You are here

Chúng ta có nên kỳ vọng vào tân bộ trưởng Giáo dục?

Ảnh của nguyenvubinh

     Thời gian qua, sau khi ông Nguyễn Kim Sơn được đề bạt làm bộ trưởng bộ Giáo dục, thay thế ông Phùng Xuân Nhạ dư luận có nhiều phấn khởi. Sự vui mừng này có lẽ xuất phát từ việc nhiều người không ưa ông Phùng Xuân Nhạ, cộng thêm với những tiêu cực nảy sinh liên tục ở các trường, các cấp học trên toàn quốc. Nhiều người đã hi vọng, với ông bộ trưởng mới, giáo dục nước nhà sẽ có nhiều khởi sắc và thay đổi. Có những người còn kỳ vọng, tân bộ trưởng sẽ đem lại diện mạo mới cho nền giáo dục nước nhà.

     Về thân nhân, thân thế của bộ trưởng mới, chúng ta thấy ít nhất ông Nguyễn Kim Sơn không có điều tiếng gì, tác phong cũng hiền lành không gây phản cảm như người tiền nhiệm. Tuy nhiên, cũng chưa thấy ông tân bộ trưởng có thành tích gì nổi trội được người đời ca ngợi trong quá trình công tác. Nhưng điều quan trọng hơn, liệu một ông bộ trưởng mới có thể làm thay đổi diện mạo vô cùng tăm tối của nền giáo dục nước nhà hay không? Câu trả lời là không thể, không ai và không bao giờ làm nổi trong thể chế toàn trị cộng sản hiện nay.

     Trong khuôn khổ có hạn của bài báo, tôi chỉ nêu hai vấn nạn quan trọng bậc nhất của giáo dục hiện nay. Đó là nội dung, chương trình giáo dục quá nặng và phản khoa học, đồng thời là vấn nạn dạy thêm, học thêm tràn lan hiện nay.

     Đối với vấn đề nội dung chương trình giáo dục nhồi sọ, quá nặng và phản khoa học, tôi không đi vào chứng minh vấn nạn này, vì đã là người Việt Nam, nói điều này ra ai cũng phải công nhận. Tôi chỉ đi vào khía cạnh, một vị bộ trưởng giáo dục, có thể thay đổi được điều này hay không? Câu trả lời là không, nếu có một hoạt động có ý nghĩa nhất trong việc này, thì đó là một sự đề xuất thay đổi nội dung, chương trình giáo dục của bộ trưởng mà thôi.

     Chúng ta biết rằng, nội dung chương trình giáo dục quốc gia, là một chủ trương lớn của đảng và nhà nước. Nó dựa trên quyết sách lớn chung của nước nhà về phát triển kinh tế, chính trị, xã hội. Việc thay đổi nội dung chương trình giáo dục quốc gia cần phải được sự đồng ý của đảng, đại diện là bộ chính trị và nhà nước, quốc hội. Sau đó là việc hình thành hội đồng cải cách giáo dục, hoặc hội đồng gì đó bao gồm nhiều thành phần mà bộ giáo dục và bộ trưởng cũng chỉ là một thành phần mà thôi. Khi đã có hội đồng về cải cách giáo dục (ví dụ như vậy) thì vấn đề là có đủ những người có trình độ để xây dựng một chương trình giáo dục tầm cỡ quốc gia hay không? Cuộc cải cách giáo dục của Việt Nam (năm 1985-1986) thất bại thảm hại tới hiện nay, một lý do quan trọng là chúng ta không có đủ người có trình độ để tháo dỡ toàn bộ chương trình giáo dục cũ thay bằng một chương trình giáo dục mới. Hiện nay, số lượng người có trình độ để cải cách giáo dục còn thua cả thời năm 1985-1986. Có thể có những cách đơn giản hơn, mà rất hiệu quả, nhưng sẽ không nhận được sự đồng ý của đảng và nhà nước vì lý do chính trị. Đó là có thể sử dụng nội dung, chương trình giáo dục của các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến, chỉnh sửa đi cho phù hợp với Việt Nam và đưa vào sử dụng. Như vậy, việc thay đổi nội dung chương trình giáo dụng là hoàn toàn bất lực, bế tắc.

     Vấn nạn dạy thêm, học thêm cũng không thể thay đổi dù quyết tâm của tân bộ trưởng có lớn đến đâu chăng nữa. Vấn nạn này xuất phát từ ba nguyên nhân chính: 1- nội dung quá tải, học trên lớp không đủ phải học thêm; 2- áp lực thành tích của thầy cô, nhà trường; 3- thu nhập của giáo viên. Nhìn vào ba nguyên nhân này, rõ ràng nguyên nhân thứ nhất và thứ ba nằm ngoài khả năng của bộ trưởng, còn nguyên nhân thứ hai, nếu cố gắng hết sức, cũng chỉ giảm bớt phần nào áp lực cho học sinh và giáo viên, chứ không thể triệt tiêu hết được. Vấn nạn này cũng hoàn toàn bất lực với bất kỳ ai làm bộ trưởng giáo dục.

     Như vậy, việc kỳ vọng vào tân bộ trưởng giáo dục thay đổi diện mạo của nền giáo dục là không thực tế. Tuy nhiên, trong vai trò bộ trưởng, ông Nguyễn Kim Sơn cũng có thể đóng góp làm giảm bớt những nhức nhối của nền giáo dục bằng những quy định về vấn đề thi cử, những quy định nội bộ ngành… Hi vọng ông bộ trưởng mới không chỉ thay đổi so với bộ trưởng tiền nhiệm ở tác phong và những phát ngôn thiếu chuẩn mực, thiện cảm./.

Hà Nội, ngày 21/4/2021

N.V.B