You are here

Lạy Trời em còn biết yêu thương!

Giữa lúc này, khi mà thế giới trùng trùng đau nối đau, nước mắt nối nước mắt và chết chóc nối chết chóc… giữa tro tàn nhân loại, chỉ cần một tia hi vọng, lẩn khuất đâu đó trong mắt em, mắt tôi, mắt người… và những giọt nước mắt lăn xuống như một ghi dấu hay một thông điệp nói rằng em còn yêu thương, tôi còn yêu thương, người còn yêu thương, trái tim chúng ta đã se buốt vì đau buồn… Chỉ chừng đó, cũng đủ làm ấm lòng!

Trong lúc này, đâu riêng chỉ Sài Gòn, có hàng trăm thành phố trên thế giới này đang gồng mình bởi dịch cúm Vũ Hán, có hàng trăm thành phố trên địa cầu chan chứa nước mắt, và hình như người ta cũng không còn đủ nước mắt để khóc. Cái đói, nỗi tuyệt vọng, nỗi đau vì mất người thân, nỗi hoang mang cho những ngày sắp tới… Mọi thứ bỗng dưng ập xuống cuộc đời, số phận, con người kêu Trời không thấu!

Giữa lúc này, cái lúc mà thế giới trở nên trống rỗng, hoang vu, người thân lìa đời, người thân không thể đến gần, người thân nhìn người thân qua gương phẳng, mọi thứ nhờ nhờ một màu trắng đục vô cảm và bí hiểm, em biết nói gì? Tôi biết nói gì? Người biết nói gì?

Tôi cũng có nghe ai đó giữa Sài Gòn, họ vận áo quần dân phòng hay công an hay cán bộ với dáng bộ lịch sự, sang trọng nhưng lại ăn nói khá ư là hàm hồ, rằng tại sao phải ăn bí đỏ, ăn xà lách trong lúc đói, người ta có thể nhịn ăn các món này cả nửa năm vẫn không chết? Hoặc ngược lại, có những người oán trách tại sao lại cho xì dầu Tam Thái Tử, xì dầu làm thủ công, lỡ ăn vào gây ung thư thì sao?... Có hàng trăm câu trách khiến người ta cảm thấy bẽ bàng, tủi thân! Và cũng có hàng trăm, hàng ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn người chỉ mong có được một bữa ăn mà cầm hơi qua hoạn nạn, mong có được một chuyến xe để về quê, để được biết rằng cho dù có chết cũng được chết trên đất quê, ít nhất còn có người thân trong phút giây nào đó…

Em biết không? Giữa lúc này, có những đoàn người miền Trung đã đi bộ từ tỉnh này sang tỉnh khác, đi bộ trong đói khát và tuyệt vọng vì không còn đồng nào trong túi, vì không biết về đến quê nhà người ta có cho bước vào nhà hay không, vì không biết khi về đến nhà, có còn ai ra đón… Có hàng hàng lớp lớp nỗi lo mọc lên giữa xứ nghèo, giữa những lồng ngực lép vì thiếu ăn và kham khổ, giữa những vầng trán nhăn nheo, u ám vì cuộc đời xếp ở tầng đáy xã hội, có biết bao nhiêu chuyện buồn để kể ra, khi mà một gia đình mấy mẹ con chấp nhận mọi thứ rủi ro, cực khổ, nắng đốt để đạp xe từ Sài Gòn về Nghệ An, họ đi mãi miết, cho đến khi đồng loại nhận biết và giúp đỡ… Chưa bao giờ đất nước lại buồn như những ngày vừa qua.

Và rồi những ngày sắp tới, ai đoán được chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo? Khi mà mọi sự tung hê, mọi nỗi tự hào, reo hò, khoe mẽ đã chính thức chấm dứt, nhà nước, người dân phải đối mặt với một sự thật phũ phàng rằng chúng ta đã vỡ trận, rằng chúng ta lâu nay quen ca hát, nhảy múa và tự vỗ ngực bên cạnh một thân đập về sự an toàn của chúng ta trong lúc đồng loại phải gồng lưng chống chọi với dòng lũ, cho đến khi, thân đập vỡ từng mảng, câu chuyện của chúng ta thực sự thay đổi theo chiều hướng u ám và tệ hại. Cái thân đập ý thức tự bảo vệ đã chính thức mất đi và chúng ta có thể chết bất kỳ giờ phút nào.

Công tâm mà nói, gần hai năm trôi qua, chúng ta một phần mnay mắn vì sức chịu đựng, nhiệt độ và sự cẩn trọng chung trong dân chúng. Nhưng đến khi sự cẩn trọng trở thành nỗi tự hào, tự mãn và chúng ta không còn biết sợ sệt dịch cúm, chúng ta ngộ nhận rằng cơ địa của người Việt có thể chống chọi, miễn nhiễm với dịch cúm, chúng ta thỏa sức đàn đúm, ăn chơi, nhảy múa, xúm xít khi có cơ hội. Và hậu quả là gì? Là một sự thật phũ phàng bày ra trước mắt.

Chúng ta may mắn bởi chúng ta là một bầy cừu bên cánh đồng lúa. Bởi chúng ta là đất nước có lịch sử mấy ngàn năm lúa nước, chúng ta đã quen bị chăn dắt và chúng ta không sợ đói khi cánh đồng lúa vẫn còn trĩu hạt. Chúng ta quen tung tẩy, reo hò, chúng ta đợi người chăn dắt thả cây roi thì chúng ta thỏa sức vui chơi, cho đến khi cây roi quất vào lưng, cho đến khi cánh đồng trơ gốc rạ, chúng ta bắt đầu kêu gào vì đói và lo sợ, bởi chúng ta đang đối mặt với sự đói và cái chết. Tất cả những may mắn chúng ta có được trong gần hai năm qua đều hàm chứa tai ương nhưng chúng ta không được nhìn thấy và chúng ta mãi mê tin rằng chúng ta không bao giờ đói, không bao giờ chết.

Hơn nữa, chúng ta tin rằng lúa có mọi nơi, sữa có mọi nơi, rau củ quả có mọi nơi, một đất nước nông nghiệp, dưới sự lãnh đạo tài tình của đảng và nhà nước thì làm sao chết được! Nhưng chúng ta quên rằng khi dịch ập đến, mọi sự phong tỏa, kiềm chế thắt chặt và cây roi được lấy ra dùng, chúng ta thúc thủ. Một sự thật khác phơi bày, người nông dân phải đổ đi nông sản, trại chăn nuôi phải đổ sữa trong lúc các thành phố thiếu mọi thứ, từ nông sản cho đến sữa, nhà buôn cũng bắt đầu hét giá. Dường như, người Việt là một tổng thể mâu thuẩn, bởi có người phát nguyện mang thức ăn cho người khác, vét đến đồng cuối cùng để tặng người nghèo khổ thức ăn thì cũng có người tranh thủ dịp mà đồng loại rên xiết vì thiếu thức ăn để hét giá, tha hồ chặt chém…

Chúng ta, những con người đang phải sống trong hoang mang, lo sợ và chẳng biết thứ gì có thể giúp chúng ta tìm thấy ý nghĩa tồn tại trong lúc này. Bởi mọi thứ giá trị luôn tạo ảo giác cho chúng ta bấy lâu nay như nhà cửa, xe cộ, tiền bạc và cả những bữa ăn đẳng cấp, sang trọng trở nên vô nghĩa và cho chúng ta cảm giác ích kỉ, nhỏ nhen trong lúc này. Hãy nhìn những hình ảnh khoe mẽ mình có nhiều cà rốt, khoai tây và trái cây ngon trong lúc đồng loại của chúng ta đang lo sợ vì tối nay sẽ bị dân phòng, công an xua khỏi chỗ mái hiên quen mà họ đã ngủ trong nhiều năm nay. Hãy tưởng tượng những người vô gia cư dựa vào bàn tay ngửa xin tình đồng loại đã trở nên hốt hoảng vì không còn cơ hội ra đường xin ăn. Hãy tưởng tượng những cái bụng đói xệp bởi công việc đi bán vé số hằng ngày, đi làm thuê, đi bán dạo các món hàng nho nhỏ kiếm bữa độ nhật phải bó gối ở các phòng trọ tối tăm, thiếu ánh sáng và ẩm ướt… Tất cả như một nhát chém vào lịch sử nhân loại, lịch sử dân tộc và vào tâm hồn chúng ta. Nhát chém ấy sẽ mãi mưng đau trong tâm hồn chúng ta, ngày hôm nay, kể từ hôm nay cho đến mãi mãi mai sau, khi chúng ta nhắm mắt lìa đời, điều ấy mãi ám ảnh nếu chúng ta còn là con người.

Và giữa một cuộc chiến mà cái chết diễn ra hằng ngày, không tiếng bom đạn, không tiếng súng, cũng không có phe chủ chiến hay phe chủ hòa, không có phe đầu hàng hay phe thắng cuộc, cái chết đến như một giấc chiêm bao… Một giấc chiêm bao hay một cơn ác mộng, điều đó làm em rơi nước mắt, tôi rơi nước mắt, người rơi nước mắt. Nước mắt như một lời yên ủi cho chúng ta, rằng chúng ta còn biết yêu thương, rằng chúng ta còn thổn thức trước nỗi đau cuộc đời và rằng nếu có cơ may tồn tại, chúng ta sẽ xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn, giàu tình nhân ái và đáng sống hơn. Chúng ta phải cố gắng, bởi chính giọt nước mắt yêu thương đã mách bảo với chúng ta như vậy!

Lạy Trời, em còn biết yêu thương!