You are here

Vụ án Đồng Tâm - Một mùa bội thu "hoa hôi trái đắng"

Phiên phúc thẩm vụ án Đồng Tâm vừa đóng lại sau 2 ngày xử án, ngày 8 và ngày 9 tháng Ba năm 2021, với kết quả y án như phiên sơ thẩm. Trong đó có 2 án tử hình của các ông: Lê Đình Công và Lê Đình Chức cùng 1 án chung thân của ông Lê Đình Doanh. Cả 3 người đều là con cháu của ông Lê Đình Kình - người đã bị bắn chết vào ngày 9 tháng Giêng năm 2020, trong một vụ giữ đất thất bại của tập thể dân làng Đồng Tâm.
 
Trả lời đài BBC [1], các luật sư tham gia phiên tòa yêu cầu nhiều bằng chứng, trong đó kế hoạch 419a/KH-PV01-PV02-MP được cho là quan trọng nhất. Yêu cầu này không được đáp ứng, bởi nó được phía Tòa coi là tài liệu tuyệt mật, dù kết quả phiên tòa đã công khai. Đó là mấu chốt khả ố nhất, gây chê cười về tính bất hợp pháp của nhà cầm quyền CSVN vốn luôn tự nhận là một nhà nước pháp quyền.
 
Đài RFA có bài "Y án vụ Đồng Tâm: Chính quyền coi dân là thế lực thù địch?" [2], trong đó, luật sư Nguyễn Anh Tuấn day dứt với đài RFA bằng câu hỏi nhà cầm quyền CSVN "muốn gửi thông điệp gì đến người dân?" và ông bày tỏ: "Hay họ nghĩ dân là thế lực thù địch chứ không phải là những người chủ của đất nước này. Tôi thấy rất bi quan về cái suy nghĩ của những người ở mức thượng tầng".
 
Gần như ngay lập tức sau phiên tòa phúc thẩm, mạng xã hội trở thành lò lửa khổng lồ để rất nhiều người trút cơn phẫn nộ và đau buồn với đủ mọi trạng thái cảm xúc. Đặc biệt, vô vàn lời nguyền rủa dành cho phiên tòa.
 
Hầu hết dư luận đều đứng về phía dân làng Đồng Tâm với nỗi niềm "lực bất tòng tâm", bởi tất cả đều là dân đen.
 
Nhà báo Huy Đức cho rằng [3]: "Hãy xử đúng tội danh chứ đừng khép những tội để có thể tử hình họ. Mạng đổi mạng là trả thù chứ không phải là công lý. Đừng xử theo cách mà trăm năm sau người đời phải còn phán xử".
 
Nhà báo Nguyễn Thông phẫn nộ thốt lên [4]: "Nửa đêm nửa hôm, ngang ngược xông vào nhà người ta, bất chấp pháp luật, bắn thẳng vào chủ nhà vốn là đồng chí đồng đội của mình. Tội ác ấy, trời nào dung tha.Bắn cha xong, bắt luôn con, lợi dụng quyền lực súng đạn tòa án trong tay, khép 2 người con vào tội chết, không khác gì án tru di man rợ ngày xưa. Tội ác ấy, trời đất nào dung tha"
 
Nhà văn Đoàn Bảo Châu cảm thán [5]: "Phía chính quyền đã chủ động tấn công vào một nhà đảng viên hơn 50 tuổi đảng, một người đã tin tưởng tuyệt đối vào đảng và tin là sự đấu tranh của ông và các con cháu sẽ được lãnh đạo quan tâm giải quyết. Tôi thừa nhận việc họ dùng vũ khí để chống lại sự tấn công của chính quyền là không nên, là dại nhưng như tôi nói nhiều lần họ sai một thì chính quyền sai mười khi chủ động tấn công vào nhà của họ ngay giữa đêm. Chính quyền, toà án, luật pháp trong tay, sao phải hành động quái gở như vậy? Đã có bao bài viết của những con người có lương tri vạch ra những diễn giải ngớ ngẩn, phi lý của sự việc, người phát ngôn thì thay đổi kịch bản đến mấy lần. Nhớ giúp cho là sự thật là duy nhất nhưng nói láo thì có nhiều phiên bản. Như vậy thì khác nào tru di tam tộc một gia đình đảng viên. Chính quyền ở Việt Nam có vẻ như không bao giờ sai và chuyện nhận lỗi là xa lạ, là không tưởng. Quả là man rợ, lưu manh & bất nhân!".
 
Trong cơn cuồng nộ đó, tất cả các ý kiến xoay quanh việc kết án đều quy về "Bốn Lẽ":
 
- Pháp lý: không đủ căn cứ kết tội.
 
- Đạo lý: tàn ác, phi nhân tính.
 
- Đảng lý: Ông Lê Đình Kình và con cháu không nên bị giết chết, bởi họ luôn trung thành với ĐCSVN.
 
- Chế độ chính trị lý: Dù khái niệm "tru di tam tộc" không đúng (tam tộc tức là: họ cha, họ mẹ và họ bên vợ) khi dùng cho vụ án làng Đồng Tâm nhưng ý nghĩa của những người dùng khái niệm này, dường như muốn ám chỉ hành vi giết chết ông Kình và các con-cháu là một "thuộc tính" tàn ác độc địa nhằm gây ra thảm trạng "tuyệt tử tuyệt tôn" với mục đích không còn người nối dõi để tránh cảnh báo oán nhà vua lâu dài về sau, vốn tồn tại dưới chế độ phong kiến.
 
Việc giữ đất bất thành tại làng Đồng Tâm là cuộc đối đầu bằng bạo lực với quy mô lớn nhất tại Việt Nam suốt 45 năm qua, tính từ 1976 - Năm khai sinh ra nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (ngày 2 tháng 7 năm 1976 - Quốc hội khóa VI).
 
Việc giữ đất bất thành tại làng Đồng Tâm là cuộc đối đầu bằng bạo lực có tổ chức rõ ràng từ người dân với tên gọi "Tổ Đồng Thuận".
 
Việc giữ đất bất thành tại làng Đồng Tâm là cuộc đối đầu bằng bạo lực có lãnh đạo tinh thần uy tín nhất (tức là ông Lê Đình Kình với tư cách đảng viên có 58 năm tuổi đảng).
 
Ba lý do (quy mô, có tổ chức, có lãnh đạo tinh thần) đã đủ đánh bại Bốn Lẽ nói trên. Ba lý do này cũng là câu trả lời cho câu hỏi của luật sư Nguyễn Anh Tuấn về thông điệp từ nhà cầm quyền CSVN gởi đến dân chúng.
 
Bất kỳ một vụ án hình sự nào trên thế giới cũng mang một thông điệp chung đến cho người dân từ bất cứ nhà nước nào, đó chính là "Thượng tôn Pháp luật" (Rule of Law). Tuy nhiên, trong chế độ độc đảng toàn trị, bây giờ nên thay bằng một khái niệm mới mang tên "Thượng Tôn Đảng lý" (Rule of Communist).
 
Xung quanh "vụ án giáng thẳng búa liềm" vào người dân làng Đồng Tâm vô tội, nhiều ý kiến băn khoăn, liệu nhà cầm quyền CSVN gặt hái gì từ những cái chết oan khiên như vậy? Thưa rằng: Bộ Chính trị nói riêng và ĐCSVN nói chung nhận được một vụ mùa bội thu với "hoa hôi trái đắng" mang tên "lòng căm thù giặc sâu sắc" được nhồi sọ triền miên qua nhiều thế hệ (hãy kiểm chứng "lòng căm thù giặc sâu sắc" trên Google với trên 260.000 kết quả).
 
Vụ án Đồng Tâm được khép lại với lời cảm thán từ luật sư Hà Huy Sơn: “Cơ hội để hóa giải bất thành. Mối hận sẽ đi vào thiên sử”.
 
Rõ ràng, nhà cầm quyền CSVN thất bại hoàn toàn về nhân tâm, ngay trong lòng những ai được sinh ra, lớn lên trong cái nôi XHCN và đã lỡ dại "mãi mãi đi theo người" - một câu hát kinh điển trong nhạc phẩm "Đảng Là Cuộc Sống Của Tôi" [4] do nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn sáng tác với chất giọng tenor quý hiếm của nam ca sĩ Trọng Tấn.

________________