You are here

Doanh nhân và con buôn

Người kinh doanh, dù lớn hay nhỏ vẫn phải hiểu đó là người đang làm công việc của một doanh nhân. Nhưng, thế nào là doanh nhân? Và doanh nhân khác với con buôn như thế nào? Đây là điểm cơ bản để nói về một nền kinh tế mà nhìn từ bên ngoài, có vẻ như rất ổn định sau những biến cố như đại dịch Covid-19, thiên tai khắp ba miền đất nước…

Trước nhất, doanh nhân không phải là con buôn và con buôn mãi mãi không phải là doanh nhân. Không cần bàn đến anh/chị/ông/bà/cậu/mợ… ấy buôn thứ gì, lớn hay nhỏ, mà vấn đề là hàm lượng đạo đức được pha tỉ lệ cao hay thấp trong quá trình hoạt động của nhà buôn. Một nhà buôn có hàm lượng đạo đức lớn trong quá trình hoạt động sẽ được gọi là doanh nhân, ngược lại, một doanh nghiệp (không hẳn của doanh nhân và chưa chắc có các doanh nhân) sẽ mãi mãi đứng ở vị trí con buôn cho dù doanh nghiệp đó phát triển lên cấp độ tập đoàn, siêu tập đoàn nhưng hàm lượng đạo đức kinh doanh quá thấp thì nó mãi mãi chỉ dừng ở vị trí con buôn.

Và đương nhiên, một khi xét về mặt đạo đức nhà buôn để xếp vào diện doanh nhân hay con buôn, người ta không thể bỏ qua bất kì dấu hiệu, chi tiết hay tình huống liên quan đạo đức nghề nghiệp. Bởi chữ doanh nhân cách xa chữ con buôn một trời một vực. Công việc của doanh nhân là một loại hình công việc xã hội có hàm chứa tính người, ngược lại, công việc của con buôn là một loại hình công việc trong xã hội có thể không bàn đến tính người và tồn tại tùy nghi thích ứng, cũng có thể bị xã hội đào thải một sớm một chiều nếu như nó không biết tự thích ứng cho phù hợp.

Điều đáng buồn là thực trạng hiện nay, cách hành xử của hơn 90% doanh nghiệp Việt Nam lại là cách hành xử của con buôn và họ luôn dừng ở tương quan doanh nghiệp – con buôn chứ chưa bao giờ bước vào bục của doanh nghiệp – doanh nhân. Vì sao? Vì hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là lúc này, sau hàng loạt biến cố về thiên tai và đại dịch, vốn liếng có phần cạn, nguồn kinh doanh cũng khô, mọi tâm tính doanh nghiệp nổi lên như một thứ cơ chế đề kháng. Nếu doanh nghiệp là của doanh nhân hoặc của nhiều đoanh nhân thì căn tính thiện lành sẽ nổi trội, cách hành xử của doanh nghiệp sẽ làm cho xã hội thán phục, cảm động. Ngược lại, nếu doanh nghiệp chỉ chứa toàn những bộ não con buôn thì chắc chắn khi có biến cố, tâm tính con buôn nổi lên, mọi hành xử của doanh nghiệp sẽ có khuynh hướng bịp bợm, lừa đảo, gây chán ngán.

Ở các nhóm doanh nghiệp lớn nhất và các nhóm cũng không kém phần lớn, đó là nhóm ngân hàng, nhóm hàng không và nhóm du lịch, nhóm kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xe máy, ô tô… đó là những nhóm doanh nghiệp mũi nhọn của Việt Nam, sự thành bại có họ có quyết định rất lớn đến phát triển đất nước. Thế nhưng ngành ngân hàng và ngành hàng không chưa bao giờ cho thấy được tư cách doanh nhân của họ, ngành du lịch và kinh doanh bảo hiểm cũng chưa bao giờ cho thấy họ là doanh nhân, mà họ là những con buôn không hơn không kém. Vì sao?

Vì đạo đức, tư cách và phẩm chất của một doanh nghiệp dựa vào những kết quả có được sau các tương tác kinh tế giữa doanh nghiệp đó với đối tác cũng như các hoạt động ngoại biên có liên quan đến nhân quần bởi đoanh nghiệp. Đương nhiên, mục đích của doanh nghiệp là thu lợi nhuận, nhưng nếu như các mục tiêu của doanh nghiệp chỉ là lợi nhuận, lợi nhuận, tiền, tiền và bất chấp mọi thứ để đạt được, thì bản chất doanh nghiệp đó là con buôn cho dù tập đoàn các con buôn đó có mở rộng sang nước ngoài. Câu nói “Việt Nam cần thép hay cần cá?” của người đại diện Formosa khi biển miền Trung bị nhiễm độc do công ty này xả thải là một ví dụ. Rõ ràng, tư cách của Formosa chỉ dừng ở mức một con buôn, léo hánh, giảo hoạt và bất chấp, đạp qua đạo đức để thu lãi mặc dù tập đoàn mẹ của Formosa là một tập đoàn đa quốc gia.

Và không riêng gì Formosa, ví dụ như nhóm các ngân hàng là một nhóm doanh nghiệp lớn, có tính tiên yếu cho phát triển kinh tế Việt Nam. Thế nhưng có bao nhiêu khách hàng gởi tiền tiết kiệm trong ngân hàng bị mất mà không đòi được, có bao nhiêu dân oan hình thành từ một chủ nợ của ngân hàng sau đó trở thành trắng tay do lỗi ngân hàng, có bao nhiêu ngôi nhà bị hóa giá với mức rẻ mạt sau khi đáo hạn ngân hàng mà con nợ không có khả năng trả và rơi vào cảnh màn trời chiếu đất, rày đây mai đó…? Và các giới chức, trí thức có liên quan ngành ngân hàng đã nói gì về tình trạng khách hàng mất tiền khi gởi tiết kiệm? Họ đã nói rằng khách gởi tiết kiệm mà mất tiền là do 70% lỗi tại khách, 30% lỗi tại ngân hàng, hoặc nói rằng có như vậy cho khách rút kinh nghiệm, bỏ tính tham lam… Tất cả các kiểu nói lật lọng trên và các hành xử (lật lọng) nhằm khắc phục sự cố đã gây ra cho khách hàng từ phía ngân hàng đều cho thấy ngành ngân hàng không có đạo đức doanh nhân, họ cũng chỉ là con buôn nhỏ lẻ!

Ngành hàng không, doanh nghiệp của ngành này được xếp vào diện cá mập, nhưng họ có tư cách doanh nhân chưa? Xin thưa là chưa! Với tất cả mọi phàn nàn từ khách hàng có liên quan đến chính sách vé và các hành xử đối với hành lý của khách, cụ thể là cách cân trọng lượng hành lý bất minh và gian lận của các hãng bay cho thấy doanh nghiệp hàng không hành xử nặng tính con buôn. Khi đến mùa đại dịch, đương nhiên các nhóm ngành nghề đều bị ngưng trệ, đóng băng, hàng không cũng không ngoại lệ. Và khi mở chuyến bay, Việt Nam Airline đã vô tình mang về một đợt dịch Covid-19 khiến cho thành phố Hồ Chí Minh lại một lần nữa phải báo động phòng chống dịch. Rõ ràng đây là vấn đề sống còn, người dân trông chờ một lời xin lỗi thành khẩn từ các lãnh đạo ngành hàng không và những biện pháp chung tay khắc phục hậu quả từ họ. Nhưng, ở đây, họ đã để các nhân viên của ngành nói như ông tướng, ngoài chuyện kể khó, kể khổ, kể công, họ còn tỏ ra trách móc ngược lại xã hội. Hành vi này cho thấy ngành hàng không chưa có phông văn hóa doanh nhân mà chỉ dừng ở những tiểu xảo con buôn.

Như vào tháng Tư năm 2020, không ít khách hàng của Vietjet Air phàn nàn khi hãng này hủy các chuyến bay trong dịch Covid-19 nhưng không hoàn trả mà "giam" tiền vé trong tài khoản bảo lưu.

Gần đây nhất là phàn nàn của facebooker Nhà báo Hàn Ni, cô này kể lại sự việc mình phải mua lại vé khác để tiếp tục hành trình của mình bởi vé đã mua trước đó của cô quên ghi họ. Theo lời của cô thì vì ‘lỗi của mình’ nên cô mua lại vé với giá cắt cổ vào thời điểm đó là bình thường, tuy nhiên điều đáng bàn là cách hành xử của hãng hàng không. Sau một hồi buộc cô thực hiện nhiều thao tác để đổi vé thì cuối cùng lại thông báo vé bị hủy, cô này cho rằng lý ra phòng chăm sóc khách hàng của hãng bay phải làm mọi cách để giúp đỡ hành khách khi cần thiết chứ không phải “bắt chẹt cái sai của khách để trục lợi, mà không cần kiểm tra. (https://www.facebook.com/nhabaohanni/posts/2831754560371578).

Hành xử của hãng bay có thể nói là hết sức tồi tệ. Bởi mọi điều chỉnh nhằm mang lại quyền lợi cho khách hàng hoàn toàn không diễn ra mà thay vào đó là thế buộc, nói theo kiểu dân con buôn là trong lúc đói kém, ngoạm được miếng nào thì hay miếng đó, khi mà các chuyến bay đều đình trệ thì khách hàng trở thành cục xương béo bở và sự sơ hở của khách hàng là cơ hội để ngoạm tiền. Đây là bản chất con buôn, không có tư cách doanh nhân.

Ngành du lịch cũng vậy, là một ngành mũi nhọn, thế nhưng trong lúc vắng khách, việc bày vẽ ra các công trình phục chế hay bày ra các lễ hội thu hút khách chỉ là trò kiếm tiền, mà tiền ở đây chính là tiền thuế của dân. Thực ra, trong lúc du lịch chưa mở cửa với bên ngoài, việc bày ra các trò sự kiện hay lễ hội chỉ đạt được một mục đích duy nhất là rút tiền ngân sách. Đó là chưa nói đến các tour bị bán, các tour chăm sóc khách như đem con bỏ chợ mà ngành du lịch đã phạm phải trước đây. Nói cho cùng, ngành du lịch cũng chỉ dừng ở mức con buôn và chưa bao giờ đạt được tầm vóc doanh nhân.

Riêng ngành bảo hiểm thì như cái chợ, từ bảo hiểm y tế cho đến bảo hiểm tài sản, các thủ thuật lách luật trong cấp thuốc bảo hiểm, các thủ thuật lách luật để kiếm ăn trong bảo hiểm vỏ xe. Ví dụ như khách hàng mua một chiếc xe mới, mua thêm bảo hiểm tai nạn và bảo hiểm thân xe, hai loại bảo hiểm khác nhau. Ví dụ như bảo hiểm tai nạn thì sẽ được bảo hiểm đền bù khi tai nạn xảy ra, bảo hiểm thân xe thì khi có sự cố, cơ quan bảo hiểm sẽ chịu trách nhiệm phần này. Thế nhưng khách hàng mua xe, mua bảo hiểm cả hai loại, khi bị trầy, bể một phần nào đó trên xe, việc của khách hàng là báo cho cơ quan bảo hiểm biết để họ khắc phục. Đằng này, khi sự cố xảy ra, bên bảo hiểm thân xe đưa thêm một biên bản khai tai nạn cho khách, yêu cầu khách ký vào mà nội dung không ghi gì cả. Khách hỏi thì giải thích rằng cái đó có bên bảo hiểm tai nạn sẽ ghi vào, hiện tại bên bảo hiểm thân xe chỉ có thể làm biên bản về các chỗ hư hại. Rõ ràng, ở đây có sự bất minh, lách luật, đổ tội cho tai nạn và bảo hiểm trên bảo hiểm. Khi bảo hiểm tai nạn gọi điện thoại cho khách thì hỏi tai nạn xảy ra ở đâu, sự việc đá hẳn sang chuyện tai nạn và tuyên bố chỉ hỗ trợ 50% tiền thân xe vì sự việc báo muộn… Có một ngàn lẻ một lý do để chém tiền khách, xe trầy một chút, tút chừng vài trăm ngàn đồng thì nâng giá lên gấp bốn, năm lần, sau đó nói hỗ trợ 50% nhưng thực tế là giá cao gấp đôi ngoài thị trường.

Cách làm việc của ngành bảo hiểm có yếu tố lừa lọc khách hàng, đặc biệt, bảo hiểm nhân thọ, những ai từng tham gia sẽ hiểu được mình bị lừa ra sao. Bởi trong các lớp đào tạo nhân viên tư vấn bảo hiểm, câu mấu chốt mà giáo viên dạy nghiệp vụ bảo hiểm nói với học viên là: “Khi hợp đồng bảo hiểm diễn ra, công ty sẽ là người nắm đằng chuôi và khách hàng là người nắm đằng lưỡi”. Đây là tôn chỉ của ngành bảo hiểm tại Việt Nam. Với thứ tôn chỉ này, ngành bảo hiểm nỗ lực lắm cũng chỉ dừng ở mức con buôn, không thể có những doanh nhân.

Và còn rất nhiều nhóm ngành mà đụng tới thì chỉ thấy tính con buôn, chẳng thấy tính doanh nhân!

Bởi vậy, hai chữ Doanh Nhân lớn lắm, nó bao gồm Tính Người cộng với Hoạt Động Kinh Doanh. Những hoạt động kinh doanh không nhân bản, không có lợi cho nhân quần và chỉ biết lợi nhuận và lợi nhuận, bất chấp… Thì chắc chắn chỉ là con buôn.

Với một đất nước có quá nhiều doanh nghiệp mang bản chất con buôn thì nên lo hơn là vui, cho dù kinh tế có phát triển chăng thì nền tảng của nó vẫn không phải là phát triển tiến bộ, văn minh, mà đang đi thụt lùi, đang dày xéo đạo đức và văn hóa. Và cái ổn định nhìn thấy, chỉ là cái vỏ mục ruỗng, rất khó lường!