You are here

Con đường dân chủ Myanma: quá gian truân và đầy thử thách

Ảnh của nguyenvubinh

Myanmar còn gọi là Miến Điện. Tên chính thức là Cộng hòa Liên bang Myanmar, là một quốc gia có chủ quyền tại Đông Nam Á. Myanmar có biên giới với Bangladesh, Ấn Độ, Trung Quốc, Lào và Thái Lan. Một phần ba tổng chu vi của Myanmar là đường bờ biển giáp với vịnh Bengal và biển Andaman. Theo số liệu nhân khẩu của Liên Hợp Quốc, Myanmar có khoảng 55,5 triệu cư dân. Myanmar có diện tích 676.577 km². Thủ đô của quốc gia này là Naypyidaw còn thành phố lớn nhất là Yangon.

Trong hầu hết thời gian độc lập (từ 1948), Myanmar đã xảy ra xung đột dân tộc tràn lan, trở thành một trong các cuộc nội chiến kéo dài nhất vẫn đang diễn ra. Myanma có một nền tảng chính trị vô cùng phức tạp, ảnh hưởng nặng nề bởi quân đội. Sau Thế chiến thứ II, năm 1948, Myanma có một chính quyền dân sự, dân chủ. Tuy nhiên, tới năm 1962 thì chính phủ dân chủ kết thúc sau một cuộc đảo chính của các tướng lĩnh. Những người lãnh đạo Myanma đã theo đường lối XHCN (năm 1974 đổi tên nước là CHXHCN Liên bang Miến Điện). Các cuộc đấu tranh,  biểu tình của người dân liên tục nổ ra, đỉnh điểm là cuộc nổi dậy 8888, tức ngày 8/8/1988 đưa đất nước tới bờ vực của cách mạng. Sau đó là một cuộc đảo chính để vãn hồi trật tự, dọn đường cho một cuộc bầu cử quốc hội nhân dân năm 1990. Nhưng kết quả cuộc bầu cử đã bị hủy bỏ, lãnh đạo đảng thắng cử Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) là bà Aung San Suu Kyi bị quản thúc tại gia. Bằng các cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ của người dân Myanma, và sức ép của cộng đồng quốc tế, năm 2015, Myanma tổ chức cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên (sau cuộc bầu cử bị hủy bỏ kết quả 1990) và đảng NLD của bà Aung San Suu Kyi chiến thắng dành 75% số ghế trong quốc hội. Trong sự thỏa hiệp với phe quân đội, quân đội Myanma được mặc định 25% số đại biểu quốc hội. Đồng thời quân đội vẫn nắm toàn bộ lực lượng vũ trang và an ninh ở quốc gia này. Đây chính là kết quả sự thỏa hiệp bằng đấu tranh và sức ép can thiệp từ nước ngoài, cũng là vấn đề nan giải cho chính phủ dân sự, dân chủ non trẻ của Myanma từ 2015 tới nay. Nền tảng chính trị của Myanma như vậy có hai đặc điểm cần lưu ý. Thứ nhất, ảnh hưởng của giới quân sự có tính truyền thống, và cho đến trước cuộc đảo chính ngày 01/02/2021 mới đây vẫn là rất lớn; thứ hai, chính phủ dân sự không nắm được quân đội và an ninh, cảnh sát nên rất mong manh.

Với nền tảng chính trị  phức tạp như vậy, chính phủ dân sự  của Myanma mới chỉ trải qua một nhiệm kỳ, cuộc đảo chính đã xảy ra. Nguyên nhân trực tiếp là việc tranh chấp quyền lực lãnh đạo đất nước giữa quân đội dưới quyền chỉ huy của Tổng tư lệnh Min Aung Hliang với chính phủ dân sự do bà Aung San Suu Kyi và đảng NLD (đảng Liên minh Quốc gia vì dân chủ) lãnh đạo. Sâu xa hơn, đó là cuộc đối đầu giữa lợi ích truyền thống của quân đội Myanma với mong muốn tự do của người dân Myanma khi ý thức và dân trí được nâng cao. Quân đội lấy lý do cuộc bầu cử quốc hội hồi tháng 11/2020 có gian lận (chưa được chứng minh) với kết quả đảng NLD được đa số phiếu bầu, tuy quân đội được mặc định số phiếu 25% theo hiến pháp, nhưng tổng tư lệnh Min Aung Hliang sẽ kết thúc nhiệm kỳ nếu như không thực hiện cuộc đảo chính. Như vậy, lồng trong lợi ích quân đội còn có lợi ích cá nhân của tướng Min Aung Hliang. Việc đảo chính và bắt giữ bà Aung San Suu Kyi cùng một số lãnh đạo của NLD dẫn tới các cuộc biểu tình của nhân dân Myanma, quân đội đã đàn áp làm gần 100 người thiệt mạng, hơn 2000 người bị bắt và hiện nay, vẫn đang rất căng thẳng giữa hai bên.

Tình hình Myanma hiện nay vô cùng phức tạp và nan giải do có những vấn đề thuộc về quá khứ với lợi ích truyền thống của quân đội để lại, có những vấn đề về tình hình quốc tế hiện nay.

Nan giải nhất vì tình trạng hiện nay là do quá khứ để lại, và quá trình chuyển đổi từ chế độ độc tài quân sự sang chế độ dân chủ. Năm 1962, các tướng lĩnh cướp được chính quyền và từ đó duy trì một chế độ độc tài quân sự gần nửa thế kỷ. Giới quân sự và lực lượng thân cận đã cắm rễ, ăn sâu vào nền kinh tế cũng như các hoạt động mọi mặt trong đời sống của người dân Myanma. Khi chính quyền dân sự được thành lập, vì phải có sự thỏa hiệp nên chính phủ không nắm giữ được quân đội và lực lượng an ninh, cảnh sát nên không có thực quyền, không có quyền lực khi xảy ra các biến cố. Sự đối đầu giữa một chính phủ dân sự, chỉ có sự ủng hộ của người dân với một lực lượng nắm giữ quân đội, an ninh, cảnh sát và các doanh nghiệp chủ lực của đất nước chính là nan đề cho nền dân chủ của Myanma.

Bối cảnh quốc tế hiện nay cũng không hoàn toàn thuận lợi cho chính phủ dân sự và người dân Myanma. Một mặt, vụ khủng hoảng trong quan hệ của bà Aung San Suu Kyi với các nước phương tây liên quan tới việc nhà nước Myanma đàn áp người Rohingya, một tộc người thiểu số có mối quan hệ đối kháng phức tạp với chính quyền và người dân Myanma. Do khủng hoảng quan hệ với phương tây, bà Aung San Suu Kyi và chính phủ Myanma đã quay sang tìm sự hậu thuẫn của Trung Quốc và Nga nhiều hơn. Điều này cũng đã làm giảm sự ủng hộ của phương tây đối với bà Aung San Suu Kyi, tức cũng giảm sự ủng hộ với Myanma phần nào. Mặt khác, phản ứng của quốc tế về vấn đề Myanma là có, nhưng thiếu sự quyết liệt và đồng bộ, thống nhất vì vậy áp lực lên phe quân đội không đủ mạnh. Đó cũng là vấn đề nan giải của Myanma.

Tất cả các nước đi tới dân chủ đều phải trải qua nhiều thăng trầm biến động, các nước trong khối ASEAN cũng không pải là ngoại lệ. Hi vọng người dân và đất nước Myanma sẽ đấu tranh và đi tới cùng, đạt được một nền dân chủ loại bỏ hoàn toàn ảnh hưởng của giới quân đội vào nền chính trị và đời sống của người dân./.

Hà Nội, ngày 15/3/2021

N.V.B