You are here

Đâu rồi sự “ngạo nghễ” và “xa xỉ”?

Ảnh của nguyenhuuvinh

Toang!

Dịch do covid-19 lại bùng phát dữ dội khắp cả nước, đợt bùng phát thứ tư tại Việt Nam.

Lần này không chỉ là một tỉnh Bắc Giang hay Bắc Ninh để có thể cô lập, cách ly, khóa làng như những lần trước, mà là khắp cả nước. Sài Gòn sẽ đóng cửa giản cách xã hội toàn thành phố 15 ngày kể từ 31/5. Hà Nội và các tỉnh khác cũng đang cuống cuồng tìm cách ngăn lây nhiễm. Những ổ dịch bất ngờ bùng phát mà không biết nguồn lây nhiễm từ đâu.

Con số lây nhiễm trong cộng đồng đã tăng vùn vụt lên hàng trăm người mỗi ngày và nguồn lây nhiễm thì tìm như mò kim đáy biển.

Những biện pháp được gọi là “quyết liệt” những cái gọi là “Quyết tâm” đã dần dần cho thấy không còn mấy tác dụng trong việc ngăn chặn nạn dịch một cách hữu hiệu nhất như trước đây. Bởi khi ngăn chặn một con suối, một lạch nước thì dễ, còn khi là cơn lũ thì đó là việc bất khả thi.

Con số bệnh nhân nhiễm dịch tăng từng ngày, nỗi hoảng loạn của xã hội và cả hệ thống chính trị cũng từng ngày tăng lên. Không còn thấy những tiếng hô hào sảng rằng: “Sẽ dập dịch xong trong 10 ngày” như lời Vũ Đức Đam đã từng gây bão mạng xã hội và báo chí. Cũng không thấy những lời hô hét rằng: “Phải dập dịch xong trước Tết” của Nguyễn Xuân Phúc thủ tướng chính phủ.

Và khi dịch bệnh lan tràn, người ta mới thấy những điều ẩn giấu đằng sau những lời hô hào, những câu nói hùng hồn và đầy tự tin hoặc tự cao ngạo rằng cả thế giới ngưỡng mộ Việt Nam, rằng “Nếu cột điện ở Mỹ có chân, thì nó cũng sẽ về Việt Nam”… tất cả chỉ là những cơn tự sướng, những lời tự ru ngủ, những lời lẽ ba hoa bốc phét, khoe khoang kiểu “Múa tay trong bị” của nhà cầm quyền Việt Nam.

Giờ đây, khi dịch bệnh bùng phát, thì cột điện ở Mỹ không còn chạy về Việt Nam, mà những cái cột điện ở Việt Nam có chân lại cuống cuồng hò nhau mua vé du lịch sang Mỹ để may ra được tiêm vacxin miễn phí chống dịch.

Sở dĩ dịch bệnh bùng phát trở lại tại Việt Nam một cách cấp tập và bất ngờ từ nhiều nơi, nhiều hướng khó kiểm soát, có nhiều nguyên nhân. Trong đó nguồn lây nhiễm từ người Trung Quốc nhập lậu vào Việt Nam mà hệ thống an ninh biên giới, biên phòng và công an nhung nhúc đã bó tay bất lực ngoài việc cho thấy năng lực kiểm soát an ninh đất nước ra sao, thì còn là nguồn lây nhiễm rất lớn cho người dân trong nước.

Nhưng, sau nguồn lây nhiễm, thì cơ hội lây nhiễm trong cộng đồng lại được chính đảng và nhà nước tạo ra bằng những cái gọi là “Đại hội đảng” và “Bầu cử Quốc hội”. Đặc biệt là sau những ngày tưng bừng “mừng chiến thắng”, mừng “Giải phóng miền Nam” vừa qua.

Người ta để ý sẽ thấy rằng, mỗi lần đảng hô hào tập trung để “Chào mừng đại hội đảng” hoặc “Ngày hội toàn dân” đi bầu, thì là lúc dịch bệnh bùng phát. Đã có những trường hợp buộc phải truy tìm những người đã đến “tiếp xúc bầu cử” với những người nhiễm virus Covid-19. Nhưng, những thông tin đó đã bị ém nhẹm hầu hết.

Chẳng ai không biết rằng, khi dịch bệnh hoành hành, mỗi người dân buộc phải mang khẩu trang, buộc phải giãn cách xã hội, buộc phải đi cách ly và bị nhốt lại,  bị cưỡng ép đi nhốt như bắt lợn, thì lãnh đạo đảng, nhà nước như Nguyễn Phú Trọng cứ nhơn nhơn không khẩu trang, không giãn cách, cứ hô hào toàn dân tập trung chào mừng, bầu cử… thì được miễn dịch, miễn lây lan?

Dường như, cái tư duy đảng là một lớp người khác, được miễn hoàn toàn những quy định luật pháp, những quy tắc xã hội đã ngấm sâu và thể hiện rõ ràng ngay ở các lãnh đạo đảng và nhà nước. Cũng qua đó, họ muốn cho thấy rằng việc của đảng là việc không liên quan và không cần quan tâm đến những vấn đề an nguy của đất nước, của dân chúng và dân tộc đã ngấm sâu vào hệ thống chính trị, vào suy nghĩ của các quan chức cộng sản.

Và đó là nguyên nhân, cũng như là tai họa của nhiều vấn nạn của đất nước này.

Đằng sau những sự tự mãn

Đợt bùng phát dịch bệnh thứ tư này đã chứng minh được nhiều điều đằng sau những lời cao ngạo, hào sảng và thái độ kiêu căng của nhà cầm quyền Việt Nam vừa qua.

Trước hết, đó là khả năng của hệ thống chính trị, và cái “quyết tâm” của hệ thống quan chức cũng như sức mạnh của hệ thống y tế Việt Nam đến đâu. Nó có thật sự “chiến thắng”, có thật sự biến đất nước Việt Nam trở thành nơi an toàn, có thật sự “tỏa sáng” khắp năm châu như những người cộng sản thường huênh hoang tự ca ngợi hay không? Đằng sau những lời lẽ đó là gì?

Ngày 28/12/2020, tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, có Nguyễn Phú Trọng với cả hai vai là Chủ tịch nước kiêm Tổng Bí thư, Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng, Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội. Nghĩa là tất cả quan chức lãnh đạo to nhất, lớn nhất, quan trọng nhất của Việt Nam được tập trung tại đó.

Cũng tại đó, những phát biểu của đám quan chức này đã được báo chí đưa tin và khai thác như một màn “tự sướng” tập thể.

Nguyễn Phú Trọng nói rằng: “Gần đây, Đại sứ EU tại Việt Nam nói rằng, ở Việt Nam thời dịch bệnh là may mắn xa xỉ".

Vâng, đó là sự “xa xỉ”, sự xa xỉ đó, là nỗi lo canh cánh của toàn xã hội nếu dịch bênh lan tràn, thì những chiếc giường bệnh viện bình thường chứa 4-5 bệnh nhân sẽ phải chứa và chứa được mấy chục người để không sụp đổ xuống kéo theo toàn bộ hệ thống y tế và toàn xã hội. Chính vì thế, mỗi người dân hết sức căng mình để sợ hãi, để cảnh giác, để phòng chống dịch bệnh lây nhiễm một cách tự giác do sợ hãi.

Và sự “xa xỉ” đó không kéo dài.

Kế sau kế hoạch dập dịch trong 10 ngày, là một cái tết chia ly của người Việt Nam khi mà cái tết cổ truyền bị nhấn chìm trong nỗi sợ hãi của người Việt Nam khắp nơi.

Chính những hành động của lãnh đạo đảng và quan chức nhà nước đã chứng minh cho người dân thấy rằng: Dịch bệnh, chỉ là sự hù dọa của đám quan chức đối với dân chúng. Còn chính họ, họ đã làm gương cho người dân hiểu rằng chẳng có dịch bệnh nào và chẳng ảnh hưởng đến con người. Bằng chứng là những lãnh đạo cao nhất, vẫn ngang nhiên tập trung đông người bất chấp lệnh cấm tụ tập, vẫn nhơn nhơn chẳng cần khẩu trang hay che chắn. Có sao đâu.

Và biết đâu, dịch bệnh lại là cơ hội để quan chức chia chác, kiếm tiền từ túi người dân bằng nhiều cách khác nhau.

Điều này không thiếu ví dụ để chứng minh. Chỉ mới mấy tỉnh, mấy bệnh viện bị lộ, thì đã có hàng loạt quan chức bị khởi tố, bị bắt giam và lộ ra hàng loạt những hành vi trục lợi trên nỗi sợ hãi, nỗi đau và sức khỏe người bệnh qua việc mua sắm thiết bị y tế dành cho xét nghiệm covid-19.

Điều người dân thấy rõ nhất, là rõ ràng dịch bệnh lây lan, truyền nhiễm đi sẽ không trừ bất cứ ai, bất cứ cuộc tiếp xúc nào, dù đó là đại hội đảng, dù đó là bầu cử quốc hội  hay mừng chiến thắng… Bằng chứng là tất cả các nhà thờ, đền chùa và nơi hoạt động tâm linh đều bị các chỉ thị của nhà nước ngăn cấm tập trung sinh hoạt tôn giáo, và họ chấp hành nghiêm chỉnh, dù đó là những hoạt động không thể thiếu với những người có tín ngưỡng, tôn giáo.

Thế nhưng, hầu như những cuộc tập trung đông người do đảng, nhà nước hoặc các tôn giáo quốc doanh, nơi kinh doanh tôn giáo, tâm linh như cuộc tập trung đông đúc nghẹt thở ở chùa Tam Chúc mới hơn tháng trước là ví dụ.

Thời điểm đó, cho đến thời điểm này chưa xa, mới chỉ 5 tháng. 5 tháng qua, đất nước đã bao lần phải đóng cửa, phải tiếp tục giãn cách, dập dịch… và người dân đã mấy phen lao đao vì không công việc, không bảo đảm được cuộc sống, đời sống xã hội bị đảo lộn, bị đe dọa bởi dịch rình rập bất cứ lúc nào.

Thế rồi, dịch bệnh quay trở lại sau những cuộc chào mừng, sau những “ngày hội của toàn dân”.

Thế rồi “toang”.

Đến nay, con số người nhiễm bệnh đã tăng chóng mặt lên hơn 4.000 ca kể từ sau ngày “mừng chiến thắng” hơn gấp đôi số ca lây nhiễm hơn 1 năm qua kể từ ngày thế giới có đại dịch virus Covid-19. Và vấn đề không chỉ ở con số, mà là nơi bùng phát, là nguyên nhân không được nói rõ ràng, là những vi phạm trầm trọng quyền con người khi hệ thống công quyền chống dịch đã làm hốt hoảng những người dân khi đối diện với việc bị nhiễm dịch sẽ được đối xử như tội phạm. Vì vậy họ không tự nguyện khai báo hoặc tự nguyện cách ly xã hội.

Thế rồi chính phủ hoảng hốt, lại đóng cửa, lại dãn cách, lại cấm chợ, cấm nhà máy, cấm tụ họp…

Thời gian dịch bệnh đã qua hơn 1 năm, người dân dài cổ ngóng chờ sự hỗ trợ của nhà nước, của chính phủ theo lời hứa con số 39.000 tỷ và 62.000 tỷ cứu trợ xã hội do dịch bệnh từ ngân sách, nghĩa là từ tiền thuế của dân. Nhưng, càng chờ càng mất. Mặc dù chính phủ tuyên bố rất hùng hồn, rất dõng dạc về nền kinh tế vẫn phát triển, vẫn dẫn đầu thế giới trong đại dịch, vẫn không khuất phục trước hoàn cảnh… cũng như những lời hứa của chính phủ chắc nịch trên truyền hình và báo chí. Thế rồi những lời hứa, những kế hoạch kia cứ theo ngày tháng biến thành sương khói.

Nhưng có một điều rất thực tế và rất cụ thể, đó là vấn đề vacxin chống covid-19.

Kinh nghiệm cả thế giới đã cho thấy rõ ràng đó là lối ra duy nhất có khả quan để đưa đất nước thoát khỏi nguy cơ dịch bệnh và xã hội trở lại ổn định.

Tại Việt Nam, hẳn chính phủ cũng biết rõ điều đó, nên một số vacxin được viện trợ, được tặng, cho đã đưa về để sử dụng. Và khi có vacxin, hẳn nhiên là sau hệ thống cán bộ của đảng được ưu tiên thì đối tượng được tiếp theo ưu tiên hàng đầu sẽ là công an, quân đội… là những “thanh kiếm, lá chắn” cho đảng mà không phải là những đối tượng thường được ưu tiên nhất như ở nước khác là người già cả, ốm đau và dễ nguy hiểm khi nhiễm bệnh.

Thế nhưng, khi cả thế giới đang cấp tiền cho người dân vượt qua đại dịch, vượt qua khó khăn, doanh nghiệp được bù lỗ, được hỗ trợ để cùng hạn chế tiếp xúc gây lây nhiễm cho xã hội, vacxin được cấp miễn phí. Thậm chí nhiều nơi còn thưởng thêm tiền cho người dân chích ngừa nhanh chóng… thì ở Việt Nam, một chiêu trò mới moi tiền dân lại được nghĩ ra theo sáng kiến từ những cái đầu đã nghĩ ra gói cứu trợ hàng chục ngàn tỷ trên Tivi, đó là “Xã hội hóa” tiền mua vacxin chống Covid-19.

Người dân Việt, sau hơn 1 năm chống chọi với không chỉ dịch bệnh, mà chống chọi lại với đủ các thứ sức ép từ cách ly, cô lập, giãn cách… mà không được trợ giúp nào ngoài “sự ngạo nghễ tự hào” thừa mứa mà hệ thống truyền thông mang lại. Giờ đây đối diện với mối lo trước mắt là “xã hội hóa vacxin”.

Và người ta không thấy sự ngạo nghễ, không nghe thấy lãnh đạo hào sảng tuyên bố rằng “Việt Nam là điểm đến an toàn” là mơ ước xa xỉ của những quốc gia khác trên thế giới đâu nữa.

Có lẽ, họ đang chờ một lúc nào đó dịch lắng xuống, hoặc có những biến động nào đó tác động để họ nhảy ra lại bài ca muôn thưở rằng nhờ sự lãnh đạo tài tình của đảng mà tình hình đã đổi thay?

Thế mới hiểu rằng đằng sau những lời tự khen, tự ca ngợi, tự sướng, tự hào, ngạo nghễ kia là những sự thật rỗng tuếch và là một chuỗi dài những sự dối trá, cơ hội. 

Ngày 29/5/2021

J.B Nguyễn Hữu Vinh