You are here

Phân biệt đối xử trong đại dịch

Ảnh của nguyenvubinh

     Việc phân biệt đối xử trong chế độ cộng sản thời bao cấp ở Việt Nam, thông qua rất nhiều hình thức, điển hình nhất là chế độ tem phiếu những người có tuổi đều đã chứng kiến và trải nghiệm. Mức độ phận biệt cao nhất người ta thường nhắc tới, đó là nơi chôn cất người chết, những quan chức cộng sản ở nghĩa trang Mai Dịch. Đến thời kinh tế thị trường, chưa có lúc nào ở Việt Nam không có sự phân biệt đối xử giữa quan chức và dân thường. Nhưng trong đại dịch covid-19 hiện nay, thì sự phân biệt đối xử càng được thể hiện rõ hơn bao giờ hết.

     Trong đại dịch covid-19, một trong các quy định quan trọng của nhà nước là không tụ tập đông người, không đeo khẩu trang, giữ khoảng cách… mà được nói vắn tắt là quy định 5K. Tất cả những người dân vi phạm các quy định này đều bị phạt nếu gặp phải lực lượng chức năng. Chúng ta có thể lấy rất nhiều ví dụ, mà ở đây chỉ nêu hai ví dụ được công khai trên báo chí nhà nước. Đó là: “Ngày 20-7, Công an huyện Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) cho biết, từ khi thực hiện Chỉ thị 16 đến nay đã phát hiện 10 vụ tụ tập đông người, xử phạt 623 triệu đồng.”- Báo Công an TPHCM Thứ Ba, ngày 20/07/2021. Một vụ khác: Nhóm 4 người ở Bình Định bị xử phạt hơn 52 triệu đồng do tụ tập đông người để ăn nhậu, vi phạm quy định về phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thị xã Hoài Nhơn.” - Báo Dân Trí online ngày 11/7/2021. Về việc xử phạt người không đeo khẩu trang cũng rất nhiều trên báo chí: “Mới 10 ngày, Hà Nội phạt người không đeo khẩu trang hơn 3 tỉ đồng” - Báo Tuổi trẻ Online ngày 12/5/21… Như vậy, việc vi phạm quy định 5K của người dân bị xử lý là rất khắc nghiệt.

     Nhưng đối với lãnh đạo, trên mặt báo thường xuyên xuất hiện việc họp bàn đông người, những bức ảnh chụp lãnh đạo cao cấp không hề đeo khẩu trang giữa đại dịch, cười nói hể hả. Mới đây nhất, đoàn đại biểu quốc hội vào lăng viếng chủ tịch Hồ Chí Minh, không hề giữ khoảng cách. Rất nhiều những ví dụ về việc lãnh đạo không bảo đảm quy định 5K mà không hề có một biểu hiện nào cho thấy có việc nhắc nhở hoặc thay đổi tình hình. Cứ như những người lãnh đạo, quan chức nhà nước đang ở thời kỳ nào, thời điểm nào chứ không phải trong đại dịch mà những người lãnh đạo ngày đêm hô hào giữ quy định chống dịch!

     Đã có rất nhiều người cảnh bảo và kết luận, đợt dịch lần thứ tư này, từ 27/4 đên nay, sự bùng phát đại dịch chính là do hai đợt tập trung đông người mà chính nhà nước phát động và thực hiện. Đó chính là đợt làm căn cước công dân có gắn chip từ đầu tháng 3 đến cuối tháng 6. Và ngày bầu cử quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp ngày 23/5  vừa qua. Cả việc làm căn cước công dân lẫn bầu cử, số người tập trung cực lớn ở các địa điểm công cộng, và không ai giữ khoảng cách được trong các lần tập trung đó. Tuy nhiên, không có một ai có trách nhiệm nhắc gì tới hai lần tập trung đông người đó.

     Việc phân biệt đối xử còn thể hiện ở việc những người dân thường không may gieo rắc dịch bệnh cho người khác đều bị truy tố. Trong khi những người là quan chức của đảng và nhà nước, hoặc thân nhân quan chức đều bị xử phạt nhẹ và cho qua. Vấn đề lựa chọn vắc xin loại tốt của Mỹ và châu Âu để tiêm cho quan chức, thân nhân quan chức cũng nổi cộm qua nhiều vụ việc gần đây.

     Có thể nói rằng, câu phát biểu của ông bộ trưởng, người phát ngôn chính phủ Mai Tiến Dũng nhiệm kỳ trước trong vụ việc Đồng Tâm, tuy nói riêng vụ Đồng Tâm nhưng ý nghĩa của nó khắc họa bản chất ứng xử của pháp luật với quan chức cũng như dân thường và bao trùm lên tất cả. Đó là câu: “ Nếu chúng ta sai, chúng ta nhận lỗi trước dân. Nếu dân sai thì dân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.”  Báo Tuổi Trẻ Online ngày 4/5/2017.

     Như vậy, trong đại dịch, sự phân biệt đối xử giữa quan và dân ngày cảng được thể hiện rõ, nó càng chứng tỏ bản chất cai trị của đảng cộng sản đối với nhân dân Việt Nam./.

Hà Nội, ngày 24/7/2021

N.V.B