You are here

Một ngày lịch sử ở một phiên tòa lịch sử

Ảnh của nguyenhuuvinh

Ngày ngày 12 năm trước, 27/3/2009, một phiên tòa “lịch sử” được ghi trong thời hiện đại của Việt Nam. Lịch sử những cuộc tuần hành công khai, đông đúc với băng rôn và khẩu hiệu xuống đường. Một trong những bước đầu tiên của người Việt Nam ngay giữa thủ đô thời cộng sản phản ứng công khai, tập thể và đoàn kết  nức lòng mọi người dân và mở đầu cho những cuộc xuống đường sau đó.

Chính sách tiêu diệt tôn giáo, chiếm cướp nơi thờ tự

Khu đất của Dòng Chúa Cứu thế (DCCT) Thái Hà được các tu sĩ nhà dòng mua từ năm 1928 với đầy đủ giấy tờ được lưu lại cho đến hôm nay. Khu đất rộng 71,4 ha nằm cạnh đường 6 (Nay là đường Nguyễn Lương Bằng) và trải dài đến tận gần Gò Đống Đa ngày nay.

Năm 1945 khi nhà cầm quyền CSVN cướp được chính quyền, một chiến lược cướp chiếm, dần dần dẫn đến tiêu hao và tiêu diệt các tôn giáo được vạch sẵn theo đường lối “cách mạng” mà trong đó cái gọi là “Cuộc cách mạng về tư tưởng và văn hóa” đã thực hiện từng bước bằng những biện pháp bất chấp mọi thứ, từ luật pháp, lương tâm, đạo đức, lòng dân và những nguyên tắc quốc tế mà Việt Nam luôn leo lẻo rằng tôn trọng.

Việc cướp, chiếm, mượn để rồi chiếm cướp các sơ sở tôn giáo tại Việt Nam được tiến hành vô luật pháp ở chỗ: Cho đến nay, qua rất nhiều thời kỳ cộng sản kể cả chiến tranh lẫn thời bình, kể các chính sách luật pháp về tôn giáo chưa hề có bất cứ một văn bản nào đề cập đến việc mượn, mua bán, chiếm đoạt, công hữu hoặc bất cứ hình thức nào được đưa ra nhằm biện hộ cho việc chiếm đoạt cơ sở tôn giáo, nhất là của Giáo hội Công giáo.

Thế nhưng, hầu như không có giáo xứ, giáo họ nào trong Giáo hội Công giáo từ Bắc đến Nam không bị nhà nước chiếm dụng, mượn, hoặc trắng trợn hơn là dùng vũ lực chiếm cướp đất đai và tài sản.

Cho đến nay, Giáo hội Công giáo vẫn còn 2.500 cơ sở của mình bị nhà nước chiếm đoạt hết sức vô lý cớ mà không hề đưa ra bất cứ một văn bản, một lời giải thích nào khả dĩ có thể chấp nhận được.

Thậm chí, có nhiều lần tại Thanh tra Quận Đống Đa và Thanh Tra Thành phố Hà Nội, chúng tôi đã chất vấn chính quyền rằng: Chúng tôi đề nghị cho biết bất cứ chính sách, văn bản nào - kể cả vô lý nhất đi nữa – mà nhà nước đã ban hành, để biến các cơ sở tôn giáo thành của nhà nước, để rồi sau đó chia chác và biến thành của riêng cán bộ.

Câu cửa miệng của cán bộ vẫn là “Đất đai do nhà nước thống nhất quản lý”. Thậm chí, chúng tôi đã nói rõ rằng: Đất đai, tài sản, con người và cả xã hội đều phải được nhà nước “thống nhất quản lý” là điều chúng tôi không phản đối. Ngày nay, chắc chỉ có Hoàng Sa, một số đảo ở Trường Sa nhà nước không quản lý mà giao cho bạn vàng quản lý. Nhưng quản lý và quyền sở hữu, sử dụng là khác nhau. Do vậy không thể vì nhà nước quản lý vợ con, tài sản các ông thì nhà nước được sử dụng vợ con, nhà cửa của các ông được.

Thế nhưng, tất cả đều “ngậm hột thị” và không hề có câu trả lời và chính sách cướp vẫn cứ hiện hữu.

Khu đất DCCT Thái Hà cũng không là ngoại lệ. Năm 1971, khu Tu viện DCCT Thái Hà với một số nhà cao tầng được xây dựng từ những năm 1928-1931 đã bị nhà nước “Mượn” để sử dụng cho trường học mặc dù khi đó, người quản lý Tu viện là Linh mục Giuse Vũ Ngọc Bích đã thẳng thắn bảo rằng: “Tôi chỉ là người quản lý, tôi không có quyền cho mượn”. Thế nhưng, viên Trưởng khu Đống Đa (Quận trưởng ngày nay) đã không sử dụng ngay luật rừng: “Ông không có quyền thì chúng tôi có quyền”. Và bằng vũ lực chiế luôn tu viện DCCT Thái Hà biến thành trường học trá hình một thời gian và sau cướp lấy làm bệnh viện Đống Đa.

Khu đất diện tích 71,4 ha đã bị cướp, chiếm rồi mua bán, xây nhà cửa công sở, không chỉ là nhà chia nhỏ bán cho dân mà còn là nhà riêng cán bộ, ủy ban Phường… cho đến khi chỉ còn lại 2.700 mét vuông của nhà thờ không thể cướp, phá.

Chưa hết, còn một khu đất vẫn còn đầy đủ nhà cửa và cơ sở của nhà dòng bị nhà cầm quyền Hà Nội chiếm dụng thành Xí nghiệp May Chiến Thắng, sau đó bí mật chuyển Xí nghiệp may đi nơi khác và khu đất vàng này được chia thành 28 lô biệt thự cho quan chức chia nhau.

Thế nhưng, trời bất dung gian. Việc chia chác bí mật với khu đất vàng mà mỗi mét vuông thời giá cách đây 13 năm đã là 300 triệu đồng thì không ai biết. Nhưng khi một số cán bộ tiến hành đến Phường làm sổ đỏ và khởi công động thổ sau khi đã thi công xong đoạn đường bên tông vào khu đất, thì bà con giáo dân phát hiện ra.

Và cuộc đấu tranh của Linh mục, tu sĩ và Giáo dân Thái Hà bắt đầu từ đó.

Đó là cuộc đấu trí hết sức căng thẳng, cuộc đấu lực hết sức gay go kéo dài và là cuộc đấu giữa chính nghĩa với gian tà rất kịch tính.

Cả hệ thống cầm quyền đã huy động cả hệ thống chính trị cả nước lao vào cuộc đấu bằng sự lừa bịp, bằng dối trá, bằng đàn áp, súng đạn và đe dọa.

Ở đó, có đủ mọi trò ma quỷ được nhà cầm quyền Hà Nội dựng lên để thi thố trước thiên hạ, nhằm đè bẹp giáo dân Thái Hà có tinh thần bất khuất, quật cường không sợ cái xấu, cái ác và bạo quyền.

Các giáo dân, tu sĩ đã kiên quyết bám theo những quy định luật pháp và những sự thật với chứng cứ rành rẽ, rõ ràng và đầy đủ, đẩy nhà cầm quyền Hà Nội vào thế bị động đến mức muối mặt trước bàn dân thiên hạ và cả thế giới.

Một “phiên tòa” lịch sử

Hoảng hốt trước những cuộc đấu tranh kiên cường, bền bỉ và gan dạ của người công giáo cho quyền lợi chung không chỉ của mình mà của cả cộng đồng, đất nước, dân tộc… nhà cầm quyền Hà Nội rắp tâm dựng nên việc bắt bớ, giam cầm một số giáo dân Thái Hà không cần cơ sở luật pháp.

8 giáo dân bị bắt khẩn cấp và tạm giam rồi hù dọa, đàn áp bằng tinh thần đến mức khủng khiếp đồng thời đe dọa họ sẽ bỏ tù đến mục xương. Nguyên nhân bởi họ đã tham gia cầu nguyện và xô đổ bức tường tội ác nhằm lấn chiếm đất đai của Giáo xứ Thái Hà.

Trước việc bắt bớ, giáo dân Thái Hà càng tỏ ra hết sức quyết liệt và can đảm, đùm bọc yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau. Mặt khác, sự hiệp thông khắp nơi đã đến với họ, họ cảm nhận được tình đồng bào, tình đồng loại và tình cảm giữa các tín hữu với nhau trong niềm tin của mình vào Thiên Chúa.

Mặt khác, đức Tổng giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt đã thẳng thắn tuyên bố: “Nếu ai bị bắt vì cầu nguyện, tôi sẽ đi tù thay” là câu nói có sức nặng ngàn cân đã củng cố lòng tin của tín hữu vào một người cha, một người lãnh đạo có tâm và có bản lĩnh trước cái ác, trước bạo quyền.

Ngay sau khi 8 giáo dân bị bắt, Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt đã đến thăm hỏi và động viên từng gia đình nạn nhân.

Phiên tòa gọi là sơ thẩm 8 giáo dân Thái Hà ngày 8/12/2008 đã đánh dấu một bước tiến của người Công giáo Việt Nam khi biết đoàn kết đấu tranh, làm cho cả hệ thống hốt hoảng bố trí một phiên tòa tại UBND Phường Ô Chợ Dừa tít tận tầng 3. Hàng ngàn công an được bố trí khắp mọi nẻo đường đã không làm cho những giáo dân chùn bước.

Phiên tòa sơ thẩm đã phải tuyên những bản án chỉ làm ví dụ, chỉ tuyên án bằng thời gian bị tạm giữ, mà không dám xử nặng các giáo dân, thâm chí chỉ là “cảnh cáo”. Bởi nếu xử nặng các giáo dân, thì tinh thần giáo dân chắc chắn sẽ còn lên cao gấp bội. Dù vậy thì giáo dân vẫn cứ kháng án. Bởi họ vô tội.

Đến phiên tòa Phúc thẩm, nhà cầm quyền đã chọn Thị xã Hà Đông, nơi cách giáo xứ Thái Hà hơn 10 km, nhằm mục đích hạn chế số người đến dự phiên tòa.

Trước đó, tất cả hệ thống trường học, công sở, nơi công cộng và cả mọi hàng quán buôn bán, khách sạn, nhà nghỉ đã được lệnh đóng cửa cả tuần. Bố trí trong các trường học là xe chống bạo động, là thiết giáp là chó và công an dày đặc các loại.

Hệ thống tuyên truyền ra sức bôi nhọ và bịa đặt, thì càng làm cho người dân chú ý đến phiên tòa được gọi là “xét xử công khai”.

Hàng loạt người giáo dân cũng như lương dân từ khắp nơi như Sài Gòn, Đà Nẵng, Hải Phòng và nhiều nơi khác đã về Hà Nội cả tuần trước đó để chờ đến phiên tòa.

Tại Giáo xứ Thái Hà, hàng loạt giáo dân đã tề tựu hàng ngày để động viên, cầu nguyện và chuẩn bị cho ngày ra tòa, đồng hành với các nạn nhân Thái Hà.

Cả chục ngàn cành lá Thiên Tuế đã được mua và vận chuyển theo đường hàng không từ Sài Gòn ra Hà Nội và chuyển đến các giáo xứ, giáo họ tại Hà Đông, Hà Nội để kịp cho các giáo dân cầm ra tòa.

Chúng tôi cũng đã kịp thời chụp và in cả chục ngàn tấm ảnh Đức Mẹ Nữ Vương Công Lý để các giáo dân cài sẵn dây cho những người đi ra Tòa mang trên mình nhằm không để kẻ dữ trà trộn vào phá đám.

Sáng 27/3/2021, sau Thánh lễ sáng, tất cả giáo dân tập trung xếp hàng dọc đi bộ từ Nhà thờ Thái Hà đến Hà Đông.

Hàng người xếp hàng đôi đi trên vỉa hè, trật tự với quần áo đẹp đẽ tề chỉnh nhằm hướng Hà Đông mà tiến về.

Không chỉ từ phía Thái Hà, tại Hà Đông và các Giáo xứ lân cận, dù bị công an ngăn chặn đủ cách, các giáo dân vẫn bằng mọi cách tập trung với Thánh Giá và cành thiên tuế trên tay, ảnh Đức Mẹ ban ơn trước ngực hùng dũng bước bên nhau đến nơi xử án đồng đạo mình.

Cảnh tượng hùng vĩ và đẹp đẽ đã làm cho cả ngàn cảnh sát cơ động, cảnh sát các loại với đủ thiết bị, súng ống, xe cộ máy móc và chó phải thất thủ.

Đặc biệt, những cành thiên tuế trên tay các giáo dân làm cho các công an, cảnh sát ngơ ngác không hiểu ý nghĩa nó là gì. Thế nhưng, khi biết rằng, đó là biểu tượng tử đạo của người công giáo Việt Nam. Với biểu tượng đó, họ sẵn sàng chết cho Sự thật, cho Công lý, cho Hòa Bình theo chân Chúa Giesu xưa.

Nghe đến đó, hệ thống công an phát hoảng, dù trước đó một số an ninh đã trà trộn vào nhận cành Thiên tuế và ảnh Đức Mẹ để mang theo.

Và Phiên tòa đã diễn ra không ngoài dự đoán của những người biết tình hình, vẫn y án trong một phiên công khai xử kín phiên tòa công khai, và được mệnh danh là “Phiên tòa của bóng tối và ma quỷ”.

Bên ngoài, hàng chục ngàn người đã tề tựu rất đông đủ, tinh thần hết sức kiên quyết nhưng ôn hòa mãnh liệt. Họ cầu nguyện, họ hát Thánh Ca, họ nâng đỡ lẫn nhau khi chật chội, khó khăn hay nóng nực.

Tất cả đều thể hiện tinh thần trật tự, văn minh và thượng tôn luật pháp. Chính vì vậy dù đã chuẩn bị sẵn, nhưng trước tinh thần giáo dân và chẳng có lý cớ nào, nhà cầm quyền đành chấp nhận nhờ vả các linh mục hướng dẫn giáo dân khi ở hiện trường và cả khi ra về trong trật tự.

Với cả hàng chục ngàn người từ khắp tứ phương đổ về, nhưng không hề có một cuộc cãi cọ, một câu nói nặng lời hoặc lớn tiếng với nhau trong cả một ngày giữa trời nắng nóng.

Trước khi ra về, với con số cả hơn chục ngàn người, nhưng không để lại bất cứ một cái rác, một cái cây hay cành hao nào bị bẻ gãy hoặc dẫm nát.

Những điều đó, đã làm nên một phiên tòa lịch sử để lại nhiều ấn tượng xúc động mạnh mẽ, hơn vạn lời nói của nhà cầm quyền cộng sản tuyên truyền ra rả suốt ngày đêm.

Cuộc tuần hành đến phiên tòa đã để lại những cột mốc đáng nhớ trong lịch sử người công giáo Việt Nam nói riêng và người Việt Nam nói chung trên bước đường giành lấy quyền được làm người, quyền tự do, dân chủ của mình.

Cũng chính những giáo dân này, là lực lượng chính trong những cuộc tuần hành, biểu tình vì biển đảo, vì lãnh thổ Tổ Quốc và chống bọn bá quyền nước lớn trong những cuộc gây hấn của Trung Quốc trên biển sau này.

Tạm kết

Cuộc tuần hành đến phiên tòa lịch sử đã trôi qua 12 năm, nhưng những ấn tượng về phiên tòa luôn đọng lại trong mỗi giáo dân, mỗi người ngoài công giáo có mặt hoặc ở trên quãng đường từ Hà Nội đến Hà Đông và những người tham gia giao thông trên tuyến đường đó.

Nó cũng gây xúc động mạnh đến hàng triệu người trên thế giới theo dõi qua mạng Internet với những hình ảnh sống động.

Cho đến cuối cùng, với sự đấu tranh kiên quyết của giáo dân tại đây cũng như sự hiệp thông khắp nơi không chỉ ở Việt Nam mà cả khắp nơi trên thế giới, tương tự tại Tòa TGM Hà Nội, nhà cầm quyền Hà Nội đã phải nhả hai khu đất vàng đó ra để làm vườn hoa công cộng mà không thể chia chác, để rồi sau đó lại định xà xẻo đất đai công viên, công cộng nơi khác đền bù lại. Nhưng đã gặp phải sự phản đối của toàn xã hội.  

Đó là một thất bại, không chỉ với các quan tham trong hệ thống cầm quyền mất miếng ăn béo bở ngay trước mắt, mà còn là một thất bại của nhà cầm quyền Việt Nam khi sự thật được phơi bày, ở đó mọi sự tráo trở, mọi sự lấp liếm và dối trá đều bị vạch trần không chỉ trước toàn dân Việt Nam mà cả thế giới.

Một điều hết sức có ý nghĩa khác, là bắt đầu từ đó, người dân Việt Nam đã hiểu được phần nào những quyền của mình, quyền được sống, quyền được tự do tín ngưỡng mà lâu nay chỉ thấy trên Tivi và miệng quan chức cộng sản. Và để có quyền đó, hẳn nhiên cần phải đấu tranh, không có điều gì là miễn phí.

Cuộc đấu của giáo dân Thái Hà, cũng là bước đầu việc sử dụng mạng Internet để chiến đấu chống lại sự tuyên truyền bịp bợm, dối trá của nhà cầm quyền Cộng sản vốn lâu nay “múa gậy vườn hoang” bằng bịa đặt, lừa đảo… nay bị liên tiếp vạch mặt bằng từng bài viết, từng chi tiết, từng sự kiện. Điều này làm cho cả hệ thống hết sức lúng túng và bất lực. Chỉ vì một điểu rất đơn giản: Họ không có sự thật, mà sự thật thì có sức công phá khủng khiếp vào dối trá và bất nhân.

Cũng bắt đầu từ cuộc đấu tranh này, những người ngoài công giáo, trước đây vốn nhìn người Công giáo như một thứ hủ lậu, kém văn minh, tiến bộ và phản động do tiếp thu hệ thống thông tin dối trá cộng sản vốn thù địch với tôn giáo từ trong trứng nước, nay họ thấy ở đó sự chính nghĩa, sự thật, sự đoàn kết và yêu thương, sự thượng tôn luật pháp một cách văn minh và ý nghĩa. Kể từ đó, người Công giáo Việt Nam có thể đàng hoàng xưng tôn giáo của mình ở mọi nơi, mọi lúc mà không cần phải quan ngại, giấu diếm như trước.

Một số hình ảnh về phiên tòa ngày 27/3/2009:

Ngày 27/3/2021

Kỷ niệm 11 năm, ngày Cuộc tuần hành đến Phiên tòa 8 giáo dân Thái Hà

J.B Nguyễn Hữu Vinh