghiệp vụ an ninh để truy vết F1, F2 sẽ là con dao hai lưỡi bởi không có đủ lực lượng và thời gian để truy vết. Đó là chưa nói tới mối nguy lây lan trong các điểm test truy vết quá đông người.

Hơn nữa, việc giãn cách một thành phố, hai thành phố lâu ngày, thành phố sẽ suy nhược trên mọi nghĩa nhưng vẫn còn có những nơi khác hỗ trợ. Nhưng nếu áp dụng phương pháp giãn cách, giới nghiêm trên diện rộng sẽ dẫn đến tình trạng đóng băng kinh tế và rệu rã sức khỏe cộng đồng.

Lực lượng y tế nếu dùng trong tình trạng báo động đỏ liên tục ở các tâm dịch sẽ dẫn đến hệ lụy suy giảm lực lượng và chất lượng làm việc. Hệ lụy của việc này là các tâm điểm chống dịch có nguy cơ thành các ổ lây lan dịch cho cả lực lượng y bác sĩ điều trị.

Và hơn hết, lúc này cần những phương án chống dịch hợp lý, không cứng nhắc.

Lực lượng chuyên môn vòng ngoài

Chống dịch có cần quân đội, công an không? Có, rất cần. Vấn đề là điều tiết như thế nào!

Chống dịch có cần giãn cách, cách ly, test tìm nguồn lây lan và siết chặt an ninh không? Có, rất cần. Nhưng vấn đề bố trí công việc như thế nào có khoa học, hợp lý mới quan trọng.

Riêng lĩnh vực y tế (vòng trong) tôi không dám bàn, bởi khâu này thuộc về các nhà chuyên môn, trong lúc này, tiếng nói và lương tâm (kể cả lương thực) của ngành y tế là tối thượng.

Nhưng nếu không bố trí hợp lý các lực lượng (vòng ngoài) và qui định từng chi tiết nhỏ trong chống dịch sẽ dẫn đến tình trạng mọi thứ chồng chéo, mâu thuẩn trong lưu thông và các hoạt động xã hội sẽ gặp ách tắc không đáng có.

Ở đợt bùng phát dịch lần thứ tư này, đợt bùng phát khủng khiếp, dữ dội và tàn phá nặng nề nhất từ trước đến nay, lực lượng quân đội đã vào cuộc ở thành phố Hồ Chí Minh, đây là tín hiệu mừng. Nhưng có vẻ như sự có mặt của quân đội không thành công.

Thử lật lại vấn đề về cách điều tiết phòng chống dịch lâu nay, hình như là thất bại. Lý do thất bại rất đơn giản: Lực lượng chuyên môn đã ôm đồm công việc quá nhiều và chặn mất khả năng tự thân vận động của nhân dân.

Chỉ thị 16 của Chính phủ qui định về giãn cách là hợp lý, nhưng cách thực hiện lại rất bất cập. Vì lẽ, quá trình giãn cách theo kiểu người cách người, nhà cách nhà, phố cách phố chỉ phù hợp ở những vùng có mật độ dân cư thưa, nhưng áp dụng ở thành phố đông đúc, chật chội thì mối nguy “cháy Oxy” do không gian quá hẹp, ngột ngạt sẽ dẫn tới mối nguy “bẩn khí dung” và kết quả thì khỏi phải bàn thêm, dịch tràn lan từ trong nhà ra đường.

Sự không hợp lý nữa là đưa quân đội và lực lượng địa phương đi chợ thay cho dân. Điều này tiềm ẩn ba mối nguy: Ai dám khẳng định lực lượng đi chợ này sẽ miễn dịch khi tương tác với người dân? Và liệu việc đi lại giữa chợ và nhà dân có biến họ thành cầu nối giữa các điểm dịch? Hơn hết, họ đã thực hiện đúng chức năng và sở trường của họ chưa?

Ở vấn đề thứ nhất, không ai dám khẳng định lực lượng đi chợ thay dân sẽ an toàn và không bị biến thành cầu nối giữa các điểm dịch (mà điểm dịch ở đây là ẩn số, không thể nhìn thấy).

Vô hình trung, vấn đề thứ hai phát sinh, lực lượng đi chợ cũng có thể là những cầu nối dịch, và việc đi chợ của lực lượng này không có cơ sở nào để tin rằng việc chống dịch sẽ tốt hơn nhờ có họ đi chợ thay dân.

Và quan trọng nhất, lực lượng đi chợ thay dân đã không dùng đúng sở trường của họ, mà lẽ ra, ngay từ đầu, với lực lượng này, thành phố Hồ chí Minh đã có thể khống chế được dịch rất tốt. Vì sao?

Bởi vì với số lượng các quân nhân, công an, dân phòng, nếu bố trí đúng công việc, chức năng quan sát và điều tiết an ninh của họ, người dân có thể tự đi chợ an toàn, các lực lượng trên quản lý an ninh và điều tiết chống dịch sẽ đạt hiệu quả rất cao. Bằng cách nào?

Chức năng của chốt chặn

Các chốt chặn, không nên dùng barie hoặc bịt cứng lối đi. Mà ngay từ đầu, các lực lượng sẽ chia đều quân số, chốt chặn ở các phố thay vì để bộ đội đi chợ, mua sắm, bưng bê từng bó rau, củ cải. Làm như vậy quá phí nhân lực.

Khi có đầy đủ các chốt chặn, giám sát chặt chẽ vấn đề lưu thông vùng xanh, vùng đỏ. Bước tiếp theo là điều tiết đi chợ.

Các khối phố/phường tổ chức chợ thời giãn cách, có thể không tập trung hàng hóa hoàn toàn ở các chợ mà tập trung rải rác ngay trên phố. Những người buôn bán và lực lượng tình nguyện tham gia mua - bán sẽ được chia địa điểm, gian hàng cách nhau chừng 20 mét, rải đều trên các phố.

Người bán hàng được test miễn phí và khử trùng hằng ngày bởi các nhóm y tế lưu động hoặc điểm chốt chặn gần nhất.

Khi có các gian hàng trên phố (thời gian giãn cách), việc còn lại của lực lượng an ninh, bộ đội, dân phòng là quan sát giãn cách của người dân khi họ đi chợ và điều tiết lượng người đi chợ.

Ở mỗi đầu hẻm, lực lượng chốt chặn sẽ tự điều tiết, (có thể dùng phiếu đi chợ theo mô hình xóm/khối phố/phường…) cho phép mỗi ngày có bao nhiêu gia đình đi chợ, mỗi tuần một gia đình được đi chợ bao nhiêu lần.

Chính các lượt/phiên chợ có điều tiết này sẽ cộng hưởng với các lượt/phiên chợ điều tiết của các chốt chặn khác, giúp cho người dân tự đi chợ, tự mua sắm trong tình trạng giữ khoảng cách an toàn và không bị ùn ứ từ vùng này sang vùng khác bởi thiếu chợ cục bộ hoặc ùn ứ số lượng người đi chợ do không quản lý ngay từ đầu.

Đương nhiên để đạt được không khí chống dịch như trên, các điểm chốt chặn cũng đồng thời là điểm vệ sinh dịch tể, trước khi ra chợ, người dân được kiểm tra thân nhiệt, được yêu cầu trang bị khẩu trang, mặt nạ hoặc mũ bảo hiểm có tấm chắn gió… đầy đủ, xịt khử trùng khi đi và về.

Khu cách ly tập trung

Các khu cách ly chỉ nên dành cho các F0 có dấu hiệu xuống sức và cần điều trị, ngược lại, các F0 chưa có triệu chứng xuống sức thì hãy để họ điều trị tại nhà, với các trạm hỗ trợ y tế ở đầu hẻm.

Làm sao để người bị nhiễm bệnh tin rằng họ sẽ được cứu sống và họ cũng là nạn nhân của dịch cúm tàu, họ không phải tội phạm, và họ phải bằng mọi giá giữ khoảng cách, giữ an toàn cho cộng đồng, đừng để bất kì ai trở thành nạn nhân bởi họ. Họ phải tin tưởng vào sự hỗ trợ của nhà nước từ các chốt chặn.

Riêng các khu vực “đỏ”, những gia đình còn “xanh” (không có F0) sẽ đi chợ theo bố trí và điều tiết của các chốt. Những gia đình “đỏ” sẽ được hỗ trợ và cung ứng lương thực, nhu yếu phẩm bởi các nhân viên trực chốt và lực lượng tình nguyện.

Bởi lúc này, chợ đã có mặt ở các phố nên việc đi chợ hỗ trợ của các tình nguyện viên cũng dễ dàng và rút ngắn thời gian hơn.

Việc test tập trung ở các điểm phường/xã cần được thay thế bằng việc test ở các điểm chốt chặn, việc bố trí giờ giấc để test cũng cần chia nhỏ thời gian, không hẹn đồng loạt cùng một múi giờ để tránh tập trung đông đúc.

Mở giãn cách, tỉnh lân cận

Việc mở giãn cách không được vội vã như bấy lâu nay vẫn làm, nghĩa là tuyên bố ngưng giãn cách thì mọi hoạt động trở lại y như thời chưa có dịch, ăn uống, hàng quán nhậu nhẹt, đám đông tụ tập… Mà phải mở từ từ, vẫn giữ nguyên các chốt chặn nhưng chuyển thành chốt quan sát và điều tiết. Mọi hoạt động trong khu vực có chốt quan sát và điều tiết sẽ bảo đảm ổn định hơn khi mà người dân đã bị “nhốt” quá lâu trong nhà, khi mở chốt thì họ bung ra như chim sổ lồng.

Về phía các tỉnh lân cận, thay vì đóng cửa triệt để và cho các xe chở hàng từ thiện sang tỉnh bạn (đang bùng phát dịch) thì hãy thiết lập trạm trung chuyển giữa hai tỉnh nhằm kiểm soát và hỗ trợ toàn bộ các hoạt động lưu thông hàng hóa trong một đường dây an toàn với tỉnh bạn. Nhằm giúp tỉnh bạn có hàng hóa, cân bằng đời sống và tỉnh nhà có thêm nguồn tiêu thụ hàng hóa, không bị đứt gãy chuỗi lưu thông nhằm giảm nguy cơ suy thoái kinh tế.

Lựa chọn hiện nay là gì?

Có một thực tế là các công đoạn chống dịch hiện nay vẫn không có gì thay đổi so với các công đoạn phòng chống dịch ở các đợt bùng phát 1, 2, 3. Nhưng, phân biệt rõ giữa Phòng và Chống dịch trong lúc này là tối quan trọng.

Việc tách F0 đi điều trị, tách F1 ra khỏi cộng đồng đạt hiệu quả cao khi dịch chưa thực sự bùng phát và mọi thứ còn trong tầm khống chế của y tế và chính phủ. Nhưng, khi dịch tràn lan, việc tách F0 đi điều trị hàng loạt sẽ dẫn đến tình trạng cháy khu điều trị và tách F1 vào những khu cách ly cũng dẫn đến tình trạng chật chội, mất vệ sinh, lây nhiễm chéo, cộng hưởng virus, mối nguy sẽ cao hơn.

Kịch bản tách F0, truy vết các F kế tiếp là kịch bản của thời phòng dịch, không phải kịch bản thời chống dịch. Bởi hiện tại, khi dịch đã bùng phát tràn lan thì khái niệm “mỗi nhà, mỗi xóm là một pháo đài” rất là hợp lý. Nhưng vấn đề ở đây là nên hiểu chữ “pháo đài” này như thế nào?

Pháo đài trước đại dịch, phải là pháo đài sức khỏe y tế, phải đảm bảo dinh dưỡng và an ninh tâm lý để vượt qua mọi khó khăn về vật chất cũng như tinh thần. Có như vậy mới chống chọi nổi với dịch.

Một pháo đài sẽ trở thành một cái lều dỏm nếu như pháo đài cạn sạch vũ khí. Mà vũ khí trong pháo đài này phải là an ninh lương thực và an ninh tâm lý.

Hai thứ an ninh này sẽ chấm dứt khi mọi mối liên hệ bị gián đoạn và nỗi lo bị đưa đi cách ly tập trung có thể xảy ra bất kì giờ nào sẽ khiến cho tình hình trở nên rối rắm. Bởi nếu như trước đây, người ta tin tưởng khi được đưa đi tập rung cách ly bao nhiêu thì bây giờ người ta lo sợ bấy nhiêu.

Bởi các trại cách ly tập trung trước đây đủ rộng rãi, thông thoáng và vệ sinh. Khi mọi thứ bùng phát, thì cách ly tập trung là nỗi sợ hãi, trong khi đó, cách ly tại nhà đảm bảo nhiều thứ từ thói quen sinh hoạt, thực phẩm quen thuộc, sự giúp đỡ của người thân cho đến niềm tin, sự an tâm.

Và, khi dịch bùng phát trên diện rộng, chọn điều trị tất cả F0 và cách ly tập trung các F1 là tạo ra một gánh nặng không thể tải nổi cho các nhân viên y tế và các ban ngành đoàn thể.

Việc lúc này cần làm là thiết lập kênh truyền hình đặc biệt, chuyên hướng dẫn cách điều trị và giữ vệ sinh, an toàn trong điều trị Covid-19 tại nhà.

Thiết lập đường dây nóng giữa cơ quan y tế địa phương với người dân vùng dịch.

Tạo mối liên hệ giữa chuyên viên y tế với người dân vùng dịch, để đảm bảo tư vấn kịp thời cách điều trị. Và tuyệt đối không đưa các F0 chưa có triệu chứng đi điều trị nhằm tránh tình trạng “cháy giường” và khủng hoảng thiếu ở các bệnh viện.

Kênh truyền hình đặc biệt, hướng dẫn điều trị Covid-19 phải phát 24/24. Phải có các chuyên mục hướng dẫn, tư vấn y tế, tư vấn tâm lý và phổ cập văn hóa ứng xử đặc trưng thời dịch bệnh.

Nếu không có những thay đổi kịp thời, vẫn tiếp tục với qui trình lục tung các F1 thì tâm lý cộng đồng sẽ hỗn loạn. Bởi chắc chắn, thời gian tới, các F0 sẽ lại xuất hiện, bởi sự lây nhiễm chéo không còn dừng ở một nhóm người nữa mà có thể chéo từ tỉnh này sang tỉnh khác, lĩnh vực nghề nghiệp này sang lĩnh vực nghề nghiệp khác. Đây là điều khó tránh khỏi, và nó cần một phương pháp chống dịch chứ không dừng ở kịch bản phòng dịch, tách F0 nhỏ lẻ như trước đây.

Và, sức mạnh cộng hưởng, niềm tin cộng hưởng giữa người dân với chính quyền, nhà nước, sự hợp tác, hỗ trợ và tin tưởng trong chống dịch là tối quan trọng. Đó phải là mối tương quan hai chiều, có như vậy, sức mạnh chống dịch mới tồn tại và nhân rộng giữa cộng đồng.