You are here

Cách mạng, đâu là điểm cuối?

Một cuộc cách mạng thành công, bao giờ cũng là điểm đầu cho một cuộc cách mạng khác. Và hình như, Việt Nam, đất nước vừa nhỏ vừa nghèo này chưa bao giờ hết những cuộc cách mạng, sự bền bĩ, sức sống mãnh liệt và cả tư duy khác thường của người Việt luôn là chất xúc tác để hun đúc một cuộc cách mạng mới. Hiện nay, cuộc cách mạng Việt Nam có liên quan trực tiếp đến vấn đề ruộng đất, giáo dục và quản lý hành chính. Điều này cho thấy những cuộc cách mạng trước đã thành công và sứ mệnh của nó đã hết.

Nói như vậy, cũng đồng nghĩa với cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa thành công, đương nhiên! Nếu như các cuộc cách mạng trước và song hành với cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công về khía cạnh ruộng đất cho người nông dân, chỗ ở cho con người thì cuộc cách mạng của đảng Cần Lao lại đi xa hơn một bước về vấn đề dân quyền, dân chủ và quản lý hành chính. Xét ở cách mạng phía Bắc vĩ tuyến 17, tôn giáo bị vùi dập dưới bàn tay sắt của cách mạng nhưng bù vào đó, vấn đề quản lý hành chính và cướp chính quyền cũng thành công, sau đó là tấn công, thống nhất hai miền đất nước, một bước thành công khác của cách mạng Cộng sản. Và đương nhiên, cuộc cách mạng có tính sắt máu này lại có quá nhiều vấn đề để đặt ra một sứ mệnh mới cho tương lai.

Hiện tại, chắc chắn rằng cho dù hoàn cảnh sắt máu, gắt gao, đè nén cỡ nào thì cuộc cách mạng của tương lai Việt Nam phải nổ ra, vấn đề là nó nổ ra vào thời điểm nào, đây là một ẩn số. Bởi lẽ, về khía cạnh giáo dục, y tế và văn hóa, cách mạnh Cộng sản gần như hoàn toàn thất bại sau khi họ thành công trong sứ mệnh thống nhất đất nước. Nhìn bề ngoài, kinh tế Việt Nam phát triển, rất phát triển, nhưng nhìn sâu vào nền kinh tế này, người ta mới giật mình nhận ra rằng trong một nền kinh tế phát triển, tiền bạc người ta rủng rẻng nhưng nó được xây dựng, phát triển từ tư duy trộm cắp thì hỡi ôi, đây là một sự tai hại quá lớn.

Sự tai hại này hoàn toàn không phải ngẫu nhiên mà có, nó thuộc về căn tính cách mạng của người Cộng sản, một thứ căn tính hình thành từ động cơ Ăn, Mặc, Ở và nó mãi mãi quanh quẩn ở động cơ này nên khi có thành tựu, vấn đề của nhà cách mạng là làm sao để sự ăn mặc ở của bản thân, gia đình và đất nước được đảm bảo. Điộng cơ này hình thành trên cơ sở đời cha cách mạng đời con hưởng thụ và bằng mọi giá phải có cái ăn, cái mặc, cái ở một cách đột phá, cách mạng. Chính động cơ này khiến cho nhà cách mạng khi thành công năm 1975 liền có những cuộc hôi của tàn bạo chưa từng thấy và cướp bóc trên danh nghĩa đánh tư bản cũng tàn bạo chưa từng thấy.

Tư duy hôi của và cướp bóc được ổn định hơn, chảy ngầm hơn khi hệ thống nhà nước xã hội chủ nghĩa kiện toàn, nó chuyển hóa từ chỗ hôi của, cướp bóc sang trộm của công và cướp đất của nhân dân. Mọi thứ đều diễn ra suôn sẻ bởi hàng loạt qui định có lợi cho nhà cầm quyền, từ việc quản lý đất theo kiểu sở hữu toàn dân, nhà nước quản lý cho đến các bí mật quốc gia gồm ngân sách chi tiêu của chính phủ, đảng, nhà nước. Điều này nhanh chóng đẩy giáo dục đến chỗ bệ rạc, vì sao?

Vì mọi thứ quản lý đều dựa trên cơ sở trộm cướp, từ việc nhà quản lý giáo dục nhờ luồn lách, dựa vào tài trộm của công để ăn chia mà đi tới ghế quyền lực cho đến nhà quản lý hành chính dùng quyền lực của mình để chi phối các ngành khác, trong đó gồm cả giáo dục. Chỉ đặt ra một ví dụ rất nhỏ đã thấy sự khủng khiếp của nạn trộm của công: Một ngôi trường được xây dựng từ ngân sách nhà nước, tức tiền thuế từ nhân dân mà có. Nhà nước điều phối, đầu tư, nhà trường thuê giám sát thi công, nhà thầu đấu thầu và thi công. Hầu hết các nhà thầu bỏ giá xây dựng thấp đều bị loại, họ chọn nhà bỏ giá xây dựng cao. Trong khi đó, mục tiêu của đấu thầu là tìm nhà thầu có giá xây dựng thấp để tiết kiệm ngân sách. Nhưng trên thực tế, nhà thầu bỏ giá cao mới có tiền chung chi cho cán bộ. Ví dụ nhà trường giám sát thi công thì ít nhất hiệu trưởng cũng được chia 10% giá xây dựng tổng thể, sau đó đến cán bộ giám sát, ví dự như chủ tịch mặt trận tổ quốc đến giám sát, hẹn thứ hai tới nhưng lại không tới, cho anh phó tới, vậy là nhà thầu tốn phong bì, sau đó lại dắt thêm ban bệ, cũng tốn phong bì, đến khi chủ tịch mặt trận đến giám sát thì lại tốn phong bì bạo hơn. Hầu như các phòng, ban của các ủy ban chỉ mong sao có công trình để đi “giám sát thi công”. Và để có tiền chung chi cho đám này, đương nhiên là rút ruột công trình. Chính vì vậy mà có biết bao nhiêu cái chết thương tâm của học sinh chỉ vì sập cổng trường, rớt ngói, sập trần nhà…

Chỉ một ví dụ cực nhỏ đã thấy lúc nhúc sâu bọ trong hệ thống nhà nước, nếu đẩy xa hơn một chút, thử đặt câu hỏi tại sao thế hệ trẻ bây giờ hư hỏng, trộm cắp nhiều quá? Đơn giản, vì chúng ta dạy cho con trẻ đừng trộm cắp nhưng chính chúng ta là những kẻ trộm cắp thì làm sao con trẻ không hư hỏng? Thử nghĩ, có biết bao nhiêu cô chiêu, cậu ấm nhà giàu phá phách, trộm cắp của gia đình, xã hội, buôn ma túy, làm đủ các việc bất nhân chỉ để ăn chơi là vì đâu? Vì lẽ, những cô chiêu cậu ấm này được ăn sung mặc sướng từ nhỏ, được nuôi nấng đầy đủ, không thiếu thốn thứ gì, nhưng chúng cũng mơ hồ nhận ra rằng mọi thứ chúng có được không phải là mồ hôi, cân não của cha mẹ mà do cha mẹ chúng giỏi ăn cắp, dựa trên quyền lực để ăn cắp mà chúng có được. Một khi chúng hiểu được điều này thì trong vô thức của chúng đã hình thành tư duy ăn cắp.

Chính vì vậy, nạn trộm cắp xảy ra từ trong nhà ra ngoài ngõ, từ cơ quan nhà nước cho đến ngóc ngách xã hội, trong đó, nạn trộm cắp tài sản công trong cơ quan nhà nước là khủng khiếp và tàn bạo nhất, dẫn đến hệ thống này trở thành hoa tiêu của vấn nạn trộm cắp. Một đất nước mà sự giàu có, hay nói khác đi là sự ăn, mặc, ở dựa trên thói quen và kĩ năng trộm cắp thì chắc chắn nó đòi hỏi phải có một cuộc cách mạng mới, cuộc cách mạng làm sạch tâm hồn con người, làm thanh sạch dân tộc.

Và chắc chắn cuộc cách mạng đó phải nổ ra, vấn đề là nó nổ ra theo hướng nào, cách mạng ruộng đất hay cách mạng phá bỏ chính quyền trộm cắp. Bởi đến lúc này, trong hệ thống quốc gia phát triển vượt bậc về kinh tế này chứa hàng triệu con ấu trùng trộm cắp, vô liêm sỉ và bất chấp. Nó đòi hỏi một cuộc cách mạng mới làm sạch mọi thứ!