You are here

Về bồi thường cho người gặp tai biến hoặc tử vong sau tiêm vắc-xin Covid-19

Ảnh của NguyenTrangNhung

Hình: Vaccine Covid-19 AstraZeneca (Nguồn: Internet)

Theo cổng thông tin tiêm chủng Covid-19,[1] tính đến sáng ngày 21/8, hơn 16.7 triệu liều vắc-xin Covid-19 đã được tiêm trên toàn quốc.

Tìm kiếm trên mạng về các trường hợp tai biến nặng và tử vong sau tiêm vắc-xin, kết quả mà người viết nhận về là một số rất ít bài báo, trong đó có thông tin về 12 ca tai biến nặng vào ở Hải Phòng và Gia Lai vào tháng Ba,[2] 2 ca tử vong ở An Giang và Hà Nội, lần lượt vào tháng Năm và tháng Sáu.[3][4]

Mặc dù có ít thông tin về các trường hợp như vậy được biết, một câu hỏi được quan tâm là nếu người được tiêm vắc-xin gặp tai biến hoặc tử vong thì có được bồi thường hay không.

Câu trả lời có tại Nghị định 104/2016 về an toàn tiêm chủng và bồi thường khi sử dụng vắc-xin, được áp dụng đối với các cơ sở y tế thực hiện tiêm chủng vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng chống dịch.

Theo Điều 15 nghị định này, người được tiêm vắc-xin được nhà nước bồi thường trong 2 trường hợp: (1) bị tai biến nặng để lại di chứng dẫn đến bị khuyết tật, (2) tử vong.

Đối với trường hợp (1), căn cứ vào khoản 1, Điều 16, người này được bồi thường các khoản sau:

  • 30 tháng lương cơ sở
  • các chi phí do phải khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế
  • chi phí do thu nhập bị mất hoặc giảm sút

Đối với trường hợp (2), căn cứ vào khoản 2, Điều 16, người này được bồi thường các khoản sau:

  • các chi  phí do phải khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế trước khi tử vong
  • chi phí mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở
  • chi phí bù đắp tổn thất về tinh thần 100 triệu đồng cho thân nhân của người đó
  • các chi phí do thu nhập bị mất hoặc giảm sút

Để xác định trường hợp được bồi thường, theo khoản 1, Điều 17, cơ sở y tế nơi xảy ra sự cố phải chuẩn bị hồ sơ, tài liệu liên quan cho Hồi đồng tư vấn chuyên môn. 

Bên cạnh đó, theo khoản 2, Điều 17, người được tiêm hoặc thân nhân của người đó nếu cho rằng mình thuộc các trường hợp được bồi thường phải chuẩn bị hồ sơ, tài liệu liên quan cho Sở Y tế.

Các bước tiếp theo mà người bị thiệt hại cần quan tâm là các khoản 3, 4 Điều 17 về thủ tục xác định trường hợp được bồi thường, Điều 18 về thủ tục bồi thường, và Điều 19 về trình tự, thủ tục cấp và chi trả tiền bồi thường.

Với các quy định khá rõ ràng về bồi thường cho người gặp tai biến hoặc tử vong sau tiêm vắc-xin, không rõ các cơ quan hữu quan, như cơ sở tiêm chủng hay Sở Y tế, đã áp dụng ra sao trên thực tế đối với các ca tử vong và tai biến nặng. Báo chí không hay hầu như không đưa tin về vấn đề này.

Trong trường hợp các cơ quan hữu quan trốn tránh trách nhiệm hay áp dụng sai, thiếu các quy định, người bị thiệt hại cần chủ động đòi hỏi để bảo vệ quyền lợi của mình và cũng là để các quy định được áp dụng đúng và đủ trên thực tế.

Chú thích:

[1] Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19
https://tiemchungcovid19.gov.vn

[2] 12 ca phản ứng nặng sau tiêm vắc xin COVID-19: Bộ Y tế yêu cầu điều tra nguyên nhân
https://tuoitre.vn/12-ca-phan-ung-nang-sau-tiem-vac-xin-covid-19-bo-y-te...

[3] Ca tử vong sau tiêm vắc xin phòng COVID-19: Sốc phản vệ trên nền cơ địa dị ứng Non Steroid
https://hcdc.vn/hoidap/index/chitiet/919862441e011e0cf82dd1a37d98f7b8 

[4] Hà Nội chính thức thông tin về thầy giáo trẻ tử vong sau tiêm vaccine COVID-19
https://ncov.moh.gov.vn/en/web/guest/-/6847426-4938