You are here

Bỏ Tết cổ truyền, ăn Tết dương lịch: được gì, mất gì? (kì 2)

Bài trước tôi có đề cập vấn đề về mối liên hệ giữa tâm thức nông nghiệp của người Việt với Tết cổ truyền. Và, nói cho cùng thì trong thời điểm này, nếu có ai đó hô hào, kêu gọi bỏ Tết cổ truyền để ăn theo Tết dương lịch thì kỳ thực, đây chẳng phải là vấn đề yêu nước, thoát Trung hay chống bành trướng phương Bắc gì. Đơn giản, đó là suy nghĩ vọng ngoại ngớ ngẩn và nông cạn.

Hơn nữa, đó cũng là một kiểu đi trên vết xe của một số nước đã theo phương Tây, đã công nghiệp hóa hoàn toàn và thành công. Trong đó, tiêu biểu là Nhật Bản. Và, bối cảnh Việt Nam hiện nay, dù chỉ nửa bước đi theo Nhật Bản trong việc bỏ Tết cổ truyền cũng đã quá sai lầm! Đó là chưa nói đến vấn đề văn hóa, chính trị và cơ địa quốc gia.

Có hai vấn đề cần đặt ra ở đây: Tại sao đi theo vết xe của Nhật Bản thì Việt Nam hoàn toàn thất bại? Cơ địa quốc gia là cái gì?

Vết xe Nhật Bản…

Ở vấn đề thứ nhất, có rất nhiều bài viết mà các tác giả dựa trên nền tảng các phát triển của Nhật Bản để dẫn dụ đến chuyện nên bỏ Tết cổ truyền, ăn theo Tết dương lịch. Trong khi đó, Nhật Bản bỏ Tết cổ truyền của họ có phần hợp lý, còn Việt Nam thì không, thậm chí hết sức vô lý. Bởi có một thực tế rất rõ, Nhật Bản không phải là một quốc gia có nhiều diện tích nông nghiệp như Việt Nam, Nhật Bản là quốc gia không có tài nguyên. Và thiên tai, động đất đến với họ bất cứ giờ nào. Nhật Bản là một quốc gia công nghiệp hàng đầu khu vực, thậm chí hàng đầu thế giới.

Nói như vậy để thấy rằng nước Nhật trong quá trình công nghiệp hóa của họ, buộc phải học theo tác phong công nghiệp, nhất là giai đoạn lịch sử mà họ chọn công nghiệp hóa chưa hề có internet (cũng do đó không thể có các cuộc đàm phán hợp đồng hoặc ký kết hợp đồng thông qua internet), họ buộc lòng phải điều chỉnh cả các thói quen, tập tục và truyền thống để đảm bảo phù hợp với lịch làm việc (giao dịch trực tiếp) với/của các đối tác phương Tây, để đảm bảo không mất đối tác. Đặc biệt, với tư thế một quốc gia thua cuộc trong chiến tranh thế giới II, họ không có quyền lựa chọn nhiều, hoặc là chấp nhận thay đổi toàn triệt theo phương Tây để tồn tại, phát triển, hoặc dừng tại chỗ với một quốc gia nghèo tài nguyên, nghèo khoáng sản và hơn nữa là đầu hàng, thua trận sau chiến tranh. Chính lịch sử, lý lịch dân tộc đã buộc Nhật Bản phải lựa chọn như vậy, và họ đã lựa chọn đúng, sự lựa chọn thông minh của họ đã cho ra thành quả hôm nay.

Nhưng, bên cạnh sự thông minh, nhạy bén này, tính minh triết, tĩnh lặng của Nhật Bản bị lấy đi rất nhiều. Nhật Bản u mặc, trầm tĩnh bị thay thế bởi một Nhật Bản năng nộng, cuống cuồng mặc dù căn tính của họ vẫn là một dân tộc trầm tĩnh, u mặc, sâu sắc. Điều này dẫn đến hệ quả không ít thanh niên bị trầm cảm do vòng quay công nghiệp và phần lớn người Nhật muốn quay về với nếp sống truyền thống.

Còn Việt Nam thì sao? Hiện tại, Việt Nam là nước đang phát triển, và trong các mũi nhọn phát triển kinh tế, ngành du lịch – công nghiệp không khói – thu về nhiều tỉ USD mỗi năm. Trong mũi nhọn kinh tế mang tên Du Lịch này, Tết là sản phẩm độc đáo nhất, bởi Tết cổ truyền không diễn ra cùng lúc với Tết dương lịch và đến sau chừng một tháng, đây là thời gian để khách bên ngoài vào tìm hiểu, tham quan và khám phá tập tục, truyền thống, cảnh quan Việt Nam tốt nhất. Nói không ngoa thì chỉ riêng mùa Xuân, ngành du lịch Việt Nam đã thu về số tiền rất lớn so với các tháng còn lại của năm.

Cơ địa quốc gia…

Kinh tế, đó chỉ mới luận điểm nhỏ khi bàn về Tết cổ truyền, trong đó, vấn đề cơ địa quốc gia mới đáng bàn. Nếu chỉ vì thoát Trung, chúng ta bỏ Tết âm lịch thì e rằng đây là quan điểm quá cố chấp và sai lầm. Bởi văn minh, văn hóa không có ranh giới, không có biên kiến mà chỉ có đặc trưng. Tự giới hạn mình bằng cách bỏ qua, không tiếp thu và thừa kế cái hay thì e rằng, đến một lúc nào đó, phải đập bỏ cố đô Huế bởi đây là phiên bản giống hệt Tử Cấm Thành của Trung Quốc thu nhỏ, và đến một lúc nào đó lại phải đập bỏ toàn bộ phố cổ Hội An, Hà Nội, Phố Hiến… bởi nó cũng là một phiên bản khác theo kiến trúc Tàu. Xa hơn nữa, lại phải đập bỏ toàn bộ các công trình có liên quan đến Pháp bởi họ là nước đô hộ… Nói cho cùng, thì đến một lúc nào đó, ngoài bỏ Tết cổ truyền lại bỏ luôn Tết dương lịch bởi đây là loại Tết của thực dân. Nếu nói bỏ vì một lý do nào đó thì có quá nhiều lý do để bỏ. Nhưng giữ vì một lý do duy nhất là bảo tồn văn hóa thì dễ bị soi mói rằng “đó có phải là văn hóa Việt?”. Con người vốn dĩ đa đoan và cực đoan.

Nói như vậy để thấy rằng đôi khi căn tính dân tộc đi ngược với cơ địa dân tộc, nhưng đôi khi hòa hợp làm một. Hiện tại, căn tính người Việt đương nhiên phù hợp với cơ địa quốc gia, tuy vẫn có một số người đi ngược. Bởi cơ địa của Việt Nam, dù nói gì thì vẫn cứ là cơ địa nông nghiệp. Và cơ địa nông nghiệp là một lợi thế phát triển khi thế giới đang ngày càng biến động vì thời tiết thay đổi, dịch bệnh tràn lan và nhiều nơi trở nên khô cằn. Khi thời tiết thay đổi, nhiều nơi bị sa mạc hóa trong lúc dân số thế giới vẫn tăng phi mã thì chắc chắn khủng hoảng lương thực sẽ xảy ra trong một sớm một chiều. Lúc đó người ta mới thấy được giá trị thực thụ của nền nông nghiệp ổn định. Chỉ riêng trong đại dịch Covid-19 năm 2019 – 2020, Việt Nam bình ổn hơn nhiều nước mặc dù vẫn có nhiều ca nhiễm dịch và nhiều ổ dịch bùng phát là vì Việt Nam là nước nông nghiệp.

Chính vì sự ổn định trong dự trữ lương thực gia đình cộng với tính ổn định trong dự trữ lương thực quốc gia nên an ninh lượng thực Việt Nam không hề suy suyễn trong suốt một năm dịch giã. Trong khi đó, Hoa Kỳ, Trung Quốc là những quốc gia siêu cường, nhưng khi dịch bùng phát, tình trạng khan hiếm lương thực cục bộ ở một số nơi là có thật, và tình trạng hôi lương thực, cướp giật siêu thị cũng diễn ra trên nhiều nước phát triển, nước giàu. Vì họ có nhiều tiền nhưng tiền không thể ăn cứu đói khi xuất nhập khẩu đình trệ, cuối cùng họ cần lương thực. Trong thời đại hiện nay, việc ổn định nền nông nghiệp, cơ giới hóa, thậm chí số hóa nông nghiệp là hết sức cần thiết và có tính sống còn của quốc gia, dân tộc. Muốn ổn định nông nghiệp, phải ổn định các giá trị vô hình của nông nghiệp. Trong các yêu cầu ổn định nông nghiệp, giữ Tết cổ truyền là vấn đề cốt lõi.

Khi nói tới Tết cổ truyền, giữ hay bỏ, rồi Tết cổ truyền ảnh hưởng bởi Trung Hoa như thế nào, người ta hay bàn về lịch pháp, hay nói về âm lịch. Kỳ thực, Tết cổ truyền chả có liên quan gì đến âm lịch, còn gọi lịch âm, tức lịch Tàu. Tết cổ truyền ăn theo Nông Lịch, và Nông lịch có từ thời nhà Hạ, thời đó chẳng có nước Trung Hoa hay Trung Quốc như bây giờ, và cũng chưa có Khổng Nho, chưa có Cộng sản Trung Quốc… Hay nói khác đi là ngay cả Trung Hoa cũng lấy nông lịch làm chuẩn để ăn Tết của họ. Vì họ thấu hiểu rằng họ cũng là quốc gia nông nghiệp, mùa màng, thời vụ đều dựa vào chu kỳ mặt trăng. Đây là mấu chốt vấn đề.

Vấn đề thời tiết, mùa vụ và thủy triều hoàn toàn phụ thuộc vào lực hấp dẫn của mặt trăng, thủy triều lên, thủy triều xuống đều phụ thuộc chu kỳ mặt trăng, mưa gió, thời tiết, khí hậu và thiên tai cũng phụ thuộc vào chu kỳ mặt trăng. Ngay cả chu kỳ của con người cũng phụ thuộc vào chu kỳ mặt trăng. Và đương nhiên, chu kỳ trái đất bị ảnh hưởng bởi chu kỳ mặt trăng, năng lượng trái đất được bảo toàn bởi mặt trời nhưng bị méo mó hay tròn trịa lại do mặt trăng. Trong thái dương hệ, mặt trời là định tinh, mặt trăng chuyển động, trái đất chuyển động. Mọi thứ chu kỳ đều phụ thuộc vào tác nhân chuyển động, sự chuyển động gây biến động chứ không bao giờ do cái đứng yên.

Nói dông dài như vậy để thấy rằng việc chọn ăn Tết theo dương lịch đối với người Á Đông là bất khả thể. Bởi vì người Á Đông không có nền tảng kinh tế thương mại như người phương Tây. Nói tới người phương Tây là nói tới những chuyến thương thuyền, buôn bán, dịch vụ, thương mại khắp thế giới từ thời chưa có lịch Julius chứ đừng nói tới lịch Gregory. Và khi có tuyết, khi mùa đông tới, khi các hoạt động thương mại đóng băng là lúc người ta chọn nghỉ Tết, chọn kết thúc một năm tài khóa, một năm thương mại.

Điều này hoàn toàn khác với nông nghiệp. Bởi với kinh tế nông nghiệp, đặc biệt các chu kỳ kinh tế bị ảnh hưởng nặng bởi chu kỳ mặt trăng như Việt Nam và các nước Á Đông thì việc ngủ đông chỉ là tạm thời, tránh thiên tai, để rồi khắc phục. Và lương thực, tiền tệ dự trữ cho ngủ đông không thể là khoản để ăn Tết được. Chỉ sau khi mùa màng phục hồi, sau khi ổn định sản xuất, có thể làm lụng kiếm cái ăn, người ta mới đón Tết được. Hơn nữa, vạn vật sau khi ngủ đông, đất đai được vỡ, được cày bừa, gieo trồng, cây đâm chồi nảy lộc lấy lại sự sống, thời tiết ấm áp, cây đơm hoa kết quả thì người ta mới đón Tết. Cái Tết là một nụ hoa khác trong tâm thức nhân quần, nó nở cùng với đóa hoa tự nhiên. Đây là điểm khác biệt cơ bản của Tết cổ truyền Việt Nam với Tết dương lịch.

Và ngay cả trong thời công nghiệp hóa, việc ngủ đông cho công nghiệp tại Việt Nam và các nước Á Đông vẫn phải diễn ra, vì khi thiên tai, lụt lội, người ta buộc phải dừng tạm thời qui trình sản xuất để đợi thời tiết vãn hồi.

Có người luận giải theo lịch pháp, bảo rằng một năm 365 cộng ¼ ngày của dương lịch phù hợp với chu kỳ trái đất quay quanh mặt trời hơn chu kỳ lịch âm có tháng nhuận mỗi bốn năm. Lập luận kiểu này thì rõ ràng không biết gì về lịch pháp. Bởi thời tiết, thời vụ và thiên tai không theo chu kỳ trái đất quay quanh mặt trời mà biến động theo chu kỳ mặt trăng quay quanh trái đất. Nếu nói thời tiết biến động theo chu kỳ trái đất quay quanh mặt trời thì đến Tết dương lịch phải là mùa xuân, cây đâm chồi nảy lộc, hoa trái bắt đầu đơm bông, vạn vật bừng tỉnh… Nhưng thử nghĩ có Tết dương lịch nào có được thời tiết, không khí như Tết cổ truyền – Tết Nông Lịch – chưa?! (Kể cả Tết dương lịch ở các nước phương Tây).

Vấn đề còn rất dài, nhưng tôi chỉ xin dừng ở những luận điểm ngắn và khái quát về vấn đề cái lợi, cái hại trong chọn ăn Tết theo lịch dương và bỏ đi Tết cổ truyền. Và với Việt Nam, giả sử như bỏ thêm 10 ngày ăn Tết thì mất gì? Và đổi 10 ngày ăn Tết đó để tiếp tục lao vào làm việc thì được gì? Chắc câu trả lời đã rõ, không cần bàn thêm!