You are here

Từ Quyết định 1722/QĐ-TTg về việc ban hành danh mục bí mật nhà nước của đảng tới Trung tâm xử lý tin giả

Ảnh của nguyenvubinh

     Trong vòng vài tháng qua nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã ban hành một quyết định và thành lập một Trung tâm xử lý tin giả, hai sự việc có ảnh hưởng rất nhiều tới tự do ngôn luận và giới hoạt động tại Việt Nam. Bản thân Quyết định 1722-TTg về việc ban hành danh mục bí mật nhà nước của đảng đã tạo ra sự thắc mắc cũng như sự vô lý về nội dung mà nhiều người thấy rõ. Những nội dung hoạt động của một đảng chính trị, lại trở thành bí mật nhà nước, và sử dụng để chế tài những người đưa thông tin về hoạt động của đảng cộng sản. Nhiều ý kiến phản đối và phân tích sự vô lý đã xuất hiện trên cộng đồng mạng. Nhưng cũng như tất cả những vấn đề khác được phản biện, đảng cộng sản và nhà cầm quyền không hề quan tâm. Việc thành lập Trung tâm xử lý tin giả cũng có cùng mục đích ngăn chặn và hạn chế ảnh hưởng của mạng xã hội và giới phản biện, nhưng ít nhất nó còn có vỏ bọc khá hợp lý. Đó là những công cụ tiếp theo Luật An ninh mạng sử dụng để chế tài giới đấu tranh ở Việt Nam.

     Sau một thời gian dài các mạng xã hội đi vào hoạt động, hiện ở Việt Nam đã có trên 60 triệu tài khoản Facebook. Những lợi ích của mạng xã hội đã mang lại nhiều hiểu biết cho người dân cũng như phản ánh tất cả những bất cập về mọi mặt của chế độ độc tài cộng sản. Nhà cầm quyền sau một thời gian cũng đã nhận ra tác hại khôn lường của mạng xã hội đối với việc bảo vệ, duy trì chế độ độc tài toàn trị nên đã có những bước đi và hành động ngăn chặn, giảm thiểu những tác hại đó. Luật An ninh Mạng năm 2018 là một cộng cụ quan trọng nhắm vào giới đấu tranh. Tuy nhiên, ngoài giới đấu tranh còn rất nhiều người dân, thậm chí cả những người trong hệ thống đã nói ra những sự thật, đã nêu lên ý kiến cá nhân của mình về các vấn đề xã hội. Những điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ tới việc duy trì trật tự và quyền lực của đảng cộng sản. Chính vì vậy, cần phải có thêm các công cụ khác, ngoài luật An ninh Mạng để ngăn chặn và chế tài những người cất lên tiếng nói của sự thật và tâm huyết.

     Nhưng tại sao nhà cầm quyền lại đưa ra một văn bản (Quyết định 1722-TTg) mà ngay cả logic hình thức cũng không bảo đảm, tức là những hoạt động của một đảng chính trị lại là bí mật quốc gia? Lý do là quá trình thống trị người dân hơn 70 năm qua, vai trò của đảng cộng sản quá lớn bao trùm nhà nước và hiển nhiên đã dẫn tới việc không ai phân biệt được đó là hai thực thể khác nhau. Trong hệ thống toàn trị, nếu như có ai đó phát hiện ra sự khác biệt và mâu thuẫn logic hình thức cũng không dám lên tiếng để ngăn cản và chỉnh sửa. Đối với người dân, cũng chỉ mới gần đây thôi (chục năm trở lại), tiếp xúc với những kiến thức về nhà nước, pháp luật, đảng phái mới hiểu được vấn đề. Quan trọng hơn, mạng xã hội đã tạo điều kiện cho người dân chia sẻ những hiểu biết và thấy rõ sự vô lý này. Với nhận thức của nhân dân ngày càng được nâng cao, nhưng nhà cầm quyền vẫn bất chấp đưa ra các quyết định, quy định và luật pháp hoàn toàn trái nguyên tắc của nhà nước pháp quyền, trái lý lẽ và logic thông thường chứng tỏ họ chỉ quan tâm tới việc duy trì chế độ độc tài và thống trị người dân.

     Đối với Trung tâm xử lý tin giả, những người hoạt động trên mạng xã hội lâu năm đều không quan tâm bởi họ biết chủ thể nào, ai là người xác định và kiểm duyệt tin tức cũng như mục đích của việc tạo ra trung tâm xử lý tin giả là gì. Đã từ lâu, tính trung thực xã hội đã hoàn toàn biến mất trong chế độ cộng sản, các chế độ cộng sản bản chất là các chế độ dối trá, chính vì vậy họ sợ nhất là sự thật. Tóm lại, tin giả là đặc trưng của các chế độ cộng sản. Diễn giải một cách dễ hiểu, khi không có chủ thể nào đủ tin cậy đứng ra xác nhận các thông tin thì mỗi một con người đều có thiên hướng đưa ra các giả thuyết kèm theo là các tin tức, sự kiện họ tự tạo ra để chứng minh cho các giả thuyết của mình. Như vậy, trong một chế độ có bản chất và đặc trưng là dối trá, trung tâm xử lý tin giả chỉ còn là công cụ để chế tài với mục đích ngăn chặn và hạn chế người dân tiếp cận sự thật để bảo đảm và duy trì độc quyền lãnh đạo của đảng.

     Với sự đàn áp khắc nghiệt phong trào dân chủ thời gian qua, đảng cộng sản vẫn chưa yên tâm khi mạng xã hội vẫn hàng ngày hàng giờ nâng cao nhận thức của người dân và phơi bày những sự thối nát, xấu xa của chế độ và cán bộ, nhà cầm quyền cộng sản lại tiếp tục tạo ra các công cụ để bóp nghẹt tự do ngôn luận, sự phản biện của người dân và giới đấu tranh. Tuy nhiên, với lực lượng quá lớn của những người tham gia mạng xã hội, nhà cầm quyền chỉ hạn chế được phần nào có lẽ rất nhỏ bé của cộng đồng mà thôi. Xu hướng tự do của con người nói chung không cho phép bất cứ ai có thể ngăn chặn triệt để được tiến trình này./.

Hà Nội, ngày 18/01/2021

N.V.B