You are here

Tại sao giá bất động sản vẫn tăng?

Ảnh của nguyenngocgia
Báo Thanh Niên ra ngày 17 tháng Ba năm 2021 cho hay [1]: "...dù hầu hết các ngành kinh tế đều gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch nhưng giá bất động sản dường như vẫn "đứng ngoài vòng xoáy" khi liên tục tăng...".
 
Thị trường mua bán bất động sản đã chống lại quy luật cung - cầu của nền kinh tế thị trường.
 
Cho đến nay, nhân loại đúc kết chỉ có Kinh tế thị trường và Kinh tế phi thị trường. Chỉ có nền kinh tế do nhà cầm quyền CSVN tự đặt ra mang tên "Kinh tế thị trường định hướng XHCN" - vốn không có thật.
 
Trong phạm vi bài viết này, tác giả xin phép chỉ đề cập đến thị trường mua bán bất động sản.
 
Chính khái niệm ""Kinh tế thị trường định hướng XHCN" đã làm méo mó thị trường bất động sản. Bởi kinh tế thị trường không phải là một ý thức hệ, mà nó là một hệ thống các tập tục và thiết chế đã được kiểm nghiệm qua thời gian để làm sao mọi cá nhân và công ty có thể thuận mua vừa bán bất động sản một cách ổn thỏa (tức là tránh cả việc tránh chấp, lừa đảo, vi phạm pháp luật đủ kiểu v.v...)
 
Kinh tế thị trường có 2 bản chất căn bản:
 
1. Bản chất thứ nhất: Phi tập trung, linh hoạt, thực tế và có thể thay đổi được.
2. Bản chất thứ nhì: Không hề có một trung tâm điểm chi phối.
 
Thị trường bất động sản Việt Nam vi phạm 2 bản chất nói trên. Tức là:
 
1. Sản phẩm bất động sản (dù là đất nền, nhà xây sẵn, căn hộ, resort, khu du lịch gọi là "tâm linh" v.v...) đều chịu sự điều khiển tập trung của nhà nước (vì đất đai thuộc sở hữu nhà nước) bởi Hiến pháp, Luật Đất đai và các văn bản dưới luật. Do vậy, sản phẩm bất động sản kém linh hoạt (luôn phụ thuộc vào chính sách, như: khung giá đất phi thực tế, các bộ luật và quy định dưới luật đều ấu trĩ khi soạn thảo, phi thực tế khi thông qua thành luật và chúng nhanh chóng lạc hậu so với thực trạng xã hội) và những điều này không thể thay đổi (nếu gọi là thay đổi chỉ là thay đổi hình thức (không thay đổi nội dung); thay đổi hiện tượng (không thay đổi bản chất) và tất cả những thay đổi đó đều mang tính duy ý chí).
 
2. Từ đó, tất cả các dự án bất động sản quy mô lớn hay nhỏ đều phải bám vào nhà nước (tức là trung tâm điểm chi phối toàn diện).
 
Từ phân tích trên, cho thấy, tất cả các nhà đầu tư đều phải xoay quanh trung tâm điểm: NHÀ NƯỚC. Nhưng thị trường bất động sản Việt Nam không phải là vòng tròn đều, đồng tâm. Thay vào đó, nó là một một địa hình phức tạp và hỗn hợp từ việc vi phạm bản chất kinh tế thị trường (tạm gọi thị trường vô định hình). Chính thị trường vô định hình như vậy đã đẩy giá bất động sản cao tới mức vô lý mà mọi người đều biết.
 
Ông Nguyễn Bá Thanh lúc chuẩn bị nhậm chức Trưởng ban Nội chính Trung ương từng nói: “Miếng đất giá trị 100 tỉ đồng, ông đưa lên 500 tỉ. Lẽ ra 100 tỉ thì được vay 60 tỉ, nhưng vì ông đưa lên 500 tỉ nên họ được vay 300 tỉ” và ông Thanh đòi “rà vô ngân hàng, cho hốt liền, không nói nhiều” - Một phát ngôn gây sốc xã hội của 8 năm trước, cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị, bởi lời nói đó trở thành di sản của Nguyễn Bá Thanh và di họa cho xã hội đến ngày nay với giá mua bán bất động sản vẫn tăng bất chấp nền kinh tế suy yếu rất nhiều.
 
Hãy hình dung, mảnh đất nói trên là đời F0. Trong khi đó, dự án càng lớn tức thời gian thực hiện càng dài. Cộng với nhiều tác động từ bên ngoài (nhưng mang tính trực tiếp) thị trường bất động sản, các thế hệ F1, F2, F3 v.v... tiếp nối ra đời. Lúc đó, mảnh đất ban đầu không còn là 300 tỉ nữa mà nó đã ở mức có thể là 3.000 tỷ và thậm chí cao hơn nữa, sau mỗi lần món nợ được làm xảo thuật gọi là "đảo nợ".
 
Cùng với lý giải nêu trên, chính nhà cầm quyền CSVN luôn tạo ra tâm lý rất tai hại cho người dân:
 
- Bất động sản không bao giờ giảm giá, chỉ có tăng nhiều hay rất nhiều.
- Đồng tiền Việt Nam không bao giờ tăng giá, chỉ có giảm nhiều hay rất nhiều.
 
Tâm lý nói trên gây nguy hiểm không chỉ cho thị trường bất động sản. Nguy hại lớn hơn rất nhiều, việc rẻ rúng đồng nội tệ đã tự tay đẩy nền kinh tế Việt Nam vào ngõ cụt, khi Hoa Kỳ đã đưa nền kinh tế thị trường định hướng XHCN vào danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ. Cho đến hiện nay, vấn đề nghiêm trọng này vẫn giữ nguyên tính chất "thòng lọng" cho nền kinh tế Việt Nam đang lả sức chống chọi trong cơn suy thoái từ đại dịch virus Vũ Hán.
_________________
 
Nguyễn Ngọc Già