You are here

Đại hội XIII - Màn diễn không trọn vẹn

Đại hội thứ XIII của ĐCSVN bắt đầu từ 25 tháng Giêng năm 2021 và kết thúc ngày 01 tháng Hai năm 2021. Sau tám ngày làm việc, ĐCSVN đã trình ra toàn bộ [1] danh sách BCH Trung Ương ĐCSVN, trong đó có 18 người nằm trong Bộ Chính trị.
 
Theo thông tin rộng rãi trên các mặt báo, ông Nguyễn Phú Trọng được bầu chọn làm Tổng Bí thư của ĐCSVN.
 
Tuy vi phạm điều 17 điều lệ ĐCSVN quy định Tổng Bí thư không được giữ chức vụ này quá 2 lần liên tiếp nhưng tiền lệ này đã được tạo ra từ lâu, bởi ông Lê Duẩn.
 
Theo wikipedia, ông Duẩn là người nắm chức vụ Tổng Bí thư dài nhất trong lịch sử ĐCSVN, từ 1960 đến 1986. Vị chi là 25 năm 303 ngày. Ngày 10 tháng Bảy năm 1986 ông Duẩn qua đời và đó cũng là ngày ông ta chấm dứt nhiệm vụ Tổng Bí thư. Ông Lê Duẩn thọ 79 tuổi, bằng đúng số tuổi của ông Hồ Chí Minh, theo lịch sử ĐCSVN.
 
Ông Trọng bắt đầu làm Tổng Bí thư từ năm 2011. Nếu không có gì thay đổi, ông Trọng sẽ chấm dứt nhiệm kỳ thứ ba trong vai trò Tổng Bí thư vào lúc 81 tuổi.
 
Báo Thanh Niên số ra ngày 01 tháng Hai năm 2021 cho hay [2] Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Bản thân tôi không được khoẻ lắm, tuổi cũng cao, tôi cũng xin nghỉ rồi nhưng Đại hội bầu vẫn phải làm. Mình là đảng viên thì phải chấp hành, tôi sẽ cố gắng hết sức. Một cá nhân có vai trò quan trọng nhưng cũng chỉ là một cá nhân thôi. Làm được hay không phải là tập thể, phải đoàn kết thống nhất, trên dưới một lòng, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thống nhất”.
 
Sau khi ông Nguyễn Phú Trọng được nội bộ ĐCSVN chính thức công bố tiếp tục vai trò Tổng Bí thư, dư luận xã hội chê bai ông ta tham quyền cố vị trong khi sức khỏe đã quá yếu, đặc biệt là việc đi lại rất khó khăn sau kỳ đột quỵ, khi công tác tại Kiên Giang năm 2019.
 
So sánh với ông Lê Duẩn, ông Trọng cho thấy bản thân mình đang noi gương tiền bối. Bên cạnh đó, sưu tầm trên mạng cho thấy [3] "Mẫu lời tuyên thệ" đã xác nhận tại mục 1: "Tuyệt đối trung thành với mục đích và lý tưởng của Đảng. Tham gia đầy đủ, chấp hành cương lĩnh chính trị, nghị quyết, chỉ thị, điều lệ của Đảng, của pháp luật. Thực hiện và hoàn thành tốt nghĩa vụ được giao, tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh, điều động và phân công của Đảng".
 
Như vậy, việc ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục nhậm chức Tổng Bí thư không phải là không có tiền lệ. Chủ trương của người CSVN đã có từ lâu: ĐCSVN là trên hết. Điều này có nghĩa mọi vấn đề liên quan đến luật hoàn toàn được "vận dụng sáng tạo" trong mọi hoàn cảnh.
 
Tập Cận Bình chính thức đảm nhiệm vai trò Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước CHNDTH từ tháng Ba năm 2013. Ông Tập được thế giới nhìn nhận thành công với quá trình thâu tóm quyền lực êm đẹp. 
 
Ông Nguyễn Phú Trọng kiêm nhiệm chức danh Chủ tịch nước CHXHCNVN ngày 3 tháng Mười năm 2018, sau khi ông Trần Đại Quang đột ngột qua đời vào ngày 21 tháng Chín năm 2018.
 
Danh sách mới nhất với 4 nhân vật đứng đầu trong Bộ Chính trị khóa XIII do cổng thông tin điện tử Chính phủ đăng tải, gồm:
 
1. Nguyễn Phú Trọng
2. Nguyễn Xuân Phúc
3. Phạm Minh Chính
4. Vương Đình Huệ.
 
Theo cách trình bày nhiều năm, qua các kỳ đại hội đảng trước đây, dư luận đều tin chắc, ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ giữ chức Chủ tich nước, ông Phạm Minh Chính sẽ là Thủ tướng và ông Vương Đình Huệ sẽ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Quốc hội.
 
Đại hội lần thứ XIII của ĐCSVN cho thấy ông Nguyễn Phú Trọng đã không thành công như ông Tập Cận Bình, trong vấn đề thâu tóm quyền lực. Đây cũng là điểm khác biệt căn bản nhất và quan trọng nhất của ĐCSVN so với ĐCSTQ. Bởi hầu hết các quốc gia không theo Chủ Nghĩa Xã Hội, chỉ tiếp đón người đại diện cho dân. Ngoại trừ cựu Tổng thống Obama đã đón tiếp ông Trọng trong vai trò Tổng Bí thư ĐCSVN vào tháng Bảy năm 2015 tại phòng Bầu Dục - Nhà Trắng.
 
Trong cuộc gặp, ông Trọng cho biết [4]: "Có lẽ cách đây 20 năm không ai có thể hình dung được rằng hôm nay, tại phòng Bầu dục, Nhà Trắng lại có cuộc gặp rất thú vị giữa Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam với Tổng thống Hoa Kỳ".
 
Có thể do vấn đề sức khỏe yếu kém và việc đi lại khó khăn, nội bộ người CSVN đã cân nhắc trí tuệ đi kèm thể lực, cho nên dù ông Trọng rất uy tín nhưng việc tái nhậm chức Tổng Bí thư là chỉ dấu quan trọng cho thấy khả năng xuất ngoại của ông ta không còn nữa.
 
Giống như trong một gia cảnh tam đại đồng đường, khi mọi việc không được xuôi chèo mát mái suốt nhiều năm và "không ai chịu ai" giữa các anh em, người ta thường nói nhằm để kiềm chế xung đột: "Muốn gì thì muốn, ba còn có đó" - Tựa như cây cổ thụ đã mục ruỗng gần gãy đổ nhưng nó vẫn là chỗ dựa tinh thần cho "anh em một nhà" lấy đó làm gương. Hình ảnh đó gợi cho dư luận về một hoàn cảnh buồn thảm trong sự bế tắc giải quyết quyền lợi giữa anh em với nhau.
 
Điều gây bất ngờ lớn trong kỳ đại hội này, lại chính là sự rơi tõm không còn chút tăm hơi của ông Trần Quốc Vượng, người đã thay mặt [5] Bộ Chính trị ký ban hành kết luận về tiếp tục thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể vào ngày 27 tháng Ba năm 2020. Trong đó, ông Vượng yêu cầu đưa nội dung phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã vào giảng dạy trong hệ thống các trường chính trị, các cơ sở đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân.
 
Sự thất bại của ông Vượng trong kỳ đại hội này, cho thấy kinh tế hợp tác xã - một mô hình gây kinh hoàng và ám ảnh người Việt Nam suốt hàng chục năm - đã không còn chỗ đứng, ngay trong trí não của đa số người CSVN.
 
Kết
 
Nhìn chung kỳ đại hội đảng lần thứ XIII của ĐCSVN, người quan sát có chung nhận xét: Bế tắc về nhân sự và cũ mòn về đường lối.
 
Những nhân sự khác trong danh sách Ban Chấp hành Trung ương nói chung và trong Bộ Chính trị nói riêng, đại đa số đều giống nhau về phẩm chất chung được đại diện tại điều 1 điều lệ ĐCSVN: "Suốt đời phấn đấu cho mục đích, lý tưởng của Đảng".
 
Mô hình và con người của ĐCSVN vẫn không có gì thay đổi, kể từ khi Hoa Kỳ bãi bỏ cấm vận, mặc dù người CSVN vẫn luôn luôn mong muốn "hội nhập thế giới".
 
Báo Nhân Dân cho biết [6]: Ngày 16 tháng Giêng năm 2021,  Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) chưa đề xuất việc Chính phủ Hoa Kỳ áp thuế hay sử dụng các biện pháp trừng phạt đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, mặc dù trước đó Việt Nam đã bị liệt vào danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ.
 
Trong danh sách Bộ Chính trị kỳ này, gồm 18 người, trong đó có sự hiện diện của ông Trần Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ Công Thương kiêm Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương - đứng vị trí 17. Việt Nam bị liệt vào danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ sẽ là một thử thách quan trọng đối với ông Trần Tuấn Anh trong tư cách Ủy viên Bộ Chính trị. Không có căn cứ để tin Việt Nam sẽ được chính quyền của tân Tổng thống Biden đưa ra khỏi danh sách sớm.
 
Theo nguyên tắc bất di bất dịch "tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách", với số chẵn 18 vị trong Bộ Chính trị, có lẽ sẽ khó khăn trong trường hợp cần tìm kiếm phần đa số cho các quyết sách quan trọng của ĐCSVN.
__________________
 
Nguyễn Ngọc Già