You are here

Một cuộc khủng hoảng toàn diện

Ảnh của nguyenhuuvinh

Đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư tại Việt Nam một cách nhanh chóng và khó có thể kiểm soát. Và cho đến nay là không thể kiểm soát.

Chỉ trong vòng một tháng, con số người nhiễm bệnh được phát hiện đã tăng từ 10.000 ngàn lên 137.000. Mỗi ngày, con số nhiễm bệnh đã tăng lên đến 5 chữ số.

Thay vì đánh số bệnh nhân từng người, Bộ y tế trực tiếp công bố người nhiễm bệnh hàng ngày, nêu rõ tên, tuổi, lịch trình tiếp xúc… của từng người thì bây giờ tất cả chỉ còn một mớ nhiễm bệnh tăng chóng mặt.

Những cảnh bệnh viện không còn bác sĩ, bệnh nhân chết nằm cả ngày không ai quan tâm, cảnh vắng tanh vắng ngắt ở thành phố cả chục triệu dân như thành phố chết. Những video người dân đưa lên cảnh hàng ngũ quan chức, công an, cán bộ cùng lũ đầu trâu mặt ngựa được đảng cấp dùi cui thi thố màn bạo lực, quyền uy với dân chúng mọi nơi, mọi cách.

Những câu chuyện đói khát, những con người bị bỏ quên, những quan chức trốn biệt… đã rõ.

Những dòng xe cứu thương nối đuôi nhau chở xác vào Bình Hưng Hòa lặng lẽ không còn bấm còi, kéo đèn ồn ĩ trên đường xếp hàng lũ lượt im lìm…

Tất cả cho thấy một sự chết chóc và nguy cơ ngày càng cao.

Cả đất nước hoảng loạn, cả hệ thống bó tay.

Những dòng người rời khỏi Sài Gòn ùn ùn đổ về các tỉnh bằng mọi cách, bằng mọi giá, kể cả đi bộ, đã cho thấy những thảm cảnh đang diễn ra tại Việt Nam.

Một cuộc khủng hoảng toàn diện đã bắt đầu.

Khỏi phải phân tích sâu những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Người ta biết rõ rằng, sau những cuộc tập trung khổng lồ những đám đông “mừng chiến thắng 30/4, sau những “ngày hội toàn dân đi bầu cử” theo chủ trương của đảng, là sự bùng phát mạnh mẽ của đại dịch mà những cuộc tập trung đó là cơ hội vàng để đại dịch bùng phát nhanh chóng và rộng khắp.

Người ta cũng thấy rõ ràng một điều khác. Đó là bên cạnh sự ngạo mạn cộng sản, là sự bị động của đảng, nhà nước Việt Nam trước một đại dịch có nhiều diễn biến mà cả thế giới phải đối mặt và trả giá, chịu hậu quả khốc liệt. Ở Việt Nam, sau những ngày đầu chống dịch bệnh bằng phương pháp cực đoan nhất có thể và chỉ có thể làm ở chế độ cộng sản nhằm kiểm soát sự lây nhiễm, hạn chế được sự lây lan rộng, thì đó là màn “tự sướng” khổng lồ của cả hệ thống chính trị Việt Nam.

Người ta nghe những câu như: “Dù có nhiều ca nhiễm, dù con virus này ở đâu có đáng sợ, nhưng mà với Việt Nam ta, chắc chắn là nó không làm gì được", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định như vậy trước một đại dịch mà cả thế giới lao đao.

Người ta cũng nghe Nguyễn Phú Trong khi còn ngồi cả hai ghế to nhất nước nói rằng: “Thời đại dịch này, được ở Việt Nam là một sự xa xỉ”.

Thậm chí, cao hơn nữa, Nguyễn Xuân Phúc trên chiếc ghế Thủ tướng chính phủ còn “ngạo nghễ” hơn: “Ngày nay, nếu cột điện ở Mỹ có chân, nó cũng về Việt Nam”.

Những điều đó như những phát pháo lệnh cho dàn Dư luận viên, cho hệ thống tuyên truyền của đảng lao vào trận chiến tuyên truyền về công lao, về thành tích và những điều mà đảng ta” làm được khiến cả thế giới kinh ngạc”.

Và cứ thế, từ trên xuống dưới, từ trung ương đến địa phương, từ hạ tầng cơ sở đến thượng tầng kiến trúc, cả đất nước, cả hệ thống chính trị đua nhau “nổ”.

Chính vì sự cao ngạo, sự chủ quan đó, mà cả hệ thống chính trị đã không hề nghĩ đến việc dập tắt đại dịch từ nguồn gốc của nó bằng vaccine. Tất cả những cuộc đại hội đảng, những cuộc họp hành của Quốc hội tronng cả hai năm qua, đã không hề đề cập đến vấn đề cốt lõi: Làm sao để có vaccine cho dân.

Và cũng vì vậy, cho đến nay, Việt Nam là nước đứng cuối cùng về tỷ lệ tiêm vaccine cho người dân. Để đạt mức tiêm chủng tạo miễn dịch cộng đồng với 70% dân số được chích ngừa, có lẽ còn là một sự xa vời chưa biết hồi kết.

Nhưng liều vaccine được viện trợ từ “bọn đế quốc”, từ “thế lực thù địch” đã được chia chác cho hệ thống quan chức cấp cao, cho công an, quân đội bởi hệ thống chính trị, bởi “ông ngoại” cũng như các ban bệ, tay chân của đảng. Người dân ư? Còn khuya, cứ nộp thật nhiều tiền, rồi ngồi đấy mà mơ.

Ngoài ra, chính những hoạt động của các lãnh đạo đảng, nhà nước đã tạo cho người dân sự chủ quan, coi thường dịch bệnh sau một thời gian họ bị đe dọa, bị mô tả đến mức sợ hãi dịch bệnh. Những cuộc đại hội đảng, bầu cử hết sức đông đúc đã cho thấy một điều: Cũng như xưa nay, người cộng sản nói vậy là không phải vậy. Cho nên, họ nói dịch bệnh nguy hiểm, lây lan, có nghĩa là không phải lây lan và nguy hiểm.

Và dịch bệnh bùng phát không thể kiểm soát.

Trước tình hình đó, chính phủ thể hiện sự yếu kém, sự tắc trách, thiếu trách nhiệm và sự vô cảm của mình trước tính mạng người dân ra sao.

Những khu cách ly tập trung, trở thành những nơi truyền nhiễm virus. Những bệnh viện điều trị, trở thành những nơi mà người dân bị bỏ mặc. Những Chỉ thị hết 15 rồi 16… tất cả không hề tính đến người dân bị giam cầm, bị nhốt lại trong nhà sẽ sống bằng gì? Khi mà ngay cả không khí, nếu chỉ hít mà sống được thì cũng đã không đủ để hít thở.

Và vài trò của chính phủ chỉ là huy động tiền từ dân, là tập trung cả ngàn người họp cái gọi là “Quốc hội”, là đại hội… như làm gương trước mắt người dân rằng: Dịch bệnh là điều xa xôi ở đâu đó chứ không hề có ở Việt Nam. Còn những gói cứu trợ hàng chục ngàn tỷ, những cái gọi là sự quan tâm của nhà nước đối với người dân là sự xa xỉ.

Điều hài hước, là câu khẩu hiệu “Không được để dân kêu đói” đã được thực hiện triệt để. Mạng xã hội bị kiểm soát gắt gao, liên tục những người dân mở miệng bị bắt bớ, bị giam cầm và phạt tù. Do vậy, chỉ có những lời ca ngợi đảng, chính phủ chống dịch tốt, sự vất vả của lực lượng công an, quân đội, cán bộ đi chống dịch thì được, còn những lời kêu ca dân khổ, dân đói… lập tức được xử lý vì tội “chống nhà nước”, nhẹ hơn thì cũng là đưa tin thất thiệt. Bởi làm gì có dân đói, làm gì mà nhà nước lại để dân khổ bao giờ.

Thế rồi, nhà nước từ chủ trương “Chống dịch như chống giặc” – nghĩa là với dịch Covid-19 thì chính phủ Việt Nam tuyên bố “có tao thì không mày” đã đến lúc hạ giọng “Sống chung với lũ” – nghĩa là sống chung với giặc, mày cũng như tao.

Quả là điêu luyện cái miệng người cộng sản.

Cuộc tháo chạy khỏi Sài Gòn của người dân đã cho thấy nhiều điều.

Hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội về dòng người nườm nượp chạy khỏi Sài Gòn bằng xe máy, thậm chí có những người còn phải đi bộ trên quãng đường dài cả hơn ngàn cây số trong điều kiện nắng cháy da thịt miền Trung và Cao nguyên, người ta thấy ở đó một thảm kịch.

Những dòng người mẹ bế con còn bé bỏng, những cụ già, những thanh niên đông nghìn nghịt rời khỏi Sài Gòn để đi trên “con đường ngàn dặm” về quê, những vùng nông thôn trải khắp đất nước thể hiện cơn cùng quẫn đã đến mức họ phải chấp nhận mọi sự nguy hiểm, gian nan để mong tìm sự tồn tại cho chính mình và gia đình mình.

Họ đã không hề quan tâm đến những lời của quan chức cộng sản rằng: “Không được để dân kêu đói, khổ” vẫn cứ ra rả bên tai. Họ không quan tâm đến những con số khổng lồ của những gói cựu trợ mà chính phủ tuyên bố mạnh mẽ trên Tivi. Họ cũng chẳng quan tâm đến chủ trương “Sống chung với giặc” mà nhà nước mới chuyển hướng. Họ lo cho bản thân họ, con cái họ hàng ngày không đủ cơm bỏ miệng, không đủ nước để uống, không đủ tiền để trả tiền thuê nhà, tiền điện nước cứ rình rập tăng.

Bởi sự cứu trợ chủ là chỉ có của người dân giúp nhau cũng không thể đầy đủ mọi nơi mọi lúc.

Bởi với sự quá tải của hệ thống y tế hiện tại, nếu họ dính bệnh, họ cũng sẽ nhanh chóng trở thành những ma mồ côi, cô đơn lạnh lẽo nơi xứ người mà khó ai biết đến.

Bởi họ không thể sống bằng những hy vọng hão huyền từ những lời hô hào, hứa hẹn của quan chức cộng sản, của chính phủ cộng sản.

Nguy cơ

Những dòng người từ trung tâm vùng dịch là Sài Gòn, tỏa về các tỉnh nườm nượp như đi hội. Ở đó có bao nhiêu người mang virus Covid-19 đi kèm? Hẳn nhiên, đó sẽ là một số lượng lớn.

Và lượng virus đó sẽ đi đâu?

Nó sẽ đi cùng người dân tỏa ra đủ khắp 64 tỉnh thành, từ miền núi đến miền xuôi, từ nông thôn đến thành thị.

Rồi những người dân mang virus này sẽ được gom lại, tập trung ở các khu cách ly. Ở đó, sẽ có những người khác chưa bị nhiễm virus chết người này. Họ sẽ được nhận virus bằng cách lây chéo trong khu cách ly với những khu cách ly như hiện tại.

Với biến thể hiện nay, khi người mang virus không có biểu hiện lâm sàng thì việc truyền bá, di chuyển đi khắp nơi không kiểm soát được là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra.

Và điều gì sẽ xẩy ra sau đó, là điều mà không khó tưởng tượng.

Khủng hoảng

Có lẽ điều ai cũng thấy dễ dàng, là xã hội Việt Nam đang trải qua một cuộc khủng hoảng khá toàn diện.

Trước hết là khủng hoảng về dịch bệnh không thể kiểm soát. Không chỉ không thể kiểm soát về mức độ lây nhiễm, về các biến thể của virus, về dich bệnh tăng từng ngày, mà còn là sự nhanh chóng quá tải của hệ thống Y tế nước nhà. Điều này đã được dự đoán, là nỗi sợ hãi của nhà cầm quyền, nay đã diễn ra trên thực tế.

Ai cũng biết, với hệ thống y tế khi bình thường đã 4-5 người chen nhau một giường bệnh, thì khi dịch bệnh bùng phát điều gì xảy ra thì ai cũng hiểu.

Cuộc khủng hoảng tiếp theo, đó là khủng hoảng về đời sống kinh tế. Không thể làm ăn, không thể giao lưu buôn bán, cả thành phố như thành phố chết, cả đất nước như đất nước bỏ hoang. Trong khi nợ công ngập đầu ngập cổ. Trong khi đó, bộ máy “tứ trùng” bao gồm đảng, nhà nước, chính phủ, đoàn thế… cồng kềnh cả chục triệu thì dân vẫn cứ phải nuôi, vẫn cứ phải gánh.

Thế nên không khủng hoảng mới là lạ. Những con số tăng tưởng, những sự tự hào về thành công mà lãnh đạo đảng, nhà nước vừa huênh hoanh kia, đã sớm có câu trả lời. Mới vài hôm nay thôi, chính phủ đã báo cáo rằng Việt Nam đang nợ hơn 4 triệu tỷ, là một con số khổng lồ.

Và như một quy luật tất yếu, bần cùng sẽ sinh đạo tặc. Khi không còn con đường sống, hẳn nhiên sẽ có lắm vấn đề về trật tự xã hội, đời sống con người sẽ xảy ra. Đó là một cuôc khủng hoảng về đạo đức, lối sống xã hội.

Nhưng, trước hết, sẽ là một cuộc khủng hoảng lớn về lòng tin.

Lòng tin là điều mà xưa nay, đảng vẫn lạm dụng đến mức lỳ lợm từ người dân. Còn người dân Việt Nam vốn quá thừa thãi điều này, hoặc có thể họ thừa lòng tin, hoặc không còn cách nào khác cứ phải “tin, hoặc giả vờ tin”.

Thế nhưng, qua đại dịch này, những điều gì nhà nước, chính phủ và đảng thể hiện trước mắt người dân là khó che giấu và bản chất lộ rõ. Mọi người đều có thể nhìn thấy được bản chất của nó ra sao.

Vấn đề là khi đã nhìn thấy bộ mặt của đảng và nhà nước cộng sản rõ nhất, người dân sẽ làm gì với chúng?

31/07/2021

J.B Nguyễn Hữu Vinh